NGHIÊM PHÚ PHI: Thích làm những gì người khác làm không được!

19 Tháng Ba, 2012 | Nghệ sĩ Việt Nam

Để tưởng nhớ một nhạc sư tài ba…

 

Trường Kỳ

 

 

Nhạc sư Nghiêm Phú Phi và tác giả trước lớp dạy nhạc của ông tại thành phố Westminster, nam California

 

 

”Sống tới đây cũng đủ rồi. Nếu mà có chết cũng không có gì tiếc. Không tiếc gì cả. Mà thôi kệ chừng, nào chết thì chết chứ “.  Đó là nguyên văn câu nói của nhạc sư Nghiêm Phú Phi nói với tôi trong lần tôi đến thăm ông tại lớp dạy nhạc của ông trên đường Bolsa, thành phố Westmonster, nam California.  Vị nhạc sư lúc đó được 69 tuổi đó còn cho biết ông rất lười đi khám sức khỏe định kỳ, vì nếu đi “Check up rồi với cái kiểu bên các nuớc quá văn minh như thế này  người ta gọi là  bói ra ma, quét nhà ra rác. Check up thế nào rồi nó cũng lòi ra cái gì đó!  Rồi bác sĩ  hù dọa.  Mình không sợ chết thì thôi kệ! Chừng nào trời bắt chết thì chết!

 

Thời gian đó cách đây đã gần 8 năm nhưng hình ảnh của vị nhạc sư có tính rất xuề xòa này vẫn còn hiện rõ ràng trong ký ức tôi, khi đã dành cho tôi một  buổi nói chuyện rất thân mật trong suốt buổi tối 15 tháng 11 năm 1999. Những bước chân có vẻ khá nặng nề của ông cùng với những cử chỉ chậm chạp khiến bất cứ ai thấy cũng nghĩ rằng sức khỏe của ông hình như sa sút so với những năm đầu tiên khi ông bắt đầu mở lớp dạy nhạc vào năm 1985, ngay sau khi mới đến Mỹ.

 

Nghiêm Phú Phi cho biết  thời gian đó ông  làm việc liên tục một ngày trên 12 tiếng mà không cảm thấy mệt nhọc gì. Những năm sau, ông cảm thấy như không còn sức khi làm việc 7, 8 tiếng một ngày. Ông cho đó là sự suy yếu bình thường của tuổi già. Tôi vẫn lưu giữ những chi tiêt và hình ảnh liên quan đến cuộc nói chuyện đó cho đến khi nghe tin ông vĩnh viễn ra đi vào ngày 16 tháng 1 năm 2008 vừa qua.

 

Theo như người vợ sau của ông là bà Nguyễn Ngọc Sương kể với báo chí thì nhạc sư Nghiêm Phú Phi đã đột ngột qua đời tại tư gia ở thành phố Fountain Valley, khi chuẩn bị đi dự đám tang tài tử  Lê Quỳnh vào sáng sớm ngày 16 tháng 1 năm 2008.  Nhưng khi vào phòng ngủ, bà thấy ông đã nằm soài trên nền nhà và đã tắt thở, trong khi chiếc ghế ông ngồi trước đó bị lật.  Theo suy đoán của bà, chắc có lẽ ông bị té từ trên ghế xuống. 

 

Lễ di quan và hỏa táng dành cho vị nhạc sư từng tốt nghiệp ưu hạng về hòa âm và diễn tấu dương cầm tại Viện Âm Nhạc Paris (Conservatoire De Paris) vào năm 1954 đã được diễn ra vào lúc 2 giờ chiều ngày Thứ Hai 28 tháng 1 năm 2008.

 

Di ảnh nhạc sư Nghiêm Phú Phi trên bàn thờ trong buổi lễ di quan 28.1.08

 

Nếu chưa biết qua thân thế ông, chắc chắn khi tiếp xúc với Nghiêm Phú Phi lần đầu tiên, ai cũng sẽ cho ông là một người miền Nam với một giọng nói rặt Nam Kỳ. Và những bản tính tính xuề xòa, cởi mở, và nói “thẳng ruột ngựa” của ông đã khiến không ai có thể ngờ ông là một người Bắc Kỳ chính cống với song thân là người tỉnh Hà Đông, vào Nam lập nghiệp từ cuối thập niên 20. Ông  cho tình trạng “nam kỳ hóa” của mình đến từ sự  quen biết với toàn bạn bè người miền Nam,  ngay từ vài năm sau khi mở mắt chào đời vào ngày 9 tháng 7 năm 1930 tại Sài Gòn. 

 

Trong khi đó, 2 người em trai của ông cũng đi theo con đường nghệ thuật là hai nhạc sĩ Nghiêm Phú Phát và Nghiêm Phú Phúc giao thiệp với nhiều bạn bè người Bắc nên vẫn giữ được giọng Bắc Kỳ.  Ngòai 2 người em trai, Nghiêm Phú Phi còn 4 người em gái, trong số có một người đã sớm qua đời.

 

Người anh cả trong gia đình là Nghiêm Phú Phi theo bố mẹ về Bà Rịa cho đến khi học xong tiểu học mới trở lại Sài Gòn học bận trung học tại trường Pétrus Ký.  Trong những năm cuối tại đây, ông đã bắt đầu đi làm kiếm tiền vào ban đêm từ năm 1945 trong vai trò một nhạc sĩ đàn piano, nghĩra là «làm văn nghệ một cách chính thức», như ông nói thay vì những năm trước chỉ họat động một cách tài tử trong những sinh hoạt văn nghệ nơi học đường mà ông rất được bạn bè thán phục.

 

Nơi ông đàn piano là một quán cà phê nhỏ trên đường Lagrandière (tức đường Gia Long sau đó, và Lý Tự Trọng bây giờ).  Cùng làm với ông tại đây là quái kiệt Trần Văn Trạch, lúc đó vào gần cuối thập  niên 49, chưa nổi tiếng. Ngòai ra còn có thêm nhạc sĩ sử dụng Hạ Uy Cầm là Lê Ngác trình diễn tại một nơi lui tới của những khách hàng phần lớn là người Pháp.

 

Một thời sau, trong suốt vài ba năm, ông mở rộng tầm họat động của mình một cách rộng lớn hơn bằng cách  đi vào sinh họat vũ trường bằng tiếng đàn piano quen thuộc với những dân chơi về đêm tại khắp các vũ trường Sài Gòn, Chợ Lớn và Đa Kao.  Cuộc đời của ông càng ngày càng gắn liền với những phím dương cầm từ đó với ý nguyện tiến xa hơn trong lãnh vực âm nhạc.

 

Nhận thấy Nghiêm Phú Phi có khiếu về âm nhạc từ nhỏ nên một người trong gia đình là Nguyễn Văn An  đã hướng dẫn ông về căn bản nhạc lý, cùng một lúc chỉ dẫn ông nghệ thuật sử dụng đàm guitar và mandoline.  Nhưng với hai nhạc khí này ông đã không tỏ ra mấy yêu thích mà lại tỏ ra  rất gắn bó với cây đàn đàn piano mà ông đã tự mò mẫm tự học một số căn bản truớc khi được giới thiệu theo học piano cổ điển nơi nhạc sư Võ Đức Thu, một tay dương cầm khét tiếng vào thời đó.

 

Nhờ sẵn có năng khiếu và hình như được sinh ra chỉ để chơi piano nên Nghiêm Phú Phi học rất nhanh  khiến thầy dạy không ngớt lời khen ngợi.  Thấy người con trai cả trong nhà có ý hướng nhất định đi theo con đường nghệ thuật nên gia đình Nghiêm Phú Phi đã cho ông sáng Pháp để thi vào Viện Âm Nhạc Pháp ở Paris.  Ông thi đậu một cách dễ dàng và cuối cùng, một lần nữa Nghiêm Phú Phi đã làm cho các giáo sư dạy ông  hãnh diện khi ông tốt nghiệp ưu hạng vào năm 1954. 

 

Sau đó ông ở lại Paris cho đến năm 1958 mới trở về sống tại Sài Gòn  để bắt đầu quan tâm đến lãnh vực sáng tác về nhạc giao hưởng.  Công trình quan trọng nhất của nhạc sư Nghiêm Phú Phi là sự cho ra đời những bài giao hưởng, trong đó ông đã đưa vào âm thanh của một số nhạc khí cổ truyền của Việt Nam là đàn bầu, đàn tranh và đàn nhị. 

 

Với chủ trương làm những việc gì chưa có ai làm, ông đã thực hiện được một công trình thật giá trị.  Theo lời ông kể, sau năm 75, ông đã có dịp tiếp xúc với khá nhiều tên tuổi của thể lọai nhạc giao hưởng từ miền Bắc vào.  Thọat đầu họ có ý coi thường  khả năng về nhạc cổ điển cũng như những công trình sáng tác hay sáng kiến của miền Nam. Nhưng Nghiêm Phú đã khiến tất cả đi từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác  khi cho họ thưởng thức tấu khúc ông đặt tựa là “Divertimento I” , ông đã thực hiện từ năm 1960, trong đó đã phối hợp các nhạc khí dân tộc cổ truyền với  dàn nhạc giao hưởng Tây Phương. 

 

Trong một lần gặp gỡ Văn Cao, người nhạc sĩ tên tuổi này đã cho biết là rất thích thú với nghệ thuật phụ họa dương cầm của ông, nhất là khi ông đệm cho hai giọng ca trứ danh của làng tân nnạc Việt Nam là Hoài Bắc và Thái Thanh, là người đã từng có một thời gian dạy hát chung một lớp nhạc với ông trên đường Bolsa.

 

Riêng  “Divertimento  I”  từng được trình diễn nhiều lần trước một số đông khán giả ngọai quốc ở Sài Hòn.  Trong số có một buổi trình diễn do chính phủ tổ chức và do NPP điều khiển dàn nhạc mà qua đó có một nhạc sĩ người Úc là một thành viên của một cơ quan văn hóa của quốc gia này ước ao được mang về nước phổ biến.  Một lần khác, “Divertimento I” được trình diễn ở rạp Đại Nam do Nghiêm Phú Phi chơi  piano và do một nhạc trưởng nổi danh người Đức điều khiển ban nhạc. Lần đó có một người Pháp viết phê bình về âm nhạc  cho báo Jornal d’Extrême Orient  đã mong muốn làm sao có thể phổ biến công trình sáng tác độc đáo này tại Paris.

 

Nghiêm Phú Phi đã tỏ vẻ chua chát khi tâm sự là có một số tên tuổi trong ngành âm nhạc của Việt Nam đã không muốn những bài này hoặc tương tự như vậy được phổ biến trong nước không hiểu vì lý do gì.  Trong khi chính ông từng nâng cao nhạc của những người này lên  nhờ nghệ thuật hòa âm cũng như với nghệ thuật sử dụng piano của mình…

 

Không như những sáng tác về tân nhạc là những ca khúc rất được phổ biến trong quần chúng, những công trình về nhạc giao hưởng của Nghiêm Phú Phi hầu như chỉ được rất ít người ghe quan tâm đến.  Đó là những người có một trình độ hiểu biết về nhạc.  Cũng do đó, Nghiêm Phú Phi đã không mấy thiết tha với việc phổ biến những công trình của mình. Ngoài ra, giá trị những sáng tác của ông chỉ có những người trong nghề mới thấu hiểu và tâm đắc được với những gì ông đã thực hiện bằng tất cả tâm hồn và đầu óc của một người nghệ sĩ sống hết mình với âm nhạc.

 

Nhạc sĩ Hoàng Thi thơ là một trong số  ít người cảm phục tài nghệ của Nghiêm Phú Phi. Trong những chuyến lưu diễn của Đoàn Văn Nghệ Việt Nam do Hoàng Thi Thơ hướng dẫn tại nhiều quốc gia trên thế giới, vai trò trưởng ban nhạc của Nghiêm Phú Phi đã góp phần không nhỏ vào sự thành công của đòan này trước những con mắt thán phục của những nghệ sĩ tài danh quốc tế. Nhất là với những tiết mục trình tấu nhạc giao hưởng với sự phối hợp của đàn bầu, đàn tranh và đàn nhị. Nhận biết khả năng đặc biệt của Nghiêm Phú Phi, nên Hoàng Thi Thơ đã không ngớt yêu cầu ông sáng tác thêm nhiều bài giao hưởng khác với âm thanh của những nhạc khí dân tộc, là thể lọai ông cho biết chỉ viết theo yêu cầu vì không còn cảm thấy hứng thú khi sự thưởng thức nơi quần chúng còn quá hạn hẹp…

 

Một  phần khác khiến ông không mấy chú tâm vào việc sáng tác, trừ  khi có yêu cầu, là ông quá bận rộn với công việc hàng ngày trong vai trò Phó Giám Đốc  (từ năm 1965 đến 1970) và Giám Đốc (từ 1970 đến biến cố tháng 4 năm 1975) trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn là nơi tốt nghiệp của rất nhiều nhạc sĩ nổi danh của nền âm nhạc Việt Nam. Thời gian đó có thể coi là thời gian Nghiêm Phú Phi nổi bật nhất nhưng cũng rất là bận rộn, như ông nói: “Trước năm 75, tôi làm việc một ngày 12 tiếng, một tuần lễ 7 ngày. Không có thì gờ ngồi không chơi.  Vì vậy phải thức đêm, bỏ ngủ để  làm  những cái gì ngoài sinh họat bình thường!  Đâu có thì giờ viết chơi rồi vứt trong tủ. Hổng có thì giờ!  Bây giờ cũng vậy nữa. Bây giờ già rồi, làm việc một ngày 8 tiếng là tôi đừ rồi. Bây giờ tôi cảm thấy đừ rồi. Thành ra ai cần order hay cần tôi viết thì tôi phải làm nên phải bỏ ngủ để làm”.

 

Ngoài Hoàng Thi Thơ, tài nghệ của ông cũng rất được Tổng Cục Chiến Tranh Chính Trị quan tâm nên đã «order» là chữ  ông thường nói, để sáng tác một số tấu khúc  giao hưởng.  Đó là nguyên nhân «Divertimento II» được ông ra đời vào năm 1965.  Thêm vào đó, Nghiêm Phú Phi còn nhận sáng tác cho đài phát thanh Tiếng Nói Tự Do với sự thỏa thuận là ông sáng tác mỗi hai tuần cho đài này.

Điểm đặc biệt nơi Nghiênm Phú Phi, như đã nói là ông không thích làm những gì đã có nhiều người làm trước ông. Như việc sáng tác những ca khúc chẳng hạn. Ông quan niệm:  « Bây giờ sáng tác ca khúc thì người ta viết nhiều quá, tôi viết chi nữa! Tôi không làm! Cái gì người ta làm nhiều quá, tôi không làm. Cái gì  ít người làm, tôi mới làm! Hoặc cái gì người ta làm không được tôi mới làm!»

 

 

Trường hợp như Nghiêm Phú Phi nói là “thích làm những gì người khác làm không được” cũng được áp dụng vào thời kỳ ông cộng tác với đài phát thanh Tiếng Nói Tự Do. Ông đã viết nhiều tấu khúc cho đài này, trong số được coi là giá trị nhất là “Suite I”, viết vào năm 1970 và “Suite II” viết vào năm 1971.

 

Sáng tác đầu diễn tả vẻ đẹp của quê hương Việt Nam qua các miền Bắc, Trung, Nam. Từ vùng nông thôn cho đến thị thành và trải qua nhiều giai đọan như chiến tranh và hòa bình để kết thúc bằng sự hoan ca.  Những tiểu khúc trong bài giao hưởng này được ông đặt tên ngắn gọn là: Bắc, Trung, Nam, Thi6n, Thị, Chiến, Bình, Hoan.

 

Bài thứ nhì tức “Suite II” đế cập đến từng giai đọan của một đời người mà bất cứ ai cũng phải trải qua, gồm những tiểu khúc, được Nghiêm Phú Phi đặt tên theo thứ tự: Trên Nôi, Tuổi Thơ, Mái Trường, Tình Yêu, Hôn Nhân, Trường Đời, Tuổi Già, Bệnh Tật và Giải Thoát. 

Cả 2 “suites” do ông sáng tác này đã do chính ông điều khiển ban nhạc và đàn piano, đã được thu thanh tại đài Tiếng Nói Tự Do vào đầu thập niên 70 với các nhạc sĩ  nhạc dân tộc: Ngô Nhật Thanh (đàn bầu), Nguyễn Văn Đời, Trương Hữu Lang (đàn tranh), Trịnh Chức (tỳ bà) và Hai Khuê (đàn nguyệt).

 

Điểm đặc biệt nơi Nghiêm Phú Phi là ông không biết sử  dụng các nhạc khí cổ truyền, nhưng đã chịu khó tìm hiểu những khía cạnh về âm sắc, âm giai của từng lọai đàn như tranh, bầu, nhị, nguyệt, vv… để thực hiện cho bằng được sự phối hợp với những nhạc khí Tây Phương qua nhạc giao hưởng.

 

Ngoài ra Nghiêm Phú Phi còn là tác giả của những hợp tấu khúc giá trị khác như: Apollo 14, viết vào năm 1971, trong đó ông đã làm một điều có thể gọi là “cách mạng” khi đưa những âm thanh thường được nghe trong các phim khoa học giả tưởng vào một sáng tác nhạc giao hưởng là điều chưa có ai thực hiện trước đó.  Ba năm sau, ông hoàn tất bài giao hưởng mang tên “Fantasia I” với nhiều âm thanh mới lạ. Đến năm 1993, ông lại hoàn tthành một sáng tác khác là “Fantasia II”.

 

Không thể đề cập đến Nghiêm Phú Phi mà không nhắc tới nghệ thuật soạn hòa âm của ông.  Trong những thập niên 60, 70 ở Việt Nam,  người nghệ sĩ viết hòa âm chỉ là một cái bóng mờ nhạt so với tên tuổi ca sĩ trình bầy hoặc nhạc sĩ sáng tác.  Ít người ý thức được là hòa âm giữ một vai trò rất quan trọng trong vấn đề thành công của một sáng tác phẩm khi trình diễn trước công chúng. Nhạc sư Nghiêm Phú Phi là người đã được giao cho vai trò quan trọng đó mặc dù chẳng hề được quần chúng biết tới.

 

Đâu có ai biết rằng những bài trường ca giá trị của nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, phần lớn được giao cho Nghiêm Phú Phi viết hòa âm. Như trường ca Ngày Trọng Đại chẳng hạn. Nghệ thuật hòa âm của Nghiêm Phú Phi đã khiến những trường ca của nhạc sĩ họ Hoàng thêm hẳn giá trị với những nét chấm phá độc đáo.

 

Nhạc cảnh Hòn Vọng Phu, dựa trên sáng tác của nhạc sĩ Lê Thương, khi trình diễn trước khán giả đã rất được hoan nghênh, một phần cũng nhờ nơi nghệ thuật hòa âm của Nghiêm Phú Phi. Những trường ca nổi tiếng của Phạm Duy như Mẹ Việt Nam hoặc Con Đường Cái Quan  được quần chúng nhiệt liệt hoan nghênh chắc chắn cũng đã nhờ nhiều vài tài nghệ hòa âm của vị nhạc sư tài ba này.

 

Với một số nhạc sĩ sáng tác ca khúc, những tác phẩm của họ đã được nâng cao giá trị không ít khi được Nghêm Phú Phi điểm tô vài nét hòa âm đặc sắc. Chẳng hạn như một số sáng tác đầu tay của Trầm Tử Thiêng, vào thời đó kiến thức về âm nhạc chưa có nhiều. Hơn nữa cũng ít ai quan tâm đến giá trị của việc viết hòa âm.  Tuy nhiên khi những ca khúc đó có bàn tay của Nghiêm Phú Phi đụng vào là y như rằng nổi bật hẳn lên.

 

Ngay cả đến nhạc sĩ Trúc Phương cũng vậy, lúc nào cũng yêu cầu chủ hãng đĩa nhạc thời đó để cho Nghiêm Phú Phi hòa âm những sáng tác của mình.  Những sáng tác của Trúc Phương thường được gọi theo  ngôn ngữ bình dân và thân mật là nhạc “sến”, một khi vào tay Nghiêm Phú Phi thì mới lột tả được hết tính chất của nó như ông nói là: “Nhạc sến khi tôi hòa âm thì sến nó ra sến. Bởi thế rốt cuộc mấy anh ấy cũng nhờ tôi..”.

Nói thêm về lọai nhạc đã có nhiều lần tôi gọi là nhạc «tình cảm phổ thông» để thay thế cho danh từ «sến», Nghiêm Phú Phi cho rằng đó là lọai nhạc có một giá trị riêng biệt và thu hút được rất nhiều người thưởng thức.  Ông cho rằng có lẽ danh từ «sến» đã do một số người mang nặng mặc cảm tự tôn khi cho rằng mình sáng tác hoặc thưởng thức những lọai nhạc họ cho là «cao sang».

Liên quan đến lọai nhạc mà nhạc sư Nghiêm Phú Phi công nhận là có sự thu hút mạnh mẽ quần chúng Việt Nam đó, có thể lấy trường hợp ca khúc Nửa Đêm Ngoài Phố  cũng như một số ca khúc do Nhật Trường hay Hoàng Oanh trình bầy làm điển hình cho trên 1000 ca khúc được Nghiêm Phú Phi viết hòa âm.  Tài nghệ hòa âm của ông đã nâng giá trị những ca khúc đó lên rất nhiều… Hầu hết những nhạc phẩm đó đều đã được thu thanh trên đĩa nhựaViệt Nam, Sóng Nhạc, Continental vv…

 

Nghiêm Phú Phi công nhận là ông ôm đồm nhiều thứ nên thường hay “xía vào” đủ mọi thứ như ông nói một cách thẳng thắn, đúng như bản tính không mầu mè của mình: “về phương diện trình diễn, tôi là người chuyên về piano mà! Thì tôi bị mang tiếng là người dơ bẩn nhất  nước Việt Nam!  Ngĩa là từ thượng vàng đến hạ cám  tôi xía vào hết. Tôi không chê ai hết trọi. Nếu nó thuộc lọai hạ cám thì tôi tìm cách tôi nâng cao nó lên. Nhờ cách hòa âm tôi đưa nó lên”.

Ngoài nhạc, ông còn “xía vào” cả lãnh vực thơ khi đã từng đệm piano cho nhiều giọng ngâm nổi tiếng.

 

Chưa hết, ông “xía vào” luôn cả lãnh vực phim ảnh bằng cách viết nhạc cho một số bộ phim, trong số có vài cuốn phim do Trung Tâm Văn Hóa Hoa Kỳ thực hiện.

Ngay đến cả việc đi làm tại các clubs Mỹ cũng có Nghiêm Phú Phi nhúng tay vào.  Với vai trò sử dụng piano, ông đã từng đệm cho rất nhiều giọng ca nổi tiếng của Việt Nam trong những thập niên 60 và 70 như Jo Marcel, Tuấn Ngọc, Như An, Ngọc Mỹ, vv…

 

Cùng trong một ban nhạc với ông là các nhạc sĩ  Đỗ Thiếu, Nhật Bằng và Quang Mai.  Nhờ làm ở các club Mỹ đến tháng 4 năm 75, nên ông và một số nghệ sĩ khác đã được một người “manager” Mỹ hứa hẹn sẽ giúp chở vào phi trường để rời khỏi Việt Nam cùng với gia đình sau khi đóng cho người này một số tiền. Cuối cùng tất cả đều trở thành nạn nhân của một vụ lừa bịp nên đã phải ở lại.

 

Theo những lời tâm sự của ông thì bởi lý do “xía vào” nhiều lãnh vực quá nên có một “số người thường vỗ ngực xưng là ta đây” không thích ông, như ông nói một cách rất thẳng. Ông lại còn cho rằng tại họ không làm được như vậy nên tìm cách “thọc gậy bánh xe”.

 

Cũng từ những nguyên nhân kể trên, cho đến nay những sáng tác của Nghiêm Phú Phi chưa được tung ra thị trường.  Mặc dù đó là những tác phẩm giao hưởng rất có giá trị, có tầm vóc quốc tế vì dù sao cũng là những tác phẩm của một người từng tốt nghiệp ưu hạng tại viện Quốc Gia Âm Nhạc của Pháp tại Paris.  Nghiêm Phú Phi nhận định thêm về sự kiện này một cách bộc trực: “Có vấn đề là người nào muốn làm cái đó mà làm chưa được  thì những người đó lại không thích để  mình ra mặt. Không thích người làm được ra mặt. Nói chung là cái tánh, cái tâm địa của người Việt Nam  mình. Nghĩa là không ra được. Ra là bị phá ngay.  Thành ra  tánh tôi cũng không bon chen nên khi nào nó ra thì thì ra. Không ra thì thôi, kệ nó thôi. Thế kỷ này không ra. Thế kỷ sau nó ra, chẳng hạn vậy.”.

 

Những lời ông vừa nói đã thuộc về thế kỷ 20.  Hy vọng những tác phẩm của Nghiêm Phú Phi sẽ có cơ hội đến với người nghe trong nay mai, dù rằng sức tiêu thụ có nhiều hạn chế như ông nhận xét.  Để theo đó người ta có dịp học hỏi từ người nhạc sư tài ba của nền âm nhạc Việt.

 

Tưởng cũng cần nhắc nhở tới những ý kiến mới mẻ của Nghiêm Phú Phi khi ông giữ chức vụ Giám Đốc Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn trong việc đào tạo và giáo dục các môn sinh. Ông từng có nhiều ý kiến cấp tiến trong việc giáo dục. Nhờ vậy nhiều học trò của ông cho rằng ông đã đưa một luồng gió mới đến với việc giảng dạy và nghiên cứu âm nhạc trong suốt thời gian ông l;àm giám đốc.  Còn với ông, “làm được gì là có dịp tôi làm.  Tại cái gì tôi cũng xía vô hết”.

 

Và cũng nhờ vai trò giám đốc, Nghiêm Phú Phi đã có dịp gặp gỡ và tiếp xúc với rất nhiều nhạc trưởng quốc tế cũng như đệm piano cho rất nhiều nghệ sĩ opera nổi tiếng trên thế giới trong những chương trình nhạc được tổ chức tại Hội Việt-Mỹ cũng như trường Quốc Gia Âm Nhạc ở Sài Gòn trước năm 75.

 

Sau biến cố tháng 4 năm 75, như bao người khác, cuộc đời nhạc sư Nghiêm Phu Phi đi vào một khúc quanh quan trọng, khiến cuộc sống ông thay đổi hoàn toàn với rất nhiều khó khăn trước mặt.    được coi như một công chức cao cấp, đáng kẽ ông đã phải đi tù cải tạo. Nhưng rất may mắn ông thoát được cảnh tù đầy theo lời ông kể.  Nghiêm Phú Phi chờ đến 5 phút cuối cùng trước khi hết thời hạn mới đến trường Quốc Gia Âm Nhạc để trình diện.  Ông được cán bộ phụ trách trình diện cho biết hôm đó đã hết chỗ.

 

Ông đưiợc cho về để quay lại vào ngày hôm sau. Nhưng “Ngày hôm sau tôi quay lại chỗ trình diện thì thấy vắng tanh.  Tôi mới kêu anh gác dan là người cũ hỏi, “ủa tại sao hôm qua nói hết chỗ, hôm nay lại vắng tanh vậy?”. Anh ta nói ban đêm họ cho xe đò lại bít bùng, kín mít chở đi đâu hết trọi. Tôi thấy chuyện này không xong nên sau đó  tìm cách nói rằng tôi tuy là giám dốc nhưng không phải là ác ôn  không chém giết ai cả và tôi cũng ốm yếu này kia rồi họ nói thôi”.

 

Sau khi không phải đi tù cải tạo, gia đình ông tìm cách vượt biên nhiều lần, nhưng đều bất thành. Và cũng mợt thời gian ngắn sau tháng 4 năm 75, ông mở lớp dạy piano để mưu sinh ở 2 địa điểm: tại nhà thờ Huyện Sĩ và tại tư gia trong hẻm số 75 đường Phạm Đăng Hưng, Đa Kao.  Những năm đầu tiên học trò theo học thưa thớt nên gia đình ông không tránh khỏi cảnh vất vả. 

 

Mấy năm sau nhờ có sự ông gọi là “viện trợ” từ ngọai quốc của những môn sinh cũ của ông, cùng một lúc số người theo học piano càng ngày càng nhiều nên đời sống của gia đình ông có phần nào dễ thở hơn trước.  Đồng thời, ông và người vợ sau là bà Nguyễn Ngọc Sương cùng 2 người con gái họ có với nhau là Phi Yến và Phi Oanh cũng bắt đầu được  người con riêng của bà  Sương là Khu Đức Hưng ở Port Arthur, Texas tiến hành thủ tục bảo lãnh. Trong khi đó 3 người con của ông với người vợ trước là Phi Anh, Anh Phi và Anh Phiệt, vào thời gian đó đang cư ngụ ở Pháp. 

 

Lúc còn ở Việt Nam,  ông được đạo diễn Lê Mộng Hoàng mời trình tấu piano một số ca khúc cho một cuốn phim mà ông cho là tuyên truyền cho chế độ mới nên không nhận lời cộng tác vì “tôi chỉ đàn Bach, De Bussy… Mấy ông ấy không chống ai hết trọi. Tôi không phục vụ cho cái tuyên truyền nào hết. không tuyên truyền cho ai hết”.

 

Vợ chồng ông đặt chân lên Port Arthur vào năm 1985.  Họ cư ngụ tại đây khỏang 3 tháng trước khi về ở tại Orange County, nam California cho đến khi ông vĩnh viễn ra đi.  Cũng trong năm 1985, Nghiêm Phú Phi bắt đầu mở lớp dạy nhạc trên đường Bolsa, thành phố Westminster, thu hút được khá nhiều học sinh.

 

Cuộc sống của Nghiêm Phú Phi từ  ngày sang Mỹ cho đến khi qua đời đã cho thấy ông không còn hăng say hoạt động như trước kia, ngoài công việc hàng ngày là hướng dẫn những thế hệ tiếp nối đi theo con đường âm nhạc là con đường ông đã sống tận tụy trong suốt cả cuộc đời.  Ông cho biết còn sống được ngày nào, ông còn để tâm nghiên cứu thêm về âm nhạc. Chính vì thế Nghiêm Phú Phi cho biết ông không hề hài lòng với cuộc đời đã trải qua, vì đang lẽ ông phải làm được nhiều việc hơn nữa…

 

Vĩnh biệt ông và nguyện cầu hương linh ông sớm được tiêu diêu nơi cõi vĩnh hằng…

 

Di ảnh nhạc sư Nghiêm Phú Phi cùng các con cháu ông trong buổi lễ di quan đến địa điểm hỏa táng

 

TVTS  số 1140 & 1141