Cần cải cách hệ thống trợ cấp thất nghiệp?

28 Tháng Tám, 2019 | Bình Luận
Hình ảnh máy bay do thám Mỹ chụp được hôm 21/5 cho thấy Trung Quốc vẫn tăng cường bồi đắp trái phép ở Biển Đông. Photo Courtesy: WSJ

Trong những tuần qua các cuộc tranh luận về tăng trợ cấp thất nghiệp Newstart cho người đang tìm việc lại tiếp tục nổi lên mạnh mẽ. Hầu như mỗi ngày trôi qua lại dồn dập các keu gọi tạo áp lực lên chính phủ, yêu cầu nâng mức tiền trợ cấp Newstart nhằm đảm bảo được điều kiện sống căn bản cho những người trong hoàn cảnh khó khăn. Mặc dù một số thành viên chính phủ Liên đảng cầm quyền phát biểu ủng hộ điều này, thủ tướng Morrison vẫn kiên quyết không lay chuyển, và không cho thấy dấu hiệu mức trợ cấp Newstart có thể được nâng lên trong một thời gian gần nhất.

Hiện tại có khoảng 723,000 người Úc nhận trợ cap thất nghiệp Newstart. Họ là những người trên 22 tuổi nhưng dưới tuổi nghỉ hưu, tạm thời chưa tìm được việc và cần hỗ trợ để lo cho cuộc sống. Mức trợ cấp hiện tại ở lên tới $555 đô la mỗi hai tuần cho người đơn thân, $601 cho người đơn thân có con cái và người đơn thân cao niên (trên 60 tuổi). Các dân biểu, nghị sỹ từ đảng Lao động, Đảng Xanh, và những nhà kêu gọi tăng trợ cấp cho rằng với mức trợ cấp này, người nhận sống quá khổ sở, không đủ chi tiêu cho những nhu cầu cơ bản, có thể dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần và cơ hội giao tiếp xã hội để tìm việc làm.

Họ yêu cầu mức tăng dựa trên đề nghị của Ủy ban các Dịch vụ Xã hội (ACOSS) là ít nhất $75 mỗi tuần, nâng mức trợ cấp Newstart lên tới $705 mỗi hai tuần cho người đơn thân, tương đương với hơn $50 mỗi ngày. Đáp lại, Chính phủ Liên bang lặp đi lặp lại rằng sẽ không tăng mức trợ cấp hiện tại, Tổng trưởng Ngân khố Josh Frydenberg vạch ra các nguyên nhân bao gồm: 99% những người nhận trợ cấp Newstart được nhận các khoản hỗ trợ khác (một phần tiền thuê nhà, giá ưu đãi cho các dịch vụ y tế vv…), và một điều nữa đó là 2/3 những người trong diện Newstart có việc làm trong vòng 12 tháng.

Dĩ nhiên chúng ta biết rằng mục tiêu của Newstart là hỗ trợ tạm thời cho những người chưa có việc làm, vì vậy không nên quá thoải mái nhằm tạo động lực cho người nhận trợ cấp tìm việc làm để tự lập về tài chính. Tuy nhiên, rất khó để định ra một mức trợ cấp chung phù hợp cho tất cả mọi đối tượng, ở trong các hoàn cảnh khác nhau tại những khu vực khác nhau, chưa kể tình trạng về cơ hội việc làm vô cùng hạn chế ở một số vùng nông thôn. Một người đơn thân trẻ tuổi, khỏe mạnh, không con cái có thể xoay xở với mức hỗ trợ hiện tại là $40/ngày, nhưng sẽ dường như là rất khốn đốn nếu như người đó phải nuôi con nhỏ, hay đó là những người đã cao tuổi, sức khỏe yếu, và cơ hội việc làm của họ hầu như rất thấp. Như vậy, nên chăng không nhất thiết phải theo đuổi một mức tăng bao trùm, mà thay vào đó cần có thêm các ngạch phân loại đối với các đối tượng khác nhau, để đặt ra mức hỗ trợ hợp lý nhất, nhằm giúp những người yếu thế vượt ra khỏi hoàn cảnh khó khăn và dần trở lại với công ăn việc làm.

Mặt khác, theo phân tích của Viện Nghiên cứu Chính sách IPA, việc mức lương tối thiểu tại Úc hiện được đặt ở mức cao nhất thế giới ($18.93/giờ) gây ra bất lợi lớn cho những người trẻ và người không có chuyên môn. Nó khiến việc đi làm với mức lương dưới $18.93/giờ là không hợp pháp. Nếu như đề nghị tăng hỗ trợ Newstart lên $705 mỗi hai tuần, tương đương $9.2/giờ được áp dụng, điều đó có nghĩa là một người có thể hợp pháp nhận $9.2 cho một giờ không làm việc, nhưng lại là phạm pháp nếu nhận $18.8 cho một giờ làm công. Như vậy vô hình chung mức lương tối thiểu cao phần nào khiến đẩy nhiều người Úc ra khỏi cơ hội việc làm, khiến họ phải dựa vào mức hỗ trợ ‘tằn tiện’ của Newstart.

Suy cho cùng, việc làm vẫn là điều quan trọng nhất đối với mỗi người. Do đó, điều quan trọng hàng đầu vẫn là cần kíp những cải cách lớn trong quan hệ việc làm, để tăng cơ hội cho người xin việc, cần thúc đẩy đầu tư tạo việc làm. Còn về mặt trợ cấp thất nghiệp Newstart, đã đến lúc chính phủ cũng cần nhìn lại hệ thống hoạt động, để có thể giúp đỡ một cách hiệu quả những người thực sự khó khăn, duy trì giá trị của nước Úc là mot trong những quốc gia có chính sách an sinh xã hội hàng đầu thế giới.

(Trích từ báo in TVTS số 1742 phát hành ngày 14.8.2019)