Kim Trang và Tình Khúc Nguyễn Hồng Anh: Giấc Mơ Bên Sông

01 Tháng Bảy, 2015 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

Kim Trang

 

 

 

Nguyễn Hồng Anh, bởi họa sĩ Nguyên Khai, trại tị nạn Galang, Nam Dương 10.4.1981

 

 

Đây là một bài hát có giai điệu nhẹ nhàng, dễ hát được viết với tiết tấu chậm buồn và lời thơ nhẹ nhàng êm dịu nhưng thâm trầm sâu sắc được hòa quyện trong ý nhạc với sự kết hợp giữa âm hưởng nhạc Việt Nam và nét kỹ thuât của âm nhạc cổ điển Tây Phương rất phù hợp với những diễn đạt tâm tư tình cảm phức tạp của con người.

 

Như một bài thơ trữ  tình đượm buồn, Giấc Mơ Bên Sông đã bày tỏ niềm tâm sự cùng những thổn thức, khát vọng về tương lai của chính tác giả, một chàng trai ở độ tuổi đẹp nhất của đời người, trước ngưỡng cửa tương lai, sự nghiệp và hôn nhân cũng là lúc mà đất nước đang lâm vào tình cảnh lầm than, đen tối nhất vào những năm đầu, sau biến cố lịch sử tháng Tư năm 1975.

 

Trong ca khúc “Giấc Mơ Bên Sông”, cả ba chủ đề Tình Yêu, Quê Hương và Thân Phận xuất hiện cùng một lúc, thể hiện qua một tình yêu cao cả với một nỗi khắc khoải và niềm ước vọng mong manh nhưng tha thiết của cả một thế hệ trẻ ở buổi giao thời loạn ly.

 

Giấc Mơ Bên Sông được viết căn bản với cấu trúc AAA”BB  (Binary Form) trong thang âm Rê Thứ với sự xuất hiện của nhiều kết câu nửa chừng, không trọn (imperfect cadences), trong các bước chuyển động âm điệu, rải rác từ đoạn mở đầu, đến các phiên khúc của phần A và B, phần lớn ca khúc phản ánh tâm trạng thổn thức không nguôi, diễn tả qua âm điệu trầm buồn của xứ Huế pha lẫn một chút âm hưởng của nhạc cổ điển vào thời kỳ Baroque và  Phục Hưng ở thế kỷ 16-17.

 

Đoạn A được mở đầu ngay với giai điệu chính và cũng là chủ đề của bản nhạc. Trong đó, bước chuyển động âm điệu của kết câu lơ lửng từ Sol Thứ qua La Thứ, thể hiện một nỗi lòng thổn thức mong đợi:  

 

“Chiều về bên dòng sông ta đứng ngóng trông”

 

Khi tả cảnh “chiều về bên dòng sông”, tác giả tả ít, nhưng gợi nhiều và ẩn ở chiều sâu của thơ và nhạc là thái độ và tâm trạng giàu cảm xúc của con người. Bước chuyển âm quảng hai cuối câu thường diễn tả một cảm giác mạnh, nhưng lại được đặt vào kết câu lưng chừng, có lẽ tác giả muốn diễn tả một ước mơ tuy xa vời nhưng đồng thời lại là một niềm khao khát mãnh liệt. Mãnh liệt bởi vì không riêng gì chàng, mà hoài bão đó cũng là của cả một thế hệ trẻ Việt nam lúc bấy giờ.

 

Hình ảnh thời gian trôi đi từ chiều đến đêm trong không gian tĩnh mịch và phủ đầy bóng tối của dòng sông, được diễn tả với nhạc điệu chậm rãi và tha thiết. Nét đặc trưng bao trùm cả cảnh vật là sự êm ả nhưng đượm buồn. Lồng vào không gian ảm đạm đó là tâm tư khắc khoải của chàng trai đất Việt trong cảnh nước mất, nhà tan đang hoài vọng về một tương lai xa xôi:

 

“Mong một ngày mai tới

 

Mong một cuộc đời mới

 

Mong chân trời xa xôi”

 

Ở cuối câu đầu của phiên khúc, những chuyển biến từ âm Si Thứ qua Fa Trưởng, nhằm tạo một hiệu ứng thay đổi trong lời nhạc và ý nhạc, cùng với giải kết giáo đường (plagal cadence) cho ta thấy sự mong chờ tuy xa xôi, nhưng đâu đây có thoáng chút tia hy vọng.

 

“Mong ước không nguôi”

 

Ngay sau giải kết giáo đường, bước chuyển biến từ Mi Thứ qua Sol Thứ 7 rồi tiến lên âm La Trưởng đã tạo nên một dáng vẻ trầm buồn nhưng lại nghiêm trang.

 

Những tâm tình thổn thức này khiến ta liên tưởng đến tâm trạng mong ngóng đợi tàu của “Hai Đứa Trẻ”, một tác phẩm hiện thực của Thạch Lam, một nhà văn lãng mạn tiêu biểu của nhóm Tự Lực Văn Đoàn. Đó là một truyện ngắn, không có cốt chuyện, diễn tả những xao động trong tâm hồn hai đứa trẻ khi nghe tiếng tàu từ Hà Nội về, đi qua phố huyện, mỗi khi đêm về khuya. Cũng trong tâm tình này, Nguyễn Hồng Anh đã đi sâu thể hiện những xúc cảm mong manh, mơ hồ trong thế giới nội tâm của một chàng trai yêu nước, khắc khoải, thao thức trước biến loạn của quê hương, đong đưa phận mình theo “Con Thuyền nằm trên sóng”:

 

“Ta đi về đâu

 

Mơ ước bao lâu

 

Chưa nói nên lời”

 

Các âm Trưởng và Thứ xen lẫn nhau, thì ta cũng như một buổi chiều buồn, có dòng sông soi bóng, để cùng tâm sự, chia xẻ những niềm vui, nỗi  buồn, thổn thức xen lẫn với hy vọng:

 

“Chung một niềm mơ ước

 

Mong được ngày rời bến

 

Mong con thuyền ra khơi”

 

Con thuyền đêm nay không “rời bến ra khơi” nhưng đã đem đến trong tâm tưởng chàng một thế giới khác hẳn với thế giới tối tăm của hiện tại và chàng trai vẫn cứ lặng theo mơ tưởng về một thế giới xa xăm đó. Có lẽ thế giới đó là cuộc sống trong ký ức tuổi thơ với những kỷ niệm tuyệt vời mà bấy lâu nay chàng vẫn tha thiết hướng về, dù chỉ trong giây lát “theo dòng mơ tưởng”.

 

Phải chăng những kỷ niệm tươi đẹp thường in đậm và khắc sâu trong tâm hồn tuổi trẻ giống như một chiếc gối êm đềm ru ta vào giấc ngủ dịu êm cho dù thực tại có phũ phàng hay ảm đạm đến đâu?

 

Chàng nghĩ về quá khứ, nghĩ đến tương lai và hiện tại. Quá khứ tuổi thơ tươi sáng đã qua lâu rồi, tương lai thì mờ mịt mong manh còn hiện tại thì lại đầy bóng tối:

 

“Ôi em yêu dấu ơi,

 

Lòng ta đau đớn không nguôi”

 

Bước chuyển âm bất ngờ, mang chất kịch tính, từ Sol Thứ đến La Trưởng thể hiện một nỗi sợ hãi bất chợt vây quanh:

 

“Hỡi người! Hỡi người!”

 

Sau đó, từ chủ âm Rê Thứ lại chuyển cung đến Sol Thứ, tác giả đã bày tỏ sâu sắc nỗi buồn về một cuộc sống mòn mỏi, quanh quẩn không thể đổi thay, niềm thổn thức âu lo về một tương lai mờ mịt, với sự lặp đi, lặp lại một câu hỏi, không có câu trả lời:

 

“Ta đi về đâu? Ta đi về đâu?”

 

Trong đêm tối mênh mông, niềm hy vọng ẩn hiện như một ánh sao băng lấp lánh bất chợt bay qua nền trời rồi vụt tắt, đã mang theo bao ước mơ và hoài bão của chàng trai trẻ đi tới nơi nào không biết:

 

“Về bờ yên vui. Hay xuống vực sâu?”

 

Rồi chuyển biến từ Sol Thứ đến Mi Giảm, lại càng làm ta tăng thêm cảm giác sợ hãi, âu lo:

 

“Về miền dung thân. Hay chốn giam cầm?”

 

Nhưng con người tự muôn đời nay, luôn muốn sống trong khao khát và hy vọng những gì tươi sáng hơn, dù trong bất cứ hoàn cảnh nào:

 

“Người rồi cũng xa.

 

Kiếp sống chăng là hư không”

 

Phần cuối bài, từ âm Rê Thứ dẫn tới âm Sol Thứ trong tâm trạng đau thương tột cùng đã được kết thúc bất ngờ với quảng ba Picardy (Tierce de Picardy), và với âm Rê Trưởng thay vì trở về chủ âm Rê Thứ, đây là lối kết rất phổ biến vào thời kỳ Baroque và Phục Hưng ở thế kỷ 16-17, mà nhạc sĩ J.S. Bach đã thường xử dụng trong các Cantatas và Fugues của ông. 

 

Với lối kết độc đáo này, tác giả đã khơi dậy một cảm giác, vượt lên cuộc sống hiện tại dường như không có lối thoát, là sự háo hức trông đợi một thế giới tốt đẹp và nỗi khát vọng về một tương lai tươi sáng. Chính niềm hy vọng đó đã đánh thức một sức sống mãnh liệt trong tâm hồn dạt dào cảm xúc của chàng trai đất Việt, Nguyễn Hồng Anh. 

 

Kim Trang

 

(TiVi Tuần-san  số 1518)

 

Link YouTube Giấc Mơ Bên Sông:

 

https://www.youtube.com/watch?v=F5x_pVgKBRk