Nhân đạo nhưng không nhân nhượng khủng bố

13 Tháng Hai, 2019 | Bình Luận
Hình cung cấp: Emily van der Nagel

Tuần qua là thời điểm mà người dân trên khắp nước Úc tổ chức chào đón và ăn mừng ngày Quốc khánh. Những người có cống hiến nổi bật được vinh danh “Người Úc của năm”, những người xứng đáng được tham dự lễ tuyên thệ nhập quốc tịch, cùng hàng triệu người dân trên các tiểu bang từ đông sang tây, tất cả đều có chung một niềm hạnh phúc và biết ơn sâu sắc. Bởi chúng ta đang được sống trong một xã hội văn minh, bình đẳng, dân chủ và tự do. Và đặc biệt là chúng ta được sống trong một môi trường an toàn, nơi mỗi cá nhân đều được bảo vệ và được tôn trọng.

Mở vòng tay chào đón những công dân mới có trách nhiệm và thiện chí, nhưng đồng thời đóng chặt cánh cửa đối với những kẻ có thể gây tổn hại đến an ninh quốc gia và sự an toàn của người dân, đó là điều nên làm và có lẽ cũng là điều mà chính phủ Úc đã và đang ưu tiên thực hiện. Hồi tháng trước, Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton đưa ra quyết định tước quyền công dân đối với Neil Prakash, kẻ đã rời Úc để tham gia Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), với vai trò là một chiến binh và kẻ tuyển dụng cho nhóm khủng bố này. Tuy nhiên, luật công dân hiện tại của Úc khiến quyết định này cũng tạo ra nhiều tranh cãi.

Neil Prakash, 27 tuổi, sinh ra tại Melbourne, có cha là người gốc Fiji và mẹ là người gốc Campuchia. Anh ta lớn lên theo đạo Phật nhưng được cho là đã cải đạo để trở thành tín đồ Hồi giáo vào năm 2012, trước khi bay sang Syria và gia nhập IS một năm sau đó. Phục vụ IS dưới cái tên Abu Khalid al-Cambodi, Prakash đã xuất hiện trong rất nhiều đoạn băng kêu gọi gia nhập đội quân IS, và các nhà chức trách nghi ngờ anh ta có liên quan đến một âm mưu khủng bố nhằm vào Melbourne trong dịp Anzac Day 2015. Giới chức Úc cũng cáo buộc rằng Prakash tích cực tuyển mộ người dân Úc, bao gồm cả nam, nữ và trẻ em, đồng thời khuyến khích các hành vi chiến đấu vũ trang.

Prakash hiện đang bị giam tại Thổ Nhĩ Kỳ, sau khi luồn lách từ Syria qua biên giới nước này sử dụng giấy tờ nhân thân giả. Mặc dù phía Úc đã kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ cho phép dẫn độ y này về nước để xử, tòa án Thổ Nhĩ Kỳ hồi năm ngoái đã từ chối yêu cầu này. Tại Úc, anh ta có thể đối mặt với án tù chung thân nếu bị kết án liên quan đến khủng bố. Trong khi ở Thổ Nhĩ Kỳ, luật sư của Prakash cho biết mức án y nhận được sẽ chỉ lên tới 15 năm tù giam. Như vậy, nếu được thả ra hoặc sau khi miễn hạn tù, nhiều khả năng y sẽ tiếp tục là một mối đe dọa đối với an ninh nước Úc.

Quyết định tước quyền công dân đối với tội khủng bố, vì lẽ trên, là một điều hoàn toàn đúng đắn, nhằm ngăn chặn một mối đe dọa đến an ninh quốc gia. Và Prakash cũng không phải là cái tên đầu tiên bị loại bỏ quyền công dân, trước đó đã có 11 người khác bị vĩnh viễn mất quốc tịch Úc do liên quan đến khủng bố.  Tuy nhiên, Luật Công dân Úc chỉ cho phép tước bỏ quyền công dân của một đối tượng nếu người này mang song tịch, nhằm tránh việc đối tượng đó trở thành “vô quốc tịch” (“stateless”). Đối với Prakash, mặc dù Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton khẳng định anh ta mang cả hai quốc tịch Úc và Fiji thông qua người cha, chính phủ Fiji sau đó đã lên tiếng bác bỏ, khẳng định Prakash không thể và chưa bao giờ là công dân nước này.

Rõ ràng là không nơi nào muốn chứa chấp những tay khủng bố nguy hiểm, và Úc cũng không thể đẩy họ vào trách nhiệm của nước khác. Phải chăng luật của Úc cần được mở rộng, để bất cứ ai một khi đã quyết định phản bội đất nước, gia nhập phiến quân khủng bố và tấn công chính dân tộc mình sẽ nghiễm nhiên tự tước đi quyền được gọi mình là người Úc. Quy định nghiêm khắc hơn cũng sẽ là một lời răn đe với những ý đồ mới chớm.

Theo Tổ chức Tình báo An ninh quốc gia, ước tính có khoảng 100 thành viên khủng bố là công dân Úc hiện đang hoạt động tại Syria và Iraq, chưa tính 40 đối tượng đã trở về nước và 90 người đã thiệt mạng. Chắc hẳn trong chúng ta chẳng ai mong muốn bất cứ kẻ nào trong 100 chiến binh IS kia quay trở lại Úc, dù kẻ đó có mang song tịch hay không.

Trước thềm năm Kỷ Hợi, TiVi Tuần-san kính chúc Quý Độc giả một năm mới An khang, Hạnh phúc và Thịnh vượng.

 

(Xã Luận báo in TVTS số 1714 phát hành ngày 30.1.2019)