Chính phủ cần có thái độ rõ rệt về Biến đổi Khí hậu

30 Tháng Mười, 2019 | Bình Luận
Biểu tình chống biến đổi khí hậu tại Brussels. Photo courtesy: Reuters

‘Biến đổi khí hậu’ (Tiếng Anh là ‘climate change’) có lẽ là chủ đề xã hội gây tranh cãi nhiều nhất trong những năm gần đây. Trên khắp thế giới chúng ta thấy lan rộng phong trào học sinh bỏ học ngày thứ Sáu để xuống đường biểu tình, hàng nghìn người từ các tổ chức đấu tranh đòi hành động chống biến đổi khí hậu thì sử dụng mọi phương cách để kêu gọi sự ủng hộ. Hầu như mỗi tuần trên các mặt báo đều không thiếu các bài viết bình luận liên quan đến vấn đề này, với phía ủng hộ không ngừng kêu gọi chính phủ hành động và phía hoài nghi chỉ trích những đe dọa về tác động của biến đổi khí hậu là thiếu cơ sở và gây hoang mang không đáng trong cộng đồng.

Nhưng tuyệt nhiên, thực sự rất khó để chúng ta có thể tiếp cận với nguồn tin minh bạch, chính xác và hoàn toàn mang tính khoa học về vấn đề này. Nhiều người trong chúng ta trở nên bối rối, không biết đâu là sự thật, và đâu là vấn đề cần giải quyết.

‘Extinction Rebellion’ (tạm dịch là ‘Cuộc nổi loạn chống tuyệt chủng’) trong sáu ngày liên tiếp hồi tuần qua đã tiến hành hàng loạt các cuộc biểu tình không vũ trang, gây ra những gián đoạn nặng nề tại các trung tâm thành phố trên nước Úc. Cho rằng các phương thức biểu tình cũ thất bại, họ sử dụng các cách thức lên đến “cực đoan” như tự gắn keo mình vào các cột, các phương tiện giao thông, xích tay nhau lại nằm duỗi ra đường, hay treo mình lơ lửng dưới những cây cầu. Họ hô hào những lời đe dọa về một Trái đất đang trên đường tới diệt vong, một nền văn minh đang trên bờ sụp đổ nếu không có hành động chống biến đổi khí hậu.

Thay vì đưa ra bằng chứng với cơ sở khoa học đáng tin cậy, họ bày tỏ những cảm xúc tức giận, đau khổ, những nỗi sợ hãi về một tương lai u ám, họ lên án những quan điểm hoài nghi. Và như vậy, thay vì thu được sự đồng cảm và ủng hộ từ cộng đồng, hồi đáp tích cực từ các nhà lập pháp, họ nhận về những cái nhìn giận dỗi. Những người biểu tình dường như đã càng tách mình ra khỏi cộng đồng chung, khiến nhiều người ngoài cuộc nhìn thấy họ như là những người mù quáng và thậm chí là cực đoan. Những người vốn đang đứng ở giữa, phân vân, vô hình chung dễ bị đẩy vào phía đối ngược.

Những người biểu tình, họ muốn điều gì? Một trong những yêu cầu chính đó là chính phủ phải ban bố tình trạng khẩn cấp về biến đổi khí hậu, nhanh chóng làm việc tìm ra giải pháp, và phải cắt bỏ toàn bộ lượng khí thải CO2 trước năm 2025. Nói cách khác, cái họ kêu gọi đó là đóng cửa toàn bộ các hoạt động khai thác mỏ, quặng, đóng cửa các nhà máy nhiệt điện đốt than và thay thế toàn bộ bằng năng lượng tái tạo trong vòng 6 năm tới. Điều này, trên thực tế là hoàn toàn không thể, và nếu chính phủ đồng ý thực hiện thì sẽ chỉ là một hành động tự hủy hoại nền kinh tế đất nước.

Họ có quyền biểu tình – điều đó là không thể chối cãi. Và dĩ nhiên việc tranh đấu cho điều mà họ tin tưởng là hoàn toàn chính đáng. Họ lo lắng cho môi trường tự nhiên của Trái đất, mong muốn một cuộc sống đảm bảo cho thế hệ tương lai. Tương tự, những người “hoài nghi” và cho rằng chúng ta không cần phải hoảng loạn cũng có những nguyên do của mình. Họ thấy những lời đe dọa về tác động của biến đổi khí hậu lần lượt được đẩy lùi, họ thấy những nỗi sợ hãi được gieo vào những đứa trẻ một cách không công bằng. Họ đặt câu hỏi, tại sao nước Úc phải chấp nhận hy sinh về kinh tế và phẩm chất cuộc sống người dân để đầu tư vào các giải pháp ‘xanh’ ít hiệu quả, trong khi các quốc gia có mức độ thải khí nhà kính cao nhất như Trung Quốc, Ấn Độ thì vẫn được ngang nhiên tiếp tục mở thêm các nhà máy nhiệt điện đốt than, tiếp tục xả thải mà không bị chỉ trích.

Những cuộc tranh luận vẫn ngày càng gay gắt và không có hồi kết, trong khi điều cả hai bên cần là một kết luận thống nhất, một quan điểm dứt khoát của chính phủ dựa trên bằng chứng khoa học không thiên vị. “Tại sao không mở một cuộc điều tra quốc gia về Biến đổi khí hậu”, như một vài người đã đề nghị. Đó có thể là một ý không tồi. Chúng ta có quyền lạc quan về hành tinh mà chúng ta đang sống và cũng có quyền và nghĩa vụ bảo vệ nó.

(Trích từ báo in TVTS số 1751 phát hành ngày 16.10.2019)