Hỏi và giải đáp 501: “Gia đình” không con!

12 Tháng Hai, 2019 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL góp ý với nam độc giả X, một người chồng trung niên hết sức mong muốn có một đứa con nhưng vợ (còn trong lứa tuổi có con) nhất định không chịu. Vì đây là một trường hợp hết sức cá biệt, chỉ cần đăng một vài dòng tóm lược cũng đủ để những người quen biết nhận ra hai nhân vật chính, cho nên TL sẽ chỉ góp ý một cách chung chung, những gì trúng vào hoàn cảnh của mình, em X sẽ xem đó là ý kiến cho riêng em.

* * *

Xưa nay ở phương đông cũng như phương tây, đều có những cặp vợ chồng không con, tuy nhiên nếu chỉ nói về thời buổi hiện nay, thì ở các xã hội tây phương xảy ra nhiều hơn. Có nhiều nguyên nhân, nhưng thường thấy nhất là hai nguyên nhân sau: (1) một trong hai người, hoặc cả hai người không có khả năng có con, (2) một trong hai người, hoặc cả hai người không muốn có con.

Ở đây tạm thời chỉ nói tới nguyên nhân thứ hai: không muốn có con!

Nhưng tại sao lấy nhau mà lại không muốn có con? Có nhiều câu trả lời, mà thứ nhất là một trong hai người, hoặc cả hai người không muốn lãnh trách nhiệm. Đây là một thực tế đau lòng nhưng không phải hiếm có. Điều khó hiểu là nếu đã không muốn có con, tại sao họ lại kết hôn mà không chỉ quan hệ thân mật như bạn tình? Nhưng họ vẫn lấy nhau, vẫn nhận mình có một “gia đình” gồm hai người và đôi khi thêm con chó, con mèo.

Câu trả lời thứ hai là một trong hai người, hoặc cả hai người bị một chứng nan y di truyền nào đó, không muốn có con vì lo sợ con sinh ra sẽ bị tật. Trong những trường hợp như thế, không phải cặp nào cũng thành thật với nhau mà nhiều khi giữ bí mật, đưa tới thắc mắc, thậm chí bất mãn nơi người bạn đời.

Câu trả lời thứ ba là người vợ không muốn sanh con vì sợ mang nặng đẻ đau, hoặc sợ “hư người” (trong nước gọi là “xuống cấp”). Cũng có khi chính người chồng không muốn vợ có con để lúc nào nàng cũng còn như “brand new”!

Câu trả lời thứ tư, rất hiếm nhưng cũng có, là trường hợp người vợ là một nghệ sĩ, sợ có con sẽ ngăn cản bước tiến trên đường danh vọng của mình.

Xét bốn câu trả lời trên, có lẽ đại đa số độc giả chỉ chấp  nhận câu thứ hai (không muốn có con vì lo sợ bị tật do di truyền). Thế nhưng trong một cuộc hôn nhân mà hai người đến với nhau bằng  tình yêu thực sự, nếu rơi vào trường hợp thứ nhất, thứ ba, hay thứ tư, người ta cũng không thể, không muốn bỏ nhau.

Như vậy, nếu một người chồng rơi vào trường hợp của em X, hay một người vợ rơi vào trường hợp ngược lại (hình như cách đây mấy năm TL có trả lời một lá thư như thế) thì không còn cách nào khác hơn là chấp nhận phần số của mình.

Trong trường hợp này, vì nguyên nhân không phải một trong hai người, hoặc cả hai người không có khả năng có con, cho nên giải pháp mướn người sanh con xin miễn bàn tới.

Như vậy chỉ còn giải pháp nhận con nuôi, với sự đồng ý và thiện chí thật sự (chứ không phải miễn cưỡng chiều theo) của cả hai vợ chồng. Nếu người vợ cũng không chịu nhận con nuôi thì TL đành chiu thua, không thể hiểu nổi con người của cô ấy.

Và trong trường hợp này, người chồng chỉ còn cách giải tỏa tình thương dành cho con trẻ qua việc làm “godfather” cho con cháu của bạn bè, hoặc của người thân.

Cuối cùng, TL cũng khuyên em X và những người chồng trong hoàn cảnh tương tự: không nên ép buộc vợ phải trả lời “tại sao?” Bởi vì nhiều khi đó là một bí mật mà cô ấy không muốn nói ra, kể cả với người bạn đời. Ép uổng nhau chỉ tạo thêm bầu không khí căng thẳng, ngượng ngùng.

Thanh Lan