Tăng cường bảo mật sau vụ mạng máy tính của quốc hội Úc bị tấn công

12 Tháng Hai, 2019 | Tin nước Úc
Hình minh họa. Photo Courtesy: Reuters

Các cơ quan an ninh Úc đang điều tra một vụ tấn công mạng máy tính của quốc hội liên bang. Không có dữ liệu riêng tư nào bị đột nhập cũng như mối đe dọa ngay lập tức đã được vô hiệu; tuy nhiên, các chuyên gia an ninh mạng cho biết, rất nhiều vấn đề liên quan đến bảo mật trên mạng cần lưu tâm.

Những người sử dụng hệ thống máy tính quốc hội liên bang đã phải cài đặt lại mật khẩu sau một sự cố liên quan đến chuyện bảo mật trên mạng.

Chủ tịch Hạ viện Tony Smith và Chủ tịch Thượng viện Scott Ryan nói rằng, không có bằng chứng nào cho thấy, bất cứ dữ liệu nào đã bị tiếp cận.

Tổng trưởng Ngân khố Josh Frydenberg nói rằng, vụ việc cho thấy sự cần thiết phải tăng cường các biện pháp bảo đảm an ninh mạng chặt chẽ hơn. Ông nói: “Đây là một lĩnh vực cực kỳ quan trọng, trong đó, chính phủ đang đầu tư lượng nhân lực, vật lực chưa từng có cũng như đã tập trung vào tất cả những gì có thể, nhằm bảo đảm rằng, không chỉ thông tin của chính phủ được bảo vệ an toàn, mà cộng đồng cũng được tiếp cận và nâng cao nhận thức về an toàn trên mạng, cũng như được bảo mật thông tin một cách tốt nhất”.

Còn nhà lãnh đạo phe đối lập Bill Shorten gọi đây là “một sự việc làm thức tỉnh và cho hay: “Tôi đã dự một vài cuộc họp nhanh về chuyện đó. Tôi hài lòng với những gì tôi đã nghe ban đầu, rằng các cơ quan an ninh của chúng ta và ngài Chủ tịch thượng viện và Chủ tịch hạ viện đã di chuyển dữ liệu đúng cách, để bảo đảm rằng mạng của quốc hội chúng ta được bảo mật”.

Thông tin cho hay là, các cơ quan an ninh đang xem xét liệu Trung Quốc có đứng sau vụ tấn công này hay không.

Theo một báo cáo, năm 2011, Trung Quốc từng bị nghi ngờ đã truy cập vào hệ thống email của các nghị sĩ liên bang, cố vấn, nhân viên bầu cử và nhân viên của quốc hội.

Ông Alastair MacGunk là người đứng đầu Trung tâm an ninh mạng Úc. Đây là cơ quan chính của chính phủ liên bang phụ trách vấn đề bảo đảm an ninh trực tuyến.

Ông này nói rằng, vẫn còn quá sớm để nói ai là người đứng sau vụ việc này. Tuy nhiên, mối đe dọa đã ngay lập tức bị vô hiệu hóa.

“Tôi tin là chúng đã được phát hiện rất nhanh và chúng tôi đã triển khai ngay các hành động mang tính quyết định, nhằm bảo vệ hệ thống và người sử dụng hệ thống đó. Bởi vậy, những máy tính này đã được sử dụng với đúng mục đích, chứ không theo những gì mà kẻ phạm tội đang cố gắng hướng đến theo mục tiêu của chúng” – theo ông MacGunk.

Ông Fergus Hanson là người đứng đầu Trung tâm Chính sách mạng quốc tế, thuộc Viện Chính sách chiến lược Úc. Tổ chức nghiên cứu độc lập này có trụ sở đặt tại Canberra.

Ông Hanson đồng ý rằng, không có bằng chứng nào cho thấy, Trung Quốc đứng sau vụ này, và cho rằng, đó có thể là một quốc gia khác.

Ông này cũng cho là hãy còn quá sớm để khẳng định động cơ của vụ này. Tuy nhiên, vẫn có một số khả năng giải thích tại sao ai đó lại muốn làm vậy, nhất là trong năm bầu cử như năm nay.

“Có rất nhiều cách những thông tin như thế này có thể được sử dụng để phá hoại một chiến dịch tranh cử. Chúng có thể được sử dụng để nhắm vào một bên cụ thể, làm mất uy tín các nhà lãnh đạo của bên đó, rồi đưa ra một số tin đồn gây tranh cãi, nhằm làm hỏng một chương trình nghị sự vốn là một phần trong chiến dịch tranh cử. Hay thông tin có thể được sử dụng trong một nỗ lực lớn hơn nhằm làm mất uy tín, làm giảm niềm tin của công chứng vào các tổ chức công”.

Năm 2016, Cơ quan An ninh mạng của Úc đã kết luận rằng, các cường quốc nước ngoài giấu tên đứng sau vụ tin tặc tấn công Nha Khí tượng Úc hồi năm 2015.

Cuộc tấn công đã khiến các cơ quan của Úc thắt chặt hệ thống bảo mật thông tin trực tuyến của họ.

Cơ quan An ninh quốc gia Úc (ASIO) trước đó từng cảnh báo rằng, Úc sẽ đối đầu ngày càng nhiều với các cuộc tấn công mạng từ các quốc gia theo đuổi các chương trình gián điệp mạng.

Ông Nigel Phair, Giám đốc bộ phận An toàn số của Đại học New South Wales, đóng tại Canberra, đồng ý với nhận định rằng, các cuộc tấn công mạng tương tự như cuộc tấn công nói trên có thể sẽ trở nên thường xuyên hơn.

Ông Phair cũng nói rằng, với Úc, việc tiếp tục đổi mới nhằm bảo đảm an toàn không gian mạng là rất quan trọng.

“Tôi không nghĩ làm như thế là đủ. Trên bình diện toàn cầu, không thể đánh giá thế nào là đủ. Chúng ta sẽ không bao giờ giải quyết rốt ráo được vấn đề này. Tất cả chúng ta cần không ngừng tìm ý tưởng mới, giải pháp mới. Nếu không, chúng ta sẽ thất bại” – ông nhấn mạnh.

 Vụ tấn công mạng ở Canberra diễn ra chỉ vài ngày sau khi có thông tin rằng, các dân biểu ở Anh bị tin tặc tấn công, nhằm vào danh sách liên lạc qua email và điện thoại của họ.

Tin nhắn văn bản và email đã được gửi tới, yêu cầu các nghị sĩ cung cấp chi tiết liên lạc ở nước ngoài và tải xuống phần mềm nhắn tin. Một dân biểu được cho là đã rơi vào bẫy lừa.

Theo SBS Tiếng Việt