Bốn trẻ em cuối cùng trên đảo Nauru sẽ được định cư Hoa kỳ cùng gia đình

06 Tháng Hai, 2019 | Tin nước Úc
Người biểu tình đòi đóng các trại tị nạn ở Nauru hồi tháng 10.2017 (Photo: Reuters)

Chính phủ Liên bang vừa loan báo các kế hoạch thiết lập một ban kiểm tra độc lập để giám sát những cuộc chuyển giao người tầm trú và người tị nạn từ ngoài khơi vào trong lãnh thổ Úc và các quốc gia thứ ba.

Khi Liên Đảng lên nắm quyền vào năm 2013, có hơn 2000 người tị nạn trẻ em bị giam giữ trên đảo Nauru.

Vào hôm Chủ Nhật, chính phủ đã loan báo bốn đứa trẻ cuối cùng trên đảo đã được lên kế lịch để rời đảo tới Hoa Kỳ định cư, cùng đi với các em có gia đình của các em.

Tổng trưởng Di trú David Coleman đã tán dương việc này này như là một thành tựu của chính phủ Morrison.

“Trong năm tháng qua, chúng tôi đã âm thầm làm việc một cách có phương pháp để di dời các trẻ em ra khỏi đảo Nauru. Khi chúng tôi tiếp nhận chính quyền vào năm 2013, có khoản 2,000 trẻ em bị nhốt ở các trại tầm trú bên ngoài nước Úc, nay thì chúng tôi đã di dời hết, luôn cả những đứa trẻ trên đảo Nauru. Chính phủ của chúng tôi đã đưa các trẻ em trên Nauru ra khỏi đảo.”

Các chuyên gia về luật pháp và y tế đã tiến hành vận động để không có trẻ em tầm trú nào bị nhốt trên đảo ở Thái Bình Dương.

Các nhóm này đã miệt mài làm việc trong suốt bốn năm qua và giờ thì họ vui mừng với kết quả rất đáng khích lệ này.

Người đứng đầu Dự án Công Lý Quốc Gia, luật sư George Newhouse nói tin tức về việc di dời các em được đưa đến như là ông trút đi một cái gánh làm trĩu nặng lương tâm bấy lâu nay.

“Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi những đưa trẻ được dời đi. Chúng ở đó cũng cả 6 năm nay trong một điều kiện thật không thể chấp nhận được. Chúng tôi buộc lòng phải đưa ra tòa để can thiệp cho khoản 46 trẻ em tất thảy, mà một số em trong đó gần như là kiệt quệ, một số phải nhập viện cấp cứu ngay khi vừa đến đất liền Úc, một số khác thì bị chấn thương tâm lý nặng nề.”

Giám đốc của Tổ chức Lên tiếng và Vận động tại Trung Tâm Hỗ Trợ người Tầm Trú, bà Jana Favero nói trong khi việc di dời là một bước đi tích cực, thì chính phủ cũng đã mất rất lâu để đáp lại những yêu cầu của cộng đồng và cho kết quả như ngày hôm nay.

“Đó là một sự ngộ nhận tức cười khi mà chính phủ nhận lấy việc di dời các trẻ em ra khỏi đảo Nauru là thành quả của họ. Chúng tôi đã đấu tranh và vận động cho từng trường hợp một để các em được di chuyển ra khỏi đảo. Chúng tôi đã đi ra tòa trong khi chính phủ chi ra hơn nữa triệu dollars trong sáu tháng qua để chống lại việc di dời các em trước tòa. Thật là tức cười khi mà chính phủ nhận lấy thành quả đó là của mình trong khi chừng ấy năm các luật sư, các bác sĩ, các nhà hoạt đ ộng xã hội và các chính khách đã kiên định lên tiếng, làm áp lực và đấu tranh cho các em được đi.”

Lo lắng đối với sự an sinh của các em khi thay đổi từ môi trường sống tù túng thiếu thốn trên đảo này sang môi trường mới ở nơi định cư là điều mà các nhà hoạt động xã hội đang quan tâm tới.

Giám đốc điều hành của Văn phòng luật cho người tị nạn David Manne nói những gì mà các em trãi qua trên đảo Nauru có thể sẽ ảnh hưởng lâu dài trên nhiều mặt đối với đời sống của các em sau này.

“Những đứa trẻ đó đã trãi qua những thảm cảnh, sự hiếp đáp, bỏ bê và những chấn động đó cần phải có những chuyên viên tư vấn cùng các biện pháp y tế để giúp cho các em vượt qua để có thể có được một đời sống bình thường sau này. Tôi muốn nói rằng những hoàn cảnh khốc liệt đã xảy ra với các em sẽ ảnh hưởng lâu dài lên đời sống và tâm lý các em.”

Hơn một ngàn người tầm tù gồm cả nam và nữ vẫn còn ở lại trên đảo Nauru và Manus Island ở Papua New Guinea.

Luật sư George Newhouse nói điều cần bảo bảo đãm rằng những người này sẽ không bị bỏ mặc và quên lãng.

“Tôi nghĩ mọi người đã quên mất rằng không chỉ trẻ em bị đối xử tệ bạc trên đảo Nauru và Manus không thôi mà có cả 1200 người gồm cả đàn ông và phụ nữ vẫn còn ở lại trên đảo. Rất nhiều người trong số đó có đang rât cần điều trị y tế và cần những phương tiện cơ bản khác.”

Lãnh đạo Đảng Xanh Richard Di Natale nói với đài Sky News việc tiến hành đưa những người còn lại đi ra khỏi đảo là vấn đề ưu tiên.

“Hiện nay vẫn còn người ở trên các đảo ở ngoài khơi Thái Bình Dương, họ bị giam giữ ở đây vô thời hạn và đang trong tình trạng kiệt quệ, một số người trong họ đã mất hết hy vọng, không biết tương lai của mình sẽ ra sao. Chúng ta cần phải làm tât cả để có thể đưa những người cuối cùng – đàn ông cũng như đàn bà và trẻ em ra khỏi các đảo đó.”

Thủ tướng Scott Morrison vào hôm thứ Hai đã công bố kế hoạch thành lập một ban y tế độc lập để giám sát việc chuyển giao những người tầm trú hiện vẫn còn trên đảo di dời tới một nơi khác trong khu vực.

Ủy ban gồm năm thành viên bao gồm các chuyên gia về y khoa và tâm lý sẽ báo cáo l ên một Ủy ban thường trưc hỗn hợp sẽ nghe về vấn đề di trú hai lần một năm.

Cơ chế này là thành quả của dự thảo do nghị sĩ độc lập Kerryn Phelps đệ trình vào năm ngoái trong đó cho các bác sĩ có thêm tiếng nói về việc khi nào và ai trong số những người tầm trú trên đảo nên được đưa vào Úc cho việc điều trị y tế.

Dự thảo này dự kiến sẽ được sự ủng hộ của Lao động và những nghị sĩ độc lập và các đảng nhỏ khác trong quốc hội sẽ bỏ phiếu vào tuần tới.

Jana Favero từ Tổ chức Lên tiếng và Vận động tại Trung Tâm Hỗ Trợ người Tầm Trú nói rằng bà không có nhiều kỳ vọng vào ban thẩm đinh y khoa do chính phủ thành lập.

Bà cho rằng cần phải có đạo luật quy định rõ ràng để bảo đãm các nhu cầu về y tế của người tầm trú được cung cấp khi họ hội đủ các điều kiện.

“Họ hứa rằng trẻ em sẽ được đưa khỏi Nauru trước Giáng sinh thế nhưng bây giờ là tháng Hai rồi và việc di dời chỉ mới khởi động. Trẻ em vẫn bị giam trên đảo cùng với người lớn, những người đang có vấn đề về sức khỏe mà các bác sĩ đã đề nghị là cần phải chuyển họ đi. Vì vậy tôi không tin tưởng chính phủ. Cách duy nhất để người lớn có được các chăm sóc y tế phù hợp là ra luật và sau đó dựa vào luật mà thi hành. Luật đó chinh là dự thảo sắp trình quốc hội vào tuần tới nhấn mạnh điều quan trọng là y lệnh của bác sĩ cần phải được lắng nghe.”

Theo SBS Tiếng Việt