Hồng Kông: tương lai sẽ đi về đâu?

04 Tháng Chín, 2019 | Bình Luận
Biểu tình đòi dân chủ và cải cách chính trị tại Hong Kong ngày 18/8/19. Photo courtesy: Reuters

Cả thế giới đang đổ dồn sự chú ý vào Hồng Kông– một đặc khu hành chính với dân số chỉ hơn 7 triệu người. Làn sóng biểu tình mạnh mẽ và bền bỉ của hàng triệu người dân Hồng Kong trong suốt 10 tuần lễ qua và chưa có dấu hiệu dừng lại, đã khiến nhiều người tỏ ra khâm phục vô cùng, nhưng đồng thời cũng khiến dấy lên nhiều lo ngại cho khu vực bé nhỏ thiết tha dân chủ này. Đối đầu với Trung Cộng dưới sự lãnh đạo của nhà độc tài Tập Cận Bình chẳng khác gì “lấy trứng chọi đá”, trong khi hàng tháng trời rối loạn đã gây ra những hệ lụy kinh tế lớn cho chính người dân Hồng Kông.

Những cuộc biểu tình với mục tiêu trực tiếp ban đầu nhằm phản đối dự luật dẫn độ người phạm tội từ Hồng Kông tới Trung Quốc lục địa. Dự luật này mặc dù sau đó đã được cho đóng băng, người biểu tình vẫn không dừng lại, tiếp tục tổ chức các cuộc xuống đường đòi việc hủy bỏ vĩnh viễn luật dẫn độ, đồng thời yêu cầu các cải cách khác đối với nền dân chủ tại đây.

Trước hết xin điểm qua một chút về lịch sử, Hồng Kông từng là thuộc địa của Anh trong  hơn 150 năm– trong đó đảo Hồng Kông rơi vào tay nước Anh sau cuộc chiến năm 1842, và sau đó Trung Quốc cũng cho người Anh thuê phần còn lại của Hồng Kông- ‘the New Territories’ (‘Những Lãnh thổ Mới) trong thời hạn 99 năm. Hồng Kông được Anh trao trả về cho Trung Quốc vào năm 1997 với điều kiện là khu vực này được hưởng “một mức độ cao về quyền tự trị” trong vòng 50 năm sau dưới cơ chế “một quốc gia, hai chế độ”. Dưới sự tiếp quản của Trung Quốc người Hồng Kông dần bị giảm đi nhiều sự tự do đối với các thế hệ trước đó, tuy nhiên họ vẫn giữ được nhiều các giá trị về sự tự do và lối sống theo phong cách tư bản.

Vậy điều gì đã thay đổi mà khiến họ phải hốt hoảng quyết liệt phản kháng đến vậy? Người dân Hồng Kông càng ngày nhận thấy bàn tay can thiệp càng sâu của Bắc Kinh tại đây, từ việc tổ chức lựa chọn người đứng đầu trong các cơ quan nhà nước đến những gia tăng kiểm duyệt đối với tự do ngôn luận. Và dự luật dẫn độ mà bà trưởng đặc khu Carrie Lâm đưa ra dường như là ‘giọt nước tràn ly’ khiến mọi nỗi e sợ và nghi ngờ của người dân được nhìn thấy một cách hiện hữu. Họ cảm thấy một sự đe dọa ngay cận kề lên sự tự do và dân chủ mà họ vốn có. Họ dũng cảm vùng lên phản kháng. Họ đã bước vào tuần lễ thứ 11 liên tiếp, sử dụng biện pháp đấu tranh không bạo lực, dùng những hình ảnh mang tính biểu tượng cao để thôi thúc niềm tin và kêu gọi sự ủng hộ. Những người biểu tình Hồng Kông được ca ngợi là những người hùng cho dân chủ.

Trong khi đó Bắc Kinh đã chuẩn bị hàng trăm cảnh sát và xe chuyên chở vật liệu quân sự tại Thâm Quyến ngay cạnh Hồng Kông như là một lời cảnh cáo đến những người tham gia biểu tình. Tất nhiên, trong thời đại này một sự kiện đàn áp kinh khủng như Thiên An Môn hồi năm 1989 chắc hẳn khó có thể lặp lại, bởi nó sẽ hủy hoại hoàn toàn bộ mặt của Trung Quốc, đưa Bắc Kinh vào thế thù địch với tất cả các quốc gia khác. Các lựa chọn còn lại mà Tập Cận Bình có thể thực hiện đó là thúc đẩy lãnh đạo Hồng Kông thương lượng và dàn xếp với những người biểu tình, trong đó có thể bao gồm việc đáp ứng các yêu cầu về bãi bỏ vĩnh viễn luật dẫn độ. Hoặc ngồi im chờ làn sóng biểu tình tự lắng xuống do những vết thương lên chính người Hồng Kông về kinh tế và ổn định xã hội, cũng như có thể từ sự ủng hộ ngày càng giảm sút của dân chúng đối với người biểu tình.

Tuy nhiên, với bản chất chuyên quyền và sự táo tợn của Trung Quốc như ta đã chứng kiến những gì họ làm trên khu vực Biển Đông, có lẽ một lựa chọn nhân nhượng từ phía Bắc Kinh là một điều xa xỉ. Rất có thể, nếu nhận thấy cảnh sát Hồng Kông quá yếu thế, Trung Quốc sẽ gửi thêm lực lượng hỗ trơ, đồng thời cũng mang tính ‘dằn mặt’ người phản kháng, khẳng định quyền lực của mình.

Tương lai của cuộc biểu tình sẽ về đâu, liệu họ có thể đạt được mục tiêu mà những người dân Hồng Kông yêu tự do và dân chủ mong muốn, chúng ta vẫn chưa biết. Chỉ mong rằng bình yên sẽ sớm trở lại trên mảnh đất này, ít ra như những ngày của năm 1997.

(Trích từ báo in TVTS số 1743 phát hành ngày 21.8.2019)