QUỲNH LAN thành tựu một giấc mơ…

29 Tháng Tám, 2012 | Nghệ sĩ Việt Nam

 

 

Quỳnh Lan

 

Cô mới đặt chân đến Hoa Kỳ lần đầu tiên vào ngày 28 tháng 8 năm 2008. TiVi Tuần-san là một trong vài cơ quan truyền thông tại hải ngọai đã nhanh chóng tiếp xúc với người nữ ca sĩ mang tên Quỳnh Lan.  Đó là một giọng hát tuy chưa xuất hiện tại hải ngọai bao giờ nhưng đã được rất nhiều người biết đến.

 

Từ 4, 5 năm nay đã có rất nhiều nhạc sĩ sáng tác tại hải ngọai đã giao phó những đứa con tinh thần của mình cho sự diễn tả mà họ đánh giá là rất truyền cảm và lôi cuốn của Quỳnh Lan để thu thanh trên những CD thực hiện trong nước. Nhờ giá thành hòan tất một CD ở Việt Nam rẻ hơn rất nhiều so với hải ngọai nên đã có không ít sản phẩm của những nhạc sĩ trên được ra mắt tại đây, và nhất là được phổ biến rộng rãi trên mạng lưới internet.

 

Và gần như hầu hết những CD đó đều có tiếng hát của Quỳnh Lan, ngoài một số giọng ca khác như Xuân Phú, Quang Minh, Diệu Hiền, Hương Giang, Nguyên Thảo, Mỹ Dung, vv… Chính nhờ vậy tên tuổi Quỳnh Lan đã được biết đến trong một phạm vi lớn rộng.  Không những chỉ hát, cô còn thiết lập một phòng thu thanh riêng để thực hiện những sản phẩm đó với khỏang 10 cộng tác viên trẻ, chuyên về hòa âm, phối khi, kỹ thuật phòng thâu, vv…

 

Nguyên nhân đưa tới sự liên lạc giữa Quỳnh Lan và những nhạc sĩ sáng tác hải ngọai đến từ thi sĩ Phạm Ngọc, một trong vài người làm thơ có thi phẩm được phổ thành nhạc nhiều nhất.

 

Nhà thơ Phạm Ngọc được coi là người đã khám phá ra giọng hát của Quỳnh Lan vào năm 2004 trong một lần về thăm Việt Nam.  Vào thời điểm này, Quỳnh Lan còn thuần túy là một ca sĩ hát  phòng trà. Phạm Ngọc nhận ra nhiều sắc thái đặc biệt nơi giọng hát này nên đã giới thiệu đến một số bạn bè nhạc sĩ tài tử ở Mỹ mà Phạm Anh Dũng là một trong những người đầu tiên.

 

Từ đó trở đi, nhiều nhạc sĩ sáng tác khác đã gửi nhạc phẩm của mình về để Quỳnh Lan thu thanh.  Nhờ phương tiện liên lạc nhanh chóng của internet nên vấn đề gửi nhạc qua lại giữa các nhạc sĩ và Quỳnh Lan trước khi hoàn chỉnh đã trở nên rát nhanh chóng và tiện lợi. Hơn thế nữa, từ khi cô thiết lập phòng thu thanh riêng, mọi việc lại càng trở nên dễ dàng hơn.  Do đó con số nhạc sĩ sáng tác đến với cô càng ngày càng đông đảo.

 

 

Nhờ có nhiều dịp tiếp xúc và thường xuyên hát những nhạc phẩm mới, Quỳnh Lan đưa ra nhận xét  tuy đó là những sáng tác của nhiều nhạc sĩ không chuyên nghiệp nhưng không ít bài đã khiến tâm hồn cô rung động, từ âm điệu đến lời ca.  Cô đã nhắc đến những tên tuổi như Phạm Anh Dũng, Miên Du Đà Lạt,  Vũ Thư Nguyên, Vĩnh Điện, Võ Tá Hân, Nguyễn Đăng Tuấn, Nghiêu Minh, vv…

 

Tại Sài Gòn, Quỳnh Lan là một cái tên rất quen thuộc với khán giả phòng trà từ vài năm trở lại đây.  Tuy không phải là một siêu sao, không dùng phương tiện quảng cáo để làm tên tuổi mình nổi bật, nhưng Quỳnh Lan đã trở thành một tiếng hát vững vàng trên sân khấu những phòng trà cô cộng tác như Không Tên, Đồng Dao, ATB, Dương Cầm, Ân Nam,  vv…

 

Nhờ hình thức biểu diễn đặc biệt với cây guitar trên tay với sự phụ họa của một tay guitar khác, khi thì Hoàng Minh, khi thì Xuân Hòa hoặc Anh Tuấn, Quỳnh Lan cho thấy được một  sự lôi cuốn mạnh mẽ những khán giả đến thưởng thức tiếng hát của cô.

 

Nhưng thật sự  Quỳnh Lan đã khởi đầu sinh họat ca nhạc của mình bằng sự cộng tác với phòng trà Tiếng Tơ Đồng tư ngày khai trương cho đến khi đóng cửa cách đây khỏang 2 năm.  Không kể trước đó cô đã hát cho Câu Lạc Bộ Nhạc Sĩ trên đường Nguyễn Văn Chiêm, Sài Gòn mà cô gọi là sân chơi duy nhất  tại thành phố này vào những năm cuối thập niên 90, thành lập bởi 7 nhạc sĩ nổi tiếng, trong số có Trịnh Công Sơn, Từ Huy, Thanh Tùng, vv…

 

Chuyến qua Mỹ đầu tiên này của cô do trung tâm Thúy Nga đứng ra mời.  Đáng lẽ cô đã có mặt sớm hơn, nhưng thủ tục nhập cảnh Hoa Kỳ bị chậm trễ, do phải chờ đợi tay guitar phụ họa cùng đi. Vào giờ chót, người nhạc sĩ này đã hủy bỏ chuyến đi nên cô đã tới Mỹ một mình. Việc có cộng tác với «Paris By Night» không được Quỳnh Lan đề cập đến trong lần tiếp xúc bằng điện thọai từ tư gia một thân hữu của cô, nhạc sĩ Hoàng Thi Thao. Nhưng trước mắt, được biết trung tâm Thúy Nga sẽ tổ chức một đêm nhạc đặc biệt dành cho tiếng hát của cô cùng với hai ca sĩ khác đến từ Việt Nam là Ánh Tuyết và Ngọc Anh trong tháng 9 này trước khi Quỳnh Lan trở về nước trong tháng 10 sắp tới. 

 

Sau đêm nhạc đặc biệt này, một nhóm thân hữu của Quỳnh Lan sẽ đứng ra tổ chức thêm một buổi trình diễn khác dành riêng cho cô tại Orange County trong vòng thân mật. Chính nhạc sĩ Tuấn Khanh, tác giả nhạc phẩm «Nỗi Niềm» đã giới thiệu Quỳnh Lan với trung tâm Thúy Nga, sau lần ông được nghe Quỳnh Lan diễn tả xuất sắc tác phẩm này của mình trên sân khấu một phòng trà ở Sài Gòn vào đầu năm 2008.  Hình ảnh Quỳnh Lan với cây đàn guitar thùng cùng với giọng hát đầy quyến rũ của cô đã thôi thúc ông đi đến quyết định như vậy.

 

Quỳnh Lan tên thật là Lê Thị Quỳnh Lan. Qua giọng nói miền Nam của cô, khó ai biết được cô là người gốc Hà Nội.  Cô mở mắt chào đời tại thành phố này vào năm 1972. Thật ra cô là một người qui tụ những đặc tính của cả 3 miền, như cô tự nhận đùa mình là một người «tứ xứ».  Mẹ cô là người Cần Thơ, bố là người Đà Nẵng. Hai người găp nhau tại Hà Nội và sinh cô con út Lê Thị Quỳnh Lan ở đây.

 

Trước đó hai người đã có với nhau 2 người con trai và một người con gái.  Đến năm 1978, cả gia đình Quỳnh Lan dời vào ở tại Bình Dương trong một cuộc sống rất vất vả và khó khăn.  Tuy vậy Quỳnh Lan vẫn tỏ ra rất đam mê ca nhạc dù mẹ cô luôn khuyên bảo cô nên cố gắng chọn một nghề khác vững vàng hơn.  Nhưng cô cảm thấy không thể theo được bất cứ nghề nào ngoài nghề ca hát là giấc mơ của cô từ khi còn nhỏ. 

 

Có lần cô được mẹ đưa lên Sài Gòn, đến thăm Nhạc Viện Thành Phố để cô có dịp thấy tận mắt một thực tế là cần phải có điều kiện mới có thể theo đuổi lãnh vực âm nhạc. Tuy buồn và tiếc nuối đến bật khóc vì nghĩ là sẽ khó lòng thực hiện điều mong ước của mình. Nhưng sau khi học qua một số nghề khác, Quỳnh Lan không hề cảm thấy thích hợp.  Cô chỉ luôn nghĩ đến việc đi hát. Nên trước sự đam mê quá nhiệt thành của cô con út, mẹ cô cuối cùng đã phải chiều theo quyết định của cô.

 

Quỳnh Lan chính thức theo học thanh nhạc với giáo sư Thanh Trì vào năm 1995. Trước đó cô đã từng học lóm đàn guitar nơi người anh của mình một cách rất thích thú.

 

Ngày nào cô cũng lái xe gắn máy từ Bình Dương lên nhà giáo sư Thanh Trì trên đường Hai Bà Trưng để học rất chăm chỉ. 

 

Một năm sau, tức 1996, cô vào sinh họat với nhóm Du Ca Đồng Nội do nhạc sĩ Trần Tiến thành lập.  Với mục đích tìm những giọng hát mới lạ, nhạc sĩ Trần Tiến đã được giám đốc trung tâm văn hóa tỉnh Bình Dương giới thiệu với Quỳnh Lan.  Cô đã vô cùng ngạc nhiên khi hấy Trần Tiến cùng nữ ca sĩ Y Mon tìm đến tận nhà mình ở Bình Dương để mời cô gia nhập nhóm Du Ca Đồng Nội, lúc đó gồm Trần Tiến, Trần Tài, Lâm Xuân, Hồng Ngọc và Y Mon. 

 

Qua buổi nói chuyện giữa mẹ cô và Trần Tiến, được biết bà có quen với người em của nhạc sĩ này.  Nhờ đó, cộng với sự say mê theo nghề hát của Quỳnh Lan, mẹ cô đã cho phép cô gia nhập nhóm và gửi cô ở chung với gia đình Trần Tiến ở Sài Gòn. 

 

Từ đó Quỳnh Lan giã từ Bình Dương là nơi gia đình cô vẫn còn cư ngụ, để có dịp đi khắp mọi nơi trong nước trình diễn với tất cả hăng say.  Và chính nhờ những chuyến đi như vậy với nhóm du ca, chỉ sử dụng đàn guitar thùng và trống bongo, nên cô đã tìm cho mình được một hướng đi riêng biệt với vây đàn thùng sau này.

 

Thời gian đó, Quỳnh Lan đã học xong lớp 12 và thi đậu năm dự bị trường Đại Học Tổng Hợp. Nhưng cô đã không theo học tiếp vì «quá sức mê hát», như cô tâm sự.

 

Một năm sau, nhóm Du Ca Đồng Nội ngưng hoạt động và Quỳnh Lan liền được nhạc sĩ Từ Huy mời cộng tác với Câu Lạc Bộ Nghệ Sĩ cho đến năm 2001.  Từ đó, cô bắt đầu chuyển qua hát tại các phòng trà cho đến nay.

 

Đối với Quỳnh Lan, những thành quả do việc hoạt động trong lãnh vực ca nhạc mang lại không những khiến cho cô hài lòng, mà cả mẹ cô, một người rất yêu thích văn nghệ, cũng tỏ ra rất vui. Hơn thế nữa, Quỳnh Lan còn cho biết trong tình trạng hiện nay cô rất  mãn nguyện vì đã được đi theo con đường mình mơ ước từ khi còn nhỏ.

 

Tuy mãn nguyện, nhưng Quỳnh Lan vẫn luôn theo đuổi  niềm mơ ước của cô là được hát trên sân khấu mỗi ngày. Và nhất là được hát và thực thực hiện những tác phẩm cho những nhạc sĩ ở hải ngọai bằng những khả năng và phương tiện hiện có của mình tại phòng thu âm riêng của cô trong việc hòa âm, thu thanh, mời ca sĩ trình bầy, vv…

 

Thêm vào đó, cô đang nhắm tới việc sáng tác nhạc. Và muốn như vậy, cô sẽ phải dành ra một số thì giờ để theo đuổi. Do đó trong tương lai gần đây, Quỳnh Lan sẽ giảm bớt một số buổi đi hát tại các phòng trà để tìm một khỏang thời gian yên tĩnh cho riêng mình trong việc sáng tác….

 

Với giấc mơ đã thành tựu là được theo con đường ca hát. Nhất là sự thành tựu đó rất khả quan trên nhiều góc cạnh, đặc biệt là sự kết nối giữa một giọng ca trong nước và những nhạc sĩ sáng tác tại hải ngọai. Người ta tin rằng với khả năng sẵn có, với những kinh nghiệm đã trải qua và nhất là với lòng đam mê ca nhạc vô bờ bến của mình, chắc chắn Quỳnh Lan sẽ còn nhiều cơ hội để tiến xa hơn nữa.

 

(TVTS – 1175)