Kiểm soát mạng xã hội để ngăn chặn cực hữu lan rộng, điều không thể?

10 Tháng Tư, 2019 | Bình Luận
Tư tưởng cực hữu có chiều hướng tăng tại Úc. Nguồn: ABC News

Cực hữu là gì? Là các tư tưởng cánh hữu ở mức độ cực đoan. Một cách nôm na, cực hữu là sự cực đoan hóa các tư tưởng chính trị bảo thủ truyền thống, thường được thể hiện ở chủ nghĩa dân tộc thái quá, tư tưởng bài nhập cư cực đoan hay các xu hướng chế tài độc đoán.

Chúng ta có thể đã nghe nhắc đến nhiều về tư tưởng ‘cực hữu’, hay ‘chủ nghĩa da trắng thượng đẳng’. Cũng có thể, ở đâu đó, chúng ta đã gặp những người tỏ ra ánh mắt phân biệt đối với người nhập cư, đã nghe những bình luận đánh đồng Đạo Hồi với khủng bố. Nhưng có lẽ, phải đến khi chứng kiến sự đau thương tột cùng từ cuộc tấn công khủng bố tại đất nước anh em New Zealand, chúng ta mới giật mình sửng sốt trước mức độ tàn ác, vô nhân tính khi một hệ tư tưởng bị cực đoan hóa.

Đáng buồn thay, kẻ bị cáo buộc xả súng giết chết 50 sinh mạng tại thị trấn yên bình Christchurch, mang quốc tịch Úc. Sự việc rúng động đã giấy lên một loạt những cuộc tranh luận quốc gia và cũng như tự hỏi từ đáy lòng mình, vì cớ nào, mà những thái độ phân biệt chủng tộc một cách âm ỉ mà dã man ấy, lại có thể được lan truyền mà không bị phát hiện và ngăn chặn?

Tư tưởng cực đoan độc hại kết nối trên không gian mạng

Nếu như trước đây, sự hoạt động của cánh cực hữu (alt-right) có thể được nắm bắt dễ dàng trong cộng đồng, bởi sự hiện diện hữu hình trên các con phố, góc nhà, thì giờ đây những sự truyền bá cực đoan hóa ẩn nấp trong những diễn đàn online, có quy mô không chỉ trong thành phố, hay một quốc gia, mà kết nối toàn cầu. Trên không gian mạng vô thưởng vô phạt, những ý đồ đen tối được bày tỏ, những hành vi bạo lực được khiêu khích, những hình ảnh độc hại được lan truyền, nhưng tất cả đều được thực hiện… sau bàn phím.

Nhà xã hội học và chuyên gia nghiên cứu về băng nhóm và tội phạm Jarrod Gilbert, người đang sống tại Christchurch và giảng dạy tại Đại học Canterbury, nói rằng thành phố này và vùng rộng lớn hơn của South Island đã có một lịch sử dài với chủ nghĩa da trắng cực hữu của những “kẻ đầu trọc” khởi đầu từ hồi những năm 1970s. Vào những năm 1990s, các hoạt động cựu hữu trở lại và dễ thấy hơn rất nhiều so với những kẻ ẩn dật của ngày nay.

Theo ông Gilbert, chúng là những kẻ “du côn” đầu đường xó chợ, la hét chửi bới những người da màu. Cũng theo ông, trong khi số lượng những kẻ đầu trọc đã giảm đi trong khu vực, con số thành viên cực hữu “trong phòng ngủ” có vẻ tăng lên, và “Các cộng đồng online là không thể ước lượng, cũng như không thể nói chắc chắn về mức độ của mối đe dọa.”

Không gian mạng kết nối tư tưởng cực hữu. Hình: Reuters

Chẳng thế mà, kẻ bị cáo buộc khủng bố trong vụ việc trên, sống ngay trong một cái bungalow tại thị trấn nhỏ Dunedin, là một thành viên tích cực của câu lạc bộ súng tại địa phương, thường tập tạ hạng nặng tại phòng gym, và cũng chẳng hề giấu giếm sự ham mê đặc biệt với vũ khí quân đội, chẳng hề bị nghi ngờ. Một phần có thể là do người ta thấy hắn một mình, có thể là do người ta không ngờ một hành động bạo lực tàn ác lại có thể xảy ra tại một trong những quốc gia an toàn nhất trên thế giới. Và có lẽ, một phần là do người ta thường nghe trên báo đài nhắc đến khủng bố Hồi giáo chứ không có tâm lý đề phòng một người da trắng.

Và trong khi tay súng quay livestream trên Facebook một đoạn dài 17 phút vụ tấn công, những kẻ ủng hộ trên mạng xã hội đã tải đoạn video và đăng tải lại lên một loạt các trang mạng xã hội bao gồm Facebook, Youtube và Reddit. Chỉ trong vòng 24 giờ đồng hồ, đã có hơn 1.5 triệu đăng lượt đăng tải đoạn phim lạnh gáy này nhưng đã bị chặn. Thế mới biết mức độ lan tỏa trên mạng nhanh đến như nào.

Kiểm duyệt mạng xã hội không phải là cách giải quyết

Sau khi vụ khủng bố xảy ra tại Christchurch với hàng triệu lượt chia sẻ video trên mạng xã hội, thủ tướng Úc Scott Morrison đã kêu gọi kiểm soát các công ty mạng xã hội, nhằm chống lại sự lan tỏa của các hình ảnh bạo lực, cũng như kiểm duyệt nội dung mang tính chất tuyên truyền sự căm ghét, thù hận. Tuy nhiên, kiểm duyệt (censorship) nội dung trên mạng xã hội, theo tôi, là không thể thực hiện, hoặc nếu có thể thì cũng không giúp giải quyết vấn đề cốt lõi mà thậm chí có thể khiến nó trở nên trầm trọng hơn.

Kiểm duyệt nội dung không giúp loại bỏ tư tưởng cực đoan, mà chỉ giấu chúng đi. Không cho phép những những kẻ xấu hoạt động trên các mạng xã hội lớn như Facebook, Twitter, chúng sẽ thiết lập các diễn đàn riêng tư, những hội nhóm online ngoài tầm kiểm soát của cơ quan chính phủ. Những hoạt động online bí mật này, với những nội dung mà cảnh sát không thể tiếp cận, sẽ mang đến những mối đe dọa khó lường.

Đối với những kẻ vốn dĩ hoạt động ẩn nấp sau bàn phím này, nếu như một forum bị chặn, chúng luôn có thể tìm cách thiết lập lại, mở ra forum mới để kết nối những đối tượng cùng tư tưởng. Có hàng triệu những diễn đàn online mở ra trên toàn cầu, hàng ngày hàng giờ, thì làm sao có thể kiểm soát nổi.

Bà Thủ tướng TTL Jacinda Ardern vẫy tay chào công chúng khi bà rời buổi cầu nguyện Thứ Sáu 22.3 ở công viên bên ngoài đền thờ Al-Noor. Hình: Reuters

Thậm chí, việc kiểm soát nội dung nếu trở nên quá mức, có thể sẽ khiến một số đối tượng cảm thấy bị chèn ép, từ đó có khả năng dẫn đến thái độ cực đoan hóa.

Tăng cường hoạt động tình báo

Theo giáo sư Joe Siracusa từ đại học RMIT, chuyên gia nghiên cứu về an ninh toàn cầu và khủng bố, “một khi một sự kiện khủng bố diễn ra thành công, chắc chắn là đã có một sự thất bại ở đâu đó trong hệ thống an ninh tình báo”. Theo ông, việc kẻ bị cáo buộc là tay súng vụ Christchurch trước đó hoàn toàn không nằm trong tầm kiểm soát của cơ quan chức năng là một lỗ hổng lớn trong hệ thống tình báo Úc cũng như New Zealand.

Hắn ta đăng ký sở hữu năm khẩu súng trong đó bao gồm hai khẩu bán tự động, hai súng ngắn, và một khẩu súng cầm tay. Trong khi đó tại New Zealand, người ta thường mua súng hạng nhẹ chủ yếu dành cho việc cai quản và bảo vệ gia súc trong trang trại. Đặc biệt, tên này còn có một lịch sử đi du lịch nước ngoài đến những nơi mà cơ quan phòng chống khủng bố đáng ra có thể đặt câu hỏi. Được biết, hắn rời Úc năm 2013 để bắt đầu hành trình vòng quanh thế giới, bắt đầu từ New Zealand, sau đó bay tới Đông Nam Á và Trung Quốc trước khi đến Bắc Triều Tiên, Ấn Độ, Pakistan và Châu Âu.

Trong vòng 7 năm di chuyển, những người bạn của hắn ta bắt đầu nghi ngờ rằng người này đã trở thành cực đoan hóa. Mạng xã hội cho thấy tên này đã ở Pakistan vào tháng 10 năm ngoái và ở Bắc Triều Tiên tham quan Đài tưởng niệm chiến tranh Samjuyon.

Đăng ký 5 khẩu súng quân sự, có những bài đăng khiêu khích trên facebook, và với một lịch sử di chuyển đáng ngờ, nhưng tuyệt nhiên, tên này không nằm trong bất cứ danh sách đề phòng nào của cơ quan tình báo Úc cũng như New Zealand.

Danh sách theo dõi khủng bố New Zealand được thống kê bởi Tổ Chức Tình báo An Ninh nước này. Danh sách bao gồm 30-40 cái tên được cho là mối đe dọa tiềm ẩn đối với an ninh quốc gia New Zealand. Theo báo cáo này, phần lớn những đối tượng được để ý giám sát trong danh sách này trong giai đoạn 2017-2018 đều là những đối tượng liên quan đến Tổ chức Nhà nước Hồi giáo cực đoan IS.

Cực đoan và phân biệt chủng tộc sẽ không có chỗ ở Úc. Nguồn: Australian Human Rights Commission

Cuộc chiến chính trị và tự do ngôn luận

Sau khi vụ việc tàn khốc xảy ra, hàng loạt những cuộc tranh luận trong nước Úc đã nổi lên, với những bình luận chỉ trích, cáo buộc nhau, tranh cãi về nguyên do khiến tư tưởng cực hữu đã ngày càng trở nên lan rộng. Lãnh đạo Đảng Xanh Richard Di Natale cho rằng Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton cần phải chịu trách nhiệm cho việc làm gia tăng sự phân biệt đối xử với Đạo Hồi tại Úc do cách mà chính phủ đối xử với người tị nạn.

Các nghị sỹ đảng này cũng tranh luận rằng, những cơ quan truyền thông với nhiều lập trường bảo thủ như Sky News và các tờ báo của News Corp cũng đóng góp vào sự phát triển của chủ nghĩa cực hữu tại Úc.

Tuy nhiên, phản hồi lại, Bộ trưởng Dutton khẳng định chính Thượng nghị sỹ Di Natale thuộc về phía “cực tả”, và phát ngôn của lãnh đạo Đảng Xanh cũng tệ hại ngang hàng với phát ngôn của Thượng nghĩ sỹ độc lập Fraser Anning, người nói rằng vụ tấn công là kết quả của chính sách nhập cư người Hồi giáo của New Zealand.

Có thể nói, bất cứ ai lợi dụng một sự kiện đầy đau thương này để thúc đẩy chiến lược chính trị của bản thân thì đều đáng lên án. Và sử dụng sự kiện này để dập tắt các quan điểm đối lập và các cuộc tranh luận lành mạnh cũng là điều tồi tệ.

Lên án những tư tưởng cực hữu, hành động cực đoan vô nhân tính, không có nghĩa là ngừng tranh luận về chính sách nhập cư, ngừng tranh luận về các giải pháp bảo đảm an ninh quốc gia với các mối đe dọa từ nhiều phía. Bàn về những vấn đề này một cách cởi mở, có căn cứ, thay vì lẩn tránh và thể hiện thái độ quá khích mới là cách để tạo ra một môi trường lành mạnh.

Và không chỉ từ các nhà chính trị gia hay các cơ quan truyền thông, chúng ta có quyền lắng nghe từ nhiều phía và tự đưa ra quan điểm riêng của cá nhân mình. Lưu ý là không đánh đồng ‘bảo thủ’ với ‘cực hữu’, bởi hai khái niệm này ở rất xa nhau. Cũng lưu ý là, đã là cực đoan thì cho dù ở phía trái hay phải cũng có mức độ gây hại lớn cho xã hội.

Và chúng ta cũng có thể tự chọn cho mình một thái độ sống yêu thương, chấp nhận và che chở lẫn nhau, dù nguồn gốc văn hóa và tôn giáo khác nhau. Bởi tình yêu và niềm tin là vũ khí tối ưu nhất chúng ta có để chống tại sự chia rẽ và hận thù mà những kẻ khủng bố cố tình tạo ra.

Linh Đan
Melbourne 24.3.2019

(Trích từ báo in TVTS số 1722 phát hành ngày 27.3.2019)

Độc giả có những lời nhắn hay chia sẻ, xin đừng ngại gửi email đến hộp thư của TiVi Tuần-san ở địa chỉ [email protected], chúng tôi sẽ cố gắng hồi đáp thư của bạn.