PHẠM DUY: nhìn từ nhiều góc cạnh

24 Tháng Bảy, 2012 | Nghệ sĩ Việt Nam

  

 

Phạm Duy tại San Jose trong dịp tham dự chương trình “Phạm Duy: Một Đời Nhìn Lại”

 

Những khen ngợi, những tán tụng dành cho cuộc đời hoạt động âm nhạc của người nghệ sĩ năm nay sắp sửa bước vào số tuổi 83 này đã quá đủ để không cần phải viết thêm. Với riêng cuộc đời hoạt động âm nhạc của “người tình già trên đầu non” đến nay đã được trên 60 năm kể từ khi ông đi theo gánh hát Đức Huy vào những năm 43 đến 45, đã được Phạm Duy đúc kết trong những tập hồi ký của mình. Thiết tưởng không có gì đầy đủ và chính xác hơn. Do đó, những trang báo dành cho Phạm Duy hôm nay chỉ muốn đưa ra những nét tổng quát, qua những cái nhìn từ nhiều góc cạnh về một người nghệ sĩ lão thành nhân dịp sinh nhật 83 tuổi của ông vào ngày 5 tháng 10 tới đây.

 

Cũng nhân dịp sắp bước vào tuổi 83, Phạm Duy và các con ông – Duy Quang, Thái Thảo, Thái Hiền, Tuấn Ngọc cùng với Thanh Hà – sẽ có mặt trong chương trình nhạc thính phòng với chủ đề “Phạm Duy: Một  Đời Nhìn Lại” do nhóm “Chiếc Lá Nhiệm Mầu” thực hiện tại Montreal vào ngày 18 tháng 9 này, với mục đích gây quỹ giúp những người khiếm thị thuộc cơ sở Bừng Sáng tại Sài Gòn.

 

Đây cũng là dịp kỷ niệm 5 năm ngày từ giã cõi đời của người được ông coi là “Thần Hộ Mệnh” và là “Bà Chúa Ngục” của ông là nữ danh ca Thái Hằng. Bà ra đi vào ngày 14 tháng 8 năm 1999 khi ông đang ở trong buổi hoàng hôn của cuộc đời. Trong suốt một thời gian dài chung sống, Phạm Duy đã coi người vợ ông là sự thanh bình của ông trong nhiều sóng gió, là sự thành công của ông trong nhiều vật vã, và là nụ cười của nàng Mona Lisa. Sự vĩnh viễn ra đi của người vợ yêu quí đã khiến ông chới với ở lại giữa cuộc đời, trong khi có quyết định “giã từ vũ khí”, như  ông thường nói.

 

Sau khi Thái Hằng xa lìa cuộc sống, để khỏa lấp nỗi trống trải to lớn và để có thể lấy lại sức sáng tác trong những năm tháng cuối đời, Phạm Duy cho biết ông chỉ muốn trở về sống nơi quê hương. Tuy chưa thực hiện được điều này, nhưng ông đã có lần “ về với ngọn cỏ, về với bụi cây, về với ánh mắt mẹ già em bé, về vói những mối tình nghèo ở thôn quê “ như ông tâm sự với người viết, một tuần sau khi người vợ thân yêu của ông giã biệt cuộc đời. Gia tài quí báu về mặt tình cảm, nặng nghĩa vợ chồng của ông là Thái Hằng đã vĩnh viễn ra đi. Phạm Duy chỉ còn lại một gia tài âm nhạc đồ sộ trải dài suốt 60 năm.

 

Nếu muốn tìm hiểu và nghiên cứu về công trình sáng tạo rất đa dạng đó, hẳn phải mất rất nhiều thời gian. Tuy nhiên chính Phạm Duy đã tóm tắt sự nghiệp âm nhạc của mình qua hình ảnh của 3 con người rõ rệt nơi ông. Thứ nhất là “con người tình cảm”, soạn những bản tình ca cho cá nhân, bất cứ ở thời đại nào như  Ngày Đó Chúng Mình, Đừng Xa Nhau (1955), Nghìn Trùng Xa Cách (65), Mùa Thu Chết (70), Giết Người Trong Mộng (72), Chỉ Chừng Đó Thôi (74), Nghìn Năm Vẫn Không Quên (90).

 

Con người thứ nhì nơi Phạm Duy là “con người xã hội”.  Đó là con người “khóc cười theo mệnh nước nổi trôi”, khởi sự bằng những bài ca yêu nước, yêu lịch sử như  Gươm Tráng Sĩ, Chiến Sĩ Vô Danh, vv… hay qua những tác phẩm như Bà Mẹ Gio Linh, Huyền Sử Ca Một Người Mang Tên Quốc cùng những trường ca như Con Đường Cái Quan (54), Trường Ca Mẹ Việt Nam (64), vv… và những ca khúc về Tị Nạn Ca (75), Ngục Ca (80), Hoàng Cầm Ca (82), Bầy Chim Bỏ Xứ (85), vv…

 

Phạm Duy nhấn mạnh ở điểm xã hội tốt hay xấu, vẻ vang hay nhục nhằn thì đều được thể hiện qua âm nhạc của ông. Chính vì vậy Tâm Ca (65), Tục Ca (70) hoặc Hoan Ca (72)  cũng được ra đới từ con người xã hội đó.  Khi 10 bài Tục Ca được tung ra lần đầu tiên đã gặp phải những sự chống đối khi ông muốn nói thẳng vào cuộc đời đầy rẫy ngụy thiện. Cái nhìn cảm phục về phương diện sáng tác củaPhạm Duy lúc đó có lung lay đôi chút. Nhưng ông phớt lờ trước cái dư luận ông cho là đạo đức giả đó. Phần mình, ông cứ “đường ta, ta cứ đi”. Rồi sự lung lay đến từ một quan niệm đạo đức cũng trở lại với sự mến mộ vững vàng dành cho một “con chim ngứa cổ hát chơi”.

 

Về con người thứ ba của mình, Phạm Duy gọi đó là “con người tâm linh”, là con người ông quan niệm “không còn là con người xác thịt nữa và cũng không phải là con người xã hội.  Mà phải vui phải buồn với cái xã hội của mình, mà bây giờ nó là con người tâm linh hòa mình vào với thiên nhiên.  Và tôi nghĩ rằng âm nhạc bao giờ nó cũng khởi sự bằng nhạc tâm linh cả “.

 

Con người thứ ba nơi Phạm Duy khởi đầu với Đạo Ca vào năm 70. Rồi sau đó ông “thấy vào khoảng năm 88 cho đến 90 đã có một sự thay đổi trong cái trật tự của xã hội.  Đó là người ta không dùng vũ khí là đấu tranh mà dùng vũ khí hòa bình.  Điều đáng nhớ  là diễn tiến hòa bình . Nếu là âm nhạc thì không cần phải dùng nó là vũ khí đấu tranh nữa mà dùng để nói về cái gì có tính chất hòa bình…”.  Sau đó là sự ra đời của những bài Rong Ca (88), Thiền Ca (92), Trường Ca Hàn Mạc Tử (94), vv…

 

Công trình sáng tác gần đây nhất là “Minh Họa Truyện Kiều “ gồm những ca khúc có tính chất nhiên hòa, tức là hòa con người vào với thiên nhiên mà không phải hòa hợp con người với con người.  Phạm Duy coi Minh Hoạ Truyện Kiều là tác phẩm cuối đời của ông, được mọi người công nhận là một tác phẩm nghệ thuật giá trị.

 

 

Phạm Duy và các con tại Paris năm 2002

 

Sau gần 30 năm xa rời quê hương, Phạm Duy nay sống ở  “Thị Trấn Giữa Đàng” tức Midway City thuộc Orange County, California đã có những giây phút lắng tâm hồn xuống để nhìn lại những năm tháng đã hòa nhịp với vận mệnh nổi trôi của đất nước. Lúc nào ông “cũng bám lấy cái xã hội của tôi để tôi sống, tôi bám lấy cái đời sống Việt Nam để tôi làm nhạc, dù rằng cái xã hội đó nó xấu hay là nó tốt, nó đau khổ hay là nó nhục nhằn, hay là nó vinh quang thì tôi cũng bám vào cái mảnh đất đó để tôi sống.  Dù là tôi ở Midway City  hay là tôi ở Phú Nhuận, hay là tôi ở Tokyo đi chăng nữa  thì tôi vẫn cứ bám vào cái nước Việt Nam để tôi sống. “

 

Tuy ở giữa xã hội Hoa Kỳ, nhưng “người Mỹ đối với tôi vẫn là người ngoại quốc mới đau chứ!”.  Lý do để ông nói lên điều đó cũng chỉ vì “tôi là người nghệ sĩ hết sức chân thành với đất nước”.

 

Nhưng những “người ngoại quốc”  cũng đã rất chú trọng đến dòng nhạc của ông để mệnh danh ông là một Woodie Guthrie (một nghệ sĩ dân ca nổi tiếng Hoa Kỳ)  của Việt Nam như tờ New York Tribune từng nhận định. Thêm vào đó, có người từng so sánh những nhạc phẩm mang âm hưởng “folk song” có tính cách phản chiến của ông như “Giọt Mưa Trên Lá” hoặc “Kỷ Vật Cho Em” – sáng tác vào thời kỳ chiến tranh Việt Nam leo thang- với những nhạc phẩm phản chiến nổi tiếng của Mỹ vào thời kỳ này như “Blowin’ In The Wind” và “Where Have All The Flowers Gone”.

 

Một số nhạc phẩm mang nội dung phản chiến của Phạm Duy được chuyển sang tiếng Anh và được trình bày bởi hai ca nhạc sĩ “folk song” Hoa Kỳ từng quen biết ông ở Việt Nam là Steve Addis và Bill Crofut tại các trường đại học Hoa Kỳ. Qua bài viết của ký giả Dick Chaap trên tờ New York Herald Tribune số ra ngày 18 tháng 4 năm 1966, Phạm Duy từng tuyên bố là “Mọi người trên thế giới đều chống đối chiến tranh”.  Nhưng ông nói thêm “Tôi ngưỡng phục cô Joan Baez, nhưng làm ơn nói với cô ấy rằng hãy đến Việt Nam đã rồi hãy nói về chiến tranh”.

 

Trong khuôn khổ một chương trình thuộc phạm vi giáo dục và văn hoá, Phạm Duy đã được mời sang Hoa Kỳ trình diễn vào tháng 4 năm 1966. Một trong những buổi trình diễn đó đã được tổ chức bởi “The Folklore Society Of Greater Washington” tại Smithsonian Museum Of Natural History ở Washington, D.C ngày 3 tháng 4 năm 1966. Chủ đề về nhạc cổ truyền và hiện đại Việt Nam hôm đó đã được dư luận Hoa Kỳ đặc biệt chú ý.

 

Gần 30 năm sau chuyến đi Mỹ này, khi đã sống tại hải ngoại được gần 20 năm cho đến lúc đó, Phạm Duy vẫn tỏ cho người Mỹ biết đến sự gắn bó với Việt Nam của ông, đặc biệt đối với thế hệ thứ nhì vì ông muốn cho họ biết những gì đã xẩy ra trên quê hương, đất nước. Trước đó ông đã từng “hát bất cứ gì liên quan đến Việt Nam, đến số phận của người dân Việt cũng như đến chiến tranh và hoà bình”, như đã tuyên bố với ký giả Rick Vanderknyff trên số báo Los Angeles Time, phát hành vào trung tuần tháng 3 năm 1995. 

 

Ngoài một đầu óc giầu tưởng tượng, Phạm Duy còn hòa nhập được với mọi tình huống, mọi hoàn cảnh và mọi lứa tuổi khi sáng tác những bài tình ca.  Khi còn trẻ, nguồn cảm hứng đã đến với ông qua những cuộc tình đầy lãng mạn.  Khi lớn tuổi hơn, ông vẫn hòa nhập được với lớp thanh thiếu niên đang ở trong lứa tuổi yêu đương; và ông đã nói lên được những cảm nghĩ, những tâm tình của họ trong nhiều hoàn cảnh mà khi còn ở lứa tuổi họ ông chưa từng gặp.  Bất cứ môi trường xã hội nào, ông cũng có thể thích hợp một cách dễ dàng nhờ sự dễ dàng cảm thông, vì thế dòng nhạc của ông vẫn chảy một cách êm xuôi.

 

Thật ra Phạm Duy không cho những gì ông đã thực hiện được là những điều to lớn mà chỉ luôn tự nhận mình là một kẻ hát rong với mục đích mang lại niềm vui cho cuộc đời, cho những người yêu nhạc:   “Tôi vẫn tự nhận tôi là một người hát rong. Thế thì nếu quí vị vui thì tôi là con chuồn chuồn tôi đến tôi đậu; mà quí vị làm tôi buồn thì tôi thì con chuồn chuồn là tôi lại bay đi! Khi vui thì nó đậu, khi buồn thì nó bay.  Hoặc là tôi là con chim ngứa cổ hát chơi, nếu không muốn thì chim nó lại bay đi chỗ khác, thế thôi! Chả ai thiệt thòi cả, cũng chả ai không thiệt thòi! Đó là cái triết lý sống của tôi, rất bình dị.”

 

Với một triết lý và quan niệm sống bình dị đó, Phạm Duy coi cuộc đời chỉ là một cuộc vui chơi.  Với số tuổi gần 80 là tuổi ông cho là mình “sắp sửa  được trở về cái cõi cô đơn truyền kiếp của người  nghệ sĩ muôn đời”, Phạm Duy cho biết không có điều gì nhắn nhủ với những người còn ở lại ngoài hai câu thơ của cụ Nguyễn Công Trứ: “Tôi vẫn thường nói cuộc đời là một cuộc vui chơi thôi.  Từ lúc tôi đội trên đầu một cái nhãn hiệu là nhạc sĩ thì tôi không có lúc nào mà tôi làm một cái gì muốn là nó quá lố cả, nó rất bình dị… Mình sinh ra như con chim, ngứa cổ thì mình hát thôi.  Thế rồi nay mai mình không hát được nữa thì mình đi chơi chỗ khác, thì cũng thế thôi.  Thì cũng không dám có lời nhắn nhủ gì cả, nhưng mà nếu muốn bắt chước người xưa thì “kiếp sau xin chớ làm người” chỉ xin làm cây thông đứng giữa giời mà reo!… Cũng lại là  cái kiếp ca nhân thôi.  Nếu mà có một cái gọi là lời nhắn nhủ, một cái lời trối trăn thì là “kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo”.

 

Về tình hình sức khỏe, đối với ông “chỉ có một cái bệnh già thôi, bệnh già thì ai cũng có hết.  Già thì không tim thì phổi, không  phổi thì thận, không thận thì xương, đủ các thứ.  Có thể nói tôi là người chăm uống thuốc  nhất, tôi cũng bị bệnh cao máu, cũng bị bệnh tê thấp, nhưng tôi uống thuốc đều một ngày”.  Đối với một người ngoài 80 như ông, đó là một trường hợp bình thường. Không như phần lớn những nghệ sĩ, Phạm Duy không hút thuốc lá và uống rượu. Cờ bạc ông cũng không đụng tới, kể cả chơi loại bài dễ nhất là Tam Cúc.  “ thành thử ra nếu nói là có một cái thói quen, hay một cái mê say thì  tôi chỉ có là mê nhạc, mê máy computer”.

 

Về vấn đề ăn uống, từ  hơn 10 năm nay ông đã chỉ ăn toàn cá và rau, đặc biệt là không bao giờ ăn phở vì tuy “Phở là món ăn dân tộc nhưng đó là tổ sư Cholesterol… Ngay từ Việt Nam tôi đã không thích rồi, sang đây tôi lại càng không ăn, tại vì cái bát phở bên thì nó to kinh khủng, mà ăn vào thì nó mỡ quá! Rất có thể bị Cholesterol “.

 

Cũng do biết cách giữ gìn sức khỏe nên đúng như ông nói, với số tuổi ngoài 80, sức khỏe của Phạm Duy so với những người cùng lớp tuổi được coi là khả quan.  Sự nhanh nhẹn và đầu óc minh mẫn của ông đã được thể hiện qua những chuyến lưu diễn đây đó trong vòng mấy năm trở lại đây để giới thiệu tác phẩm ông cho là cuối đời của mình là “Minh Họa Truyện Kiều “ cũng như  xuất hiện cùng với các con trong những chương trình đặc biệt dành cho ông như  “Phạm Duy: Một Đời Nhìn Lại” diễn ra tại nhiều tiểu bang Hoa Kỳ, Úc và sắp tới là Montreal, Canada.

 

“Người Tình Già” Phạm Duy hiện đang đứng ở đầu non sau khi đã vượt suối băng rừng và đã có một thời thăng trầm với đất nước, quê hương bằng âm nhạc. “Người Tình Già” cũng đã “rong chơi khắp nẻo đường tình,  đã đưa em tới đỉnh tình yêu” để bây giờ thốt lên tiếng hát:  “Thôi nhé, cho anh giã từ trái đất, anh đã nghe vang tiếng gọi càn khôn”.

 

Bây giờ đứng trên đầu non, ông là hình ảnh của…

 

“Người tình già trên đầu non, tuyết đã tan trên vai mỏi mòn,

 

giữa đám mây xanh xao chập chờn, nhìn mặt trời thoi thóp hoàng hôn.

 

Người tình già trên đỉnh khơi, muốn lảng quên trăm năm – một đời,

 

nhưng dưới thế gian mông mênh vời vợi, người chợt nghe tiếng em chờ đợi.

 

Người tình già trong lẻ loi, có nhớ thương ai?…

 

 

Trường Kỳ

 

 

TiVi Tuần-san  số  964