Đàm phán Mỹ-Trung: Có thể chỉ có ‘thỏa thuận hình thức’

14 Tháng Chín, 2019 | Tin thế giới
Photo courtesy: Reuters

Nhiều khả năng Mỹ và Trung Quốc chỉ có thể đạt được ‘thỏa thuận mang tính hình thức’ để giảm bớt tác động của cuộc chiến thương mại đối với hai nước mà không thể đạt được một thỏa thuận toàn diện hầu chấm dứt tranh chấp, một nhà quan sát nói với VOA.

Các quan chức cấp cao Mỹ và Trung Quốc dự kiến sẽ mở các cuộc đàm phán sơ bộ vào cuối tháng 9 này để chuẩn bị cho các cuộc họp vào đầu tháng 10 do Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Bob Lighthizer dẫn đầu bên phía Mỹ.

Đây là lần gặp gỡ đầu tiên giữa các nhà đàm phán hai bên kể từ khi các cuộc đàm phán đổ vỡ ở Thượng Hải hồi cuối tháng 7, khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục đánh thuế lên toàn bộ 300 tỷ đô la giá trị hàng hóa còn lại của Trung Quốc.

Kể từ đó cuộc chiến thuế quan tiếp tục leo thang với việc Trung Quốc đánh thuế trả đũa lên 70 tỷ đô la hàng hóa Mỹ và Tổng thống Trump tăng thuế lên thêm 5% đối với những hàng hóa Trung Quốc đã bị đánh thuế trước đó.

Nhưng trong lúc này, tức là vào thời điểm trước khi nối lại đàm phán, hai bên đã có những dấu hiệu đấu dịu với việc Tổng thống Trump đồng ý với yêu cầu của Bắc Kinh là trì hoãn đợt tăng thuế đối với 250 tỷ đô la hàng hóa Trung Quốc cho đến ngày 15/10 sau khi Trung Quốc đồng ý dỡ bỏ một số hàng hóa Mỹ ra khỏi danh sách trả đũa thuế quan của họ.

‘Lạc quan thận trọng’

Mỹ muốn có ‘tiến bộ thực chất’trong các cuộc đàm phán sắp tới với Trung Quốc, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin hôm 12/9 nói, một ngày sau những cử chỉ đấu dịu của cả hai bên làm dấy lên hy vọng sẽ có giải pháp cuối cùng.

Phát biểu trên kênh CNBC, ông Mnuchin nói ông ‘lạc quan thận trọng’ về cơ hội đạt được thỏa thuận với Trung Quốc.

Tuy nhiên, một lần nữa ông cảnh báo rằng Tổng thống Donald Trump sẽ chỉ chấp nhận ‘thỏa thuận tốt’ và sẵn sàng tăng thuế nếu cần thiết.

Mnuchin nói ‘rõ ràng chúng tôi không đạt được tiến bộ mà chúng tôi muốn’ tại cuộc gặp vừa qua ở Thượng Hải vào cuối tháng 7, nhưng ông nói thêm: “Tôi lạc quan thận trọng. Tôi có niềm tin vào phía Trung Quốc rằng họ muốn đến đây với một thỏa thuận bây giờ.”

Từ chối bình luận về các chi tiết cụ thể của cuộc đàm phán, Mnuchin đề cập đến thỏa thuận trước đó mà phía Trung Quốc gần như đã đặt bút ký nhưng sau đó thoái lui mà trong đó những mối quan tâm hàng đầu của Mỹ là đòi hỏi một sân chơi bình đẳng về thương mại và phản đối chuyện Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ hay ép buộc doanh nghiệp Mỹ chuyển giao công nghệ.

“Tuy nhiên, cuộc biểu tình đòi dân chủ của Hong Kong chắc chắn không nằm trên bàn đàm phán”, ông Mnuchin được AFP dẫn lời nói. “Đó là một vấn đề để Bộ trưởng Ngoại giao giải quyết.”

Trước đó, ông Trump đã cáo buộc Trung Quốc ‘trở cờ’ với lời hứa mua thêm nông sản Mỹ và đã đưa ra gói cứu trợ hàng tỉ đô la cho các nông dân bị thiệt hại nặng nề trong chiến tranh thương mại.

Nông dân Mỹ đang gánh chịu hậu quả nặng nề nhất của cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, nhất là sau khi ngành xuất khẩu đậu nành của Mỹ sụp đổ hồi năm ngoái và trên thực tế xóa sạch các thị trường mà các nông dân Mỹ đã mất nhiều năm tạo dựng.

Bắc Kinh cho biết thêm là họ đang ‘tìm hiểu’ về việc mua nông sản Mỹ, bao gồm các mặt hàng mà họ sẽ mua nhiều như thịt lợn và đậu nành vốn không nằm trong danh sách hàng hóa được miễn thuế trước đó.

“Dự kiến Trung Quốc sẽ mua một lượng lớn nông sản của chúng ta!” ông Trump viết trên Twitter hôm 12/9.

Tổng thống Trump cho rằng cuộc chiến thương mại kéo dài đang gây tổn hại cho Trung Quốc nhiều hơn Mỹ và Trung Quốc đang ‘gánh chịu thuế quan’. Nhưng các chuyên gia cảnh báo có dấu hiệu Mỹ cũng bị tổn hại, với số việc làm mới được tạo ra ở Mỹ trong tất cả ngành nghề chính đều giảm vào tháng trước.

‘Không nhiều hy vọng’

Trao đổi với VOA, kinh tế gia Nguyễn Xuân Nghĩa ở tiểu bang California cho rằng hành động xuống thang của hai bên là ‘để tạo thiện chí trong đàm phán’.

Ông nói việc ông Trump hoãn đánh thuế ‘chỉ hai tuần thì không đi đến đâu cả’ mà mục đích chỉ là để tránh ngày mừng 70 năm thành lập Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa (1/10).

Trong khi đó, nhượng bộ từ phía Trung Quốc ‘là để hạ nhiệt’ mà ông Nghĩa cho rằng ‘nội bộ Bắc Kinh có thể đang gặp một số khó khăn’.

Ông lưu ý rằng trong cuộc đàm phán lần này phía Trung Quốc sẽ có sự tham dự của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Dịch Cương. Đây là dấu hiệu cho thấy ‘có thể sẽ có thảo luận về tỷ giá của nhân dân tệ so với đô la Mỹ’.

Ông Trump lâu nay đã lên án Trung Quốc là ‘quốc gia thao túng tiền tệ’ vì cố tình giữ cho đồng nhân dân tệ ở mức thấp một cách giả tạo để thúc đẩy xuất khẩu.

Về triển vọng đạt được thỏa thuận trong vòng đàm phán sắp tới, ông Nghĩa cho rằng ‘không có hy vọng gì nhiều’.

“Mâu thuẫn giữa hai nước đã tích tụ mấy chục năm nay rồi cho nên không thể giải quyết trong vòng vài tháng hay 1,2 năm mà phải lâu hơn,” ông nói.

“Ông Trump mong muốn có một thỏa thuận về hình thức để ông vượt qua những tổn thất về chính trị nếu kinh tế Mỹ suy thoái,” ông Nghĩa phân tích. “Về phía Trung Quốc, đà tăng trưởng của họ đã giảm đi đến nỗi vừa rồi họ hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc của các ngân hàng để kích thích kinh tế. Đó là yếu tố khiến Bắc Kinh có thể nhượng bộ mặc dù sẽ không có nhượng bộ gì nhiều.”

Ông dự đoán là điều mà hai bên có thể đạt được trong cuộc đàm phán là ‘giảm thuế cho nhau’ để lãnh đạo hai nước có cái mà nói với người dân của họ rằng ‘phía bên kia đã nhượng bộ’. Ngoài ra, Bắc Kinh có thể cũng sẽ hứa với Mỹ là ‘sẽ không can thiệp vào tỷ giá đồng nhân dân tệ’, ông Nghĩa dự đoán.

“Khó có khả năng Trung Quốc đáp ứng các yêu sách của Mỹ vì nếu sửa đổi luật lệ thì Trung Quốc phải thay đổi luôn hệ thống kinh tế. Đó là điều mà ông Tập Cận Bình (Chủ tịch Trung Quốc) không thể chấp nhận,” ông giải thích.

Ông cho rằng bên cạnh bị Mỹ đánh thuế thì do các nền kinh tế lớn trên thế giới cũng đang bị sa sút, khả năng xuất khẩu của Trung Quốc sang các thị trường khác ‘không cao’.

Vả lại, do hàng hóa của Trung Quốc qua Mỹ chiếm 4% GDP của nước này, trong khi hàng hóa Mỹ xuất sang Trung Quốc chỉ chiếm có 0,5% GDP của Mỹ nên ông Nghĩa cho rằng ‘Trung Quốc bị thiệt hại nặng hơn so với Mỹ’.

“Mỹ mua bán nhiều nhất với Mexico, Canada rồi mới đến Trung Quốc nên mức độ lệ thuộc của kinh tế Mỹ vào Trung Quốc không cao như người ta tưởng,” ông nói.

Ông Nghĩa cho rằng với việc Bắc Kinh chần chừ không muốn thỏa thuận với Mỹ vì ‘họ chỉ muốn gây thiệt hại cho ông Trump để ông ấy bị thất cử vào năm 2020’. “Nhưng họ không để ý rằng Đảng Dân chủ cũng có những lập luận và chủ trương khá cứng rắn về an ninh và kinh tế với Trung Quốc.”