Xót thương dân Việt bất chấp sinh mạng tìm hy vọng ở xứ người

13 Tháng Mười Một, 2019 | Bình Luận
Chiếc xe tải chứa 39 thi thể nạn nhân trong thùng đông lạnh được phát hiện hôm 23/10. Photo: Reuters

Không thể tìm được ngôn từ nào để diễn tả nỗi đau thương lúc này. Hàng chục người Việt có thể đã bỏ mạng trong một chiếc xe tải chở đồ đông lạnh tại nước Anh. Có những em mới chỉ ngoài 20. Mong muốn đổi đời nơi xứ người trở thành những thảm kịch bi đát. Họ – không ai khác chính là những người đồng hương của chúng ta, cùng chung dòng máu Việt và chung tiếng mẹ đẻ.

Dù cho câu trả lời cuối cùng vẫn đang chờ để được xác nhận, và trong khi chúng ta vẫn tiếp tục cầu mong một điều kỳ diệu đang dần lụi tàn, thì những trăn trở khiến lòng ta thắt lại đó là: Điều gì khiến họ phải cá cược cả tính mạng để ra đi? Ai đã đẩy họ vào con đường cùng quẫn như vậy? Đây chắc chắn không phải là những trường hợp cá biệt. Đã, đang, và tiếp tục sẽ có những người Việt bất chấp tất cả để đi ra nước ngoài, một cách bất hợp pháp, với mong muốn một cuộc sống tốt đẹp hơn. Để rồi họ có thể sẽ mất mạng nếu như hành trình thất bại, hoặc nếu trót lọt thì nhiều trong số đó bị bóc lột sức lao động, trở thành nô lệ thời hiện đại, bị tổn thương về thể chất lẫn tinh thần. Ta buồn, ta thương, và ta uất ức vì chao ôi phải chăng mạng người ở Việt Nam rẻ mạt đến xót xa?

Ban đầu tưởng rằng những người đó là công dân Trung Quốc, nhưng rồi những bằng chứng dần hé lộ phần lớn là người Việt mang theo hộ chiếu giả. Họ cùng đến từ những vùng nông thôn nghèo miền Trung là Nghệ An, Hà Tĩnh. Tính đến Chủ nhật ngày 27/10, mặc dù chưa có thông tin xác nhận danh tính và quốc tịch của 39 người tìm thấy đã tử vong, lần lượt các gia đình ở Yên Thành (Nghệ An) và Can Lộc (Hà Tĩnh) đã hoảng hốt lên tiếng tìm câu trả lời. Không có thông tin gì ngoài những dòng tin nhắn cuối cùng nói lời xin lỗi bố mẹ, những hình ảnh cuối trên mạng xã hội với những tâm sự não nề, tất cả khiến cả một vùng quê nghèo chìm ngập trong đau thương.

Không ít người trách móc – tại sao lại quá xuẩn ngốc, tham lam, thậm chí là lười biếng chỉ mong đổi đời một cách dễ dàng? Chắc chắn trong số những người đã lựa chọn dấn thân vào con đường này mỗi người đều xuất phát từ những nguyên do khác nhau. Và những lời chỉ trích trên đây không phải không có căn cứ. Nhưng quả thực, họ đáng thương nhiều hơn đáng trách. Họ đáng thương vì thiếu thông tin, thiếu hiểu biết, họ có thể đã rơi vào tròng của những kẻ buôn người, những kẻ lọc lõi mang đến cho họ một bức tranh tương lai màu hồng. Họ đinh ninh cứ ra nước ngoài là sẽ có tiền, sẽ hãnh diện với hàng xóm, anh em. Và chắc hẳn có người không biết được rằng cuộc đi chui sẽ là một hành trình cực hình và rủi ro đến cả tính mạng.

Có người khác thì cho rằng, Việt Nam đang phát triển, không thiếu gì việc làm và cơ hội cho người chăm chỉ. Nhưng hãy nhìn vào xã hội Việt Nam hiện nay, khoảng cách giữa tầng lớp giàu và nghèo ở quá xa, bất bình đẳng xã hội còn quá lớn. Những kẻ ăn trên ngồi troc, vơ vét tiền ngân sách thì giàu kếch xù, sống xa xỉ. Những công nhân lao động trong các nhà máy thì vẫn có khi không đủ tiền về quê ăn Tết. Còn tầng lớp trung lưu đi làm nhận những đồng lương ba cọc ba đồng, cũng phải chật vật mới đủ trang trải cuộc sống gia đình. Một xã hội ngày càng bon chen, chăm chăm chạy theo đồng tiền mà đánh rơi giá trị đạo đức. Một xã hội mà tiếng nói của người dân chẳng dám vượt qua bốn bức tường nhà, biết luồn cúi thì lên làm lãnh đạo, còn đi làm công nơi vùng quê và làm nông thì chắc làm lụng cả đời cũng không thể ra khỏi lũy tre làng.

Vậy nên hoàn toàn chính đáng khi những người ở dưới đáy xã hội, không việc làm va không tương lai, mong muốn tìm cơ hội ở một mảnh đất khác. Cái họ kiếm tìm có lẽ không hẳn là một sự đổi đời chóng vánh, mà chỉ đơn thuần là hy vọng – điều mà họ không còn trên chính mảnh đất họ sinh ra. Nhưng con đường họ lựa chọn đi kèm cái giá quá đắt.

Điều đau lòng là, thảm cảnh lần này chắc chắn sẽ không phải là lần cuối – nếu như bọn buôn người vô nhân tính vẫn còn tung hoành và những kẻ tự xưng mình là “do dân và vì dân” thì vẫn cứ ngoảnh mặt làm ngơ.

(Trích từ báo in TVTS số 1753 phát hành ngày 30.10.2019)