Sinh viên quốc tế bị bóc lột khi đi thuê nhà

11 Tháng Bảy, 2019 | Tin nước Úc

Một sinh viên quốc tế Trung Quốc, người không muốn nêu danh tính, chia sẻ cô không biết gì về quyền của mình khi đi thuê nhà ở Úc.

Khi cô đến Úc để học tiếng Anh vào hai năm trước, cô đã tìm thấy một căn phòng cho thuê không chính thức trên mạng, ở chung với các sinh viên quốc tế khác.

Cô cho biết hợp đồng thuê đã hứa hẹn bao gồm tất cả các hóa đơn điện nước và Internet, thế nhưng sau đó cô phải trả một  hóa đơn trị giá $ 400.

“Lúc đầu tôi rất tức giận, nhưng tôi không có lựa chọn nào khác.”

Sinh viên Trung Quốc này sau đó phải rời bỏ căn nhà mà cô đang thuê khi cô từ chối ký hợp đồng gia hạn thuê mướn.

“Việc này xảy ra trong thời gian thi cử nên tôi có rất nhiều việc phải làm, tôi phải đóng gói hành lý và tìm một chỗ ở mới.”

Những việc mà sinh viên này gặp phải  không hề hiếm.

Một phúc trình mới của Đại học New South Wales đã phát hiện ra sinh viên quốc tế đang phải đối mặt với việc bị bóc lột tại các thị trường thuê nhà đắt đỏ, hiếm hoi như Sydney.

Giám đốc của Bộ phận Nhân quyền thuộc Đại học New South Wales, Bassina Farbenblum, nói rằng sinh viên hiếm khi nhận thức được quyền của mình.

(“Chúng tôi nghe nhiều câu chuyện về sinh viên quốc tế bị tính một khoản tiền đặt cọc hoặc tiền thuê trước lớn hơn nhiều so với luật pháp cho phép.”

Phúc trình này xác định các vấn đề mà sinh viên quốc tế phải đối mặt trong thị trường cho thuê nhà ở. Chúng bao gồm các vấn đề lừa đảo, thiếu thỏa thuận bằng văn bản, đuổi ra khỏi nhà trái luật pháp, điều kiện sống tồi tàn và tình trạng phân biệt chủng tộc.

Việc một căn nhà nhỏ cho quá nhiều sinh viên thuê cùng một lúc lại là một mối quan tâm lớn khác.

Một cuộc điều tra của SBS World News năm ngoái đã phát hiện ra các sinh viên quốc tế ở Sydney sống trong những chỗ ở quá chật chội, có tới 10 người trong một căn hộ hai phòng ngủ.

Tất cả đều được quảng cáo trên mạng.

Phúc trình của Đại học New South Wales đã phát hiện sinh viên quốc tế đặc biệt dễ bị lợi dụng do chi phí sinh hoạt cao ở Sydney và thiếu kiến thức về quyền lợi và luật bảo vệ của người thuê nhà ở Úc.

Bà Farbenblum nói rằng các trường đại học, cùng với tất cả các chính phủ tiểu bang và liên bang, cần phải giải quyết vấn đề này.

 

Theo SBS Việt Ngữ