Hỏi và giải đáp 489: Lấy chồng như đeo gông vào cổ!

15 Tháng Một, 2019 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL trả lời thư em A, một cô gái đang lo sợ trước tương lai làm vợ, làm dâu… Xin sơ lược hoàn cảnh và tâm sự của A như sau:

A và B yêu nhau đã mấy năm, tình yêu của họ thật đẹp và nồng thắm (tinh thần cũng như thể xác). Nhưng hiện nay, khi A và B cùng hai gia đôi bên chuẩn bị làm đám cưới thì trong lòng A lại băn khoăn, lo sợ: nào là có chồng thì sẽ mất tự do, có con sẽ trở nên bận rộn, lôi thôi lếch thếch, làm dâu sẽ phải phục tùng mẹ chồng (A biết bà không ưa mình)…

Khi bắt đầu yêu B, A đã biết việc lấy chồng sớm muộn sẽ phải tới, nhưng hiện nay, khi mọi việc sắp diễn ra, A lại cảm thấy không phấn khởi một chút nào… Những cô gái khác khi lấy chồng có tâm trạng ấy không? Và nếu có, liệu cuộc sống hôn nhân có bền không?

Trả lời của Thanh Lan:

Em A thân mến,

Dĩ nhiên, cô không thể “đi guốc trong bụng” mọi cô gái lên xe hoa về nhà chồng, tuy nhiên qua những gì mình đã chứng kiến, cô cho rằng những người mang tâm trạng bi quan như cháu chắc chắn chỉ là một thiểu số.

Nhưng cho dù chỉ là “thiểu số”, cũng cần phải tìm hiểu. Theo suy nghĩ và nhận xét của cô, thiểu số này thường nằm trong những trường hợp sau đây: hôn nhân do người lớn sắp đặt – hôn nhân quá chênh lệch (giai cấp, gia cảnh, trình độ học thức, v.v…) – miễn cưỡng lấy chồng chỉ vì không muốn làm “gái già”.

Vậy mà trong thiểu số nói trên không ít người sau đó đã tìm được hạnh phúc hôn nhân thì tại sao cháu lại phải băn khoăn, lo sợ?!

Sống trên đời, những ai có tinh thần cảnh giác, biết lo xa, thì thường ít vấp phải lầm lỗi, thất bại. Nhưng cảnh giác, biết lo xa không có nghĩa là luôn bi quan, nghi ngại.

Chẳng hạn, chứng kiến cảnh các cô bạn sau khi lấy chồng không còn được tự do đi chơi với bạn bè, lúc nào cũng bận rộn vì con cái, và “chiến tranh nóng, chiến tranh lạnh” với mẹ chồng…, có người sẽ qua đó rút tỉa kinh nghiệm cho bản thân mình, để khi tới phiên mình lấy chồng, sẽ “deal” với ông xã về mục bạn bè, sẽ sắp xếp thời điểm (timing) có con cái, sẽ tự chế (self-control), sẽ cố tránh những nguy cơ (risk) đưa tới xung đột với mẹ chồng.

Đó là cách tiếp cận (approach) đúng đắn nhất trong lĩnh vực hôn nhân, không lạc quan mà cũng không bi quan.

Bên cạnh đó, còn phải quan niệm hôn nhân là một bước ngoặt trong đời sống con người, nghĩa là một sự thay đổi vô cùng lớn lao về cả tinh thần lẫn vật chất, với những cái mất mát không tránh khỏi (như tự do của cá nhân, sự thoải mái rảnh rỗi…) nhưng đồng thời cũng đem lại những niềm vui, những hạnh phúc không thể tìm thấy ở cuộc sống độc thân: như tình nghĩa vợ chồng, tình mẫu tử dành cho con cái, được con cái yêu mến…

Xét riêng trường hợp của em, cô có nhận xét bản tính của em là không thích những thay đổi và hơi… lười biếng. Mặc dù với bản tính này cũng không có gì đáng ngại cho lắm, nhưng nếu sửa đổi được thì mọi sự sẽ tốt đẹp gấp chục lần.

Không ai có khả năng thay đổi hoàn toàn bản tính của mình, và việc thay đổi cho dù chỉ một phần cũng không diễn ra một sớm một chiều. Vì thế, nếu em đã tự nhận thức “việc lấy chồng sớm muộn sẽ phải tới”, không thể nào  tránh được thì hãy chấp nhận với một thái độ “positive”, để rồi dần dần sẽ nhận ra những điều tốt đẹp, hạnh phúc trước mắt mà không thể nào tìm thấy ở cuộc sống độc thân, chưa kể nhìn xa hơn về tương lai, khi nỗi cô đơn tuổi già là một điều khủng khiếp.

Thân mến,
Thanh Lan