Hỏi và giải đáp 546: Nàng dâu – Bố chồng!

28 Tháng Năm, 2019 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

Xưa nay, ngoài xã hội cũng như trên trang ‘Hỏi và giải đáp’, chúng ta chỉ thấy đề cập tới quan hệ giữa nàng dâu và mẹ chồng, nhưng nay em A lại bị khổ sở vì… bố chồng. Xin rất sơ lược câu chuyện của A:

Cuộc hôn nhân giữa A và B không được nhà chồng chúc phúc, vì A đã tứ cố vô thân lại ít học, trong khi B thành đạt. Nhà chồng ép bụng nhận A làm con dâu chỉ vì khi ấy A đã có bầu và B dứt khoát không bỏ người yêu. Trong gia đình B, ông bố khắc nghiệt là gia trưởng tuyệt đối, còn bà mẹ thì hiền lành nhưng ba phải, thụ động. Vì một nguyên nhân mà TL không tiện ghi ra, vợ chồng A phải sống chung nhà với bố mẹ chồng.

Vì sẵn không ưa A, ông bố chồng luôn theo dõi mọi hành động cử chỉ của A, điều gì ông không vừa ý (hình như cái gì ông cũng không vừa ý) ông lại nói với vợ để bà nói lại với con dâu, cho nên A có muốn trình bày phải trái trực tiếp với ông cũng không có cơ hội.

Trong khi đó, từ ngày lấy nhau, B chỉ biết công việc nên không để ý tới tình trạng căng thẳng trong gia đình.

Gần đây, khi con cái tới tuổi có thể đem đi gửi, A đã tự kiếm việc làm và đề nghị B dọn ra ở riêng, nhưng B không chịu. Bên cạnh đó, càng ngày B càng đi làm về khuya hơn, ngày nghỉ cũng có khi vắng nhà, A không hiểu vì B biết có sự lạnh lùng, trục trặc trong gia đình nên tìm cớ tránh né, hay vì B có nhân tình ở nơi nào đó. A chán nản, muốn ly thân…

Ý kiến Thanh Lan:

Em A thân mến,

Khi nhân loại đã bước sang thế kỷ 21 được hơn một chục năm, phải sống đau khổ, chán chường trong giang sơn nhà chồng như em hiện nay quả là một điều vô lý. Điều này có lẽ TL không cần mổ xẻ, phân tích.

Tuy nhiên, nếu chỉ vì điều vô lý ấy mà nghĩ tới việc chia tay – dù chỉ ly thân – thì lại càng… vô lý hơn!

Vô lý bởi vì thứ nhất, em chưa có một bằng chứng nào về việc “B có nhân tình ở nơi nào đó”, đồng thời, em cũng chưa một lần nói chuyện nghiêm chỉnh với chồng về tình trạng lạnh lùng và không khí khó thở trong đại gia đình. Tuy nhiên, vì nguyên nhân mà B dựa vào để không chịu dọn ra ở riêng theo đề nghị của em, TL cho rằng em phải chấp nhận hy sinh tiếp tục sống chung mái nhà. Tại sao phải hy sinh? Vì tình nghĩa vợ chồng, vì an vui của các con, và vì sự tôn trọng bắt buộc đối với các bậc trưởng thượng, trong trường hợp này là bố mẹ của B.

Em phải tìm những lúc vợ chồng thoải mái để tâm sự với chồng về những chịu đựng của mình bấy lâu nay, về trách nhiệm nặng nề của mình trong việc chăm sóc con cái, v.v… Ngày ấy, cuộc nhân duyên của em thành tựu là vì  B dứt khoát không bỏ người yêu, cho thấy B yêu em nhiều lắm. Vậy nay em chỉ cần cho B biết và hiểu những gì đang xảy ra trong gia đình, TL tin rằng B sẽ sát cánh với em trong việc dạy dỗ, lo lắng cho con cái, và đứng sau lưng em trong quan hệ với bố mẹ chồng.

Được như thế, cho dù tình hình không tiến triển khả quan hơn, em vẫn cảm thấy dễ chịu hơn, bởi vì B đã trở thành điểm tựa tinh thần cho mình. Nhưng nói gì thì nói, một khi B đã nhận ra những gì vô lý, quá đáng nơi ông bố khắc nghiệt, chắc chắn B sẽ tìm cách “góp ý” để ông nhận ra những điều không phải của mình.

Nếu B biết cách làm săng-ta (blackmail), anh ấy có thể lấy việc ra ở riêng để làm áp lực với bố mẹ. Tuy nhiên, cho dù vẫn tiếp tục ở chung, không phải là không có lối thoát. Lối thoát ấy ở ngay trong “tâm” mình. Em chỉ cần nghĩ tới ba việc sau đây là đã đủ để tìm ra lối thoát: (1) kính lão đắc thọ, huống chi đây lại là bố mẹ chồng của mình, ông bà nội của các con mình; (2) giữ hòa khí, vì chồng con, và để thoải mái cho đầu óc của chính mình; (3) làm gương cho các con.

Thực hiện được ba điều trên, em sẽ thấy trong cuộc đời mà em bảo là “bể khổ” ấy, cũng luôn luôn có hạnh phúc, ở ngay bên mình chứ không cần tìm đâu xa.

Thân mến,
Thanh Lan