Hỏi và giải đáp 570: Tha thứ cho mẹ?

17 Tháng Bảy, 2019 | Uncategorized
(Photo: TVTS)

TL nhận được lá thư rất cảm động và cũng rất đau lòng của cháu Y, một người con gái không thể tha thứ cho lầm lỗi của mẹ mình. Vì tính cách tế nhị, TL chỉ rất sơ lược chuyện gia đình của cháu:

Trước đây, gia đình Y có business khá lớn, nhưng rồi mẹ cháu dị chồng để theo một người đàn ông quen biết, để cả tài sản lẫn các con lại cho chồng. Cha của Y ở vậy nuôi chị em Y nên người, nay tất cả đã thành tài và yên bề gia thất. Gần đây, cha của Y (đang sống một mình) hỏi ý kiến Y về việc má Y muốn trở lại với chồng cũ, nhưng Y nói sẽ không tha thứ, không nhìn mặt…

Ý kiến Thanh Lan:

Cháu Y thân mến,

Cô thông hiểu tâm tư của cháu và hoàn toàn tôn trọng lập trường của cháu, tuy nhiên việc má cháu muốn trở về và ba cháu chấp nhận cho má cháu trở về là chuyện của người lớn, không dính dáng gì tới cháu và các em của cháu cả.

Cô giải thích như sau: nếu sau khi má cháu bỏ đi, ba cháu cũng lấy vợ khác, hoặc lo cặp kè với ai đó, không đoái hoài tới chị em cháu, thì cháu có thể oán má cháu, nhưng ở đây ba cháu ở vậy nuôi chị em cháu nên người, thì những lỗi lầm của má cháu coi như đã được ba cháu “chuộc” lại. Vậy thì nay, “ân oán” là ân oán giữa hai người lớn.

Dĩ nhiên, cháu có thể đem việc chị em cháu không có bàn tay của người mẹ chăm sóc, và những tiếng xấu gia đình phải chịu  do hành động của má cháu, nhưng trời đã thương chị em cháu, cho chị em cháu được như ngày nay, thì nên lo cám ơn trời chứ đừng oán mẹ nữa.

Còn việc cháu “luận tội” người đã sinh thành ra mình, cô không bênh má cháu nhưng cũng có thể viết: trong cuộc đời mình, cô không chỉ thấy những người cha cực kỳ tệ hại, mà còn thấy những người mẹ vô cùng bất xứng, mà so với má cháu còn đáng lên án hơn nhiều (bởi vì ít nhất má cháu cũng chấp nhận ra đi tay không). Cô không triết lý vụn, mà chỉ muốn trình bày cho cháu thấy: đôi khi trái con tim người có những quyết định mà người ngoài không ai có thể hiểu nổi.

Cô nhấn mạnh hai chữ “trái tim” chứ không phải “lý trí”, bởi nếu người trong cuộc mà còn biết tới “lý trí” thì đã chẳng có chuyện!  Nhục dục (sex) có thể khiến một người vợ ngoại tình nhưng một khi đã tới mức ly dị, cô tin rằng trong đó có yếu tố tình yêu, dù mù quáng thì cũng là tình yêu.

Chỉ sau khi bị người đàn ông ấy ruồng rẫy, má cháu mới nhận ra rằng tình yêu mình dành cho ông ta là tình yêu mù quáng, và ăn năn, hối hận. Mà một người dù phạm tội tày trời, một khi thực sự ăn năn, hối hận, đáng được hưởng sự tha thứ (cô chỉ nói về tinh thần chứ không nói về hình sự và luật pháp).

Nếu nay má cháu thực sự ăn năn, hối hận, và ba cháu chấp nhận tha thứ, mở rộng vòng tay thì là chuyện tốt đẹp, tại sao cháu lại chống?! Tốt đẹp nói tới ở đây là tốt đẹp cho cả má cháu lẫn ba cháu. Cháu có biết rằng việc cháu chống đối tới cùng không chỉ “chặt cầu” (của má cháu) mà còn khiến ba cháu đau khổ cho tới cuối đời.

Bên cạnh đó, thực sự trong lòng cô không tin rằng cháu oán má cháu tới mức ấy, mà rất có thể cháu muốn kéo cô về phe cháu nên mới viết một cách quyết liệt và tàn nhẫn như thế. Cho nên, cô lập lại: việc má cháu muốn trở về và ba cháu chấp nhận cho má cháu trở về là chuyện riêng của ba má cháu.

Cứ cho rằng rồi đây cháu và các em cháu không bao giờ hết oán mẹ, ít ra ba má cháu cũng tìm lại được những gì đã mất, để cùng nhau sống phần còn lại của cuộc đời. Nhìn từ một khía cạnh nào đó, “tội” của má cháu càng lớn, một con người cao thượng và tốt bụng như ba cháu càng cảm thấy hạnh phúc, mãn nguyện, vì con người mà ông ra tay cứu vớt ấy lại chính là người bạn đời của mình.

Cô,
Thanh Lan