Hỏi và giải đáp 502: “Khinh bạc” hay “vô tình”?

14 Tháng Hai, 2019 | Uncategorized
Hình minh họa: TVTS

TL góp ý kiến với em X, một người vợ đang đứng trước nguy cơ “tức nước vỡ bờ” vì có một người chồng mà X cho là “khinh bạc”.

Xin tóm lược tâm sự của X:

X còn tương đối trẻ, có nhan sắc hơn người, lấy chồng (A) cách đây gần 10 năm, đã có … con. X kết hôn không phải vì tình yêu trai gái như những cặp bình thường, mà chỉ vì hoàn cảnh bơ vơ, không nơi nương tựa. Nhưng may mắn cho X, sau khi kết hôn, tình yêu đã tới, bởi vì A là người đàn ông rất tốt, cao thượng, tứ đổ tường không dính một thứ nào.

Chỉ có điều A không yêu thương chăm sóc vợ như những người chồng khác. Viết một cách rõ ràng hơn là A rất gương mẫu về mặt vật chất, luôn lo lắng cho gia đình được đầy đủ, nhưng về mặt tinh thần thì rất thiếu sót. Chẳng hạn chẳng bao giờ chịu nghe vợ tâm sự để ủi an những lúc buồn phiền, chẳng bao giờ có được những lời âu yếm trước khi chung chăn gối. Mặc dù X thường xuyên đạt được “pleasure” nhưng sau đó lại nghĩ xa nghĩ gần, cho rằng trong đầu A đang cho rằng X đã lấy A làm chồng thì đương nhiên có bổn phận phục vụ chăn gối; X gọi thái độ ấy của A là sự khinh bạc…

Vì mặc cảm ấy, X càng ngày càng không muốn hưởng ứng “chăn gối” mỗi khi A có nhu cầu, và hoang mang không biết tương lai rồi sẽ ra sao?

Ý kiến Thanh Lan:

Em A thân mến,

Trước hết, em đã hiểu không chính xác chữ “khinh bạc” (có lẽ em cho rằng “khinh” là khinh rẻ, coi thường, “bạc” là bạc bẽo trong tình cảm). Thực ra, theo sự quan sát của TL, cũng có một vài người cầm bút hiểu như thế, cho nên TL xin giải thích như sau: “khinh bạc” là thái độ phũ phàng, không coi ra gì, không chỉ trong lĩnh vực tình cảm mà cả cuộc sống nói chung. Thí dụ khi người ta nói “anh ta có thái độ khinh bạc đối với cuộc sống”, có nghĩ là anh ta phũ phàng trong mọi mặt của cuộc sống: tình cảm, bạn bè, tiền bạc, v.v…

Vì thế, thái độ của A trong cuộc sống vợ chồng hiện nay chỉ nên gọi là “vô tình”. Hai chữ “vô tình” ở đây là nói về bản tính con người, không chịu để ý tới những gì đang xảy ra cho người khác, từ trong gia đình cho tới ngoài xã hội. Trước năm 1975, cũng có khi người ra sử dụng chữ “vô tâm”, “vô tư” nhưng hiện nay mỗi miền, mỗi người có thể hiểu theo một nghĩa khác nhau, cho nên tốt hơn hết là đừng sử dụng.

Nói rằng A “vô tình” là vì như em đã viết: A không tỏ ra thiếu trách nhiệm, không tứ đổ tường, mà chỉ “chẳng bao giờ chịu nghe vợ tâm sự để ủi an những lúc buồn phiền, chẳng bao giờ có được những lời âu yếm trước khi chung chăn gối”, v.v…. Dĩ nhiên, dưới cái nhìn của em, đây là một khuyết điểm lớn, nhưng nhiều khi A lại cho rằng đã là vợ chồng với nhau rồi thì cần gì phải “màu mè”, chứ đâu có biết trong lòng em, em lại buộc cho A cái tội “nghĩ rằng một khi đã lấy A làm chồng thì đương nhiên em có bổn phận phục vụ chăn gối”!

Tóm lại, rất có thể A chỉ có một khuyết điểm là bản tính vô tình, nhưng qua suy diễn của em, bản tính vô tình ấy đã trở thành một khuyết điểm không thể chấp nhận được!

Riêng về cung cách của A trong chuyện chăn gối mà em viết là  chẳng bao giờ có được một lời âu yếm trước khi thân mật, thực ra đó cũng là “vấn nạn” của hàng triệu cặp vợ chồng chứ không chỉ xảy ra giữa em và A.

Cho nên TL chỉ biết khuyên em vừa cố gắng bỏ qua những vô tình của chồng, vừa tìm cách gần gũi thân mật để bắt buộc A phải giảm bớt sự vô tình.

Còn nếu em cứ cố chấp cho đó là một cái sai của A, e rằng đầu óc em, và cả hạnh phúc gia đình em có thể sẽ bị khủng hoảng thực sự.

Thanh Lan