Khi “Nữ quân nhân” đòi làm “Chiến sĩ gái”

05 Tháng Năm, 2016 | Phiếm luận

 

Hình minh họa: Nữ quân nhân tập trận với các nam quân nhân. Photo: natoassociation.ca

 
Vừa qua, việc cho phép các nữ quân nhân Úc được quyền xông pha nơi tuyến đầu lửa đạn đã lại trở thành đề tài tranh luận, và theo giới quan sát, rất có thể lần này chị em sẽ thắng. Tức là được quyền trở thành một “chiến sĩ tiền tuyến” (front-line soldier) với đầy đủ ý nghĩa – mà trong nước người ta gọi là “chiến sĩ gái”.

Trước khi bàn về khả năng “thắng” của chị em, xin nói sơ qua về những giới hạn quy định cho nữ quân nhân ở Úc từ trước tới nay.

Thoạt tiên (trước Đệ nhị Thế chiến), các cô gái Úc chỉ được phép phục vụ trong các đơn vị quân y (nursing and medical group) với tư cách Nữ trợ tá. Khi xảy ra thế chiến, để cho các nam quân nhân được rảnh tay đánh giặc, ngày 13/8/1941 Nội các Chiến tranh đã chấp thuận việc thành lập ngành Nữ phụ lực quân Úc (AWAS: Australian Womens Army Service) để phục vụ tại nội địa Úc – thường là trong các đơn vị hành chánh, hậu cần, tiếp liệu, truyền tin…, trừ một số nhỏ trong các đơn vị pháo binh phòng thủ duyên hải và các cơ quan tình báo. Các cô không được phép xuất ngoại và không được phép… lấy chồng!

Năm 1945, lần đầu tiên các nữ phụ lực quân được phép phục vụ tại nước ngoài: hàng trăm cô được đưa tới Tân Ghi-nê (New Guinea), trong đó có không ít cô được vận tải hạm Duntroon chở đi – một sự kiện trái ngược với truyền thống “cấm kỵ đàn bà trên chiến hạm khi ra khơi” của Hải Quân quốc tế!

Cả chục năm sau Đệ nhị Thế chiến, ngành Nữ quân nhân trong Quân Đội Hoàng Gia Úc-đại-lợi mới được chính thức thành lập, gọi là Womens Royal Australian Army Corps. Chỉ nội tên gọi của lực lượng này cũng đủ cho thấy đó là những đơn vị toàn nữ giới. Trong thời gian huấn luyện, các cô được học cách sử dụng vũ khí nhưng sau đó thì không được cầm súng. Nói cách khác, các cô là “nữ quân nhân” (army personnel) nhưng không phải chiến sĩ (soldier). Vì thế, lương bổng cũng ít hơn.

Thời gian trôi qua, cùng với phong trào đòi nam nữ bình quyền vào cuối thập niên 60, các cô đã được hưởng lương căn bản như nam giới (trừ phụ cấp “cầm súng”), và được quyền lấy chồng với điều kiện không sanh con. Như vậy, từ đây lực lượng nữ quân nhân Úc không chỉ có các “cô” mà có cả các “bà”.

Tới cuối thập niên 70, phụ nữ Úc đã được quyền gia nhập một số đơn vị trước kia chỉ dành cho nam giới, nhưng cũng chỉ là những đơn vị không tác chiến (non combat), tức là vẫn không được “cầm súng”.

Hiện nay, các bà cô khi gia nhập quân đội trừ bị, dù là binh sĩ hay sĩ quan, cũng sẽ được huấn luyện y như nam giới, tức là trải qua mọi thử thách về thể lực và học sử dụng đủ mọi loại vũ khí. Thế nhưng sau đó họ cũng chỉ được quyền phục vụ tại các đơn vị không tác chiến. Khi các đơn vị này được đưa ra mặt trận để làm nhiệm vụ yểm trợ các đơn vị tác chiến, chẳng hạn tại vùng Vịnh, vì tình hình nguy hiểm, họ cũng được trang bị súng đạn nhưng chỉ với mục đích để tự vệ trong trường hợp bị địch tấn công mà thôi. Nói cách khác, các bà các cô dù trong một số trường hợp đã được “ngồi lên trên” (on top – nắm giữ chức vụ chỉ huy) nhưng vẫn chưa được chủ động “cầm súng”!

Vì thế, từ nhiều năm qua, chị em mới nhất quyết đòi hỏi một sự bình đẳng tính phái tuyệt đối trong quân đội: quyền được xông pha nơi tuyền đầu lửa đạn (full front-line duties). Tức là làm “chiến sĩ gái” (female soldier).

* * *

Khi đòi quyền được cầm súng chiến đấu, những chị em thích làm chiến sĩ gái và những người ủng hộ họ đã lập luận: bất cứ những gì đàn ông con trai làm được, họ cũng có thể làm được.

Nếu bỏ qua yếu tố “có bao nhiêu phần trăm làm được”, mọi người trong chúng ta phải đồng ý. Riêng trong lãnh vực binh bị, cổ kim đã chứng minh đàn bà con gái đánh giặc không thua gì đàn ông con trai. Từ đoàn nữ binh Amazons trong trận chiến thành Troy cho tới đoàn nữ binh của Trưng Vương chống lại quân Đông Hán nơi đất Việt, từ nữ anh hùng Jeanne dArc (Joan of Arc) của Pháp tới các nữ tướng Phàn Lê Huê, Hoa Mộc Lan của Tàu; riêng dân Việt thì sau Trưng Trắc – Trưng Nhị còn có Triệu Trinh Nương, Bùi Thị Xuân, v.v…, đều là những vị nữ tướng lẫy lừng. (*)

Nhưng tại sao “làm được” lại không làm hoài mà chỉ thỉnh thoảng mới làm? Câu trả lời rất đơn giản: phụ nữ – không cần biết do Đấng Tạo Hóa sinh ra hay tự nhiên mà có trên hành tinh này – khác đàn ông con trai về cả tinh thần lẫn thể lực. Và những khác biệt đó không thuận lợi cho việc “đánh giặc”.

Tới đây, chị em nào bình tĩnh, sáng suốt, không cho những “khác biệt” này là một sự “thua kém” thì mới nên đọc tiếp bài viết của LNĐ, bằng không sẽ cảm thấy khó chịu và kết tội kẻ hèn này là khinh thường đàn bà con gái.

* Khác biệt về tinh thần:

Người Á đông chúng ta thường than thở con trai nghịch ngợm, phá phách, cũng giống như người Tây phương thường nói “boys will be boys”. Nghịch ngợm, phá phách bắt nguồn từ bản tính dạn dĩ của phái nam – mà các nhà khoa học đã chứng minh là do các kích thích tố nam có trong cơ thể.

Con người được sinh ra với bản chất tốt lành (tính bản thiện) nhưng vì chiến tranh, bắt buộc phải có những người làm công việc chiến đấu. Khi chiến đấu thì phải quên đi tình đồng loại để bắn giết, cho nên người Việt mới có câu “bạc là dân, bất nhân là lính”. Người dân bắt buộc phải tung hô chế độ mới, người lính bắt buộc phải bắn giết đồng loại, nên sự bạc bẽo, bất nhân ấy không thể lên án được.

Vậy phụ nữ sanh ra với bản tính không dạn dĩ như đàn ông con trai thì làm sao có thể chiến đấu (bắn giết) hăng hái bằng những người khác phái? Không thể lấy một vài trường hợp cá biệt như vụ cô Hườn đốt chồng ở Việt Nam, vụ cô vợ của chàng John Wayne Bobbitt cắt chim chồng ở xứ Cờ Huê để kết luận phụ nữ nào cũng gan cùng mình!

Thứ đến là bản tính e lệ. Xem phim Mulan, chúng ta đã thấy nàng Hoa Mộc Lan muốn “chết đứng” khi đang tắm 100% dưới suối và bị các nam đồng đội nhảy xuống tắm chung. Sức mạnh của quân đội là sự đồng nhất và thống nhất (uniform), trong đó có việc tắm chung 100%, nhưng nam nữ mà tắm chung 100% thì sẽ có nhiều “vấn đề”. Ngay cả trong show bậy bạ “Big Brother” việc đó còn bị dư luận lên án thì nói gì tới ở ngoài đời?

Rồi trường hợp chị em bị thương ở những “vị trí kín đáo” mà không có nữ bác sĩ, nữ y tá tại chỗ thì tính sao đây?

Thành thử, cứ tạm cho rằng phụ nữ cũng can đảm như nam giới và muốn xông pha nơi tuyến đầu thì cũng chỉ có thể thành lập những đơn vị tác chiến toàn là “chiến sĩ gái” mà thôi. Nhưng chị em không chịu, nhất định đòi được chung lưng sát cánh với nam giới để phục vụ trong các đơn vị tác chiến.

Tới đây, có thể một số chị em nói rằng “tui không e lệ, tui sẵn sàng tắm chung 100% với các nam đồng đội” thì vẫn còn “vấn đề” nếu như các đực rựa lợi dụng cơ hội này để… “rửa mắt” hoặc đánh thức “con lợn lòng”. Thế là lại phải đẻ thêm một điều luật về quấy nhiễu tình dục (sexual harassment): “cấm chỉ công ngủ mình ên”!

Đó là chưa kể trường hợp phải đánh “sáp-lá-cà”, phải vật lộn với địch, chúng chỉ cần bóp vú một cái là bủn rủn tay chân, còn tinh thần đâu mà chiến đấu?!

Hoặc nếu địch xỏ lá, bắt chước quân của Mã Viện ngày xưa, tụt quần ra khoe “chim” thì cho dù các chiến sĩ gái thời đại không phải kinh hãi như đạo nữ binh của Trưng Vương ngày xưa, chắc chắn họ cũng sẽ bị… phân tâm!

Cuối cùng là bản tính thích làm đẹp. Trong phái nữ nói chung, hiện nay cùng lắm cũng chỉ có các cô gái luyện tập thân hình chuyên nghiệp (body-building) khiến mông ví biến mất, hoặc các cô gái đóng vai “phái mạnh” trong những mối tình đồng phái (lesbian) mới không thích làm đẹp, còn lại tất cả đều ít nhiều thích làm đẹp – đẹp từ ngoài vào trong, từ trong ra ngoài. Như vậy, cho dù các “chiến sĩ gái” không mất thì giờ vào việc trang điểm hay giữ gìn nhan sắc, thân hình, các cô cũng sẽ bị phân tâm trong lúc chiến đấu vì sợ nhan sắc bị hủy hoại, bị thẹo ở cặp trường túc, thậm chí có thể bị mất một trái tuyết lê hay một bên mông vì hòn tên mũi đạn!

* Khác biệt về thể chất:

Trước hết nói vể thể lực. So sánh một cách chung chung, phụ nữ không có sức mạnh bằng nam giới. Điều đó không ai có thể chối cãi. Điển hình là trong lãnh vực thể thao, cho tới nay người ta vẫn cho phụ nữ và nam giới tranh tài riêng rẽ, và khi tay vợt nữ (lesbian) Martina Navratilova đòi đấu với các tay vợt nam thì đã trở thành trò cười cho thiên hạ.

Quân đội ngày nay dù đã được hiện đại hóa, vẫn còn những công tác đòi hỏi tới sức lực: vai mang ba-lô nặng gần 30 ký, đào hầm hố, vác đại liên, nạp đạn đại bác…, chẳng lẽ lúc đó các “chiến sĩ gái” lại bắt các chiến sĩ nam thể hiện tinh thần ga-lăng?!

* Rối loạn hàng ngũ:

Trước đây ở Việt Nam, một số người đã quan niệm hẹp hòi và sai lạc về chí hướng của nữ giới, chẳng hạn: không đẹp mới học ban Toán, xấu mới học giỏi, hoặc thất tình mới đi tu, và… ế chồng mới đi lính. Ngày nay chúng ta không chỉ thấy hoa khôi các trường giỏi toán là chuyện thường, nhiều nữ bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ xinh như mộng mà còn thấy nhiều nữ tu, nữ quân nhân đẹp như tiên nga. Suy ra người ta đi tu vì tâm nguyện chứ không phải tại thất tình, và đi lính vì chí hướng chứ không phải vì không có người rước lên xe huê!

Nói cách khác, khi khoác áo chinh nhân, các cô gái vẫn còn đầy đủ thất tình lục dục, và bất cứ chuyện gì cũng có thể xảy ra trong một tiểu đội bộ binh gồm 10 nam 2 nữ, hoặc trong một chiến xa với 3 đực rựa và 1 mỹ nhân tại tuyến đầu trong suốt mấy tháng trời chung đụng mà không có một ngày phép!

Trường hợp xảy ra quan hệ, chắc chắn sẽ có sự rối loạn trong hàng ngũ. Kể cả trường hợp các cô cố gắng giữ mình, có ai dám bảo đảm các “chiến sĩ trai” sẽ không động lòng? Thế là lại có sexual harassment!

* * *

Những khó khăn, những việc bất khả thi ấy đã quá rõ ràng, nhưng tại sao có nhiều người vẫn nhất quyết đòi hỏi cho nữ giới được quyền gia nhập các đơn vị tác chiến của nam giới? LNĐ cho rằng đòi hỏi này chẳng qua xuất phát từ tâm lý muốn ngang hàng với đàn ông con trai.

Vậy nếu chị em không chấp nhận giải pháp thành lập các đơn vị tác chiến toàn nữ giới thì cứ để họ toàn quyền sát cánh chiến đấu với nam giới. Cứ cho họ thử lửa vài lần là biết tay nhau ngay!

Quốc Hội và Chính Phủ không nên bàn cãi cho tốn thì giờ và tạo cơ hội cho đám feminist đăng đàn lấy tiếng.

Lão Ngoan Đồng (Bài này viết cách đây gần 11 năm, TVTS)

(*) Chú thích: tên thật của bà Triệu là Triệu Thị Trinh, em gái của Triệu Quốc Đạt – người đã chiêu tập nghĩa sĩ để chống lại ách đô hộ của quân Ngô (tức quân của Tôn Quyền vào thời Tam Quốc bên Tàu). Năm 20 tuổi, vì bị anh trai cấm tham gia việc quân sự và ép lấy chồng, Triệu Thị Trinh trốn vào rừng tự lập một đạo quân riêng. Sau khi Quốc Đạt chết, bà thay anh lãnh đạo nghĩa quân, tự xưng Nhụy Kiều Tướng Quân, phất cờ vàng cỡi voi xuất trận, đánh chiếm được quận Cửu Chân (tỉnh Thanh Hóa ngày nay). Quân Ngô rất sợ và gọi bà là Triệu Ẩu. Về sau Tôn Quyền đã phải sai Hành Dương Đốc quân Đô úy là Lục Dận, một danh tướng của Đông Ngô, đích thân cầm quân sang mới đánh bại được. Bị thất thế, bà tự vận năm mới 23 tuổi. Về sau, dân chúng cung kính gọi bà là Triệu Trinh Nương, nhưng vẫn có một số người vô ý thức quen miệng gọi là Triệu Ẩu theo sách vở của người Tàu.