VN hưởng lợi thương chiến nay phải trả giá

24 Tháng Bảy, 2019 | Bình Luận
Ảnh Tư liệu: một nhân viên ngân hàng kiểm lại tiền đôla tại một ngân hàng ở Hà nội, ngày 12/8/2015. Photo Courtesy: Reuters

Việt Nam vẫn vốn được xem là một trong những đối tượng hưởng lợi trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung. Nhưng cuộc “bở ăn” cũng chẳng kéo dài được là bao, khi mới đây Bộ Thương mại Mỹ đã quyết định áp thuế 456% lên một số loại thép nhập từ Việt Nam do nghi ngờ Hàn Quốc và Đài Loan chuyển hàng tới Việt Nam gia công rồi xuất sang Mỹ nhằm tránh thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp. Ngành thép Việt bị bóc mẽ, và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chẳng hề nao núng tung ra đòn áp thuế sắc ngọt.

Nếu như chỉ hồi đầu năm thôi, trước khi lựa chọn Việt Nam là địa điểm cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ – Triều, Trump đã tỏ ra khen ngợi quốc gia Cộng sản này và nói rằng đây là mô hình mà Triểu Tiên nên học tập. Thì giờ đây, vị tổng thống Mỹ đã quay ngoắt 180 độ, chỉ trích Việt Nam là “hầu như là kẻ lợi dụng tồi tệ nhất trong tất cả mọi người”, trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình Fox Business hồi tuần rồi.

Các điều tra từ phía Mỹ đã lật tẩy việc Việt Nam gia công, chỉnh sửa hình thức và nhãn mác các mặt hàng tuồn từ Hàn Quốc và Đài Loan trước khi xuất khẩu sang Mỹ với mức thuế thấp hơn. Kể từ sau mức thuế mới đối với các sản phẩm của Hàn Quốc và Đài Loan vào cuối năm 2015 và đầu năm 2016, sản lượng xuất khẩu thép chống ăn mòn và thép cán nguội từ Việt Nam xuất sang Mỹ đã tăng lần lượt 332% và 916%.

Việc áp thuế lần này đối với Việt Nam vừa như là một bài học vừa như là một lời cảnh cáo đối với những lĩnh vực sản xuất trong tình trạng yếu thế của Việt Nam. Theo tờ Bloomberg, có rất nhiều thứ chảy từ Trung Quốc sang Việt Nam bởi vì các doanh nghiệp tăng cường đưa vào sản xuất ở đây nhằm tránh mức thuế cao. Trong một phạm vi, có thể nói Việt Nam là nơi trung gian cho hàng Tàu, thực hiện khâu lắp ráp sau cùng trước khi chuyển đến những bên giao nhận cuối tại Mỹ. Hiện tại, Trump chưa lên tiếng về việc này, nhưng trong tương lai nhà lãnh đạo Mỹ hoàn toàn có thể nâng định nghĩa về “sản xuất tại Trung Quốc” lên một mức khác, và Việt Nam hoàn toàn có thể một lần nữa không tránh khói tình thế ‘tiến thoái lưỡng nan’.

Việt Nam cố gắng đẩy mạnh xuất khẩu, nhưng lại muốn đi đường tắt, và như vậy tất không bền. Chiếm phần nhiều trong mưc tăng trưởng về thặng dư thương mại với Mỹ trong năm vừa qua đó là các mặt hàng bị đánh thuế cao nếu như nó đến từ Trung Quốc. Các mặt hàng chính trong danh sách xuất khẩu từ Việt sang Mỹ bao gồm điện thoại và linh kiện, vật liệu may mặc, các sản phẩm đồ gỗ và giày dép. Tuy nhiên, trong quý đầu năm 2019, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất là điện thoại đã sụt giảm, trong khi các ngành còn lại có tăng nhưng chững lại, do nhu cầu trên toàn cầu suy yếu, mà trong đó một phần nguyên nhân đến từ các tác động tiêu cực do cuộc chiến mậu dịch Trung – Mỹ gây ra. Như vậy, “trâu bò húc nhau ruồi muỗi chết” là vậy.

Đại diện Bộ Công thương ngay sau khi nhận được tin về đòn thuế lên đến hơn 450% của Mỹ đối với thép Việt Nam, đã nhanh chóng trấn áp tinh thần người dân và doanh nghiệp bằng cách khẳng định các sản phẩm thép cán nguộc và thép chống ăn mòn sản xuất từ nguyên liệu của Viet Nam không bị áp thuế này. Tuy nhiên, vị Cục trưởng Cục phòng vệ thương mại này hẳn như đã quên nhắc đến một thực tế đau lòng rằng, Việt Nam hiện vẫn đang phải nhập đến hơn 90% phôi thép từ Trung Quốc, chứ không hoàn toàn tự chủ được về nguyên liệu. Nguyên liệu không tự sản xuất, mà thép xuất khẩu từ nguyên liệu nhập thì bị đánh thuế tự vệ, ngành thép chỉ có thể đi vào ngõ cụt.

Đến bao giờ Việt Nam mới học cách hành động có tầm nhìn chiến lược thay vì chỉ chạy theo cái lợi trước mắt, phận ai nấy làm? Một khi lãnh đạo nhận được phong bì cầm tay, thì doanh nghiệp làm gì cứ thế làm, cứ nhập khẩu nguyên liệu tràn lan từ Tàu, giết chết ngành sản xuất nguyên liệu trong nước, và đến khi rơi vào đường cùng, lại có ngân sách ra tay cứu vớt.

Đáng buồn, lãnh đạo thay vì tìm giải pháp thì chỉ tìm cách mị dân!

(Trích từ báo in TVTS số 1737 phát hành ngày 10.7.2019)