Xã luận: Đến bao giờ người dùng Facebook mới cảm thấy an toàn?

17 Tháng Mười, 2018 | Bình Luận
Photo Courtesy: Reuters

Hồi tuần qua, hơn 50 triệu người dùng Facebook lại một lần nữa bị tin tặc (hackers) tấn công. Đây là sự việc mới nhất trong một chuỗi những lỗi nghiêm trọng khiến người ta nghi ngờ về gã khổng lồ mạng xã hội này cũng như tương lai đối với mô hình kinh doanh của Facebook.

Phải cho tới hôm thứ Sáu thì hãng này mới đưa ra thông báo cho biết các nhà lập trình đã giải quyết được lỗi hệ thống, cái đã tạo điều kiện cho tin tặc nắm quyền kiểm soát các tài khoản của người dùng từ đầu tuần. Sự việc đã khiến giá cổ phiếu Facebook sụt 2.6 phần trăm, dẫn đến tổng mức giảm 6.8 phần trăm trong năm nay.

Chúng ta hẳn vẫn còn nhớ những sự việc trước đây khiến Facebook khốn đốn với các phiên điều trần gắt gao cũng như sự tức tối từ các chủ tài khoản Facebook, bao gồm các vụ rò rỉ thông tin người dùng, vi phạm an ninh và lan truyền thông tin sai lệch.  Sự việc trong tuần qua còn làm trầm trọng thêm mối lo ngại rằng Facebook đã thu thập quá nhiều thông tin cá nhân nhưng không coi sóc nó một cách cẩn thận. Đối với mạng xã hội này, dữ liệu người dùng (personal data) là mạch máu cho lợi nhuận từ các hoạt động kinh doanh quảng cáo, do đó những sơ suất dù là nhỏ nhất từ việc quản lý dữ liệu cũng có thể khiến công ty này mất đi một nguồn thu lớn.

Vậy câu chuyện tuần trước diễn ra như thế nào? Trong thiết lập Facebook có một nhiệm vụ gọi là “View As”, cho phép chủ tài khoản xem trang cá nhân của mình từ vai trò là một người khác. Tuy nhiên lỗ hổng trong cài đặt này đã tạo cơ hội cho tin tặc ăn cắp các dữ liệu đăng nhập và có thể nắm quyền kiểm soát tài khoản. Tưởng tượng một trong 50 triệu nạn nhân bị ảnh hưởng trong sự việc này, bạn có thể đối mặt với những hệ lụy ngoài tầm kiểm soát như: bị người khác dùng Facebook của mình gửi tin nhắn đến người thân, bạn bè để xin tiền hay nói xấu; bị công bố những thông tin cá nhân mà mình không muốn tiết lộ; bị tin tặc nắm những thông tin quan trọng của mình và gửi thư nặc danh đe dọa… Quả thật khó lường.

Trên một mạng xã hội mà ở đó bạn (dù muốn hay không muốn) cung cấp quá nhiều thông tin cá nhân, ở đó việc bạn đi đâu, làm gì, nói gì, ăn gì, thích gì, quan tâm những nội dung gì trên internet đều được thu nhận và tập hợp lại, cụm từ “riêng tư – privacy” hẳn không tồn tại. Với vụ bê bối Cambridge Analytica từ đầu năm nay liên quan đến việc Facebook trao thông tin của khoảng 85 triệu người dùng cho một bên thứ ba, nhiều người đã sửng sốt nhận ra Facebook nắm toàn bộ dữ liệu và có thể trao đi để đổi lấy lợi nhuận bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, phần lớn mọi người cũng nhanh chóng quên đi và tiếp tục đăng nhập Facebook, bởi không nhìn thấy tác động tiêu cực trực tiếp đáng kể nào đối với bản thân mình.

Nhưng đến câu chuyện lần này, hậu quả nghiệm trọng hơn không chỉ còn trong dự đoán mà đã xảy ra trong thực tế, đó là đối tượng thứ ba nắm quyền kiểm soát tài khoản của người dùng, truy cập vào toàn bộ thông tin riêng tư, và có thể giả danh để làm bất cứ điều gì. Cho đến nay nhà điều hành Facebook vẫn không biết ai đứng sau vụ tấn công phức tạp và quy mô này. Duy chỉ chắc chắn một điều, những kẻ tấn công này có đủ tiềm lực để tìm ra những lỗ hổng nhỏ nhất trong hệ thống và sử dụng chúng một cách tinh ranh. Nếu các nhà lập trình Facebook không nhanh chóng tìm ra những lỗi tiềm ẩn cũng như xây dựng một hệ thống bảo vệ người dùng một cách kiên cố hơn, những vụ tấn công khác trong tương lai hoàn toàn co thể xảy ra.

Trong bối cảnh truyền thông thay đổi không ngừng với sự phát triển của công nghệ, Facebook – hiện đứng vị trí đầu bảng trong các mạng xã hội với hơn 2 tỷ người dùng toàn thế giới, cũng có thể đối mặt với việc bị thay thế bất cứ lúc nào. Nhìn vào những gã khổng lồ truyền thông như Yahoo hay MySpace từng một thời làm mưa làm gió nhưng giờ đã lùi vào dĩ vãng, có thể thấy không có đế chế nào có thể đảm bảo ngôi vị mãi mãi. Nếu  không tìm cách để lấy lại niềm tin của người dùng và tái cấu trúc mô hình, sự ra đi của Facebook liệu cũng chỉ là vấn đề thời gian?

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1697 phát hành ngày 03.10.2018)