Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos tuyên bố từ chức

14 Tháng Một, 2019 | Tin thế giới
Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos đến cuộc họp báo hôm 13.1.2019 để thông báo từ chức. Photo Courtesy: Reuters

Ngày 13-1, Bộ trưởng Quốc phòng Hy Lạp Panos Kammenos, Chủ tịch đảng “Những người Hy Lạp độc lập” và cũng là đối tác trong liên minh cầm quyền, đã tuyên bố từ chức trước thềm cuộc bỏ phiếu của Quốc hội nhằm chấm dứt cuộc tranh cãi về đổi tên với nước láng giềng Macedonia suốt 27 năm qua.

Phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng Tsipras, ông Kammenos nói: “Vấn đề Macedonia khiến tôi phải hy sinh chức vụ của mình. Tôi xin cám ơn ngài thủ tướng vì sự hợp tác và tôi đã giải thích rằng liên quan vấn đề quốc gia này, chúng ta không thể tiếp tục hợp tác.” Ông Kammenos nhấn mạnh, đảng Người Hy Lạp Độc lập cánh hữu của ông “sẽ rút khỏi chính phủ.”

Theo thỏa thuận được ký năm 2018, nước láng giềng phía Bắc Hy Lạp đổi tên thành Cộng hòa Bắc Macedonia, đổi lại Hy Lạp sẽ không phản đối nước này gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU). Thỏa thuận làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ ở Hy Lạp vì nước này cũng có một tỉnh miền Bắc mang tên Macedonia. Nhiều người Hy Lạp muốn nước láng giềng phía Bắc bỏ tên gọi Macedonia vì cho rằng tên gọi này hàm ý nhận chủ quyền đối với tỉnh cùng tên của Hy Lạp.

Hiện chưa rõ tác động của việc ông Kammenos từ chức. Dự kiến, các cuộc bầu cử quốc hội Hy Lạp diễn ra vào tháng 10 tới. Liên minh của Thủ tướng Tsipras đang giữ 153 ghế trong tổng số 300 ghế của quốc hội. Trong số này, có 145 ghế thuộc về đảng Syriza của Thủ tướng Tsipras.

Tháng 10-2018, Ngoại trưởng Nikos Kotzias cũng đã rời nhiệm sở sau cuộc tranh cãi trong nội các về thỏa thuận giữa nước này với Macedonia về đổi tên nước láng giềng. Hy Lạp và Macedonia gần đây đã ký thỏa thuận đổi tên nước láng giềng này thành Cộng hòa Bắc Macedonia. Thỏa thuận làm dấy lên sự phản đối mạnh mẽ ở cả hai nước.

Hy Lạp cũng có một tỉnh miền Bắc mang tên Macedonia, trung tâm của vương quốc của Alexander Đại đế trước đây. Chính phủ Hy Lạp lo ngại việc sử dụng cùng tên có thể dẫn đến tranh chấp lãnh thổ. Tranh cãi liên quan đến tên gọi Macedonia cũng là rào cản chính khiến Skopje không thể đạt tiến triển trong việc trở thành thành viên của Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Tổng hợp