Việt Nam sẽ bắt đầu nhập hàng tỷ mét khối khí đốt từ năm 2021

13 Tháng Chín, 2019 | Tin Việt Nam
Hình minh họa. Photo courtesy: pvn.vn

Việt Nam sẽ phải bắt đầu nhập khẩu từ 1 đến 4 tỷ mét khối khí đốt tự nhiên hóa lỏng từ năm 2021 đến 2025 để đáp ứng nhu cầu phát điện. Ông Phùng Văn Sỹ, một giới chức thuộc Vụ Dầu khí, Than thuộc Bộ Công Thương cho biết như vậy tại một hội nghị ở Hà Nội hôm 12/9. Ông Sỹ cũng cho biết thêm là có khả năng lượng khí đốt nhập khẩu sẽ tăng lên từ 6 đến 10 tỷ mét khối từ năm 2026.

Theo giới chức Bộ Công thương, Việt Nam hiện chỉ sản xuất được 8 tỷ mét khối khí đốt một năm và con số này sẽ bắt đầu giảm đi vào năm 2023.

Vnexpress trích lời ông Đoàn Hồng Hải – Trưởng phòng thuộc Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết Việt Nam có kế hoạch nâng công suất phát điện từ các nhà máy điện khí từ mức 7.200 MW hiện tại lên 19.000 MW vào năm 2030. Điều này có nghĩa là Việt Nam sẽ cần 22 tỷ mét khối khí mỗi năm từ nay đến năm 2030. Trong số này 50% sẽ từ nhập khẩu.

Tăng trưởng kinh tế nhanh khiến Việt Nam những năm gần đây đã phải đối mặt với tình trạng thiếu điện. Theo Ngân hàng Thế giới, Việt Nam sẽ cần 150 tỷ đô la cho ngành điện từ nay đến 2030 để đáp nhu cầu đang tăng ở mức 8% mỗi năm.

Việt Nam hiện cũng đang có một loạt các dự án khai thác khí đốt cung cấp cho ngành điện ở khu vực miền trung Việt Nam, đáng chú ý là khu vực bồn trũng Nam Côn Sơn. Đây là nơi được cho biết cung cấp đến 25% nhu cầu điện của Việt Nam.

Tập đoàn dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và công ty ExxonMobil của Mỹ đang triển khai dự án khai thác khí đốt lớn nhất Việt Nam ở mỏ Cá Voi Xanh ngoài khơi miền trung, nơi có ước tính trữ lượng khoảng 150 tỷ mét khối. Dự tính những dòng khí đầu tiên sẽ đưa vào bờ vào cuối năm 2023 để phục vụ cho hai nhà máy điện khí có công suất 2 Gigawatt đang lên kế hoạch. Tuy nhiên, lãnh đạo PVN mới đây được truyền thông trong nước trích lời cho biết dự án này đang gặp khó khăn, khó triển khai vì vướng cơ chế.