Hỏi và giải đáp 503: “Độc lập tài chánh”

17 Tháng Hai, 2019 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL trả lời thư cháu V, một cô gái sắp lên xe hoa, đang phân vân về chuyện tiền bạc trong tương lai. Sơ lược nội dung thư như sau:

V, có “good job” hơn chồng sắp cưới (A). Hai người quen và yêu nhau đã trên 5 năm, chưa hề bất hòa một lần nào. V và A dự tính mua nhà xong sẽ làm đám cưới. Từ chuyện mua nhà, V mới có những phân vân, khó nghĩ: các anh chị khuyên V sau khi lấy nhau nên tiếp tục độc lập tài chánh, tiền trả nợ ngân hàng và tất cả các bills, hai vợ chồng chia đều ra để trả; nhưng V  e rằng làm như vậy thì cuộc chung sống giữa vợ chồng thiếu ý nghĩa; V chưa đề cập chuyện này với A, cho nên không biết chiều hướng của A như thế nào…

Ý kiến Thanh Lan:

Cháu V thân mến,

Thế hệ của các cháu, do sống trong xã hội tây phương, nơi mà người chồng không còn là nguồn lương duy nhất của gia đình (sole breadwinner), có những suy nghĩ và chiều hướng giải quyết chuyện tiền bạc khác hẳn thế hệ của cô. Chẳng hạn việc tiền ai làm ra thì người ấy giữ; lúc ban đầu, chính cô cũng cảm thấy nó kỳ kỳ (thí dụ: chồng kẹt tiền, hỏi mượn vợ!), nhưng sau này mới thấy đám trẻ có lý!

Thực ra trong lòng cô vẫn mong sao các cặp vợ chồng trẻ ngày nay bắt chước được cha mẹ, ông bà của mình ngày xưa – của chồng công vợ, của vợ công chồng – nhưng thực tế đã cho thấy  trong rất nhiều trường hợp, chính đó lại là nguyên nhân gây bất hòa, thậm chí đổ vỡ, khi mà một người làm ít xài nhiều còn người làm nhiều lại xài ít, có khi dẫn đưa tới việc cả hai đua nhau xài tiền: chồng chơi xe hơi, mua sắm máy móc, vợ sắm một xoàn, mua quần áo xịn, v.v…

Cho nên, nói chung, cô thấy lời khuyên của các anh chị cháu rất hợp lý. Vẫn biết theo chiều hướng này, cuộc chung sống giữa vợ chồng cháu thiếu một cái gì chỉ tìm thấy trong cuộc sống hôn nhân của cha mẹ, ông bà mình, nhưng nói rằng “thiếu ý nghĩa” cũng không đúng.

Cháu phải có một cái nhìn thực tế hơn là chỉ biết tới tình yêu giữa cháu và A, và nhìn xa hơn là tuần trăng mật (honeymoon): đó là ngày một trong hai người cảm thấy mỏi mệt, nhận ra một sự “bất công” trong cuộc sống vợ chồng. Tới lúc đó mới áp dụng thể thức “ăn đồng chia đều” thì còn “mất ý nghĩa” gấp chục lần trường hợp quyết định “ăn đồng chia đều” ngay từ lúc mới lấy nhau!

Trường hợp tệ hại nhất mà cháu đề cập tới trong thư là khi một trong hai người bị mất việc làm, thì đó chính là lúc thử thách và chứng tỏ lòng tận tụy (devotion) của vợ chồng dành cho nhau: người này phải bù đắp cho người kia. Còn hơn là mọi thứ đều chung, chỉ cần một người xài nhiều hơn một chút cũng đủ gây ra bực tức, bất mãn nơi người kia!

Khi viết như thế, cô không có ý xúi tất cả các cặp vợ chồng trẻ phải “độc lập tài chánh”, bởi vì trên thực tế có những người yêu nhau tới mức phải chung tất cả mọi thứ, tinh thần cũng như vật chất. Được như thế chẳng còn gì bằng, tuy nhiên ở đây cô đang nói tới những chuyện bình thường – thà mất lòng trước được lòng sau.

Về việc nói chuyện này với A, bởi vì cháu có “good job” hơn A, cô cho rằng cháu không nên nói, sợ chạm tự ái A, hoặc tệ hại hơn, có thể gây hiểu lầm nơi A. Cứ tiếp tục tiến hành mua nhà, chia đều ra mà trả nợ, khi nào chung sống thì chia các bills ra 2 phần đồng đều. Tất cả mọi việc cháu cứ làm “tự nhiên như người Hà Nội” (xin lỗi quý đồng hương, TL cũng gốc gác Hà Thành), là A phải hiểu chiều hướng của cháu. Nếu A yêu cháu, và là người hiểu biết, A sẽ “nhất trí” thôi.

Thanh Lan