Sau Anh đến Mỹ ‘cấm cửa’ nữ công dân từng gia nhập IS về nước

22 Tháng Hai, 2019 | Tin thế giới
Tấm hình thời đi học của Hoda Muthana hồi năm 2012. Photo Courtesy: Hoover High School

Cô gái sinh ra ở Mỹ muốn hồi hương sau khi tới Syria kết hôn với chiến binh IS, nhưng bị chính quyền Trump khước từ.

Hôm 20.2 Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết cô Hoda Muthana – người phụ nữ Mỹ gia nhập và trở thành tuyên truyền viên cho lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) – sẽ không được chấp thuận trở về quê hương.

Trên tài khoản Twitter của mình, ông Trump cho biết đã chỉ đạo Ngoại trưởng Mike Pompeo “không cho phép Hoda Muthana trở lại Mỹ”. Trước đó, ông Pompeo có phát biểu rằng cô Muthana, 24 tuổi không phải là công dân Mỹ và sẽ không được chấp nhận trở lại.

Tuy nhiên, gia đình và luật sư của cô khẳng định cô là công dân Mỹ. Cô Muthana lớn lên ở bang Alabama và bỏ nhà gia nhập lực lượng IS năm 20 tuổi. Cô nói dối gia đình là mình cần tham gia một sự kiện của một trường đại học ở Thổ Nhĩ Kỳ để lấy lý do ra đi.

Việc Trump từ chối thừa nhận Muthana, 24 tuổi, diễn ra trong bối cảnh ông đang thúc giục các nước châu Âu tiếp nhận các phần tử IS là công dân các nước này. Giới quan sát cho rằng lệnh “cấm cửa” Muthana của Trump có thể sẽ đối mặt với thách thức pháp lý vì việc thu hồi quyền công dân Mỹ là rất khó khăn.

Trong bối cảnh IS chỉ còn chiếm giữ một vùng đất rất nhỏ ở Syria, lực lượng quân đội người Kurd do Mỹ hậu thuẫn đã bắt được nhiều tù binh IS trong đó có những người ngoại quốc. Mới đây, ông Trump kêu gọi nếu các nước Châu Âu phải nhận lại tù binh là công dân của nước mình, nếu không, Mỹ sẽ buộc phải thả họ.

Luật sư của cô Muthana là Hassan Shibly nói trên đài ABC News: “Trong khi kêu gọi các nước châu Âu nhận lại công dân của mình thì ông Trump lại không làm điều đó với công dân Mỹ. Chính quyền Trump đang cố thực hiện hành động sai trái là tước quyền công dân của một công dân. Hoda Muthana có hộ chiếu còn hiệu lực của Mỹ và là công dân Mỹ. Cô ấy sinh ra ở Hackensack, New Jersey tháng 10-1994, nhiều tháng sau khi cha mình không còn làm cán bộ ngoại giao”.

Tuy nhiên, theo lời Ngoại trưởng Pompeo, cô Muthana “không có hộ chiếu Mỹ còn hiệu lực, không có quyền có hộ chiếu, và không có visa vào Mỹ”.

Một quan chức Mỹ cho biết chính quyền đã kiểm tra lại hồ sơ và phát hiện Muthana không được cấp hộ chiếu Mỹ. “Quyền công dân của Muthana không bị thu hồi vì cô ấy chưa bao giờ là công dân Mỹ”, quan chức này nói.

Các quan chức Mỹ từ chối bình luận thêm, nhưng có một chi tiết khiến vụ việc thêm phức tạp, đó là bố của Muthana từng là quan chức ngoại giao Yemen, và con cái của các nhà ngoại giao sẽ không được tự động cấp quyền công dân Mỹ theo nơi sinh.  Tuy nhiên, luật sư của Muthana đã trình giấy chứng sinh cho thấy cô sinh ra ở New Jersey năm 1994, thời điểm bố cô đã không còn làm việc cho chính phủ Yemen nữa.

“Cô ấy là công dân Mỹ. Cô ấy có hộ chiếu hợp lệ. Cô ấy có thể đã vi phạm pháp luật và nếu có, cô ấy sẵn lòng trả giá”, luật sư Hassan Shilby cho biết. Ông nói thêm Muthana muốn mọi việc được xử lý đúng pháp luật và sẵn sàng vào tù nếu bị kết án.

“Chúng ta không thể cứ đơn giản là tước quyền công dân của những người vi phạm luật. Đó không phải là điều nước Mỹ nên làm. Chúng ta có một trong những hệ thống pháp lý tuyệt vời nhất thế giới mà chúng ta cần tuân thủ nó”.

Tổng hợp