Nghiện ngập ma túy của người dân Úc lên đến hơn 9 tỷ đô la mỗi năm

22 Tháng Hai, 2019 | Tin nước Úc
Hình chỉ mang tính chất minh họa. Photo Courtesy: Reuters

Cư dân tại các địa phương xa xôi trên nước Úc hiện sử dụng cần sa gấp đôi những người ở thành thị với con số gần 10 tỷ đô la được chi cho các loại ma túy hàng năm.

Cuộc nghiên cứu hàng năm cũng cho thấy mức độ và bản chất của việc sử dụng ma túy trên cả nước.

Ông Roger Antochi thoạt trông cũng giống như một người bình thường khác, thế nhưng khó ai tin được người đàn ông 36 tuổi nầy lại là một kẻ nô lệ do thói quen sử dụng ma túy.

“Vào tuổi 16, tôi bắt đầu chơi ma túy đá hay ice, đặc biệt là rất nặng”.

“Quí vị biết, cuộc sống của tôi ngày càng tụt dốc theo một con đường xuắn ốc, sức khỏe của tôi thì đủ thứ bệnh như đau tim, nhức mình, cảm thấy đau khổ và tự giam mình ở một nơi để theo đuổi thói quen nầy”, Roger Antochi.

Sống trong một ngôi nhà tồi tàn ở khu ngoại ô phía tây Sydney, ma túy trở thành một phần trong cuộc sống của anh nầy.

Anh cho biết luôn nghiệm ma túy đá hay methamphetamine, vốn là thứ dễ tìm và có thể kiếm được bất cứ lúc nào cần đến.

Mặc dù đã cai nghiện trong 10 năm qua, anh cho biết loại ma túy nầy vẫn có thể tìm kiếm được dễ dàng.

“Chất methamphetamine luôn luôn rất dễ mua từ sân sau nhà chúng tôi, bởi vì chúng thực sự được chế tạo tại đây, tại nước Úc nầy”.

“Methamphetamine chỉ là khuynh hướng của một thời, sau đó là những chất gây nghiện cao hơn và nặng hơn nữa”, Roger Antochi.

Một phúc trình mới của Ủy ban Tình báo về Tội Phạm Úc châu, có vẻ như phản ảnh các nhận xét của tổ chức nầy.

Ủy ban theo dõi các phương tiện giao thông đường thủy tại Úc trong những tháng 6 và 7 năm 2018, qua đó tiết lộ về những tình tiết và các thay đổi trong việc sử dụng những loại thuốc cấm ở Úc.

Có gần 10 tấn methylamphetamine được sử dụng tại Úc mỗi năm, cũng như hơn 4 tấn cocaine, một tấn MDMA và hơn 700 ký bạch phiến.

Số lượng nầy trị giá trên đường phố lên đến 9,3 tỷ đô la.

Người đứng đầu ngành dược khoa tại đại học Nam Úc là giáo sư Jason White cho rằng, mọi thông tin thường làm cho người ta ngỡ ngàng, thế nhưng điều quan trọng là tìm ra cách đối phó với việc sử dụng ma túy trong tương lai.

“Các thông tin rất quan trọng, để thiết lập hồ sơ về các vấn đề do các loại thuốc chính yếu gây ra, hầu tìm ra khuynh hướng sử dụng thuốc và chiều hướng nầy cũng quan trọng, bởi vì chúng tôi muốn biết liệu sự can thiệp nhắm vào việc giảm bớt số lượng thuốc sử dụng, có hữu hiệu hay không”.

Còn New South Wales ghi nhận việc sử dụng cocaine cao nhất tại các thành phố và những thị trấn địa phương hồi năm rồi.

Việc tiêu thụ methylamphetamine cao nhất là tại Tây Úc, trong khi các thành phố tại Victoria thường sử dụng nhất vẫn là bạch phiến.

Trong khi đó, các thành phố tại Tasmania lại tiêu thụ hầu hết là cần sa.

Giáo sư White nói rằng, bản phúc trình nêu bật sự khác biệt về cách thức mà các thành phố và những vùng miền sử dụng ma túy.

“Chúng tôi nhận thấy sự khác biệt, giữa các địa phương vùng miền của nước Úc và các thành phố”.

“Chẳng hạn như, các loại ma túy như cần sa và methamphetamine diễn ra với mức độ cao tại các địa phương xa xôi, trong khi các loại ma túy như heroin và cocaine thường tìm thấy ở các thành phố hơn”, Jason White.

Trong khi đó, bác sĩ Robert Graham làm việc tại Trung tâm Tiêm Chích có Giám sát Y khoa tại Sydney, nơi các con nghiện có thể tiêm chích ma túy một cách an toàn.

Ông cho rằng, các chính sách mới cần phải đối phó với nạn dịch sử dụng ma túy và câu trả lời không phải là ‘một cuộc chiến về ma túy’.

“Chúng ta cần các biện pháp dựa trên chính sách với các bằng chứng, hơn là chỉ buộc chặt vào các biện pháp xưa cũ, vốn đã tỏ ra chẳng hữu hiệu trong quá khứ”.

Trở lại với anh Roger Antochi, nay làm việc với các thanh thiếu niên gặp nguy cơ do nghiện ngập và anh nầy cũng đồng ý với Bác sĩ Robert Graham.

Kể từ khi từ bỏ ma túy và thay đổi hướng đi của cuộc đời một thập niên trước đây, anh dành thời gian để giúp đỡ những người khác chiến đấu với nạn nghiện ngập như hoàn cảnh của anh trước kia.

“Tôi thực sự tin rằng, vấn đề lớn nhất trong việc chúng ta hỗ trợ cho các người nghiệp ngập tại Úc là, chúng ta đã không tham vấn đầy đủ với các kinh nghiệm sống động”.

“Quí vị biết, chúng ta có các vị giáo sư, các chuyên gia tâm lý, những nhân viên xã hội, thế nhưng thực tế là chúng ta chẳng tham vấn đầy đủ qua các kinh nghiệm sống trước đây”, Roger Antochi.

Theo SBS Tiếng Việt