Hỏi và giải đáp 510: Hưởng thụ nhưng phải nghĩ tới tương lai!

05 Tháng Ba, 2019 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL trả lời thư của cháu Y, một người vợ trẻ, với những “vấn đề” ra vẻ không có gì quan trọng đối với giới trẻ, nhưng xét kỹ thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều hạnh phúc tương lai. Xin tóm tắt nội dung thư:

Y và chồng (A) may mắn “gặp nhau là yêu, rồi tiến tới ngay”, cho nên có thể gọi là một đôi vợ chồng “trẻ con”. Còn trẻ thì lo hưởng thụ, cho nên cuộc sống của Y và A không có gì thay đổi: party, casino, đình đám, đi chơi xa… Nhưng thời gian gần đây, mẹ và các chị đã khuyên Y phải nghĩ tới tương lai càng sớm càng tốt, phải bớt ăn xài, dành dụm tiền bạc để mua nhà, hay đầu tư bằng cách nào đó để tương lai được bảo đảm. Khi Y nói những điều này với A thì bị chồng gạt đi, lập luận rằng người ta chỉ sống một lần, và ở tuổi nào thì phải sống cho tuổi đó; theo A thì khi nào 30 tuổi sẽ bắt đầu dành dụm là đúng nhất.

Nhưng càng ngày Y càng thấy lời khuyên của mẹ và các chị là đúng. Từ đó vợ chồng hay xảy ra bất đồng, thậm chí có những lần hai người giận nhau, A đi làm rồi đi chơi luôn với bạn, thật khuya mới về nhà…

Y có đủ cơ sở để tin tưởng A không làm điều gì sai quấy, nhưng rất bất mãn. Y hỏi TL phương cách thuyết phục chồng.

Ý kiến Thanh Lan:

Cháu Y thân mến,

Dĩ nhiên là cô đứng về phía cháu 100%. NHƯNG ở đây không phải là cuộc tranh luận, đả kích lẫn nhau giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ, mà hai “đối thủ” lại là vợ chồng, cho nên mục đích tối hậu không phải là ai thắng ai, nhưng là làm sao có được một sự thỏa hiệp tốt đẹp nhất.

Xưa kia, người ta thường nói “người chồng là rường cột của gia đình”, nhưng trên thực tế, trong đa số trường hợp của các cặp vợ chồng trẻ, người vợ phải có bản lãnh thì mới giữ cho cái cột ấy thẳng đứng. Bởi vì  xưa nay đàn ông con trai ham vui như A là chuyện thường tình. Có khác nhau chăng là người thì ham vui vì trẻ người non dạ, tới một cái tuổi nào đó thì nghĩ lại và tu tỉnh, hoặc ít ra cũng giảm bớt; người thì ham vui mút mùa lệ thủy, ham vui cho tới cuối đời!

Theo kinh nghiệm chung, đa số các ông chồng thuộc thành phần thứ nhất, tức là sẽ giảm bớt hoặc thay đổi hẳn.

So với tiêu chuẩn của tây phương, một người chồng trên dưới 25 tuổi như A là còn quá trẻ. Bởi vì ở xã hội tây phương, một khi đã lập gia đình là phải hoàn toàn chịu trách nhiệm quyết định mọi việc, thì một người chồng hai mươi mấy tuổi khó lòng đủ khôn ngoan, chín chắn.

Nhưng chẳng lẽ cứ ngồi đợi cho tới khi A bước vào tuổi 30? Theo ý kiến của riêng cô, phương cách tốt nhất để buộc A phải bớt ham vui sớm hơn là cháu sanh con.

Dĩ nhiên phải có sự bàn thảo giữa hai người nhưng theo cô thì thời gian chờ đợi không nên kéo dài quá 2 năm. Nếu A chần chừ, cháu có thể nêu lý do có con trễ không tốt, hoặc nếu cháu có tài thủ thỉ, có khiếu văn chương màu mè, thì vẽ ra hình ảnh hạnh phúc của một tiểu gia đình để khuyên dụ A… 

Trong khi chờ đợi, cháu không nên khơi lại đề tài dành dụm tiền bạc để mua nhà, đầu tư, v.v… Những việc đó tự nó sẽ đến sau khi cháu và A có con. Cũng như A sẽ tự động thay đổi cách sống của mình.

Chỉ có một điều cần phải dặn cháu là không bao giờ để A đi chơi khuya với bạn bè nữa. Cứ tạm cho rằng cháu có lý do vững chắc để tin tưởng A không “sai trái bậy bạ” nhưng vấn đề được đặt ra ở đây không phải là A đã có những hành động gì, mà là một người đàn ông đã có gia đình lại để vợ ở nhà để đàm đúm với bạn bè. A không được phép làm như thế. Thật đơn giản.

Thân mến,
Thanh Lan