Hỏi và giải đáp 560: Vợ đẹp là… vợ người ta!

30 Tháng Sáu, 2019 | Uncategorized
Hình minh họa: Reuters

TL xin góp ý kiến với em X, một chàng trai đang yêu một cô gái đẹp, thu hút… Sơ lược câu chuyện như sau:

Cách đây mấy tháng, qua giới thiệu của bạn bè, X quen biết A, một gái làm nghề “đại diện thương mại”. A không chỉ có nhan sắc hơn người, ngoại hình thu hút, mà còn nói cười duyên dáng… Tóm lại, không chê vào đâu được. X còn độc thân vui tính, nên chấm A ngay. Về phần A, sau vài lần gặp gỡ, trò truyện, cũng tỏ ra thân thiết với X hơn là những người con trai khác. Gần gây, sau khi X mời A đi ăn tối mấy lần, đã có những lời cảnh giác “gián tiếp” của bạn bè, cho rằng A là một con người không thật lòng, thậm chí nguy hiểm, chính vì thế mà chàng nào nhào vô cũng “dội”, cho nên tới nay A mới còn “available”! Trong khi đó, X tự xét lòng mình thì biết rằng mình đã yêu A…

Ý kiến của Thanh Lan:

Em X thân mến,

Vì không được tiếp xúc với A, cô không thể nào trả lời những câu hỏi cháu đưa liên quan tới mức độ thành thật cũng như cung cách của A trong việc giao thiệp với người khác phái.

Theo quan niệm Á đông cổ xưa về “công dung ngôn hạnh”, con gái phải kín đáo, tiết kiệm trong lời ăn tiếng nói, phải ý tứ, dè dặt từ ánh mắt tới nụ cười, phải e lệ khép nép khi được người ta tâng bốc, ngỏ lời tán tỉnh, v.v…

Nhưng theo quan niệm của xã hội tây phương mà chúng ta đang sống thì trong đa số trường hợp, người con gái nào nghe theo những lời khuyên nói trên, sẽ bị thiệt thòi.

Cô viết một cách rõ ràng hơn cho cháu hiểu: ăn nói duyên dáng dứt khoát là một ưu điểm, trong thương trường cũng như tình trường. Những người ăn nói duyên dáng chỉ “nguy hiểm” khi anh ta/ cô ta là người giả dối, có tâm địa xấu, chứ không phải cứ thấy một người ăn nói duyên dáng là vội vàng “thủ thế” để đề phòng.

Thứ đến là “ánh mắt nụ cười”, cô phải đồng ý với quan niệm Á đông ít nhất là một nửa: ánh mắt. Ngay chính người tây phương cũng có câu “con mắt là cửa sổ của tâm hồn”, cho nên mới có những sự mô tả như “mắt ướt”, “mắt gian”, “liếc mắt đưa tình”…

Trên thực tế, nhiều cô gái ăn nói ra vẻ dạn dĩ nhưng khi tới khi “đụng trận” (con trai tán tỉnh) là bỏ chạy trước nhất; nhưng “ánh mắt” thì không thể giả dối được.

Còn “nụ cười” thì tùy cách cười, trường hợp cười mà đánh giá. Chẳng hạn giữa một đám bạn có trai có gái thì cứ việc cười thoải mái, nhưng nếu chỉ có đàn ông con trai mà thôi, thì cô gái phải tiết kiệm nụ cười, tiếng cười. Bởi vì nhiều khi nụ cười hoàn toàn “vô tình” nhưng chàng trai lại cho là “có tình ý”; hoặc góp tiếng cười vào một câu chuyện vui thuộc loại “cấm đàn bà” sẽ khiến người con trai liệt cô gái vào thành phần “chịu chơi”.

Thứ đến là liên quan giữa nghề nghiệp của A với cách giao thiệp, tiếp xúc với bạn bè. Theo suy nghĩ của cô, chính vì A “nói cười duyên dáng” cho nên mới được chọn làm “đại diện thương mại”, chứ không phải vì làm nghề “đại diện thương mại” mà A trở nên duyên dáng hoạt bát hơn; có hơn chăng chỉ là sự tự tin.

Cho nên, em phải gạt bỏ những lời phê bình A căn cứ trên nghề nghiệp của A.

Cuối cùng là câu hỏi: có nên tiếp tục theo đuổi A, và có nên nuôi hy vọng không?

Câu trả lời của cô thật ngắn gọn và dứt khoát: nên tiếp tục, cứ nuôi hy vọng.

Việc cho tới nay A vẫn còn “available”, chưa chắc đã vì “người con trai nào nhào vô cũng dội”, mà có thể vì chính A không chấm chàng nào nên mới tìm cách để họ phải “dội”. Hơn nữa, hiện nay giữa cháu và A, không chỉ có một phía mà cả hai đều có chiều hướng “positive”, thì dù rồi đây không thành công, cũng không đến nỗi bị tổn thương, bị chạm tự ái.

Còn câu “Vợ đẹp là vợ người ta”, cô tin rằng chính rằng tác giả   của câu nói này nếu may mắn có cơ hội hỏi cưới một cô gái đẹp, chắc chắn ông ta cũng không từ chối!

Thân mến,
Thanh Lan