Cần mạnh tay với ngành xây dựng vì an toàn của người dân

11 Tháng Chín, 2019 | Bình Luận
Căn hộ Grenfell Tower bị thiêu rụi trong trận hỏa hoạn. Photo Courtesy: Reuters

Kể từ vụ hỏa hoạn tòa nhà Lacrosse tại khu Docklands hồi cuối năm 2014, chính phủ tiểu bang Victoria bắt đầu thực hiện các biện pháp điều tra, giải quyết và sửa chưa. Tuy nhiên tiến trình có vẻ vẫn khá chậm chạp, những vấn đề trong ngành xây dựng vẫn đang được khơi gọi một cách mơ hồ trong khi sự an toàn của hàng nghìn người cư trú trong các tòa nhà cao tầng bị đe dọa. Hồi cuối tuần qua, người dân trong một tòa nhà 17 căn hộ ở ngoại ô Mordialloc nhận yêu cầu sơ tán khẩn cấp trong vòng 48 tiếng đồng hồ do căn nhà quá nguy hiểm. Và với công cuộc thanh tra tiếp tục đi ra các khu vực ngoại ô, dự đoán sẽ còn có thêm nhiều trường hợp phải giải tỏa tương tự.

Hiện tại các cơ quan chính phủ đều tập trung vào ‘flammable cladding’ (lớp sơn phủ dễ cháy), bởi nó được cho là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ hỏa hoạn lớn đã xảy ra. Tuy nhiên, vấn đề về lớp sơn phủ hẳn chỉ là một phần nổi của tảng băng, nó chỉ là cái bề mặt dễ thấy của ngành xây dựng đã và đang diễn ra một cách “quá nhanh quá nguy hiểm”. Với dân số tăng nhanh, nhu cầu nhà ơ cũng theo đó mà bùng nổ, nhiều nhà thầu, công ty xây dựng chỉ chực chạy theo số lượng và giá cả mà cố tình xây dựng theo đường tắt, bỏ qua những nguyên tắc cốt yếu trong an toàn xây dựng. Đó không chỉ là việc sử dụng các loại sơn phủ kém chất lượng mà còn là những vật liệu rẻ tiền trong đường ống dẫn nước, hệ thống dẫn điện, sàn nhà v.v… đều có thể kéo theo những rủi ro về an toàn.

Chỉ đến sau khi chứng kiến vụ cháy lớn tại Dockands, các cơ quan thanh tra mới bắt đầu vào cuộc, và phát hiện một con số gây hoảng hốt. Trong số hơn 2000 tòa nhà được kiểm tra, có tới gần 500 tòa nhà ở trong tình trạng rủi ro cao, một số trong đó được cho là nguy hiểm như là những cái bẫy chết người. Chưa bao giờ những người thuê nhà và sở hữu căn hộ trong những tòa nhà cao tầng sống trong cảnh nơm nớp như vậy. Những người không may mắn đầu tư căn hộ không thể ở đối mặt với khả năng lợi nhuận về số 0, còn người dân trong các tòa nhà lo ngại cho sự an nguy của chính bản thân mình.

Câu hỏi đặt ra là, tại sao những hành vi xây dựng đầy lỗi và vi phạm tiêu  chuẩn an toàn đã có thể xẩy ra một cách có hệ thống như vậy. Những cơ quan giám sát quản lý, chính phủ tiểu bang đã ở đâu? Họ thật sự không biết hay biết nhưng cố tình nhắm mắt làm ngơ?

Những tài liệu mới đây do Hội đồng Monash công bố đã tiết lộ bằng chứng ve các cách thức mà một số nhà thầu xây dựng tinh ranh áp dụng để luồn lách luật và quy định an toàn trong xây dựng. Họ trình bày các bản thiết kế và đề nghị về vật liệu đúng tiêu chuẩn để được phê duyệt, để rồi sau đó sử dụng các vật liệu dưới chuẩn trong quá trình xây dựng. Và dường như không có ai giám sát và kiểm định xem những nhà xây dựng này có làm đúng theo những gì đã cam kết.

Con mắt nghi ngờ hướng về những người được tin tưởng giao phó nhiệm vụ theo dõi và quản lý. Liệu có mối quan hệ mờ ám giữa các nhà thầu tham lam và những người thi hành luật? Tại nước Ý, nơi mà tham nhũng trong xây dựng đã ăn rất sâu vào hệ thống, các băng đảng mafia tính toán rằng lợi nhuận thu về do ăn bớt trong xây dựng còn nhiều hơn so với kinh doanh ma túy.

Chính phủ Andrews hồi tháng trước đã thông báo chi 600 triệu đô la nhằm sửa chữa gần 500 tòa nhà có nguy cơ cháy cao do sơn phủ. Đây là một hành động trước mắt được cho là thiết thực và cấp bách, có thể khiến nhiều người thở phào nhẹ nhõm. Nhưng về lâu về dài Victoria cần có luật giám sát chặt chẽ hơn nữa, để đảm bảo các tòa nhà được xây dựng theo đúng tiêu chuẩn về an toàn, thay vì đợi đến lúc phát hiện lỗi mới đi sửa.

Chúng ta đã chứng kiến vụ hỏa hoạn kinh hoàng tòa tháp Grenfell Tower tại Luân Đôn cách đây 2 năm, khiến 72 người thiệt mạng, mà nguyên nhân chính là do nhà thầu sử dụng vật liệu dẫn điện rẻ tiền. Melbourne hội tụ đầy đủ các yếu tố cho một thảm họa tương tự, trừ khi những hành vi xây dựng ‘rởm’ được ngăn chặn một cách dứt điểm.

(Trích từ báo in TVTS số 1744 phát hành ngày 28.8.2019)