Hỏi và giải đáp 544: Quả báo nhãn tiền?

23 Tháng Năm, 2019 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL góp ý kiến với lá thư của em X, một người vợ, người mẹ trẻ đang ân hận khi nhìn về quá khứ. Vì tính cách tế nhị của câu chuyện, TL xin chỉ tóm tắt trong một vài hàng: trước đây, X và Y yêu nhau (thân mật) nhưng tới khi được Z theo đuổi, X đã ngả theo Z; nguyên nhân: Y quá nghèo, Z quá giàu. Nay không được hạnh phúc như ý muốn, X ăn năn hối hận thì đã quá muộn!

Ý kiến Thanh Lan:

Em X thân mến,

Sở dĩ xưa nay người ta thường đưa việc con gái ham chồng giàu và đàn ông thích của lạ ra làm đề tài khôi hài, chế diễu, là vì đó là hai thực tế… phũ phàng, thậm chí có thể xem đó là một cái gì rất tự nhiên trong bản chất con người.

Vì thế, chúng ta phải chấp nhận. Viết như thế không có nghĩa là khuyến khích các cô gái đang yêu nếu có cơ hội thì nên bỏ ngay người tình nghèo để lấy anh chồng giàu, là xúi giục các ông chồng cứ việc “ăn phở” để thay đổi khẩu vị, mà TL chỉ muốn nói trong số ấy không phải cô gái nào cũng đáng oán hận, ông chồng nào cũng đáng… ly dị!

Đi vào trường hợp của cá nhân em, em yêu Y rồi tiến tới thân mật không một chút suy nghĩ, nuối tiếc, là em đã yêu với cả trái tim của mình. Nhưng cùng với trái tim, con người còn có khối óc. Khi em đang yêu Y, và mới chỉ có một mình Y, khối óc của em chưa “làm việc”, chỉ tới khi Z xuất hiện và theo đuổi em, khối óc mới có những nhận xét, phán đoán, rồi ra sức đánh bại trái tim, và trong trường hợp của em, lý trí đã thành công. Tùy theo quan niệm, suy nghĩ của mỗi người ngoài cuộc, em có thể bị chê là đặt nặng vật chất hoặc được khen là người có đầu óc thực tế, biết lo xa.

Những người khen thì không nói làm gì, nhưng kể cả những người chê, nếu bị đặt vào hoàn cảnh của em, họ cũng làm giống em không chừng!

Thực vậy, đứng trước những việc không dính dáng, liên quan tới mình, người ta thường đem lý tưởng, luân lý, đạo đức ra làm cái thước đo, chưa kể còn có những người chỉ biết chê chứ không khen ai bao giờ. Theo TL, thì nếu hai người đã đính hôn, hoặc thề hứa, mà hành động như em thì quả là đáng trách, đáng oán hận. Nhưng ở đây theo như em viết thì dù đã thân mật với nhau, Y chưa bao giờ mở miệng đề cập tới hôn nhân, thì sau khi em bỏ Y, anh chàng có thể oán trách nhưng không thể oán hận. Viết cách khác, em có thể bị xem là một cô gái vì ham giàu sang mà chia tay người tình, nhưng nếu nói là phụ tình hoặc phản bội là thiếu chính xác.

Cho nên, thái độ đúng đắn nhất và cũng là lối thoát duy nhất cho em hiện nay là phải quên Y đi; nếu không thể quên được thì hãy cố tưởng tượng ra cuộc sống thiếu thốn của hai người trong  trường hợp tiến tới hôn nhân với nhau. Có như thế, em mới dồn hết nỗ lực, quyết tâm củng cố hạnh phúc gia đình trước mắt.

Không ai trong chúng ta, kể cả tỷ phú triệu phú, dám vỗ ngực nói mình hạnh phúc một cách tuyệt đối. Và trong đại đa số trường hợp, hạnh phúc không đến một cách tự nhiên, mà chúng ta phải đi tìm, phải tự xây dựng lấy.

Nếu Z kém mặn nồng với em, thì em phải tự đặt câu hỏi: xảy ra từ bao giờ, tại sao, v.v… Nếu từ khi em có con, thì phải soi gương và tự đánh giá dung nhan, thân hình, cách ăn mặc của mình. Nếu vì (chỉ nghi ngờ thôi) có những người đàn bà, những cô gái trẻ đẹp đang vây quanh Z thì phải một mặt tìm hiểu sự thật một mặt vận dụng tình nghĩa vợ chồng, tình yêu thương con cái để thức tỉnh, đánh động lương tâm nơi Z.

Chỉ khi nào em biết chắc chắn Z đang “ăn phở chùa” hoặc sử dụng tiền bạc dư thừa để “ăn phở” trên cơ sở thường xuyên, thì mới phải đặt vấn đề với Z.

Nhưng cho dù bất cứ việc gì xảy ra, TL cũng khuyên em, như đã khuyên một số bạn gái cùng cảnh ngộ trước đây, đừng bao giờ mơ tưởng tới người tình cũ. Việc đó hãy để cho các nhân vật trong tiểu thuyết!

Thanh Lan