Quan ngại về việc sinh viên Úc Sigley mất tích tại Bắc Hàn

28 Tháng Sáu, 2019 | Tin nước Úc
Hiện đang có quan ngại là sinh viên Alek Sigley đã bị bắt giữ tại Bắc Hàn. Photo Courtesy: Sigley Family

Gia đình của Alek Sigley, sinh viên 29 tuổi, sống tại Bình Nhưỡng, không thể khẳng định liệu có phải ông đã bị bắt hay không, nhưng nói ông đã không liên hệ gì với gia đình kể từ hôm thứ Ba đến nay.

Các viên chức Úc đang tìm cách làm rõ tình hình về ông, gia đình nói.

Chính quyền nước này gọi đây là “một loạt các tình thế rất nghiêm trọng”.

Các đại diện của Úc tại Nam Hàn đã liên hệ với “các viên chức có liên quan” ở Bắc Hàn, một bộ trưởng nói.

“Hiện chưa xác nhận được tin Alek bị bắt giữ tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên (DPRK),” gia đình ông nói trong một tuyên bố hôm thứ Năm.

“Tinh hình là Aek đã không có liên hệ gì qua đường kỹ thuật số với bạn bè và gia đình kể từ sáng thứ Ba, giờ Úc, và đó là điều bất thường đối với ông ấy.”

Hiện không rõ tại sao ông Sigley, một học giả nghiên cứu về châu Á và là một người nói thành thạo tiếng Triều, lại có thể bị bắt giữ. Bạn bè đã trình báo việc ông mất tích từ hồi đầu tuần, tập đoàn truyền thông Úc ABC tường thuật.

Người gốc vùng Perth, ông Sigley đã sống tại Bắc Hàn trong năm qua, và đang theo đuổi bằng thạc sỹ về văn hóa Triều Tiên tại Đại học Kim Nhật Thành.

Việc sinh viên tới học tại các trường đại học Bắc Hàn hoặc tới theo chương trình trao đổi tuy hiếm nhưng không phải là chuyện chưa từng xảy ra.

Theo truyền thông Trung Quốc, chính phủ Trung Quốc cấp 60 suất học bổng toàn phần cho sinh viên theo học tại các trường Bắc Hàn mỗi năm. Có khoảng 70 sinh viên Trung Quốc tự trả tiền để theo học ở Bắc Hàn.

Ông Sigley là một trong số ít ỏi các sinh viên phương Tây sống tại Bắc Hàn.

Ông cũng điều hành dịch vụ cung cấp tour cho du khách phương Tây tới thăm quốc gia cộng sản toàn trị này.

Lần đầu tiên ông tới Bắc Hàn là hồi năm 2012, sau đó ông có một số chuyến đi khác nữa, gia đình ông nói.

Hồi tháng Ba, ông tự mô tả mình là “người Úc duy nhất sống tại Bắc Hàn” trong một bài đăng trên báo The Guardian.

Ông nói ông trở nên thích thú với việc sống ở Bắc Hàn sau khi gặp gỡ một số người trong thời gian ông học tại Trung Quốc.

“Chừng nào còn là người nước ngoài cư trú dài hạn theo visa sinh viên, thì tôi còn có quyền tiếp cận hầu như là chưa từng có đối với Bình Nhưỡng,” ông nói.

“Tôi được tự do đi lại quanh thành phố, không có ai đi kèm.”

Hồi năm ngoái, ông nói với Sky News, là một người phương Tây, ông “chưa bao giờ cảm thấy bị đe dọa” khi sống tại Bắc Hàn, dẫu cho đã xảy ra một số vụ việc lớn liên quan tới người nước ngoài.

Liên Hiệp Quốc đã chỉ trích hồ sơ nhân quyền của Bắc Hàn và nói các công dân của quốc gia toàn trị này phải sống trong tình trạng “bị vi phạm nhân quyền có hệ thống, rộng khắp và tàn tệ”.

Bất chấp việc Bắc Hàn và Hoa Kỳ các cuộc họp lịch sử gần đây, Bình Nhưỡng vẫn bị cô lập với thế giới do những căng thẳng gia tăng liên quan đến tham vọng hạt nhân của Bắc Hàn.

Giống nhiều quốc gia phương Tây khác, Úc không có đại sứ quán tại Bắc Hàn. Nước này chỉ có thể tiếp cận ngoại giao một cách hạn chế thông qua Đại sứ quán Thụy Điển.

Thủ tướng Australia Scott Morrison hiện đang ở Osaka, Nhật Bản, nơi ông sẽ gặp các lãnh đạo thế giới khác tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20.

 

Theo BBC