Hỏi và giải đáp 537: Sang nhờ vợ!

07 Tháng Năm, 2019 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL góp ý kiến với bà X, một người mẹ có con trai đang muốn tiến tới với một “cành vàng lá ngọc”. Xin rất sơ lược (và thay đổi một vài chi tiết) trong thư:

A, con trai bà X, trên 35 tuổi, ngoài việc nhẹ lương hậu, còn lại mọi chi tiết cá nhân chỉ trung bình, nhưng rất kén vợ. Từ hai năm nay, A bỏ công theo đuổi B và nhất quyết tiến tới hôn nhân với nàng. Theo nhận xét của bà X, nhan sắc của B chỉ trên trung bình, nhưng lúc nào cũng ra vẻ ta đây cao sang vì xuất thân danh gia vọng tộc. Chưa lấy nhau nhưng A đã tỏ ra rất nể sợ B và ông bà già vợ tương lai…

Bà X tự nhận biết thời nay “con cái đặt đâu cha mẹ ngồi đó”, tuy nhiên bà không yên tâm khi nghĩ tới cuộc đời của con trai mình trong tương lai. Bởi qua quan sát “kinh nghiệm xương máu” của một số người quen: nàng dâu càng cao sang thì chàng rể càng bị lép vế, không chỉ nhục cho thân mình mà đôi khi còn khiến cả gia đình phải chịu nhục lây! Bà đã bóng gió xa xôi khuyên con trai nhiều lần, nhưng A không hề để ý tới.

Hiện nay, cho dù không muốn cầu thân với gia đình của B, bà X tin rằng chuyện gì phải tới sẽ tới…

Ý kiến của Thanh Lan:

Bà X thân mến,

Xưa nay người mình có câu “giàu nhờ bạn sang nhờ vợ”, nghĩa là nếu biết tìm người để giao kết, bạn bè có thể giúp ta giàu có, và nếu lấy được một người vợ khôn ngoan hiểu biết, giỏi giao tế, mình sẽ được “sang” hơn. Nhưng trên thực tế, không ít chàng trai đã hiểu khác đi, cho rằng “sang nhờ vợ” có nghĩa là lấy vợ xuất thân danh gia vọng tộc thì sẽ được sang.

Nói cho cùng, ở đời ai mà không muốn vươn lên – về gia cảnh là đầy đủ hơn, về gia thế là được “nâng cấp” cao hơn. Cho nên trước năm 1975, nếu một người con trai cố lấy cho bằng được một cô vợ thuộc gia đình danh giá thì cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên và đáng trách.

Nhưng nay đã ra hải ngoại, tương lai đời người hoàn toàn tùy thuộc vào cố gắng học hành cho thành tài để có địa vị cao, hoặc chí thú làm ăn để trở nên giàu có, ít ra cũng là dư giả thoải mái, thì lấy vợ xuất thân danh gia vọng tộc không còn là giải pháp được nhiều người ưu tiên lựa chọn.

Viết như thế không có nghĩa là khi tìm vợ, bắt buộc phải ra chợ Đông (Ba) chứ không nên vào… Thành Nội, mà chỉ có nghĩa là chỉ nên lấy nhau vì tình yêu, còn người vợ xuất thân tầng lớp bình dân hay danh gia vọng tộc không thành vấn đề.

Ngày xưa, trong việc hôn nhân, môn đăng hộ đối thì chẳng nói làm gì, bằng không thì thà để đàng trai hơn đàng gái. Trong những trường hợp ấy, người con gái sẽ phải cố gắng để xứng đáng với nhà chồng.

Lấy chồng, theo chồng, sống với nhà chồng, con cái mang họ chồng, thì người vợ phải cố gắng vươn lên cho xứng hợp, là việc nên làm, là điều tự nhiên, không có gì phải tự ái, mặc cảm.

Nhưng nếu đàng gái hơn đàng trai, thì rất dễ có vấn đề: gia đình cô gái có thể xem thường gia đình chàng trai, cô con dâu “cành vàng lá ngọc” có thể coi thường gia đình chồng, chàng trai suốt đời nể sợ vợ, quỵ lụy nhà vợ, và lẽ dĩ nhiên, sẽ coi nhẹ gia đình của mình.

Ngày nay, tuy đã sống ở hải ngoại, nhưng không phải những “vấn đề” ấy không còn tồn tại. Tuy nhiên, tồn tại ở mức độ nào là hoàn toàn tùy thuộc bản lĩnh của chàng trai.

Nhưng dù thế nào chăng nữa, một khi A nhất quyết tiến tới hôn nhân với B, bà và gia đình dù trong lòng không muốn cầu thân với gia đình của B, cũng không nên thái độ lạnh lùng, khép kín. Vui vẻ, lịch thiệp ở một mức độ vừa phải là thái độ khôn ngoan nhất, rồi tùy theo họ đáp lại như thế nào, mình sẽ gia giảm mức độ ấy trong tương lai.

Thanh Lan