Dòng nhạc Nguyễn Hồng Anh: thành công mỹ mãn

24 Tháng Ba, 2016 | Nghệ sĩ Việt Nam

 
Hình ảnh buổi văn nghệ Dòng nhạc Nguyễn Hồng Anh đã được đưa lên Facebook của TiVi Tuần-san.

>Hãy bấm link này để xem

 
 


 
Bà Vũ Thị Hà tại phòng đợi của Melbourne Recital Centre  là “my house” của ông Nguyễn Hồng Anh,
       theo như lời giới thiệu của ông khi mở đầu chương trình văn nghệ

 
                              

(TVTS) – Chương trình “Dòng nhạc Nguyễn Hồng Anh” sau nhiều tháng chuẩn bị, đã diễn ra tại Melbourne Recital Centre, một hội trường hàng đầu của Úc và thuộc đẳng cấp thế giới, vào tối Thứ Bảy 12.3.2016 tuần qua, đúng 7 giờ tối, không sai một giây. Đây là một chương trình văn nghệ của người Việt Nam hiếm thấy khai mạc đúng giờ như vậy dù không có sự hiện diện của các nhân vật quan trọng của chính quyền cũng như của cộng đồng, bởi như ban tổ chức nói, các khán thính giả –gồm độc giả của TiVi Tuần-san và các thân hữu—đều là những VIP, những người mà MC Thụy Văn cũng như ông Nguyễn Hồng Anh đã cám ơn vì đã “bỏ thì giờ quý báu để đến dự buổi văn nghệ này”.

 

Sau khi các cánh cửa vào hội trường đã khép lại, người hướng dẫn chương trình –cô Thụy Văn– chào đón mọi người bằng hai thứ tiếng nói rằng sau phần giới thiệu bằng tiếng Anh “ông Nguyễn Hồng Anh sẽ có đôi lời với quý vị”.

Đại diện cho TVTS và ban tổ chức, MC Thụy Văn cho biết chương trình văn nghệ có mục đích “cám ơn độc giả TVTS đã ủng hộ tờ báo trong 30 năm qua” và cũng cho khán thính giả hay buổi hòa nhạc bao gồm những ca khúc nói về tình yêu, quê hương và thân phận của một người tị nạn trên đường tìm tự do”.

Với lời giới thiệu ngắn gọn bằng tiếng Anh, MC Thụy Văn giới thiệu nhân vật chính của buổi hòa nhạc, chủ nhiệm kiêm chủ bút TVTS và là người viết ca khúc của một chương trình mang tên ông “Hong-Anh Nguyen in Live Concert” hay “Dòng nhạc Nguyễn Hồng Anh”.

 
                                   

 MC Thụy Văn dẫn chương trình bằng hai ngôn ngữ Việt và Anh: một sự xuất hiện bất ngờ,

không được quảng cáo hay thông báo trước

 

 
Lời mở đầu của ông Nguyễn Hồng Anh (NHA) là “Xin cám ơn quý vị đã đến dự buổi văn nghệ này. Hy vọng khung cảnh và nội dung chương trình sẽ mang lại một buổi tối thú vị cho quý vị”.

 

Và sau khi nhắc lại mục đích của buổi văn nghệ mà MC Thụy Văn vừa nói bằng tiếng Anh, ông NHA nói muốn nhân dịp này để “cám ơn một người rất đặc biệt, đó là nhà tôi, bàVũ Thị Hà”, một người đã sát cánh với ông giúp ông làm báo và đề nghị cũng như hỗ trợ ông làm một chương trình văn nghệ như thế này.

Và rồi ông chuyển sang tiếng Anh, xin được tạm dịch như sau:

Thưa Quý vị,

Người nào cũng có một nơi để sống gọi là căn nhà, ngoại trừ những người vô gia cư. Dù quý vị ở vùng Toorak, Footscray hay Springvale, căn nhà của quý vị là nơi ấm cúng nhất. Người phụ nữ đang đứng trước mặt quý vị là nhà tôi, dịch từng chữ như sắp củi là my house. Nhà tôi có nghĩa là My house.

Ông NHA đã làm khán thính giả cười khi thấy vợ ông phải vòng ra bên ngoài hội trường để lên sân khấu bằng cách nói rằng vợ ông đã đã sát cánh giúp 30 năm qua làm báo thì nay đi bộ lên sân khấu mất 1 phút cũng không sao. Nay lại có thêm tiếng cười của khán thính giả khi nghe ông NHA gọi vợ ông bằng tiếng Anh là “my house”.

Ông đã giải thích cho khán thính giả không phải là người Việt như sau tại sao ông gọi vợ ông là my house:

“Theo phong tục Việt Nam, nếu quý vị muốn giới thiệu vợ mình với một danh từ đầy âu yếm, quý vị sẽ gọi bà ấy là nhà tôi. Với sự dấn thân và chịu thương chịu khó, nhà tôi đã giúp tôi thành công trong việc làm tờ TVTS. Cám ơn em.

Và điều cuối cùng mà tôi muốn nói, mặc dầu có một số bản nhạc được hát bằng hai thứ tiếng, người MC sẽ nói bằng hai ngôn ngữ để những khán thính giả không phải người Việt biết những gì đang xảy ra và hiểu được các ca khúc nói lên những gì”.

Và chuyển sang tiếng Việt ông cho biết sở dĩ người MC phải sử dụng hai ngôn ngữ vì để khán giả Úc và các sắc tộc khác cảm thấy không bị bỏ rơi, lạc lõng trong thời gian văn nghệ dài mấy tiếng đồng hồ.

Tuy nhiên, để tránh mất thì giờ và nhàm chán khi bị nghe lại một vấn đề, người MC có thể sẽ không dẫn chương trình bằng cách dịch tiếng Việt qua tiếng Anh và ngược lại.

Và bây giờ, tôi xin nhường micro cho MC Thụy Văn, một người sinh đẻ và lớn lên tại Úc. Nếu tiếng Việt của cô không được chuẩn, xin quý vị thông cảm và bỏ qua cho”.

 
Lời mở đầu của ông NHA kéo dài chưa tới 4 phút, lời giới thiệu của MC dù bằng hai thứ tiếng cũng rất gọn.

Mở đầu chương trình là ca khúc Prayer for Australia” do ông NHA viết lời Anh ngữ cách đây vài tháng nhân dịp Ngày Quốc Khánh Úc và cũng do ông trình bày. MC Thụy Văn nói “tác giả phải có một tấm lòng thiết tha với nước Úc như thế nào, thì mới viết những lời ca như thế”.

Ca khúc thứ hai “Như người Việt Nam” cũng do chính tác giả trình bày mà MC Thụy Văn cho biết nằm trong số những ca khúc được ông sáng tác năm 1984 “ nói về tình yêu quê hương, khi phong trào ủng hộ kháng chiến ở hải ngoại, đang lên cao”.

Mặc dầu khán giả đã có bản dịch bài “Như người Việt Nam” trong tờ chương trình cầm trên tay, ông cũng giải thích thêm “như người Việt Nam” là như thế nào”.

Người Việt Nam có tình yêu quê hương, tình nhân loại và có lòng biết ơn mà một ví dụ cụ thể là việc gây quỹ giúp Bệnh viện Nhi Đồng Melbourne với số tiền trên nửa triệu đô la trong chương trình “Thank you Australia” năm ngoái.

Ông NHA cho biết ông viết ca khúc này trước khi ông trở thành công dân Úc vào năm 1985. Bây giờ nếu có dịp viết một ca khúc tương tự, ông sẽ viết “Sống, là người Úc gốc Việt! Chết, là người Úc gốc Việt!”.

Ông NHA nói “Như là người Việt Nam” là một trong những ca khúc ông thích nhất và khi kết thúc bài bát với câu “Sống là người Việt Nam, chết là người Việt Nam” ông đã làm dấu hiệu về đất nước của mình bằng chữ V với cả bàn tay lẫn cánh tay.

Sau đó, ông giới thiệu thành phần ban nhạc với tên từng người và những khả năng của họ trong nhạc cụ họ đang sử dụng: Bình Cadillac, trưởng nhóm soạn hòa âm và sử dụng keyboard, guitar gỗ và saxo; Duy Tiến, Keyboard; Ronny Lay, lead guitar; Chuân Đỗ, bass guitar và đặc biệt Minh Kha, một tay trống cừ khôi vừa mới từ Sydney xuống Melbourne tối hôm qua để làm cho buổi hòa nhạc trở nên hấp dẫn hơn với tài đánh trống của anh.

* * *

Sau khi mở đầu chương trình bằng hai ca khúc “Prayer for Australia” và “Như người Việt Nam”, ca sĩ Astrid Podesser đã trình bày ca khúc tiếp theo là “Sao ta còn ngồi đây” được dịch ra tiếng Anh bằng tựa “Why do I stay here” với câu kết “chợt nghe tiếng reo hò, giật mình là giấc mơ”, chẳng biết đấy là tiếng reo hò vì đã đến bến bờ tự do hay là tiếng công an la hét khi bắt người vượt biên.

Là người sinh đẻ ở Úc, từng dự thi Australian Idol, ca sĩ Astrid Podesser đã làm thính giả Việt cũng như Úc lắng nghe từng lời ca qua điệu nhạc Boston chậm là một niềm hy vọng hay một lời than thở đầy tuyệt vọng.

Lần lượt các ca sĩ Dương Hòa trình diễn bài “Đêm đại dương”, Mai Hương với “Biển vắng”, Duy Thiên với “Giấc mơ bên sông”, Phương Thảo với “Nhớ nhớ thương thương” và sau đó Duy Thiên hát song ngữ bài “Come to me baby for the last time” mà tác giả Nguyễn Hồng Anh viết năm 1978 và mới chuyển sang Việt ngữ hồi gần đây.
 

Con phỏng vấn cha: Một cảnh gây ngạc nhiên cho khán thính giả. Chính các ca sĩ
 và ban nhạc cũng chỉ biết ai là MC của chương trình và sự liên hệ giữa người MC
và người viết nhạc Nguyễn Hồng Anh sau khi họ đã lên trên sân khấu

 

MC Thụy Văn đã gây ngạc nhiên thích thú cho khán thính giả khi cho họ biết ca khúc sắp tới có tên “Thiền sư xuống núi” là một bài hát mang chất thiền và triết lý của Phật giáo, đôi khi cũng bị hiểu lầm hay bị tranh luận vì bị cho mang tính cách hài hước. Bởi vậy trước khi giới thiệu ca sĩ, cô mời ông Nguyễn Hồng Anh ra sân khấu để hỏi lý do tại sao ông làm ca khúc “Thiền sư xuống núi”.

Cô hỏi bằng tiếng Anh trước, chỉ hai câu mà thôi: “Trước hết, có phải ông là nhà sư trong ca khúc không?”.

Ông NHA nói đại khái: Chỉ là sự tưởng tượng của một người viết nhạc và ông viết sau khi đọc cuốn tiểu thuyết “Siddhartha” của nhà văn người Đức được dịch ra tiếng Việt là “Câu chuyện dòng sông” nói về cuộc đời của vị hoàng tử người Ấn Độ tên Tất Đạt Đa mà lại trùng với tên của Đức Phật. Đây là bài hát đầu trong bộ tam thiền “Thiền sư xuống núi”, “Của hồi môn” và “Thiền sư lên núi” mà theo cuốn tiểu thuyết, vị thiền sư sau một thời gian tu học, đã xuống núi lấy vợ (bài Của hồi môn) nhưng sau đó giác ngộ đã trở lại chùa. Lấy vợ ai mà chẳng thích, như quý khán thính giả đang có mặt ở hội trường, và cái thú vị của cuộc sống hôn nhân sẽ được diễn tả bằng điệu Twist bốc lửa trong ca khúc “Của hồi môn”…

Cô MC nói tiếp: “Wow! Câu hỏi thứ hai: Ông viết bài này trước hay sau khi lấy vợ? Hay nói cách khác, ông viết trước hay sau khi ông… cưới mẹ tôi…. Cưới Mum””.

Tiếng cười rộ lên bởi khán thính giả không biết câu hỏi này là đùa hay thật!

Và họ đã có dịp ngạc nhiên khi ông NHA nói: “Đừng có lo, Ba viết rất nhiều năm trước khi lấy Má con”. Tiếng cười kéo dài khi ông nói: “Thưa quý vị, bây giờ quý vị đã biết tôi là ai, cô MC là ai”.

Rồi ông NHA giải thích ngắn gọn bằng tiếng Việt và hỏi người MC: “Bây giờ con không còn thắc mắc nữa chứ?”.

Khán giả sau đó được nghe giọng ca thánh thót của một ca viên nhà thờ Công giáo qua tiếng hát của ca Minh Tâm với sự phụ họa bè của Dương Hòa và Mai Hương. Viết ca khúc để hát bè là một nét đặc biệt của dòng nhạc Nguyễn Hồng Anh.

Sau đó, ca sĩ Phương Thảo với giọng ca mạnh và đẹp đã làm cho khán giả thích thú với lối trình diễn của cô qua bài “Của hồi môn” với điệu twist, chấm dứt phần đầu của chương trình.

 
Trong giờ nghỉ giải lao nửa chương trình: Ông Nguyễn Hồng Anh ra foyer tiếp xúc với các thân hữu
 và khán thính giả, đang nói chuyện với Luật sư Nguyễn Tân Hải (vét đen, quay lưng)và hai người
em bác sĩ của ông Hải trong đó có một vị bác sĩ vừa mua các CD và xin chữ ký của tác giả
 

Chương trình trở lại với phần hai sau 20 phút nghỉ giải lao.

Cô Astrid mở đầu với ca khúc “Boat people dance” với điệu ChaChaCha. Những lời giới thiệu của MC Thụy Văn bằng song ngữ mang chút mùi vị chính trị khi cô nhắc đến chính sách ngăn chặn thuyền nhân của Chính phủ Liên đảng dưới thời ông Tony Abbott. Cô cũng giải thích thêm rằng từ “boat people” phát xuất từ khi người Việt Nam bắt đầu vượt biển sau năm 1975.

Ca khúc thứ hai của phần hai là bài “Nghe về nỗi nhớ”, một ca khúc đáng lẽ do nam ca sĩ Đức Linh trình bày, nhưng anh bị bệnh bất ngờ và ca sĩ Dương Hòa nhận lời thay thế chỉ chưa đầy một ngày nên cô xin khán giả thông cảm khi cô có thể phải nhìn vào bản nhạc, bởi theo cô, giai điệu của ca khúc đã hay mà ca từ thì thấm thía từng chữ do đó cô không muốn hát sai lời của tác giả.

Những ca khúc tiếp gồm: “Tình mê” do Minh Tâm trình bày; “Tôi hỏi tôi” do Duy Thiên; “Thiền sư lên núi” do Phương Thảo, “Il est temps de partir” do tác giả trình bày; “Em đi về đâu” do Mai Hương; “Mưa đầu mùa” do Dương Hòa; Everybody wanna go away” được trình bày song ngữ do tác giả NHA và cuối cùng các ca sĩ nam nữ chấm dứt chương trình bằng ca khúc “Dòng máu Việt Nam” với điệu dân ca réo rắt tiếng sáo và dồn dập của tiếng trống.

Chương trình chấm dứt bất ngờ làm một số người hụt hẫng bởi họ tưởng rằng sẽ còn nhiều tiết mục khác.

 
Niềm vui sau khi kết thúc chương trình: từ trái: MC Thụy Văn, Nguyễn Hồng Anh,
Phương Thảo, Minh Tâm, Dương Hòa, Mai Hương, Duy Thiên, Ronny Lay và Bình Cadillac
 
 

Một số khán giả nói rằng vì chương trình quá hay mà chấm dứt hơi sớm nên họ thấy còn luyến tiếc cái thời gian được thưởng thức một chương trình quá đặc sắc.

Một giáo sư đại học nhận xét: “Chương trình tổ chức rất công phu và tốn kém và thành công, và có rất nhiều người đến dự”.

Một thân hữu am tường âm nhạc viết email: “Một đêm nghệ thuật thành công mỹ mãn với sự chuẩn bị rất chu đáo trong từng phần giới thiệu, ý nghĩa của bài hát, không khí ấm cúng trong sự hài hòa âm thanh của dàn nhạc, nổi bậc nhất với tay trống cự phách”.

Một thân nhân email cho ông NHA: “Sau một giấc ngủ, thức dậy lòng vẫn thấy vui, khác với những lần em đã đi dự, một cảm giác khó diễn tả, có phải là sự huyền diệu của trời đất không… Khán giả có trình độ, ngồi đến phút cuối cùng. Tất cả đều very good, từ khung cảnh, âm thanh và ban nhạc. Riêng nhạc của anh melody hay lắm anh Hồng Anh ơi”.

Một cộng tác viên của TVTS cho biết bạn bè của ông đã gởi con nhỏ để đến nghe vì sợ trẻ con gây ồn ào, ảnh hưởng đến chương trình nhạc. Ông nói MC Thụy Văn là cái đinh của chương trình vì cô nói được cả hai thứ tiếng và dẫn giải có duyên.

Và cuối cùng là một email của một người trong ban nhạc gởi cho ông NHA: “Xin chúc mừng và cám ơn anh đã tạo một điều kiện tốt đẹp để các ca sĩ và ban nhạc có thêm cảm hứng trong buổi biểu diễn. Ai cũng rất happy vì được hát ở một sân khấu đẹp và sang trọng, âm thanh ánh sáng tuyệt vời, khán giả chọn lọc, cách làm việc của ban tổ chức rất chuyên nghiệp”.

Hôm Thứ Hai đầu tuần khi báo lên khuôn, một bác sĩ điện thoại cho tòa soạn nói ông đang làm công tác từ thiện tại Việt Nam nhưng phải về Úc sớm để nghe chương trình nhạc của ông NHA. Ông bác sĩ xin nhắn với ông Nguyễn Hồng Anh là đã cho vợ chồng ông thưởng thức một buổi văn nghệ rất đặc sắc. Ông chúc mừng sự thành công của chương trình và nói bản nhạc ông thích nhất là “Như người Việt Nam” với câu kết thúc “Sống, là người Việt Nam! Chết, là người Việt Nam!”.

                                                        Nguyễn Hồng Anh (trái) trình diễn ca khúc tiếng Pháp Il est temps de partir
                                                                                với tiếng đệm guitar thùng của Bình Cadillac.
                                                        Đây là ca khúc được khán thính giả giới trẻ gốc Việt cho là một nét độc đáo
                                          trong dòng nhạc Nguyễn Hồng Anh. Và người lớn tuổi tối hôm
                                                          đó cũng đã vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt
 

Một cặp vợ chồng người Úc đứng tuổi đã đến gặp bà Vũ Thị Hà, nói họ rất thích thú với chương trình văn nghệ và thành thật cám ơn đã cho họ có dịp nghe một chương trình nhạc như thế của người Việt Nam.

 
Một phụ nữ rủ bạn bè người Úc đi xem văn nghệ nói rằng đây là lần đầu tiên họ thưởng thức một chương trình nhạc của người Việt được dẫn giải bằng tiếng Anh từ đầu đến cuối khiến họ không cảm thấy buồn chán khi vì lịch sự mà ngồi hàng giờ hay cuối cùng phải bỏ ra về sớm.

Ông Nguyễn Hồng Anh, tác giả các ca khúc và là người tổ chức, nói ông rất hạnh phúc và xin gởi lời cám ơn tất cả những người đã đến dự chương trình nhạc sống “Dòng nhạc Nguyễn Hồng Anh”.

(Trích báo giấy TVTS số 1564 phát hành ngày 16.3.2016)
 
 
 
 
Dư âm của một dòng nhạc
 
 

(TVTS) – Những khán thính giả tới Melbourne Recital Centre để dự chương trình văn nghệ tối Thứ Bảy ngày 12.3.2016 khi bước vào phòng đợi ở foyer tầng trệt, chắc đã thấy tấm phông hình ông Nguyễn Hồng Anh cầm micro hát với những dòng chữ “HONG-ANH NGUYEN LIVE IN CONCERT presented by TiVi Tuan-san”.

Và sau đó, khi chương trình bắt đầu, lại được nghe MC Thụy Văn và Chủ bút TVTS Nguyễn Hồng Anh cho biết mục đích của chương trình văn nghệ này là để cám ơn độc giả đã hỗ trợ tờ báo trong 30 năm qua, kể từ khi TVTS phát hành số báo đầu tiên vào ngày 17.1.1986.

Chủ bút TVTS Nguyễn Hồng Anh cũng nhân dịp này cám ơn các thân hữu đã đến dự và “hy vọng khung cảnh và nội dung chương trình sẽ mang lại một buổi tối thú vị cho quý vị”.

 
Tuần qua, TVTS đã đăng vài nhận xét của một số khán thính giả. Và để độc giả thấy buổi văn nghệ đó “thú vị” như thế nào, tuần này TVTS xin trích đăng thêm vài email và thiệp cám ơn mà khán giả Việt Nam và Úc đã gởi cho chủ bút TVTS để đánh giá chương trình này, từ ban tổ chức đến nghệ sĩ và sân khấu. Tuy nhiên, để giữ sự riêng tư, TVTS không đăng tên người viết.

 
 
 
 

Một dược sĩ:

Dear Hong,

Thank you very much for inviting… and me to your “Journey to Freedom through Music” concert.

We throughly enjoyed ourselves. The music, songs and artists were all excellent. Such a lot of work and preparation! We were very interested in the history of Vietnamese migration to Australia. Thank you for telling us in song.

Also a special commendation to your daughter for presenting the concert so well. She also looked beautiful!

We hope that your next 30 years in Australia will be equally as fulfilling and successful as the last 30 years.

Tạm dịch:

Cám ơn ông nhiều lắm vì đã mời… và tôi đến dự nhạc hội “Hành trình đến Tự do qua Âm nhạc” của ông.

Chúng tôi hoàn toàn thích thú từ đầu đến cuối. Âm nhạc, các ca khúc và các nghệ sĩ, tất cả đều tuyệt vời. Chứng tỏ là đã có nhiều chuẩn bị và bỏ ra nhiều công sức! Chúng tôi rất thích thú khi được biết về lịch sử di dân của người Việt Nam tại Úc. Cám ơn ông đã kể cho chúng tôi nghe qua các ca khúc.

Cũng có thêm lời khen ngợi đối với con gái của ông vì cô trình bày chương trình nhạc rất hay. Cô cũng đẹp nữa!

Chúng tôi hy vọng rằng 30 năm sắp tới đây của ông ở nước Úc sẽ được viên mãn và thành tựu bằng 30 năm qua.

 
 
 

Một giáo sư đại học:

Một buổi trình diễn rất tốn kém, nhưng lại là rất hoành tráng, rất chính thống. Những người bạn Úc đi nghe họ rất thích. Đối với người Việt, buổi trình diễn của anh không những giúp những người lớn tuổi nhớ lại một thời súng đạn sống hôm nay nhưng không biết ngày mai ra sao mà còn cho thế hệ trẻ thấy được sự đóng góp của anh chị (TiVi Tuần-san) cho sự phát triển cộng đồng người Việt tại Úc về nhiều mặt, kể cả một dòng nhạc khác lạ ít nghe ở Úc.

Người MC cũng là một mẫu mực của thế hệ thứ hai nhưng vẫn nói được lưu loát tiếng mẹ đẻ.

Xin gửi đến anh chị lời cảm ơn và sự chia vui về sự thành công của buổi trình diễn.

 
 
 

Một ký giả:

Dear Mr Hong-Anh Nguyen,

This is just a short note to express our gratitude for being able to attend your concert last Saturday.

As you probably know, we obtained tickets through your gifted daughter, Van, who we believe did a wonderful job as MC, with just the right mix of Vietnamese and English.

And what a concert it was! You were of course the star with your wonderful singing and songwriting, but you were surrounded by other extremely talented performers and we went home feeling highly entertained and culturally enriched!

Thank-you for a lovely evening, and for sharing some of your talents with us!

Tạm dịch:

Đây là đôi dòng để nói lên sự biết ơn của chúng tôi vì đã có thể được đến dự buổi hòa nhạc của ông hôm Thứ Bảy vừa qua.

Như ông đã có thể biết, chúng tôi có được vé qua người con gái tài năng của ông, Văn, người mà chúng tôi tin là đã làm vai trò MC một cách tuyệt vời, với sự phối hợp nhịp nhàng giữa tiếng Việt và tiếng Anh.

Và là một buổi hòa nhạc đúng nghĩa! Dĩ nhiên ông là ngôi sao với tiếng hát và các ca khúc tuyệt vời của ông, nhưng ông cũng được vây quanh bởi những nghệ sĩ trình diễn cực kỳ có tài năng và chúng tôi đi về nhà mà lòng cảm thấy thích thú và trở nên giàu có về mặt văn hóa.

Cám ơn ông về một buổi tối dễ thương, và vì đã chia sẻ với chúng tôi một số tài năng của ông.

 
 
 

Một luật sư:

Ông Hồng Anh,

Thật là một đêm tuyệt diệu được thưởng thức Dòng Nhạc Nguyễn Hồng Anh. Cháu Thụy Văn làm MC được lắm. Thành thật chúc mừng ông và Hà.

 
 

Một ca sĩ:

Các vị khách mời đi xem (hai Thầy dòng Chúa Cứu Thế) đều khen chương trình. Band, ca sĩ, âm thanh, ánh sáng, tổ chức rất tuyệt vời, cảm giác nhẹ nhàng lịch sự và ấm cúng. Thầy còn khen nhạc của anh sâu lắng và thích bài cuối cùng khơi dậy lòng yêu quê hương, chắc hẳn anh còn nặng lòng với non nước lắm?

Hy vọng bà con khán giả Melb được một đêm nhạc thính phòng đúng nghĩa, và dư âm sẽ còn mãi tận hôm nay.

Chúc anh chị nhiều sức khỏe, hạnh phúc và bình an.

 
 
 

Một nhạc sĩ:

Cảm ơn anh đã lo cho chương trình rất chu đáo. Rất vui khi khán giả đánh giá cao về chương trình của anh và những người đã cộng tác, hy vọng trong tương lai sẽ có dịp phát triển những tác phẩm có giá trị của anh. Chúc anh luôn còn mãi niềm cảm hứng và đam mê với âm nhạc.

 
 
 

Một người điều hành sân khấu Melbourne Recital Centre:

Hi Hong,

Congratulations again on a smooth concert last weekend. I do hope your guests enjoyed the evenings performances very much.

Tạm dịch:

Chúc mừng thêm lần nữa về buổi hòa nhạc tuần qua đã diễn ra một cách trôi chảy. Tôi tin rằng các khách mời của ông đã rất thích thú thưởng thức buổi trình diễn tối đó.

 
 
 

Một bác sĩ:

Thân gởi Anh Hồng Anh và Chị Vũ Hà,

Đã gọi điện thọai cho Chị Hà chúc mừng sự thành công của Anh Chị. Thật là một tuyệt tác để đời Anh Chị để lại sau 40 năm định cư trên đất Úc.

Cám ơn Anh Chị đã làm vang danh cộng đồng Việt nam.

 
 
 

Một ca sĩ thân hữu ở Hoa Kỳ:

Các bạn ơi,

Coi hết chừng này hình, đọc hết chừng đó chữ trong bài phóng sự, rồi lại nhìn vào cái bìa báo thì mình thấy ngay: đây đúng là một cái show để đời, được dàn dựng công phu & đầy đủ theo ý của tác giả, tại địa phương mà nhạc sĩ NHA đang cư ngụ (và có network rộng rãi), lại cũng là nơi mà TiVi Tuần-san đang đi vào đời sống của từng gia đình VN; thì cái show năm 2014 ở Cali chỉ là một show dã chiến trên bước đường dong ruỗi liên lục địa của NHA, có sao lấy vậy người ơi.

Lobby thoáng đãng, sân khấu thênh thang, bộ màn quá đẹp, ánh sáng hết chỗ chê, ban nhạc thì full band đầy đủ, âm thanh (mình tưởng tượng) chắc cũng phải acoustic lắm, quan khách thì chọn lọc.

Vậy mà 2 năm sau, nhạc sĩ NHA vẫn còn lưu luyến với đám nghệ sĩ vườn (nhiều tuổi ít tên) ở Cali, vẫn còn nhớ rằng “đã có lần cùng đứng với nhau trên một sân khấu” thì coi như mình cũng được hân hạnh lắm rồi.

Nếu còn có duyên, chúng ta sẽ gặp lại, còn làm gì nữa thì chưa biết. Cali cho dù đông đảo đồng hương, thì cũng chỉ là một bến dừng chân thôi, chứ không thể nào sánh bằng sân nhà, đất vườn như “Melbourne Recital Centre, một hội trường đẳng cấp thế giới” được.

Cũng phải công nhận rằng, với chừng đó thời giờ ngắn ngủi và phương tiện ít ỏi của năm 2014, mà Phiến Đan đã xoay sở để có được chừng đó kết quả trong mấy ngày trời, thì kể là… thần sầu thiệt!

 
 
 

Một ca sĩ ở OC:

Nhóm bằng hữu NHA tại Orange County đang chờ được xem DVD chương trình NHA tại Úc.

Mong anh tiếp tục sáng tác thật hay những ca khúc cho những người yêu thích ca khúc NHA nhé.

(Trích báo giấy TVTS số 1566 phát hành ngày 23.3.2016)

 
 
 
Muốn xem các hình ảnh buổi văn nghệ  bấm  link>Hong-Anh Nguyen Live in Concert trên facebook  của TiVi Tuần-san