Mối tình cấm kị rúng động của cô gái 12 tuổi với giáo sư văn chương

16 Tháng Năm, 2019 | Điện ảnh
Sách Lolita. Ảnh: sachnhanam

“Lolita” từng bị coi là thuần túy gợi dục, gây tranh luận nảy lửa khi kể câu chuyện một người đàn ông lớn tuổi ám ảnh tình dục với cô gái 12 tuổi tên Dolores Haze.

Lolita của Nabokov là tác phẩm lạ lùng của văn học thế kỷ 20. Chẳng những thế, tiểu thuyết này còn là tác phẩm gây tranh cãi bậc nhất. Tác phẩm được Nabokov viết bằng tiếng Anh, được xuất bản năm 1955 ở Paris, sau đó được chính tác giả dịch sang tiếng Nga, xuất bản năm 1967 ở Mỹ. Ngay cả khi được NXB Olympia Press phát hành, tác phẩm bị Hải quân Anh cấm nhập cảng. Pháp cũng từng ban lệnh cấm lưu hành cuốn sách.

Ở Mỹ – nơi được coi là tư tưởng tự do bậc nhất thế giới – cũng dành sự e dè đối với Lolita. Tác phẩm từng bị từ chối xuất bản với lý do nó mang nội dung “thô tục, bẩn thỉu, ấu dâm, loạn luân”.

Lolita là lời kể của Humbert Humbert – một kẻ đã giết người và chết trong tù. Cơ sự nào khiến Humbert rơi vào kết cục ấy?

35 tuổi, đẹp trai, là giáo sư văn chương tại Pháp, nhưng Humbert mang trong mình một ám ảnh với những bé gái 12, 13 tuổi. Nguyên do người yêu thời nhỏ của ông chết vì bệnh hiểm nghèo ở độ tuổi ấy. Lập gia đình, Humbert cũng không thể “yêu” nổi vợ mình. Thậm chí khi cô vợ bỏ ông đi với người đàn ông khác, ông cũng chẳng lấy gì làm phẫn nộ.

Khi tới Mỹ dạy văn học tại các đại học, Humbert ở trọ trong nhà của Charlotte Haze. Bà chủ nhà trọ ấy yêu Humbert, nhưng ông chẳng hề hứng thú gì với người đàn bà góa. Kỳ lạ thay, cô con gái 12 tuổi của bà – Dolores Haze – khiến ông thầm thương trộm nhớ.

Ông chấp thuận cưới Charlotte để được ở gần con gái bà. Hàng ngày, Humbert ghi vào nhật ký những cảm xúc với đứa con riêng của vợ. Ngày kia, Charlotte tình cờ đọc được những dòng nhật ký khủng khiếp ghi lại tình cảm bí mật của chồng dành cho con gái riêng, bà rơi vào hoảng loạn. Trên đường ra bưu điện gửi thư cho con gái đang ở trại hè, bà bị tai nạn và qua đời.

Sau khi mai táng vợ, Humbert đến nơi Lolita đang sinh hoạt trại hè để đưa cô đi hết thành phố này đến thành phố khác. Trong mắt thiên hạ, họ là cha dượng và con gái riêng của vợ, nhưng giữa hai người, mối quan hệ tình cảm đã khác. Những tối tại các nhà nghỉ nơi Humbert và Lolita dừng chân, đó là thiên đường, mà theo ông, là một thiên đường có bầu trời rực lửa của địa ngục, nhưng là một thiên đường đúng nghĩa.

Humbert si mê Lolita, đó là tình yêu chiếm trọn tâm trí, cuộc đời ông. Không chỉ yêu thương với dục vọng, tình cảm của Humbert dành cho Lolita còn là sự tôn thờ: “Lolita, ánh sáng của đời tôi, ngọn lửa nơi hạ bộ của tôi. Tội lỗi của tôi, tâm hồn của tôi. Lo-lee-ta: đầu lưỡi lướt xuống ba bước nhỏ dọc vòm miệng, khẽ đập vào răng ba tiếng. Lo. Li. Ta.

Buổi sáng, em là Lo, ngắn gọn là Lo thôi, đứng thẳng cao một mét bốn mươi sáu, chân đi độc một chiếc tất. Mặc quần thụng trong nhà, em là Lola. Ở trường học, em là Dolly. Trên dòng kẻ bằng những dấu chấm, em là Dolores. Nhưng trong vòng tay tôi, bao giờ em cũng là Lolita”.

Trong khi Humbert dành trọn tâm trí cho “tiểu thánh nữ” của mình, thì Lolita chỉ là một cô bé dậy thì đầy tò mò, muốn biết những quan hệ người lớn. Khi xuất hiện người thứ ba, mối quan hệ giữa Humbert và Lolita đi tới cái kết bi thảm.

Tiểu thuyết từng bị lên án nặng nề, coi là tác phẩm gợi dục, với mối quan hệ loạn luân, cấm kị. Song, tác phẩm không chỉ đơn thuần có nội dung về quan hệ tình cảm, xác thịt, mà nó chứa đựng rất nhiều điều trong đó. Tác phẩm thể hiện nội tâm phức tạp một cách tinh tế, với thứ ngôn ngữ của một thiên tài văn chương. Tới nay, hàng chục triệu bản sách đã được bán trên thế giới.

(Theo Zing)