Nam sinh phát hiện hóa thạch tổ tiên xưa nhất của loài người?

10 Tháng Mười Một, 2017 | Chuyện lạ bốn phương
Những chiếc răng nhỏ được cho là của một loài động vật có vú có hình dáng giống chuột. Photo Courtesy: PA

Một sinh viên ở Anh đã khiến giáo sư của mình phải há hốc mồm khi anh phát hiện 2 chiếc răng hóa thạch có niên đại 145 triệu năm. Chúng thuộc về loài động vật có vú được cho là tổ tiên cổ xưa nhất của loài người.

Hóa thạch được một trong số các sinh viên của tiến sĩ Steve Sweetman tại Trường đại học Portsmouth (Anh) phát hiện tại một địa điểm ở gần thị trấn ven biển Swanage thuộc hạt Dorset của Anh, theo Daily Mail.

Tiến sĩ Sweetman kể lại rằng ông đã há hốc mồm khi một trong số các sinh viên đã gọi ông đến để quan sát mẫu hóa thạch. Nam sinh phát hiện ra hóa thạch là Grant Smith.

Loài động vật có vú cổ xưa này sống cùng thời với khủng long. Chúng có kích thước nhỏ, hình dáng giống như chuột, chạy bằng 4 chân và nhiều khả năng là sống về đêm.

Các nhà nghiên cứu tin rằng đây là tổ tiên cổ xưa nhất từng được phát hiện của hầu hết các loài có vú ngày nay, từ con người đến cá voi xanh, theo AP.

Hai chiếc răng được cho là thuộc về 2 chủng khác nhau của loài động vật có vú cổ xưa này. Con có kích thước nhỏ hơn có thể ăn côn trùng, còn con lớn hơn chủ yếu ăn thực vật. Chúng lần lượt được đặt tên là Durlstotherium newmani và Durlstodon Ensomi, theo Daily Mail.

Khu vực Grant Smith và các bạn học phát hiện chiếc răng còn được gọi là Bờ biển kỷ Jura vì nơi này từng phát hiện rất nhiều hóa thạch khủng long

Theo Thanh Niên