Phát hiện núi cao hơn Everest nằm sâu trong lòng đất?

21 Tháng Hai, 2019 | Chuyện lạ bốn phương
Everest được tôn vinh là ngọn núi cao nhất thế giới. Photo Courtesy: Reuters

Theo một nghiên cứu mới công bố, những ngọn núi cao hơn núi Everest và gồ ghề hơn cao nguyên Tây Tạng có thể đang nằm sâu dưới bề mặt trái đất.

Các nhà khoa học đến từ Viện Trắc địa và Địa vật lý (Trung Quốc) và Trường ĐH Princeton (Mỹ) đã sử dụng dữ liệu sóng địa chấn thu được từ trận động đất khủng khiếp ở Bolivia vào năm 1994 để phân tích một lớp đá nằm cách bề mặt trái đất khoảng 660 km, thường được gọi là “ranh giới 660 km”, theo trang Science Daily (Mỹ).

Các nhà khoa học khẳng định phương pháp nghiên cứu này đòi hỏi một trận động đất cực mạnh và trận động đất nói trên có cấp độ mạnh thứ hai từng được ghi nhận – từ 7,5 đến 8 độ Richter. “Bạn cần một trận động đất quy mô lớn và sâu đến mức có thể khiến cả hành tinh rung lắc…” – cô Jessica Irving, thành viên nhóm nghiên cứu tại Trường ĐH Princeton, cho biết.

Để phân tích ranh giới 660 km, nhóm nghiên cứu sử dụng siêu máy tính Tiger của Trường ĐH Princeton để phân tích dữ liệu sóng địa chấn của trận động đất năm 1994. Kết quả là họ không khỏi sửng sốt khi phát hiện độ gồ ghề của địa hình nằm sâu trong lòng đất này. 

Theo một số chuyên gia, phát hiện này cung cấp một số thông tin thú vị về địa chất và lịch sử hình thành trái đất. “Họ phát hiện địa chất nằm sâu trong lòng đất phức tạp chẳng kém địa chất trên mặt đất” – chuyên gia Christine Houser tại Viện Công nghệ Tokyo (Nhật Bản) cho hay.

Kết quả công trình nói trên có thể giúp hiểu biết chính xác hơn về cấu trúc lớp phủ trái đất. Trong suốt nhiều năm, giới khoa học tranh cãi về tầm quan trọng của ranh giới 660 km cũng như liệu chúng có ảnh hưởng đến đối lưu nhiệt bên trong hành tinh chúng ta hay không. Các nghiên cứu trước đây gợi ý rằng hai lớp của lớp phủ trái đất là đồng nhất hoặc không giống nhau về mặt hóa học. 

Theo NLĐ