Đại học Tokyo sắp dùng lợn để sản xuất lá lách người

03 Tháng Năm, 2019 | Y học - Khoa học
Các nhà khoa học Nhật Bản chuẩn bị dùng lợn để sản xuất lá lách người phục vụ ghép tạng. Photo courtesy: Reuters

Đại học Tokyo (Nhật Bản) chuẩn bị thí nghiệm nuôi lá lách người trong lợn để lấy tạng cấy ghép, hãng tin Kyodo News đưa tin ngày 28/4.

Giáo sư Hiromitsu Nakauchi, trưởng nhóm nghiên cứu, cho biết dự án nuôi tạng người trong động vật sẽ được thực hiện trong vòng 1 năm nữa sau khi các ủy ban của chính phủ và trường đại học chấp thuận. Dự án sẽ sử dụng tế bào gốc vạn năng cảm ứng (iPSC).

Nhóm nghiên cứu sẽ đưa tế bào gốc vạn năng cảm ứng của người (có thể phát triển thành bất kỳ loại tế bào nào) vào phôi của lợn. Phôi này được chỉnh sửa gien sao cho phôi không có khả năng tạo ra lá lách (tuyến tụy). Sau đó phôi được đưa vào tử cung của một con lợn nái.

Phôi phát triển thành bào thai lợn và người ta lấy bào thai ra để xem xét số lượng mô lá lách có nguồn gốc từ tế bào gốc của người và xem chúng hoạt động có tốt không.

Sau khi lấy được lá lách (tuyến tụy) người từ lợn, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu thêm để sau này có thể dùng tạng nuôi cấy trong cơ thể lợn để cấy ghép cho người hoặc sử dụng tuyến tụy này để chữa trị các bệnh như tiểu đường.

Nhóm nghiên cứu của giáo sư Nakauchi quyết định triển khai dự án nuôi cấy tạng người trong cơ thể lợn sau khi chính phủ Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm sản xuất động vật từ phôi chứa tế bào của người vì nguồn tạng hiến tiếp tục khan hiếm trong khi nhiều bệnh nhân mòn mỏi chờ được ghép tạng.

Chính phủ Nhật Bản vẫn cấm việc đưa trứng động vật đã được thụ tinh chứa tế bào của người vào trong tử cung của người cũng như vẫn cấm sử dụng động vật được sản xuất bằng phương pháp biến đổi gien phục vụ chăn nuôi.

Theo TPO