MỸ DUNG: vui với ca nhạc và gia đình

07 Tháng Tám, 2012 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

 

Mỹ Dung

 

 

Đối với khán thính giả thành phố Montreal, Canada,  khi nhắc tới một giọng ca nữ tiêu biểu trong những sinh hoạt ca nhạc, không ai khác hơn là Mỹ Dung. Trước khi gắn bó với thành phố mà gia đình chị đặt chân đến từ  gân 20 năm nay, trước năm 75 Mỹ Dung đã từng được coi là một nghệ sĩ kỳ cựu trong các lãnh vực vũ và hát mà chị từng tham gia từ  giữa thập niên 50.  Với một quá trình hoạt động trải dài trong suốt gần 50 năm và với số tuổi năm nay đã ngoài 60, bây giờ chính là thời điểm thích hợp để cùng chị ôn lại quãng đường đã qua…

 

Người nữ ca sĩ  tuy đã ở trong lớp tuổi khá cao, nhưng vẫn tỏ ra còn nhiều hăng say trong nghệ thuật này tên thật là Đàm Tuyết Anh, sinh năm 1942.  Chị là người con thứ nhì trong một gia đình có 9 người con: 5 gái, 4 trai. Trong số những người con trai, cố nghệ sĩ Phi Hùng là người anh cùng mẹ khác cha với Mỹ Dung. Ông cũng là một tên tuổi được biết đến nhiều tại Montreal,  đã qua đời cách đây vài năm.

 

Song thân Mỹ Dung là chủ nhân rạp chiếu bóng Việt Long trên đường Cao Thắng, một địa điểm quen thuộc với những chương trình phụ diễn tân nhạc tại Sài Gòn trong những thập niên 50 và 60. Nhờ vậy Mỹ Dung đã có cơ hội tiếp xúc với nhiều nghệ sĩ trình diễn trong những chương trình ca vũ nhạc kịch tại rạp hát của gia đình  nên đã tỏ ra rất say mê các bộ môn nghệ thuật này.

 

Việc diễn ra  thuờng xuyên những tiết mục ca múa quả thật đã ảnh hưởng sâu xa đến Mỹ Dung từ khi còn ở trong lứa tuổi nhi đồng với tên tây là Juliette, trong thời gian theo học bậc tiểu học tại trường Aurore. Nhận thấy cô con gái lớn rất say mê văn nghệ nên thân mẫu cô đã đồng ý cho gia nhập ban nhi đồng Quốc Thắng để cùng trình diễn trên cái sân khấu đã trở thành quen thuộc với cô trong suốt tuổi thiếu niên. Nhờ có năng khiếu văn nghệ, nên Mỹ Dung cũng đã được nhạc sĩ Mạnh Phát vào năm 56 dạy về nhạc lý. Mỹ Dung sau đó ghi tên tham dự  một cuộc thi tuyển lựa ca sĩ thiếu nhi và đã chiếm được hạng 3.

 

Ngoài ca hát, Mỹ Dung còn tỏ ra đam mê bộ môn vũ khi theo dõi những bước nhẩy đẹp mắt của vũ bộ gồm 3 anh em Lưu Bình, Lưu Hồng và Mỹ An.  Đặc biệt tài nghệ và nét điển trai của Lưu Bình đã được Mỹ Dung đặc biệt chú ý.  Khi gia đình Mỹ Dung khai thác phòng trà ca nhạc Monaco bên cạnh rạp Việt Long, có một thời gian chị được nhạc sĩ Đức Quỳnh hướng dẫn thêm về nhạc để thỉnh thoảng lên góp mặt trong những chương trình ca nhạc tại đây với những nhạc phẩm ngoại quốc thịnh hành thời đó như: Three Coins In The Fountain (La Fontaine Des Amours), Bambino, vv… cùng với những ca sĩ cùng thời như Mỹ Hoà, Thanh Thúy, Kim Chi, Thùy Lan, vv…

 

Cùng một lúc, Mỹ Dung được gia đình cho theo học piano cổ điển với nhạc sĩ Võ Đức Thu, nhưng sau đó đã chuyển qua học nhạc moderne với thầy Nguyễn Văn Dung, là một trong những nhạc sĩ sử dụng piano kỳ cựu của Việt Nam, từng đào tạo nhiều nhạc sĩ dương cầm tên tuổi. Vị nhạc sĩ lão thành này hiện cư ngụ tại Calgary, tỉnh bang Alberta ở Canada.

 

Cuộc sống của Mỹ Dung về hai mặt nghệ thuật và tình cảm đi vào một khúc quanh lớn từ khi quen biết với Lưu Bình. Và ngược lại người vũ sư  gốc Trung Hoa được nhiều thiếu nữ  dành cho những cảm tình đặc biệt này cũng bước vào một giai đoạn mới để cùng với Mỹ Dung chung sống từ năm 1969, cho đến nay đúng 45 năm.  Mối tình của hai tâm hồn nghệ sĩ này đã trải qua nhiều khó khăn, gian nan cùng những tủi hờn, chua xót trong một thời gian dài, trước khi được sự công nhận chính thức của thân mẫu Mỹ Dung.

 

Khi mới gặp gỡ nhau, Mỹ Dung và Lưu Bình đã cảm thấy họ có một sự gắn bó lạ kỳ, trong khi cả hai được rất nhiều người theo đuổi.  Mỹ Dung nhờ ở sắc đẹp và sinh trưởng trong một gia đình giầu có. Còn Lưu Bình nhờ  tài nghệ và khuôn mặt điển trai. Nhưng hai người đã chối bỏ mọi liên hệ tình cảm khác để đến với nhau.

 

Theo Lưu Bình kể, khi mới quen Mỹ Dung, anh  “chỉ mời ăn một múi quít” để rồi từ đó trở nên khắng khít với nhau. Và cũng từ đó anh khám phá ra tính tình bình dân, hoà nhã và thích hoà đồng với mọi người của một thiếu nữ con nhà cao sang, giầu có. Về phần Mỹ Dung, chị rất phục tài múa của Lưu Bình, coi anh như một thần tượng nên tình cảm nơi chị đã bộc lộ ngay từ những giây phút quen biết đầu tiên. Tình cảm giữa hai người càng ngày càng trở nên thắm thiết trong khi thân mẫu Mỹ Dung chưa hay biết gì.

 

Sau gần hai năm quen biết, Lưu Bình quyết định sang Nam Vang cộng tác với một đoàn xiệc. Anh muốn có một thời gian thử thách với Mỹ Dung cũng như với chính tình cảm của mình.  Trước khi chia tay Mỹ Dung, anh được chị hứa là “không bao giờ thay lòng đổi dạ”. Câu nói này đối với một người gốc Trung Hoa như Lưu Bình đã không được hiểu một cách rõ ràng. 

 

Sau này hỏi thăm nơi bạn bè, anh mới nhận ra ý nghĩa của nó để cảm động trước sự chân tình của Mỹ Dung dành cho anh.  Sau khi Lưu Bình rời Sài Gòn được một thời gian, viện cớ thích học múa, Mỹ Dung đã vận động mẹ sang tận Nam Vang để mời Lưu Bình về hướng dẫn. Một phần cảm mến tài nghệ của người nghệ sĩ quen thuộc trong những chương trình văn nghệ của sân khấu nhà, phần khác muốn chiều con nên bà đã thực hiện theo ý muốn của cô con gái cưng.

 

Thân mẫu Mỹ Dung quí mến Lưu Bình bao nhiêu trước khi biết được sự liên hệ tình cảm sâu xa giữa anh và con gái mình, đã trở nên ghét bỏ anh bấy nhiêu khi được biết hai người có ý định cùng nhau lập gia đình.  Bà cương quyết chống phá cho đến kỳ cùng để Mỹ Dung và Lưu Bình không đạt được ước muốn của họ. Bà cho là gia đình Lưu Bình không được “môn đăng hộ đối” so với một gia đình nhiều tiền của như gia đình bà. Bà còn liệt anh vào loại “trôi sông lạc chợ”,  “xướng ca vô loài”, vv… và còn cho rằng anh đã bỏ bùa khiến con gái bà lú lẫn để đến với anh. 

 

Lưu Bình được một số nhân vật danh giá và quyền thế vào thời đó ủng hộ trong việc lập gia đình với Mỹ Dung vì họ thấu hiểu được tính tình của anh và tình cảm chân thật của anh đối với Mỹ Dung, nên đã tạo dịp để trình bày cùng thân mẫu chị. Nhưng bà nhất định chối từ.

 

Nhận được sự cương quyết từ nơi Mỹ Dung, nhất định cùng anh đi đến hôn nhân mặc dù gặp nhiều trở ngại, Lưu Bình vững tâm cùng chị sống chung từ năm 1959.  Tiệc cưới của hai người được tổ chức lén lút tại nhà ông nội Mỹ Dung ở Hóc Môn, chỉ có mặt một số ít người.

 

Thời kỳ đầu tiên sau khi thành hôn, cặp Mỹ Dung – Lưu Bình gặp rất nhiều khó khăn. Vì không được thân mẫu Mỹ Dung công nhận, nên cả trước khi sanh đứa con gái đầu lòng tên Mỹ một tuần lễ, Mỹ Dung còn bị mẹ đánh chửi. Sau khi sanh nở, bà đã cho chị chích thuốc để hạ sữa trong khi cháu ngoại của bà rất cần.  Nhất là cháu được sinh ra khi chưa đủ tháng trong bụng mẹ. Người con rể không được bà công nhận là Lưu Bình đã phải lặn lội vất vả vào tận Xóm Củi để mua sữa từ vợ một người bạn, mang lén lút đến nhà bảo sanh nuôi con. Nhiều khi mưa tầm tã, anh phải ủ kỹ trong người để giữ hơi nóng. 

 

Một lần đến thăm con, anh được cho biết bà ngoại đã đến đưa cháu về nhà. Sau đó mỗi lần đến nhà vợ thăm con, người cha nhiều chịu đựng đó đã phải đứng ngoài song sắt nhìn lén mà không dám bước vào nhà. Hình ảnh đó đã ghi đậm nét nơi tâm hồn Mỹ Dung để chị càng tỏ ra thương yêu anh hơn.

 

Cặp Mỹ Dung – Lưu Bình với sự kiên nhẫn có thể nói là hiếm thấy nhằm bảo vệ hạnh phúc của mình, mãi đến sau khi có được đứa con thứ tư mới được thân mẫu Mỹ Dung chấp nhận và đồng ý để các cháu ngoại gọi Mỹ Dung và Lưu Bình là bố mẹ.

 

Trước đó, con của 2 người chỉ được gọi bố mẹ mình là “cậu” hay “cô” và xưng là “em”!.  Trước quan niệm quá khó khăn của mẹ vợ, Lưu Bình không hề trách cứ.  Trái lại anh còn thông cảm, cho là vì ảnh hưởng của chế độ phong kiến nên bà mới có quan niệm như vậy.  Nhất là theo anh, người mẹ  nào cũng muốn bảo vệ con mình, không muốn gặp phải những vất vả, gian truân trong cuộc sống khi muốn lấy một người không được khá giả như anh.

 

Thân mẫu Mỹ Dung năm nay 90 tuổi, trong khi thân phụ chị đã qua đời từ khi mới 56 tuổi, sau khi chị sanh người con thứ  5. Sau khi nhận biết được những đức tính của người con rể từng bị phụ rẫy trong suốt một thời gian dài cùng với sự hết mực thương yêu vợ con, càng ngày bà càng tỏ ra quí mến anh.  Và đã có nhiều lần bà lên tiếng cám ơn anh đã không quản ngại để lo lắng và hết sức săn sóc Mỹ Dung trong những lúc ốm đau bệnh hoạn.

 

Cũng từ  khi thành hôn với Lưu Bình, con đường nghệ thuật của Mỹ Dung tiến triển thấy rõ. Chị chú tâm vào lãnh vực múa nhiều hơn dưới sự hướng dẫn tận tâm của chồng để sau đó gia nhập vào ban vũ do anh thành lập, đi trình diễn đó đây.  Đặc biệt trong những chương trình đại nhạc hội do nghệ sĩ Trần Văn Trạch tổ chức, trong những vũ điệu An Độ, Tây Ban Nha, vv… Chị cũng đã có một thời gian cộng tác với vũ đoàn của vũ trường Moulin Rouge do Lưu Bình thành lập vào năm 1963.

 

Khi Lưu Bình chuyển hướng qua nghệ thuật sử dụng trống, Mỹ Dung cũng ngưng hoạt động về múa để bắt đầu đi hát nhiều hơn. Tiếng hát của chị đã vang lên khắp các vũ trường Sài Gòn, Chợ Lớn như Tour D’Ivoire, Olympia, Arc-en-Ciel, Caravelle, Maxim’s, vv… trong các nhạc phẩm lời Pháp và Mỹ nhờ có thời gian theo học tại các trường Charles De Gaulle và Hội Việt Mỹ trong thời kỳ trung học.  Thêm vào đó chị cũng đã tỏ ra có nhiều năng khiếu đóng kịch khi cùng với người anh cả cùng mẹ khác cha là Phi Hùng đồng diễn trên sân khấu.

 

Qua năm 65, Mỹ Dung đứng ra khai thác phòng trà ca nhạc Monaco, cạnh rạp Việt Long của gia đình. Sau đó một thời gian, Monaco được giao cho Jo Marcel hai thác tiếp trong khi Mỹ Dung để đi hát ở những nơi khác cũng như tại các clubs Mỹ sau khi cùng với một số nhạc sĩ thành lập ban nhạc The Beat Time.

 

Sau năm 75, Mỹ Dung trở về với bộ môn múa khi cùng Lưu Bình gia nhập đoàn ca múa Hương Miền Nam do nguyễn Hữu Thiết thành lập. Đến năm 1984, gia đình chị được các em ở Canada bảo lãnh sang cư ngụ tại Montreal cho đến nay. 

 

Vừa đến với thành phố này,  Mỹ Dung đã được mời cộng tác với ban nhạc của nhạc sĩ Anh Hoàng. Kế đó chị hát cho ban nhạc Gap một thời gian ngắn trước khi cộng tác với hầu hết những phòng trà và vũ trường tại đây như  Chateau Du Vietnam, Miss Saigon, vv…

 

Đến năm 90, chị cùng một số nghệ sĩ thành lập ban nhạc The Waves, cho đến nay thỉnh thoảng vẫn trình diễn trước khán giả.  Với những sinh hoạt văn nghệ có tính cách cộng đồng tại Montreal, Mỹ Dung luôn là một trong những tiếng hát có nhiều đóng góp tích cực.  Từ những buổi ra mắt sách, CD hay những buổi văn nghệ bỏ túi cho đến những chương trình chợ Tết, người ta luôn được thấy hình ảnh quen thuộc của chị.  Thêm vào đó là tài nghệ vũ của chị, mặc dù với một số tuổi đã cao nhưng vẫn còn nhiều linh động.

 

Từ khi ra đến hải ngoại, Mỹ Dung luôn chủ trương chỉ hoạt động cho vui, nhất là hiện nay chị coi đó như một sự giải trí khi đã có một bầy cháu 6, 7 đứa! Tuy vậy khán giả vẫn còn cảm thấy rất thích thú khi nghe tiếng hát của chị qua những nhạc phẩm tình cảm hoặc dân ca Việt Nam, xen kẽ với những nhạc phẩm ngoại quốc đã gắn liền với tên tuổi chị trong suốt quá trình của cuộc đời nghệ sĩ. Từ những ca khúc êm dịu như Fly Me To the Moon, All The Way cho đến ca khúc tươi trẻ như Baby Don’t Hurt Me, vv…

 

Những người con chị cũng vậy, họ vẫn luôn khuyến khích Mỹ Dung trong những sinh hoạt ca hát vì thấy chị tìm được một niềm vui, một niềm hạnh phúc lớn lao ngoài niềm hạnh phúc gia đình bền vững mà chị đã bảo vệ được trong suốt 45 năm bên cạnh chồng con.

 

Trường Kỳ  TVTS   số 970