Dấu chỉ thời đại:  ĐC Long kể lại cảm nghiệm của một thuyền nhân

09 Tháng Mười Một, 2019 | Người Việt đó đây
Đức Cha Nguyễn Văn Long trong cuộc phỏng vấn tổ chức bởi Văn Văn Phòng Di Dân và Tỵ Nạn Công Giáo ở Tây Úc. Photo courtesy: Josh Low/ The Record/ Archdiocese of Perth

PERTH – Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long Dòng Phanxicô Khó Khăn, giám mục Parramatta, cho biết kinh nghiệm của một người tỵ nạn từng phải bỏ quê hương ra đi năm 1979. Những kinh nghiệm này đã cho ngài cơ hội liên kết một cách sâu xa hơn và một cách cảm thông hơn với cộng đoàn Công Giáo hôm nay. Đức Cha Long đã phát biểu như vậy trong cuộc phỏng vấn hôm thứ năm ngày 3 tháng 10 dành cho Văn Phòng Di Dân và Tỵ Nạn Công Giáo ở Tây Úc – West Australian Catholic Migrant and Refugee Office (WACMRO).

Cuộc phỏng vấn trực tiếp kéo dài 2 tiếng đồng hồ do bà Geraldine Mellet – giám đốc MercyCare Corporate Partnership – thực hiện với sự tham dự của đại diện các cơ quan, tổ chức thuộc tổng giáo phận Perth cũng như các phó tế và giáo viên. Đức Cha Vincent Nguyễn Văn Long sinh ngày 3 tháng 12 năm 1961 tại Gia Kiệm, Việt Nam trong một gia đình có 7 anh chị em. Năm 1972, ngài gia nhập tiểu chủng viện mà sau này bị chế độ cộng sản giải tán.

Năm 1979, ngài vượt biển và khởi sự cuộc sống mới tại Úc. Năm 1983, ngài trở thành một tu sĩ Dòng Phanxicô Khó Khăn. Trong cuộc phỏng vấn, ngài cho biết những kinh nghiệm thời thơ ấu tại một đất nước có chiến tranh và lý do tại sao gia đình của ngài quyết định ra đi tìm tự do. Ngài nói: “Thời thơ ấu của tôi là những ký ức chiến tranh và bạo động. Tôi còn nhớ đó là thời gian tôi sống trong sợ hãi không biết những gì có thể xảy ra. Cho đến hôm nay, có những lúc khi nhớ lại những cảm nghiệm thời thơ ấu, tôi đã bị chiến tranh ảnh hưởng như thế nào. Dứt khoát đó là một khía cạnh đặc thù của thời thơ ấu”.

Sống dưới chế độ cộng sản cho đến khi gia đình của ngài có cơ hội, thì đã quyết định vượt biển và đã đến một trại tỵ nạn ở Malaysia trên một chiếc thuyền 17 mét với 147 thuyền nhân chen chúc. Ngài giải thích: “Vì là người công giáo, chúng tôi không thể sống dưới chế độ cộng sản, chính vì thế mà có khoảng 2 triệu người đã phải bỏ nước ra đi bằng thuyền vì đó là phương cách tốt nhất vào lúc đó”.

“Khi ngồi trong một khung cảnh thoải mái, quý vị có thể dễ dàng phán đoán, thế nhưng nếu trong một hoàn cảnh cùng cực như chúng tôi từng kinh qua, thì phản ứng của quý vị sẽ không còn là một sự lượng giá có tính toán, vì đứng trước một tình cảnh sống chết, chúng ta phải quyết định một cách mau lẹ nhất”.

Khi ĐGM Long đến trại tỵ nạn ở Malaysia thì ở đó đã có khoảng 15 ngàn người. Ngài ở đó trong 16 tháng, kiếm sống bằng cách làm công cho một lò bánh mì và tự học Anh văn. Ngài đặt chân đến Springvale – Melbourne khi 19 tuổi với hy vọng sẽ có một tương lai huy hoàng tại quê hương mới. Ngài tâm sự: “ Niềm tin của tôi vào Thiên Chúa và tinh thần đoàn kết với tha nhân là lý do để tôi kiên vững niềm tin và nuôi hy vọng. Từ Việt Nam ra đi đến Malaysia và đến Úc, có thời gian suy nghĩ lại những gì đã trải qua, tôi bắt đầu tự vấn lương tâm về ơn gọi trở thành linh mục”.

“Khi là linh mục, tôi tìm cách xử dụng kinh nghiệm của một người tỵ nạn khi không còn một hy vọng nào khác, tôi tự đặt vào hoàn cảnh của họ để có được sự thông cảm và liên kết với cộng đoàn. Là một tu sĩ Dòng Phanxicô cũng là một cách thức để tôi sống trọn vẹn cuộc sống qua sự đơn sơ, khó nghèo và khiêm tốn”.

Năm 36 tuổi, ngài đã trở thành linh mục chính xứ gốc Việt đầu tiên tại Úc. Năm 2011, ngài được bổ nhiệm là giám mục phụ tá TGP Melbourne và phục vụ trong vai trò này gần 5 năm thì được chuyển về Parramatta để trở thành giám mục thứ 4 của Giáo Phận, kế nhiệm ĐGM Anthony Fisher Dòng Đa Minh vào năm 2016.

“Tôi quý mến từng giây từng phút. Đương nhiên cần phải có năng khiếu và những gì mà chúng ta có thể học thêm và phát triển, thế nhưng ơn gọi căn bản của một linh mục là đồng hành với giáo dân và phục vụ họ. Đó là điều mà tôi hết sức coi trọng và tâm đắc”.

Trong cuộc phỏng vấn, Đức Cha Nguyễn Văn Long đã nhắc đến bức tượng điêu khắc về di dân và tỵ nạn đặt tại Công Trường Thánh Phêrô vừa được ĐTC Phanxicô khánh thành nhân ngày Thế Giới Di Dân và Tỵ Nạn lần thứ 105 và tin rằng bức tượng cho thấy Giáo Hội Công Giáo đang đứng trước thách đố là phải giúp đỡ người di dân và tỵ nạn “một cách tận cùng”.

Đức Cha Nguyễn Văn Long nói: “Một thí dụ khác là hình ảnh khi ĐTC Phanxicô rửa chân cho tù nhân, cho người Hồi giáo nam cũng như nữ. Đó là một sự khác biệt lớn lao so với cách thức trước đây là chỉ rửa chân cho đàn ông và cho các bậc vị vọng. Hình ảnh trước đây cho thấy quyền bính, ưu đãi và tước vị trong khi hình ảnh sau là khiêm tốn, phục vụ và hoà nhập. Giáo Hội sẽ đến với người di dân và tỵ nạn như thế nào khi họ đang cần một nơi để đến. Đó là sứ vụ nền tảng trong ơn gọi của người Kitô Hữu”. (Nguồn catholicoutlook.org. Vũ Nhuận chuyển ngữ)