Kể chuyện đường xa: Thái Lan ngày trở lại

19 Tháng Sáu, 2019 | Thái Lan
Hồ bơi của khách sạn Grande Centre Point Hotel Ratchadamri, Bangkok chụp từ lầu 20. Hình: TVTS

Nguyễn Hồng Anh

***

Lúc này, gặp bạn bè thân quen, những người gần hay đã đến tuổi nghỉ hưu, nếu họ hỏi tôi còn đi du lịch để viết bài không, tôi trả lời không biết sẽ viết nữa không, nhưng chắc chắn sẽ du lịch thật nhiều, ít ra mỗi năm phải du lịch ngoại quốc hai lần. Còn du lịch trong nước Úc (cả một lục địa mênh mông), thì từ từ. Vì theo tôi, đến lúc già đi bộ không nổi, thì chỉ còn du lịch bằng du thuyền (cũng có người trẻ đi cruise). Cho nên, còn khỏe để đi bộ thì hãy đi thật nhiều, trước khi quá muộn. Hãy hưởng thụ vì không thể níu kéo thời gian được.

Bạn có thể hỏi tôi, vậy thì lúc này tôi chỉ nghỉ ngơi và đi chơi thôi sao? Thưa, tôi đã đến tuổi nghỉ hưu, nhưng vẫn làm việc và còn làm nhiều hơn khi còn trẻ, vì tôi thích công việc làm báo và nay có thêm việc làm truyền hình trực tuyến, mỗi tuần sản xuất ba chương trình: Điểm báo (Thứ Hai), Thời sự trong tuần (Thứ Năm) và Giờ Nguyễn Hồng-Anh (Thứ Sáu).

Bận rộn suốt ngày, nhưng tôi “cám ơn trời, cám ơn đời, cám ơn người”  đã cho tôi có cuộc sống như vậy, như tôi đã viết trong bản nhạc vào năm 2014 và đã đưa lên youtube. Bài có tựa: Mùa thu cuộc đời. (lên google hay youtube đánh tên bài hát và tên tác giả thì chắc chắn sẽ hiện ra).

* * *

Trong chuyến du lịch Thái lan lần này, chúng tôi chỉ quanh quẩn trong thành phố vì mục đích du lịch để nghỉ mát và sắm sửa. Xin kể hầu quý độc giả nào muốn có một chuyến du lịch ngắn hạn 10 ngày tới hai nước tương đối gần Úc, mất từ 8 đến 12 giờ bay.

Thế thì bạn sẽ hỏi tôi mua vé như thế nào? Tôi không muốn làm công việc quảng cáo cho bất cứ cơ quan hay công ty nào, nhưng xin kể ra đây kinh nghiệm mua vé và đặt khách sạn.

Mua vé máy bay

Lên mạng có nhiều công ty để bạn chọn, nhưng nếu mua vé máy bay, tôi thường chọn công ty skyscanner, jetabroad hay expedia.

Như tôi vẫn thường viết trên các bút ký du lịch rằng tôi thích đi máy bay Qantas không phải chỉ vì  “dân Úc đi máy bay Úc” mà vì Qantas nổi tiếng an toàn, chưa bao giờ có tai nạn gây chết người.

Đền Erawan Shrine trong miếng đất nhỏ thờ tượng Phra Phrom của người Thái ở ngã tư nhộp nhịp của trung tâm Bangkok vào lúc vắng người. Hình: TVTS

Tôi có thói quen mua vé trước để được giá rẻ, đặt khách sạn sau. Nhưng cũng không mua quá sớm, ngại ngóng cổ chờ ngày đi. Như chuyến đi vừa rồi, tôi đặt vé trước khoảng một tháng rưỡi, tha hồ mà chọn ngày đi và hãng máy bay mình cảm thấy ưng ý.

Vào mạng Qantas, thấy máy bay hạng economy giá  trung bình cho một cặp lên tới khoảng sáu, bảy ngàn Úc kim. Chà, đắt quá! Bấm mạng jetabroad, có nhiều tuyến đi khác nhau với các hãng khác nhau. Đi các hãng của Trung Quốc hay phối hợp với các hãng không nổi tiếng khác thì rẻ hơn. Nhưng tôi muốn đi cách sao để vừa rẻ mà vừa bớt thời giờ đợi quá cảnh ở các phi trường. Chọn hãng Cathay Pacific Airways thì phải ít nhất một lần quá cảnh ở Hong Kong trước khi bay sang Bangkok. Chọn  Malaysia Airlines thì cũng phải đáp xuống Kuala Lumpur trước khi chuyển phi cơ khác của hãng này bay sang Bangkok.

Cuối cùng tôi chọn hãng Malaysia Airlines dù hãng này gần đây bị hai vố tai nạn khủng khiếp nổi tiếng thế giới: một chiếc (MH17) bị bắn trên bầu trời Ukraine và một chiếc (MH370) bị mất tích (chưa rõ lý do) nghi rơi ở Ấn Độ Dương do phi công tự tử.

Tôi nói với nhà tôi, sống chết có số, máy bay Mã Lai bị nạn năm 2014 không phải do kỹ thuật hay phi công yếu tay nghề. Năm 1977 lần đầu tiên máy bay  hãng này (lúc đó có tên Malaysian Airline System)  bị không tặc trên đường bay từ Penang đến Kuala Lumpur và bị rớt làm 100 người chết kể cả phi hành đoàn.

Vé rẻ, đi ít mất thì giờ bay, lại luôn có bao ăn trên mọi tuyến bay dù đường ngắn (vợ chồng chúng tôi rất thích ăn trên máy bay vì phần lớn vừa ngon vừa quên thời gian bay), hành lý được mang tới 30 ký, tại sao không đi?

Khi bạn đã chọn đường bay, giá ghi ở lúc đầu có thể khác với giá cuối cùng, tùy bạn chọn công ty trung gian. Jetabroad được chấm 4/5 sao, giá cuối cùng cho hai người là $1,691.90 Úc kim, bay đến 3 địa điểm chúng tôi trọ là: Bangkok, Penang và Kuala Lumpur. Tiền vé mỗi người khoảng $850 Úc kim.

Trên đường Ratchadamri, giữa Grande Centre Point Hotel và Grand Hyatt Hotel: hình tân vương Thái được trưng bày mọi nơi nói lên lòng kính trọng của dân với vua của họ. Hình: TVTS

Hành trình và thời gian bay:

  1. Melbourne – Bangkok: dừng ở Kuala Lumpur trong 1 giờ 45 phút để đổi máy bay, tổng cộng 12 giờ 25 phút.
  2. Bangkok – Penang: dừng ở Kuala Lumpur trong 1 giờ 10 phút để đổi máy bay, tổng cộng 4 giờ 20 phút.
  3. Penang – Kuala Lumpur: bay 1 giờ 5 phút.
  4. Kuala Lumpur – Melbourne: bay 7 giờ 55 phút. Đó là ghi trên vé, nhưng trên thực tế, khi bay về chỉ khoảng 7 tiếng 20 phút vì phi công… lái nhanh!

Đặt khách sạn

Đi nghỉ mát, mua sắm hay thăm thắng cảnh, ở giữa trung tâm thành phố là tiện lợi nhất, gần nơi ăn uống và các cửa tiệm y phục, thời trang. Cách tốt nhất là xem google để biết các vị trí đó, so sánh quãng đường giữa khách sạn và các địa điểm chính mà bạn thích. Website của khách sạn thường cho biết khoảng cách đối với CBD (city centre).

Tôi dùng mạng expedia.com.au và booking.com và một số mạng khác để so sánh giá cả thuê khách sạn. Đánh giá vị trí so với phẩm chất của khách sạn và giá tiền. Bạn cũng có thể xem reviews của những người từng ở các khách sạn đó.

Cá nhân chúng tôi dự tính chọn khách sạn khoảng 4 sao, có hồ bơi (loại 4 sao thường có) và gần trung tâm mua sắm.

Sau khi thăm một hai vòng, chúng tôi chọn những khách sạn như sau:

– Grande Centre Point Hotel Ratchadamri, Bangkok được đánh giá 5 sao. Đi bộ tới dãy trung tâm mua sắm Central World, Siam Square v.v… chừng 10 phút. Địa chỉ: 153/2 Mahatlek Luang 1, Ratchadamri Rd, Bangkok, 10330. Điện thoại: +66 2 091 9000.  Phòng grand deluxe, king bed, giá quảng cáo “special deal” sau khi bớt 66% còn $183 Úc kim một đêm. Tôi đợi vài ngày xem giá còn hạ nữa không nhưng sau đó không hạ mà còn tăng. Đợi thêm vài ngày khi khách sạn giảm đến mức 66% trở lại, tôi mua ngay kẻo sẽ không còn cơ hội giá khuyến mại rẻ như  vậy. Đó là một kinh nghiệm để kể với bạn đọc. Tôi đặt vé khách sạn này với expedia.com.au.

Dãy trung tâm mua sắm và ăn uống trên đường Ratchadamri Rd, cách Central World chừng 200 mét và gần khách sạn Novotel. Hình: TVTS

– Hotel Jen Penang by Shrangi-La được đánh giá 4 sao nằm ở trung tâm phố, cạnh khu thương mại mua sắm. Tính cả thuế du lịch 10 đồng Mã mỗi đêm là 300 đồng Mã, khoảng $107 Úc kim.

Địa chỉ: Magazine Road, George Town, 10300, Malaysia. Điện thoại: +60 4-262 3666

– Shangri-La Hotel Kuala Lumpur  được đánh giá 5 sao nằm giữa hai mốc nổi tiếng của thành phố là KLCC (nơi có tháp đôi Petronas Twin Towers) và KL Tower (tháp hình dáng giống Sydney Tower), tới mỗi nơi mất khoảng 10 phút đi bộ. Giá MYR 452 (đồng Mã) một đêm, cộng thêm thuế du lịch dành cho người ngoại quốc 10 đồng Mã một đêm tính riêng khi rời khách sạn, tổng cộng 462 đồng Mã. $1 Úc kim ăn khoảng 2.8 đồng Mã. Vậy khách sạn này với phòng ngủ deluxe king size double bed mỗi đêm tốn khoảng $165 Úc kim.

Địa chỉ: 11 Jalan Sultan Ismail, Kuala Lumpur 50250, Malaysia. Phone: +60 3-2026 8488. Lưu ý: Tôi đặt vé qua trung gian của booking.com nên không biết đặt trực tiếp với khách sạn giá cả như thế nào.

Cả hai khách sạn vừa nói trên, tôi đặt với mạng booking.com.

$5,000 cho một cặp du lịch 10 ngày

Thế là bạn đã có vé máy bay rẻ $1,692 và các khách sạn 4 đến 5 sao trong 10 ngày với giá $1,548. Tổng cộng  tiền máy bay và chỗ ở là $3,240.

Sầu riêng ban ở lều ngoài trời, 2 múi 150 baht ($7.5 Úc kim). Hình: TVTS

Tôi nghĩ, nếu không tính chuyện mua sắm đồ đắt tiền mà chỉ di chuyển trong thành phố và ăn uống thì một chuyến du lịch tốn tối đa cho hai vợ chồng khoảng $5,000 Úc. Được không bạn?

Trước khi lên đường bạn nhớ mang theo passport có hiệu lực tối thiểu 6 tháng trước khi hết hạn. Có một người bạn của tôi khi ra đến tận phi trường mới biết rằng mình bỏ lộn passport trong một cặp khác nên phải quay về nhà lấy, may mà còn kịp giờ nhờ đi khá sớm.  Thái và Mã không đòi công dân Úc phải xin visa và cho phép mang vào dưới $10,000 đô la tiền mặt (ở Úc cũng vậy) mà không cần phải khai báo với quan thế. Mang nhiều hơn cũng được, nhưng phải khai với quan thuế.

Tôi đến phi trường quốc tế Bangkok Suvarnabhumi  lúc 11 giờ 30 tối.  Ở đây có taxi có đồng hồ tính tiền để bạn đi. Từ phi trường về khách sạn tốn khoảng $400 baht (Thai Baht viết tắt THB) tức khoảng $19  Úc kim tính theo hối suất tôi đổi cao nhất là $1AUD = 21THB và thấp nhất hơn 19 baht ở phi trường Melbourne, đó là tính luôn tiền taxi phải trả lộ phí (toll) để đi xa lộ cho nhanh hơn. Trong bút ký 29 năm trước, tôi nói tiền taxi bao một cuốc lúc đó từ 200-300 baht tức khoảng 10 đến 15 đô (thời đó hối xuất $1AUD  khoảng  20 baht), như vậy vật giá tăng khoảng 65% đối với đi taxi.

Đến khách sạn, thì tôi có hơi chút ngạc nhiên vì trong hình, lobby của khách sạn này trông như một “cung điện” rộng, trần cao và nhiều màu vàng.  Nhưng vẫn thấy lớn vì cao trên 50 tầng và có gần 500 phòng, có nhân viên ra tận xe taxi mở cửa, mang hành lý vào cho mình, mang hành lý lên tận phòng mà không gợi ý xin tiền típ như một số khách sạn khác (ở Mỹ). Và ngạc nhiên khác là tôi chưa thấy khách sạn nào phòng ngủ rộng như thế, có cả bàn ăn, máy giặt trong phòng đây dù không phải là apartment.

Với giá tiền special deal bớt 66% có lúc bớt ít hơn trong thời gian tôi mua, nhưng với giá $183 đô/đêm là rất phải chăng đối với khách sạn 5 sao. Chỉ tiếc một điều khách sạn này nhà hàng không bán bia làm tôi phải lặn lội ra bên ngoài giữa đêm nóng nực mua bia về khách sạn nhâm nhi, khiến nhà tôi phải than rằng ngay cả các khách sạn ở những nước Hồi giáo như Ai Cập, Qatar mà chúng tôi đã đi, cũng bán bia phục vụ khách.

… và mì tôm luột 200 baht mộ đĩa. Ăn giữa trời nóng trên 30 độ hay mang về khách sạn? Tùy! Hình: TVTS

Ngoài ra, hồ bơi rất tốt, rộng và dài cả 25 mét mặc sức mà bơi nên sáng nào chúng tôi cũng tắm cả tiếng trước khi rời khách sạn.  Lại có phục vụ massage rất lịch sự và sang trọng, sạch sẽ, đúng tiêu chuẩn quốc tế, chỉ có hơi đắt $150 đô/ 2 giờ cho một người. Đó là massage kiểu Thái truyền thống (tức dùng bàn tay và cùi chỏ), nếu sử dụng dầu (aromatherapy massage) thì  đến $200 đô trong 2 tiếng.

Tôi đã sử dụng dịch vụ massage ở khách sạn nhiều nơi như Prague, New Delhi, Nepal, Bắc Kinh, Bangkok, Kuala Lumpur… nhưng tôi chưa thấy nơi nào lý thú bằng Manila vì vừa rẻ hơn (dù trong khách sạn 5 sao) vừa có phẩm chất.

Về ăn uống, tôi thấy ở Bangkok ngày nay giá cũng khá đắt đỏ hơn trước. Cách khách sạn tôi chừng 20 mét có nhà hàng tên Mai Mai. Tôi tưởng đó là nhà hàng người Việt vì có vài món Việt Nam như chả giò, nhưng hoàn toàn là của người Thái. Nằm ở bên trong trung tâm thương mại và văn phòng, có khoảng trống rộng rãi có máy lạnh, khá lịch sự. Món ăn từ 150 baht trở lên. Chúng tôi kêu 3 đĩa thức ăn, 2 chai bia và một ly nước ngọt, tổng cộng 1,000 baht, tức khoảng 50 đô.

Ra chợ trời sát phố (cạnh Central World), mua các món ăn cầm tay (cơm, tôm, thịt v.v…) trung bình 150-200 baht. Một đĩa sầu riêng 2 múi cũng 150 baht ($7.5 Úc kim). Lý do, chợ trời nhưng có mái che, sạch sẽ nằm giữa lòng thành phố. Kể sơ cho bạn thấy, thức ăn ở trung tâm Bangkok không rẻ như ngày trước tôi ở khách sạn Cadena Hotel (xem bài tuần trước, nay đổi tên Nice Palace giá trung bình $30 đô/đêm) thuộc “khu nhà lá” Chatuchak có nhiều quán ăn bình dân, rẻ mà ngon, chỉ cái  tội đi xe lên trung tâm phố mất từ 15 đến 30 phút.

Gần phố để hàng ngày đi ngắm và sắm

Khách sạn Grand Centre Point Hotel Ratchadamri chúng tôi trọ thật ra nằm trên đường Soi Mahatlek Luang 1, cách Ratchadamri Road chừng 20 mét nhưng kèm cái tên Ratchadamri Road để dễ nhận ra vì đây là con đường nổi tiếng. Cách khách sạn chúng tôi trọ chừng 200 mét có khách sạn 5 sao Grand Hyatt Hotel cũng rất đồ sộ. Đi bộ chừng 50 mét nữa, sẽ tới góc đường Rama 1 Road. Đây là ngã tư lớn và nhộn nhịp của trung tâm thành phố. Bạn sẽ bắt gặp đền Erawan Shrine có tượng Phra Phrom  của người Thái thờ thần giống thần Brahma của Ấn giáo, vị thần dựng nên vũ trụ.

Tiệm Mai Mai gần khách sạn Grande Centre Point, các món ăn trung bình từ 150 đến 200 baht, khá ngon. Có món ăn Việt Nam. Hình: TVTS

Thấy toàn là người Thái đến dâng hoa cầu nguyện (thỉnh thoảng cũng gặp một vài nhóm du khách người Việt đứng xem), tôi hỏi nhân viên khách sạn đền thờ đó thờ ai thì được trả lời đó là của Ấn giáo. Bạn cũng nên biết Phật giáo là quốc giáo của Thái Lan.

Hàng ngày từ khách sạn ra trung tâm mua sắm, tôi gặp cảnh này. Tôi không thể ngờ người ta thành kính và thờ lạy thần ở tại một cái sân nhỏ góc đường Ratchadamri và Rama 1 như vậy, nhất là sắp hàng mua hoa vào cúng. Khu vực bán hoa cạnh đó tấp nập người bán và mua giữa trời ẩm nóng trên 30 độ C.

Đụng đường Rama quẹo trái, bạn sẽ gặp những trung tâm mua sắm lớn nhất và nổi tiếng nhất của thành phố Bangkok, chuyên bán đồ hiệu và đồ cao cấp mà bạn có thể nghe hay thấy khi lên mạng tìm hiểu: Trước hết là  Central World, rồi đi dọc con đường này bạn sẽ gặp Siam Paragon, Siam Centre, Siam Discovery.

Từ ngã tư có đền Erawan Shrine, quẹo trái hay phải đều có nhiều trung tâm mua sắm lớn, nhất là các khu ăn uống ở bên trong các cao ốc thương mại. Cũng tại ngã tư này có các tiệm McDonald, Kentucky, 7 Eleven để bạn mua đồ ăn nhanh hay thức uống như bia  tại 7 Eleven.

Ngoài ra, tại đây bạn có thể mua vé xe điện monorail train đi các phía đông tây, nam bắc, đến các nơi xa trung tâm thành phố. Người ta nói ngoài xe bus, đi monorail train (xe lửa đường rầy nằm trên cao) là phương tiện dễ dàng nhất và rẻ nhất.

Ngoài vài đoạn đi taxi, đi xe ba bánh tuk tuk, chúng tôi cũng có mua vé xe monorail train đi đến khu mua sắm bình dân là Sukhumvit, xe dừng ba trạm trước khi đến khu này. Sukhumvit cũng là tên một con đường rất dài chạy từ tây qua đông nam, đụng biên giới Cam Bốt.

Những màn vũ mang sắc thái địa phương trong dịp lễ hội của đảo Khung Bang Kachad tại trung tâm thương mại Central World. Hình: TVTS

Khu ăn chơi dành cho người lớn nổi tiếng nhất Bangkok là Nana Plaza, cách trạm Sukhumvit chừng 500 mét. Khoảng đường từ khách sạn Grand Centre Point Hotel đến khu ăn chơi Nana Plaza này dài chừng bảy, tám cây số, đi xe tuk tuk tốn 150 baht ($7.5 đô) và có thể mất tới gần nửa tiếng vì nạn kẹt xe.

29 năm trước chúng tôi đã đến. Và lần này cũng lại đến, nhưng chỉ đi dọc con đường nhầy nhụa bụi bặm, đông người, hàng quán hai bên đường, có massage, nhạc xập xềnh, đèn đóm đủ màu về đêm, có các cô gái ăn mặc hở hang đợi khách mua hoa.  Đây là nơi thu hút du khách đa số là tây phương, trẻ có trung niên có và đa số là người lớn tuổi, già.

Chúng tôi cũng vào bên trong plaza, đi dưới sân, lên tầng một, tầng hai của plaza này trông giống như “đại nội”, cung tầng mỹ nữ đủ loại đủ giống và nhiều ông… vua. Ở đấy có tiền là vua, vua bao nhiêu đêm cũng được…

Chúng tôi chỉ loáng qua chừng mươi phút và gọi tuk tuk đi về khách sạn ngay. Ngồi trên chiếc xe tuk tuk ba bánh mà bác tài rút ga nổ bịch bịch, phóng như bay, qua mặt những chiếc xe lớn, ban đầu làm chúng tôi hơi sợ nhưng rồi cũng quen. Chỉ khổ nỗi nóng và bụi bặm.

Bangkok ngày nay có gì khác?

Vừa trở về Melbourne, lên chương trình Thời Sự Trong Tuần, anh bạn Luật sư Nguyễn Tân Hải hỏi ngay là Thái Lan bây giờ có khác ngày xưa không, tôi trả lời không khác mấy.

Nói vậy cũng đúng mà không đúng. Vì đã 29 năm và đi du lịch hàng trăm thành phố trên thế giới, dù phải nhớ để viết bút ký du lịch mỗi lần đi, nhưng rồi cũng quên, làm sao mà nhớ nó có khác với lần đầu tới,  khi  chỉ ở đó thời gian quá ngắn?

Suvarnabhumi Aiport: phi trường có đài kiểm soát không lưu cao nhất thế giới tính đến năm 2014. Hình: TVTS

Thì tạm có nhận xét như thế này: Cuộc sống và con người Thái có lẽ không thay đổi: Lịch sự hiếu khách, kính trọng vua (chúng tôi qua Bangkok gặp đúng tuần lễ Thái tử Maha Vajiralongkorn vừa lên ngôi vua nên đi đâu cũng thấy hình tân vương và bàn thờ của ông khắp mọi nơi, từ trong khách sạn ra ngoài đường đến các trung tâm mua sắm, bên ngoài cũng như bên trong với những biểu ngữ: Long Live The King – Vạn Tuế Hoàng Thượng. Không biết bao nhiêu là hoa vàng đã được dùng cho dịp lễ đăng quang của vua Thái.  Tôi nghe nói người dân Thái sùng kính vua nhưng nay mới tận mắt chứng kiến.

Và dĩ nhiên có nhiều thay đổi về hạ tầng cơ sở như đường xa lộ mới có tính lộ phí (toll) từ phi trường đến trung tâm phố Bangkok. Lần này chúng tôi không đi biển Pattaya như trước đây nên không biết đường sá có thay đổi gì không.

Về phi trường, thì Suvarnabhumi Aiport được khánh thành năm 2006 quả thật rất lớn, nơi có đài kiểm soát không lưu (132.2 mét) cao nhất thế giới cho đến năm 2014, và là phi trường quốc tế có nhà ga (terminal) với một binh đinh duy nhất lớn hàng thứ tư trên thế giới.

Tôi không nhớ năm 1990 tôi đến phi trường nào ở Bangkok, rất có thể thời đó là phi trường Don Mueang Airport, phi trường cũ đã được cải tiến tân trang và đưa vào sử dụng lại vào năm 2007 và trong năm 2015 được cho là phi trường lớn và phi trường có máy bay giá rẻ nhất thế giới. Đó cũng là một thay đổi lớn.

Ngoài ra, các trung tâm mua sắm lớn và cao cấp như Central World, Siam Paragon cũng mới được xây chưa tới 10 năm. Như vậy là đã có một sự thay đổi rất lớn ở Bangkok.

Và một sự thay đổi khác nữa là vật giá cao hơn ngày tôi trở lại thăm thủ đô của xứ chùa vàng này.

Đón xem kỳ tới: Penang có gì lạ?

 

(Trích từ báo in TVTS số 1732 phát hành ngày 5.6.2019)