30 năm Cộng sản sụp đổ tại châu Âu, bao giờ tới TQ, VN?

27 Tháng Mười Một, 2019 | Bình Luận
Photo: Reuters

Cách đây 30 năm – vào ngày 9 tháng 11 năm 1989, bức tường chia cắt hai nửa Đông và Tây nước Đức sụp đổ. Hàng trăm nghìn người dân Đông Đức vỡ òa trong hạnh phúc, hối hả chạy sang phía bên kia của nước Đức – nơi một xã hội dân chủ và một cuộc sống mới đang chờ đón họ. Mặc dù dường như xuất phát đơn thuần từ một lỗi hành chính ngớ ngẩn, việc bức tường Bá Linh đổ vỡ là kết qua của những nỗ lực đấu tranh dân chủ trong nhiều năm tại nước Đức, đánh dấu sự sụp đổ của Cộng sản Xô-Viết tại Đông Đức cũng như các quốc gia Đông Âu lân cận.

Chính phủ Đông Đức tại thời điểm đó đáng ra chỉ muốn thong báo một cơ chế nới lỏng hơn cho người dân muốn tìm cách tới Tây Đức, một hành động nhằm xoa dịu phong trào biểu tình ngày càng mạnh mẽ. Tuy nhiên, nhân viên phát ngôn lại vô tình truyền đạt sai nội dung, cho biết rằng tất cả mọi người đều có thể di chuyển ra nước ngoài mà không cần cấp phép. Ngay lập tức, những đám đông người dân Đông Đức lũ lượt kéo tới bức tường Béc-lin, người thì trèo qua, người thì cố gắng đập phá, và chẳng bao lâu sau đã dùng đến những chiếc búa tạ đập vỡ vụn “tấm màn sắt” – một biểu tượng của chế độ Cộng sản cầm quyền.

Điều đặc biệt ở đây đó là, lính gác và cảnh sát tại Đông Đức đã từ chối đàn áp người băng qua bưc tường bằng nòng súng, mặc dù nhiệm vụ của họ là ngăn chặn người dân đi ra bên ngoài. Họ đã từ chối giết đồng bào mình. Có người nói rằng, một khi binh lính và cảnh sát cộng sản không giết chính người dân của họ, quyền lực cộng sản sụp đổ. Điều đó có lẽ không sai.

Trong năm 1989 và một thời gian ngắn sau đó, đế chế Xô-Viết Cộng sản tan rã. Như vậy, sau hơn ba thập niên nằm dưới chế độ Cộng sản chuyên quyền, Đông Đức và các quốc gia Đông Âu đã giành lại được quyền tự chủ, thiết lập một châu Âu phát triển dựa trên các giá trị “tự do, dân chủ, công bằng, tuân thủ pháp luật, nhân quyền” – cái mà theo Thủ tướng Đức Angela Merkel, là những điều “hiển nhiên, và phải được tiếp tục duy trì và bảo vệ hết lần này qua lần khác”.

Cùng năm 1989, đáng buồn thay, ở phía bên kia địa cầu là cuộc nổi dậy thất bại của những người biểu tình tại quảng trường Thiên An Môn. Những người yêu dân chủ bị đàn áp đẫm máu mà không để lại chút dấu vết. Cộng sản Trung Quốc đã sẵn sàng ra tay giết hại chính đồng bào của mình, để duy trì quyền lực độc tài tuyệt đối. Và từ đó tới nay, Cộng sản Trung Quốc vẫn tiếp tục cai trị bằng sự đè nén, kìm hãm tự do, bằng những đe dọa và những lời dối trá trắng trợn, sẵn sàng đàn áp bất kỳ ai bất đồng chính kiến. Cũng với phương cách tương tự, Cộng sản Việt Nam vẫn chễm chệ trong vai trò lãnh đạo.

Tất nhiên không có một mô hình xã hội hoàn hảo. Chủ nghĩa tư bản cũng có những giới hạn riêng của nó. Nhưng những bước tiến về khoa học, xã hội, và những giá trị về quyền con người mà nó gây dựng ở phương Tây là không thể phủ nhận. Trong khi đó, Cộng sản/ chủ nghĩa xã hội, mặc dù có vẻ lý tưởng trên lý thuyết nhưng hoàn toàn không thực hiện trong thực tế.

Các ví dụ thì đã quá đủ, quá đau để có thể tranh cai điều ngược lại. Hàng triệu người ủng hộ dân chủ tại Nga bị giết hại dưới thời của nhà độc tài Stalin. Cách mạng Văn hóa và những cuộc cải cách điên cuồng khác tại Trung Cộng đã đẩy hàng triệu người dân vào nạn đói và chết chóc – chưa kể việc đàn áp những người theo Pháp Luân Công và những người ở các nhóm tôn giáo thiểu số. Cộng sản Bắc Việt tiến vào miền Nam, đẩy hàng trăm nghìn người vào các trại lao động dựa trên chính trị, chủng tộc và tôn giáo, vô số người phải chạy nạn bất chấp sinh mạng. Đó là chưa kể đến những giá trị văn hóa, đạo đức bị xói mòn bởi quá nhiều cưỡng chế và một bộ máy quản lý mục ruỗng.

Những gì đã ở trong quá khứ chúng ta chẳng thể thay đổi. Chỉ biết mong một ngày đồng bào ta được vỡ òa trong mùi tự do và dân chủ như người dân Đông Đức khi bức tường Bá Linh sụp đổ. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã nhấn mạnh: “Không có bức tường nào ngăn cản con người và kiềm hãm tự do mà không thể bị đánh đổ”. Chắc vậy, miễn là ta có niềm tin!

(Trích từ báo in TVTS số 1755 phát hành ngày 13.11.2019)