‘Vice’ – màn hóa thân đỉnh cao của Christian Bale thành chính trị gia Mỹ

21 Tháng Hai, 2019 | Điện ảnh
Bale thắng giải Quả Cầu Vàng. Anh cùng Rami Malek (Bohemian Rhapsody) là ứng viên nổi bật nhất cho giải Oscar nam chính. Photo Courtesy: Reuters

Phim đề cử Oscar tái hiện cựu phó Tổng thống Dick Cheney theo giọng điệu trào phúng, với điểm nhấn là diễn xuất của tài tử 45 tuổi. 

“Hãy cẩn thận với người đàn ông kiệm lời. Khi người khác nói, anh ta lắng nghe. Khi người khác hành động, anh ta lên kế hoạch. Và khi tất cả đã nghỉ ngơi, anh ta mới ra tay”.

Câu nói trong phần mở đầu Vice là dòng mô tả thích hợp nhất về nhân vật chính: cựu phó Tổng thống Mỹ Dick Cheney. 132 phút của bộ phim khắc họa rõ hành trình ông từ một gã say xỉn, thích đánh lộn trở thành “người đàn ông kiệm lời” thao túng chính trường.

Vén màn người đàn ông bí ẩn của Nhà Trắng

Nhiều nhà quan sát nhận định trong lịch sử Mỹ, chưa có phó Tổng thống nào nhiều quyền lực như Cheney. Ông được cho là đóng vai trò then chốt trong cách nước Mỹ phản ứng với thảm kịch khủng bố ngày 11.9 cùng chiến tranh Iraq sau đó. Ông cũng đứng sau những quyết sách gây tranh cãi về ngoại giao, cuộc chiến chống khủng bố hay các “kỹ thuật thẩm vấn nâng cao” – thực chất là hình thức tra tấn tù nhân.

Khi đương nhiệm, Cheney giống bóng ma thoắt ẩn thoắt hiện và chủ yếu đứng sau bức màn để thao túng chính trường. Phần đông công chúng không hiểu tầm ảnh hưởng chính trị lớn lao của Cheney mà chỉ nhớ đến những chuyện bên lề như scandal bắn nhầm luật sư Harry Whittington khi đi săn năm 2006.

Vì vậy, tác phẩm của đạo diễn Adam McKay được giới chuyên môn trông chờ ngay từ khi bấm máy. Bộ phim tiểu sử được dựa trên những sự kiện có thực với phong cách trào phúng, bộc lộ ngay từ đoạn giới thiệu: “Bộ phim chân thực hết mức có thể bởi Dick Cheney là một trong những lãnh đạo kín tiếng nhất lịch sử hiện đại. Chúng tôi đã cố gắng lắm rồi đấy”.

Christian Bale thể hiện nhiều giai đoạn trong cuộc đời Cheney, từ khi còn là anh thợ nối dây điện ở Wyoming tới khi thành “cáo già” trên chính trường. Xuyên suốt hành trình, Cheney nhận sự ủng hộ tối đa từ người vợ Lynne Cheney (Amy Adams). Là người phụ nữ giàu tham vọng nhưng không thể đi theo con đường chính trị, Lynne chọn cách trở thành hậu phương vững chắc cho chồng. 

Ấn tượng sâu đậm là sự gian hùng, lọc lõi của “người đàn ông kiệm lời” Cheney. Đôi lúc sự nguy hiểm được bộc lộ trong im lặng qua vẻ mặt đăm chiêu suy nghĩ của Cheney, trong lúc mọi người rối ren trước vụ tấn công 11/9. Có lúc Cheney lại chủ động mở lời: không phải với nhân vật trong phim mà với chính khán giả để bảo vệ những hành động của mình.

Phong cách hài hước mang tính châm biếm từ bộ phim của Adam McKay – The Big Short nhận đề cử Oscar 2015 – tiếp tục được đạo diễn áp dụng cho Vice, giúp “mềm hóa” bộ phim đề tài chính trị. Các sự kiện trong phim diễn ra qua lời người dẫn chuyện (Jesse Plemons) với giọng điệu trào lộng. Sự sáng tạo của đạo diễn thể hiện ở nhiều trường đoạn, như ở cảnh vợ chồng Cheney đối thoại theo ngôn từ kịch Shakepeare, hay những chính sách gây tranh cãi được khắc họa dưới dạng một thực đơn được bồi bàn giới thiệu sinh động.

Yếu tố hài hước giúp câu chuyện về cuộc đời Cheney bớt khô khan và giảm nhẹ sự nặng nề. Tuy nhiên, McKay cũng khéo cài cắm các đoạn gây suy ngẫm. Ở một cảnh mang tính tương phản: tổng thống Bush ngồi rung chân đọc tuyên bố phát động chiến tranh trong Nhà trắng, còn tại Iraq, một gia đình đang run rẩy ẩn nấp trong mưa bom. Trên thực tế, những quyết định của Cheney và cộng sự đã gây ra chiến tranh và cái chết của vô số người.

Màn hóa thân tuyệt vời của Christian Bale

Christian Bale là lựa chọn đầu tiên và duy nhất của đạo diễn McKay khi chuẩn bị cho Vice. Từng cộng tác với tài tử trong The Big Short, McKay hiểu rõ năng lực diễn xuất của Bale. Để vào vai Cheney, Bale dành thời gian nghiên cứu, đồng thời chấp nhận từ bỏ ngoại hình quyến rũ để tăng thêm 18kg bằng cách ăn đồ ngọt, cạo trọc đầu và nhuộm lại lông mày. Trên màn ảnh, khán giả không khỏi ngỡ ngàng với một Dick Cheney giống ngoài đời thực từ ngoại hình thừa cân cho tới dáng đi, cử chỉ hay điệu bộ gằn giọng khi giao tiếp.

Tài tử 45 tuổi xứng đáng là ứng viên hàng đầu cho tượng vàng Oscar nam chính trong vai Dick Cheney. Dù ngoài đời có định kiến với Cheney, Bale vẫn thể hiện rất tốt và khiến người bị xem là “kẻ phản diện” này có những khoảnh khắc được cảm thông. Đó là gương mặt rạng rỡ của người lần đầu có được phòng làm việc riêng tại Nhà Trắng và lập tức gọi điện cho gia đình. Hay khoảnh khắc khi cô con gái Mary thừa nhận là người đồng tính khiến Cheney chấp nhận từ bỏ giấc mơ thành Tổng thống Mỹ để tránh sự soi mói vào gia đình.

Không chỉ tập trung vào Dick Cheney và diễn biến chính trị, Vice còn khắc họa tròn trịa những người xung quanh ông. Ấn tượng nhất là Amy Adams trong vai Lynne Cheney – người vợ thay đổi cuộc đời Cheney. Nếu không có những lời lẽ gay gắt của bà khi ông còn chưa tập trung cho sự nghiệp, rất có thể cuộc đời Cheney mãi chỉ gói gọn trong vùng Wyoming và không bao giờ đặt chân vào Nhà trắng.

Tác phẩm tranh Oscar không được giới phê bình tán dương

Tại Oscar 2019, Vice được đề cử tám hạng mục, trong đó các giải quan trọng như phim xuất sắc, đạo diễn và nam chính. Nhưng nó được xem như một trong những tác phẩm gây tranh cãi nhất từng được đề cử Oscar “Phim xuất sắc”, với điểm số chỉ là 61/100 trên trang Metacritic.

Hầu hết giới phê bình đánh giá cao diễn xuất của Bale, Adams, Sam Rockwell (vai Tổng thống George W. Bush), Steve Carell (vai Bộ trưởng Quốc phòng Donald Rumsfeld) và Tyler Perry (vai Bộ trưởng Ngoại giao Colin Powell). Song không phải ai cũng khen ngợi tác phẩm của McKay, như cách mô tả của tờ Time: “Một bộ phim mệt mỏi, khắc họa Dick Cheney giống với kẻ phản diện trong phim hoạt hình”. Một lý do khác khiến nhiều người không thích Vice là phim chưa nhất quán về thể loại hài hoặc chính kịch và khắc họa nhân vật Bush một chiều. Cựu Tổng thống Mỹ giống một lãnh đạo thiếu năng lực, bị giật dây hoàn toàn.

Trước những phản ứng trái chiều, đạo diễn McKay phản hồi trên The Times: “Tôi lường trước được những lời chê bai, nhưng vẫn ngạc nhiên trước phản ứng của nhiều người. Họ kỳ vọng bộ phim giống một phóng sự trong khi tôi luôn xem nó như một bức chân dung của Ralph Steadman (họa sĩ vẽ biếm họa nổi tiếng)”. Quan điểm này được thể hiện trào phúng ở cảnh sau phần giới thiệu đoàn phim khi một nhóm người được khảo sát lao vào ẩu đả do khác biệt quan điểm chính trị.

Theo VNE