1990-2019: Thái Lan, ngõ vào Việt Nam

11 Tháng Sáu, 2019 | Thái Lan
Khách sạn Cadena ngày trước nay có tên mới là Nice Palace. Hình: google

Nguyễn Hồng-Anh

***

Vừa trở về Melbourne sau chuyến nghỉ mát ở Thái Lan và Mã Lai, chúng tôi tình cờ gặp bà chủ một nhà hàng quen biết trên đường Victoria Street, Richmond.

Bà hỏi ngay: Anh chị đi chơi về có bài viết về du lịch không?

Tôi hỏi lại: Chị muốn nói bài trên báo giấy hay trên website, youtube?

Bà chủ nhà hàng trả lời: Bài trên báo giấy.

Đã 29 năm viết bút ký du lịch, đi khá nhiều nước, viết hàng trăm bài, dự tính sẽ không tiếp tục viết sau chuyến du lịch vừa qua, nhưng vẫn còn những độc giả thích các bài kể chuyện đường xa của tôi, lối đi du lịch tự túc không theo đoàn, nên tôi tiếp tục viết để đáp lại sự mến mộ và ủng hộ của quý độc giả.

Nhưng hai ngày sau, trong chương trình Thời Sự Trong Tuần với Luật sư Nguyễn Tân Hải, khi nghe tôi kể rằng tôi vừa đi du lịch ở Thái và Mã về, một khán thính giả đã bình luận “Đi Mã và Thái vậy mà bác không về VN chơi phí quá”!

Vì thắc mắc của khán thính giả TVTS Online nói trên (và cũng có thể là thắc mắc của một vài quý độc giả báo giấy TVTS), nên tôi muốn mời bạn đọc xem lại bài viết đầu tiên của tôi về du lịch, cảm xúc của người viết trong bối cảnh của 29 năm trước (dĩ nhiên có khác với bây giờ).

Loạt bài kể chuyện đường xa dịp du lịch Thái đó gồm các đề mục “ở, ăn, ngắm, sắm và chơi”, nhưng tôi chỉ mời bạn đọc xem bài đầu tiên mà thôi: “Thái Lan, ngõ vào Việt Nam” đăng trên TiVi Tuần-san số 230, ngày 20.9.1990.

* * *

Tôi đến phi trường Vọng Các với cảm giác hơi khác thường, không diễn tả nổi dù biết rằng chuyến đi này vừa để nghỉ mát vừa để tìm đề tài mới lạ hơn để viết hầu chuyện bạn đọc TiVi Tuần-san.

Cùng đi trong chuyến bay với tôi, còn có một số người Việt khác. Tôi biết họ không như tôi, nghĩa là chỉ qua Thái Lan du lịch, xem thắng cảnh. Ai hơi đâu rãnh rỗi mà đi du lịch Thái Lan. Du lịch phải là du lịch Việt Nam, không thăm được gia đình thì cũng làm được một chuyến buôn, rất có thể sẽ kiếm được nhiều tiền hơn là buôn bán tại Úc.

Dù cho ai nói gì đi nữa, dù có tiếng kêu gào to lớn của những người nổi tiếng hay những tiếng khóc âm thầm của những người khốn khổ vô danh, người ta vẫn đi về Việt Nam du lịch, thăm viếng, buôn bán. Vấn đề này đã trở thành một chuyện hết sức “bình thường”.

Cứ xem thiên hạ đi ngoài đường nói bô bô về chuyện họ đã về hay sẽ về VN nay mai thì đủ biết! Họ từ Úc, Mỹ, Gia Nã Đại. Họ từ Pháp, Đức, Anh… Tự do đi lại là một cái quyền, nhất là khi chính Việt Cộng không bắt mà. Tôi nghĩ nhà cầm quyền Việt Cộng đã suy tính cẩn thận khi để Việt Kiều và những người tị nạn về nước mà không làm khó dễ. Khuyến khích là đằng khác. Trước mắt, chúng đạt hai mục tiêu: Thu ngoại tệ và làm những người đi tị nạn mất chính nghĩa.

Sau 12 tiếng đồng hồ ngồi trên máy bay, tôi đến Vọng Các vào khoảng 10 giờ 30 tối, giờ địa phương. Việc đầu tiên là tìm đến khách sạn. Nếu bạn chưa giữ phòng trước, tại phi trường đã có một rừng người đứng sẵn để đón bạn về khách sạn nào bạn muốn. Họ đứng trương bảng tên của khách sạn làm cho những người đặt chân xuống phi trường Vọng Các lần đầu tiên tưởng là họ đang đón tiếp khách nào. Tôi thì cứ yên trí với đời sống ở xứ Úc nên tưởng đấy là đoàn người biểu tình!

Chỉ tốn khoảng 200 đến 300 baht (10 – 15 Úc Kim tùy sự mặc cả) là tôi đã về đến khách sạn Cadena, một khách sạn nằm cách phi trường khoảng 45 phút đi bằng xe hơi.

Cùng đi với tôi trong chuyến bay và cùng về khách sạn Cadena có những người quen ở Melbourne. Tôi chắc là họ đi về Việt Nam và chỉ ở lại khách sạn Cadena chừng một đêm hoặc vài ngày trong khi chờ đợi máy bay về Sài Gòn. Và tôi cũng nghĩ là trong bụng những người này họ cũng nghĩ là tôi -một người làm báo và không tán thành việc du lịch VN trong lúc này– cũng về Việt Nam! Điều này đã được họ nói ra khi có dịp ngồi nghỉ ở phòng khách của khách sạn.

Tưởng cũng nên nói khách sạn Cadena (ngày nay có tên mới là Nice Palace), một cái khách sạn được nhiều người Việt ở Úc và ở các nước khác đến cư ngụ, dù họ là người du lịch VN hay chỉ là người du lịch Thái Lan mà thôi. Chẳng qua là các Công ty du lịch ở Úc và ở các nơi khác đều quen khách sạn này. Họ có những người mai mối, trung gian dẫn bạn đến ở lại khách sạn Cadena. Về Việt Nam hay du lịch Thái, không cần thiết, chỉ biết là khách sạn này rẻ, luôn luôn có người Việt cư ngụ. Tôi đến Thái Lan không phải vào dịp Tết, ấy thế mà ngày nào cũng thấy người Việt tới ở lại, đa số là từ Úc và Mỹ.

Tác giả trước cung điện Grand Palace của hoàng gia Thái, năm 1990

Đặc điểm của khách sạn Cadena là ít có phòng giường ngủ đôi. Đa số phòng trong khoảng 100 phòng của khách sạn này đều kê hai cái giường đơn. Vì thế mặc dù tôi cùng đi với bà xã, họ cũng cho tôi một cái phòng trong đó có hai cái giường đơn nằm cách nhau cả một thước. Tôi hỏi các ông và các bà cùng đi chung, tiền thuê khách sạn bao nhiêu thì được họ cho biết là 25 Úc kim. Tuy hai vợ chồng tôi phải trả cao hơn giá tiền thuê khách sạn của những người đi thuê phòng (nói đúng hơn là thuê phòng ngủ) một chút, tôi không khó chịu vì mình đã ghi danh giữ chỗ ở Melbourne với giá cao. Nhưng tôi phải còm-len với người trung gian đại diện cho công ty du lịch ở Úc là tôi đi nghỉ mát chứ không phải đi về Việt Nam mà có thể ở cái phòng vừa ẩm vừa hôi, phòng tắm không có bồn tắm riêng (cầu tiêu và phòng tắm nằm chung, được ngăn bởi một miếng vải nhựa. Mỗi khi tắm xong mà đi đánh răng rửa mặt thì phải coi chừng kẻo té vì nước còn đọng trên sàn) và ngủ thì vợ chồng phải ngủ riêng.

Thấy người trung gian dẫn đường đến, tôi chào. Ông X ngạc nhiên vì sự có mặt của tôi tại Vọng Các. Có lẽ ông nghĩ bụng “nhà báo các anh nói cho lắm rồi cũng về VN như ai” hoặc là ông ngại rằng anh chàng nhà báo này về Úc sẽ viết bài phóng sự nêu tên mình ra.

Gặp ông X, các bà chụp ngay ông để hỏi han về việc sắp xếp cho chuyến bay về VN vào ngày mai. Tôi cũng đến gặp ông X than phiền, và yêu cầu ông phải kiếm cho tôi một cái phòng khác vì vợ chồng tôi đi nghỉ mát thì không thể nghỉ mát theo cái lối hai vợ chồng phải nằm riêng trên hai cái giường nhỏ được. Bà A hỏi tôi:

– Ủa, anh chị không vô à? (về VN được những người du lịch VN gọi là “vô” hay “vào”).

Bà xã tôi nhanh nhẩu trả lời:

– Tụi tôi đi nghỉ holiday mà thôi.

Tôi phụ họa:

– Đi holiday mà nghủ khách sạn như thế này thì hỏng mất. Anh X kiếm cho tôi khách sạn khác đi, ít ra cũng phải là khách sạn mỗi đêm 100 đô la mới được. (Tại Úc tôi nghe nói khách sạn tôi sẽ đến ở là tạm được).

Bà B nói:

– Đúng rồi, anh chị Hồng-Anh đi holiday thì kiếm cho người ta khách sạn khác chứ khách sạn này đâu được.

Ông X đề nghị hai vợ chồng tôi tạm ngủ lại đêm nay, ngày mai sẽ lo liệu chỗ ở khác sau.

Sáng sớm, chúng tôi dậy xuống nhà hàng khách sạn điểm tâm xong đến phòng khách ngồi đợi. Bây giờ tôi gặp thêm mấy người khác cùng đi chung trong chuyến máy bay ngày hôm qua: vợ chồng ông Y và ông Z, một người Việt gốc Hoa tướng trông hào hoa, ăn chơi.

Bà A và B là những người tôi quen biết và cũng là người của mối ông X. Ông X không đến đón chúng tôi nhưng ông đã lo xong các thủ tục và máy bay về Việt Nam cho các bà. Khoảng 2, 3 giờ chiều nay họ sẽ rời Vọng Các về Việt Nam. Ra vẻ ông X và Công ty du lịch ở Melbourne làm ăn đàng hoàng.

Ngồi chung, đối mặt với nhau, ai cũng ở trong tư thế đợi dù mỗi người có những cái đợi khác nhau. Rồi chúng tôi cũng hỏi chuyện để giết thời giờ.

Vợ chồng ông Y than phiền là công ty du lịch của ông bà làm ăn bê bối, không cho người ra phi trường đón về khách sạn như đã hứa, nay cũng chưa lo máy bay để cho họ có thể về Việt Nam sớm vì ở lại Thái Lan thêm ngày nào thì tốn thêm tiền phòng ngủ ngày đó. Ngay lúc ấy, ông Hùng (Hùng đồng ý cho tôi dùng tên thật của ông trong bài phóng sự này), giám đốc Công ty Sài Gòn Express trụ sở đặt ngay trong khách sạn Cadena đến đề nghị sẽ lo ngay máy bay và thủ tục để về Việt Nam nội trong trưa nay.

Ông bà Y đồng ý để Hùng lo và nói họ sẽ về lại Melbourne đòi lại tiền của Công ty du lịch nọ. Hùng đề nghị lo luôn cho ông Z. Và chỉ cần nhấc cái điện thoại, Hùng đã lo cho cả ba người khách mới cùng đi một chuyến bay với tôi về Sài Gòn trong vòng 2, 3 tiếng đồng hồ tới.

Vợ chồng tác giả ngắm cảnh trên sông Chao Phraya, năm 1990

Thấy công việc làm quá dễ dàng, bà Y nói với vợ chồng tôi:

– Uổng, về tới đây mà anh chị không vào thật là uổng. Chỉ mất một tiếng đồng hồ nữa là được về thăm gia đình. Anh chị còn thân nhân ở Việt Nam không?

Tôi trả lời:

– Tôi và bà xã tôi đều còn mẹ và anh chị em. Nhưng tụi tôi không thể về VN trong lúc này được. Về thăm gia đình, thăm quê hương, ai mà không thích, nhưng trong lúc này thì không!

Bà xã tôi nói thêm:

– Tụi này mà về thì bị cắt cổ mất!

Bà A tỏ vẻ rành rẽ mọi chuyện. Bà ngắt lời bà xã tôi:

– Trời ơi! Anh chị về mới là ưu tiên. Họ hoan nghênh các nhà báo lắm. Các báo ở đây đã về hết rồi. Ông (…) báo (…) cũng đã về rồi mà có sao đâu!

Tôi cũng không biết nói sao hơn khi mình không thấy tận mắt như thấy những người đang về Việt Nam hôm nay. Còn chuyện nghe đồn thì làm sao mà biết được. Tôi cũng đang nghĩ là trong khi hai vợ chồng tôi đang nghỉ holiday ở Thái thì ở Melbourne có thể đã có người đồn là hai vợ chồng tôi về Việt Nam hoặc chính những người đang ngồi với tôi hôm nay, biết đâu về Melbourne lại sẽ chẳng đồn là “đã gặp vợ chồng ông bà Hồng-Anh cùng về VN một chuyến với tôi”?

Cho nên khi nghe bà A nói nhà báo (…) về VN thì tôi chọn thái độ là không nói gì thêm.

Tôi có dịp gạ chuyện hỏi ông Z người Việt gốc Hoa bận bộ đồ vét rất lịch sự là ông ta về Việt Nam ở bao lâu, thì ông cho biết vài tháng hoặc hơn nữa không chừng. Ông cho biết là ông đi nhiều đến độ sổ thông hành của ông bị đóng dấu gần kín.

Tôi hỏi ông Z có vợ con ở Úc không thì ông nói rằng không có và hiện nay đang có bồ ở Việt Nam. Bằng tiếng Việt lơ lớ, ông nói không nên đem bà “vợ” này qua Úc vì “nó” sẽ lôi thôi. Ông cho biết các bà đi chung cùng chuyến với tôi đã về Việt Nam nhiều lần thế mà đem vàng bạc vào vẫn còn sợ. Ông nói với tôi họ sợ cái gì? Cứ đem 10 lượng vàng đồ trang sức mang trên người như ông thì nhà cầm quyền Việt Nam chẳng làm gì cả.

Trong khi chờ đợi ông X giải quyết cho xong chỗ trọ, vợ chồng tôi lại tới phòng ăn của khách sạn ngồi. Một cặp vợ chồng trẻ ngồi bàn bên cạnh  nhìn tôi. Bà vợ đến bàn tôi hỏi có phải tôi cùng vào một chuyến với họ không. Tôi trả lời không. Sau đó ông chồng cũng qua và biết tôi là người chủ trương tờ TiVi Tuần-san, một tờ báo mà bà vợ nói rằng tuần nào cũng đọc.

Bà xã tôi nói rằng hai vợ chồng này chính là cặp đã ngồi lộn chỗ của vợ chồng tôi trên máy bay nên sau đó tiếp viên phi hành đã điều chỉnh chỗ ngồi lại. Tôi hỏi cô vợ là đi về đi buôn hay đi thăm gia đình. Cô ta bảo rằng về thăm cha mẹ già lần đầu tiên. Tôi nói nếu cô không đi buôn thì tôi có thể nhờ được: nhờ cô lúc trở lại đem cho tôi một ít tin tức, ít tài liệu…

Thế là tôi được biết chỉ nội trong chuyến đi Thái Lan từ phi trường Melbourne, có cả thảy 7 người “vào” Việt Nam trưa hôm đó.

Sau khi nhờ ông X tìm cho tôi một cái phòng ít hôi bớt ẩm hơn và nhất là có một cái giường đôi, tôi quyết định ở lại khách sạn Cadena để tìm hiểu về dịch vụ du lịch Việt Nam và để xem còn bắt gặp khuôn mặt nào quen thuộc trong vòng 8 ngày chúng tôi ngụ lại đây không. Ngoài ra, cũng để khỏi mất công khi về Melbourne đòi lại tiền thuê khách sạn và nhất là tiết kiệm tiền khách sạn, dành tiền cho việc di chuyển, đi thăm các thắng cảnh và ăn uống, mua sắm cho thoải mái.

Chỉ có ngày đầu tiên là tôi ngồi ở lại khách sạn Cadena nhiều giờ. Những ngày khác chúng tôi rời khách sạn khoảng 8 giờ sáng và chỉ về lại khách sạn lúc trời đã tối. Tôi muốn đi ra ngoài trễ hơn cũng không được vì anh lái taxi tôi bao luôn luôn đứng túc trực sẵn ở khách sạn chỉ đợi tôi bước ra là đưa tôi đi khắp thành phố Vọng Các hoặc đưa tôi đi chơi trong những chuyến đi xa hàng trăm cây số.

Tác giả trước khách sạn Grande Centre Point ở Bangkok, tháng 5 năm 2019

Sau khi các ông bà đi cùng chuyến máy bay với tôi “vào” rồi, mỗi sáng bên cạnh phòng tôi đều có nghe tiếng ơi ới của người mình. Cái lối nói chuyện lớn tiếng và ồn ào rất nhiều lúc vẫn không bỏ được. Xuống thang lầu, gặp họ, tôi chỉ biết họ là người Việt đi du lịch VN chứ không biết họ đang cư ngụ nước nào. Tôi cũng không buồn chào hỏi thăm họ!

Tôi có gặp một cặp vợ chồng trẻ ở Mỹ. Họ đã về VN và nay còn ở lại Thái Lan chơi. Họ lấy làm ngạc nhiên là tại sao vợ chồng tôi không về VN mà chỉ ở Vọng Các những cả tuần lễ. Tôi cũng gặp mấy anh thanh niên, cũng ở Mỹ, đến gặp Hùng – giám đốc Sài Gòn Express – để nhờ chỉ cách làm thế nào về Việt Nam.

Cũng có một buổi sáng ngồi ăn ở nhà hàng của khách sạn, tôi gặp một thanh niên người Việt, không biết định cư ở nước nào, mang theo một cô gái Thái Lan khá xinh và ngồi nói chuyện với Hùng cách thức về Việt Nam. Điều trớ trêu là anh thanh niên này phải nhờ Hùng thông dịch để anh ta có thể nói chuyện với cô người Thái Lan cùng đi chung vì cô Thái Lan không nói được tiếng Anh. Hùng là người Việt nhưng sinh đẻ tại Lào, định cu ở Úc và làm ăn tại Thái nên anh ta có khả năng nói nhiều thứ tiếng.

Hùng cho biết, ngay cả vợ chồng tôi muốn về Việt Nam ngay lúc này, anh ta cũng có thể lo cho “vào” ngay. Trước kia, có khó khăn, nhưng nay, theo lời Hùng, nhà cầm quyền dễ dãi hơn. Người du lịch có thể xin visa vào VN tại Melbourne hay Sydney qua trung gian của các công ty du lịch trong đó có nhiều công ty làm ăn với đường dây của Hùng.

Qua Thái Lan rồi mới lo visa vào cũng được. Hùng nói với tôi có trường hợp không cần xin giấy tờ gì cả, cứ mua vé về Tân Sơn Nhất, ngồi đó làm giấy tờ nhập cũng được. Bộ Nội Vụ có nhân viên ngồi tại Tân Sơn Nhất để làm giấy tờ, và chỉ những ai nằm trong danh sách cấm không được vào mới bị từ chối không cho nhập mà thôi.

Tôi cũng tin là Hùng nói không quá đáng, vì một số người đi cùng chuyến máy bay với tôi chưa định vào Việt Nam trong ngày đầu tiên nhưng cuối cùng Hùng đã dàn xếp máy bay, thủ tục để họ đi ngay. Trong thời gian ở lại khách sạn Cadena 8 ngày, tôi không gặp lại nhóm người này nữa.

Hùng cho biết chỉ cần tốn 350 đô la là có thể có một chuyến bay khứ hồi Vọng Các Sài Gòn trong đó tiền máy bay là $300. Hùng cho biết tiền lo visa chỉ có $50 mà thôi. Nếu vậy, một người muốn đi Việt Nam từ Melbourne chỉ tốn tổng cộng có $1,330 Úc kim tiền vé máy bay khứ hồi và tiền chạy giấy tờ. Rẻ quá! Hèn chi vợ chồng ông Y  cứ bảo vợ chồng tôi tại sao đến đây rồi mà không về thì thật uổng!

Và cứ theo Hùng nói, có nhiều người không dự tính về VN, nhưng khi qua Thái Lan cũng có thể về vì lúc này thủ tục rất nhanh chóng, rất dễ dàng. Hùng cho biết vào dịp tết là thời gian khó nhất vì có quá nhiều người. Máy bay chuyên chở không hết đừng nói chi đến thủ tục giấy tờ. Khách sạn Cadena vào dịp tết vừa qua đã đông nghẹt người. Muốn ở lại khách sạn tàng tàng như Cadena cũng phải “book” trước mới có chỗ. Kẹt máy bay thì chỉ nuôi khách sạn mà thôi.

Một hôm tôi hỏi ông quản lý khách sạn là trong dịp tết vừa qua, khách sạn này có chứa tới 30,000 người Việt đến ở không thì ông quản lý đã cười gật đầu đáp có.

Thế mà bạn có biết không, trại Phanat Nikhom hiện đang chứa 12.000 người Việt tị nạn mà tương lai định cư thật là xa vời. Những người đến Thái Lan sau 14.03.1989 là ngày có lệnh đóng cửa thì tương lai định cư lại còn mù tịt hơn. Họ không được tự động xem là những người tị nạn mà phải qua một cuộc thanh lọc để xem là có phải tị nạn thật sự hay đi kiếm miếng cơm manh áo như những người Tây phương hiện nay thường hay gọi!

Tôi đến phi trường Vọng Các vào đêm 29.08.1990 nơi mà ngày hôm trước 28.08.1990 đã cho 52 người tị nạn Việt Nam lên đường hồi hương. Họ gồm 47 người đàn ông, 4 phụ nữ và 1 em bé tám tháng.

Ngày tôi trở về Melbourne thì nghe tin là sẽ có thêm 124 người tự nguyện hồi hương lên đường, một nhóm 50 người sẽ về vào ngày 18.9 và một nhóm 74 người sẽ tự nguyện hồi hương vào ngày 28.09.90.

Đến phi trường Vọng Các đợi máy bay trở về Melbourne sau chuyến nghỉ mát ngằn ngủi, tôi cũng thấy lòng bâng khuâng, nhớ thành phố này vì nó làm tôi nhớ đến Sài Gòn của những ngày xa xưa. Chợt một anh thanh niên đến hỏi tôi là tôi đi đâu vậy, có phải về Việt Nam không. Anh ta cho biết anh ta đang ngồi đợi máy bay để vào Việt Nam. Tôi lườm anh ta một cái và không thèm trả lời bởi vì tôi đang nghĩ đến thân phận của 12.000 người tị nạn đang kẹt trên đất Thái Lan. Nỗi khó khăn, cực khổ và viễn ảnh định cư đen tối đã bắt buộc họ phải chọn con đường trở về Việt Nam. Hai hình ảnh của những người Việt Nam ở trên phi trường Vọng Các đón phi cơ vào Sài Gòn làm cho tôi cảm thấy bất bình.

Về đến phi trường Melbourne lúc 1 giờ 30 khuya, tôi vẫn phải trải qua trạm kiểm soát của Hải Quan. Viên quan thuế khi mở hành lý của tôi để khám hỏi tôi từ đâu về thì tôi trả lời từ Vọng Các. Tôi nói với ông ta là tôi đi nghỉ holiday ở Vọng Các. Ông quan thuế cười:

– Tôi phải khám xem là các ông có mang đồ gì bất hợp pháp không vì các người Việt Nam từ Thái Lan về đều là những người trở về du lịch Việt Nam!

Tôi cũng không buồn cãi với ông quan thuế ở phi trường nữa. Chỉ nhìn vợ tôi và lắc đầu. Biết nói sao bây giờ?

Kỳ tới: Bangkok 29 năm sau.

(Trích từ báo in TVTS số 1731 phát hành ngày 29.5.2019)