Để tưởng nhớ người bạn Bùi Quốc Sủng: “Đường về quê, đường quá xa xôi…”

29 Tháng Mười Hai, 2019 | Cộng đồng Việt Nam
Bùi Quốc Sủng 1942-2019

Trưa hôm qua, nghe Nguyễn Hữu Thiện nói Bùi Quốc Sủng e sợ sống không còn lâu, tôi và nhà tôi dự tính ngày Thứ Hai, khi báo đã in và phát hành, sẽ ghé thăm anh. Nhưng qua Chủ Nhật, đi lễ sáng để còn về tòa soạn kịp mở cửa và làm việc, thì nghe tin anh qua đời vào tối Thứ Bảy 28.12.2019 lúc 8 giờ 25 phút. Nên viết vội đôi dòng để tưởng nhớ và tiễn anh.

Một nhà hoạt động âm thầm, không tên

Tôi đến định cư ở Adelaide vào tháng 6 năm 1981, đến  đầu tháng 12 mới qua định cư ở Melbourne. Bùi Quốc Sủng đến Melbourne vào tháng Giêng 1981, là người bạn thứ ba tôi gặp sau (Luật sư) Nguyễn Tân Hải tôi đã quen ở tại tị nạn Galang, sau Thái Văn Đỗ (cựu thủ quỹ Cộng đồng NVTD-Vic), những người giúp anh em chúng tôi chỗ ở trong vài tuần lễ đầu. Họ giới thiệu tôi với cựu Đại úy Bùi Quốc Sủng đang thuê căn flat ở đường Gipps St, Abbotsford và đang làm việc cho một xưởng làm khung hình của người Úc.

Vì anh Sủng là người độc thân tại chỗ (vợ con còn ở Việt Nam) nên tôi thường đến chơi vào cuối tuần, có lúc ngủ lại. Và nhờ tôi có chút khiếu về ca hát và viết lách, nên trở thành người bạn thân thiết cho đến ngày hôm nay.

Thân thiết vì anh là người giúp tôi đi thuê nhà trong bước đầu bỡ ngỡ ở Melbourne, vì vợ tương lai của tôi ở trọ trong nhà anh vài tháng cho đến khi chúng tôi cưới nhau. Trong lễ cưới, anh là người làm chứng và ký trong giấy tờ hôn thú tại nhà thờ. Trong tiệc cưới anh là người đại diện cho đàng trai, vì mẹ tôi còn ở Việt Nam.

Bùi Quốc Sủng (góc phải) làm chứng trong hôn lễ của cô dâu chú rể Vũ Thị Hà và Nguyễn Hồng-Anh do cha Huỳnh San làm chủ tế năm 1983 tại  nhà thờ St Joseph,Collingwood. Hình: TVTS

Trong mọi việc anh đều làm hết lòng và làm tốt, kể cả đóng góp tinh thần cho việc hình thành tờ báo TiVi Tuần-san trong thời gian vài năm đầu.

Nói đến TiVi Tuần-san, không thể không nói đến đặc san Gươm Thiêng của Hội Cựu Quân Nhân Quân Lực VNCH Tiểu bang Victoria. Anh là người sáng lập tờ báo này, là người mời cộng tác viên trong đó có tôi, cùng bỏ tiền túi in báo và nhà anh trở thành “tòa soạn” Gươm Thiêng, nơi hội họp bàn mọi thứ chuyện trên đời liên quan đến người Việt tị nạn mới đến định cư, từ chuyện lập hội hè, tổ chức lễ lạc, biểu tình chống cộng sản đến làm công tác xã hội, quyên góp cứu trợ hỏa hoạn (vụ cháy Ash Wednesday kinh hoàng năm 1983).

Ở đâu có chuyện gì, ở đó có Bùi Quốc Sủng. Hú là anh tới ngay. Mà đôi khi không kêu anh cũng có mặt, vì anh là người ưa hoạt động, giao thiệp, thích bạn bè.

Cho nên sẽ không lấy làm lạ Bùi Quốc Sủng chính là người thành lập Hội Cựu Quân nhân QLVNCH Tiểu bang Victoria và là chủ tịch đầu tiên của hội này. Và chính trong thời gian đầu, Hội Cựu Quân nhân là nơi cung cấp nhân lực dồi dào và hữu hiệu nhất trong các sinh hoạt cộng đồng của người Việt tại Victoria.

Sau khi hết làm hội trưởng, có lẽ chỉ trong giới cựu quân nhân người ta mới biết Bùi Quốc Sủng. Bùi Quốc Sủng không giữ chức vụ gì trong cộng đồng nhưng là nơi mà nhiều người đến hỏi ý kiến, cố vấn, đặc biệt là giới trẻ, các sinh viên thời đó.

“Anh hai lốp-bi”

Trong số những bạn bè gần gũi Bùi Quốc Sủng, khi nói “anh hai lốp-bi”  là người ta biết ngay đó là Bùi Quốc Sủng. Gọi anh hai vì anh là người lớn tuổi nhất trong bọn chúng tôi, còn lốp-bi (lobby: vận động hành lang) là biệt hiệu cho người có khiếu lốp-bi như anh.

Ở đâu có Bùi Quốc Sủng là ở đấy có tiếng nói lớn, tiếng cười vang. Anh nói nhiều vì thế đôi khi cũng có thể làm mất lòng người khác nhưng ít ai giận anh. Trong hơn 30 năm quen biết và chơi thân với anh, tôi chưa bao giờ thấy anh giận ai ngay cả khi rượu vào. Anh quả là con người lành!

Nói đến rượu thì phải nói đến Bùi Quốc Sủng. Ít người uống rượu nhiều như anh, chai này qua chai khác cho đến khi gục. Đám cưới của chúng tôi năm 1983,  cha Huỳnh San đã ra về nhưng vì vui với đám thanh niên và xồn xồn của chúng tôi, đã trở lại uống bia rượu tiếp, nhưng cha San không say trong khi người đại diện cho nhà trai gục tại chỗ.

Không phải gục chỉ một lần. Trong mấy chục năm qua, ngoài những dịp lễ lạc khác, cho đến khi anh bị stroke và liệt từ năm 2015 hầu như dịp Giáng Sinh nào những người bạn cùng làm báo Gươm Thiêng ngày xưa như Phạm Phú Hòa, Mai Hòa Hiệp, Nguyễn Đình Tiến, Vũ Văn Bảo, Nguyễn Hữu Thiện… đều đến nhà tôi ăn Noel và Bùi Quốc Sủng luôn được anh em bế ra xe để bạn bè chở về nhà,  một “công tác” sau này được bàn giao cho vợ anh là chị Trần Tú Trong.

Một ngày lính, cả đời lính: Bùi Quốc Sủng sau khi bị đột quỵ, không nói và đi được, đã được nhân viên Trung tâm Phục hồi Heidelberg dẫn ra ban công để nhìn xuống các cựu quân nhân Úc cử hành lễ tưởng niệm Long Tan Day vào ngày 14.8.2015 ở vùng Heidelberg. Hình: TVTS

Ăn uống mà thiếu Bùi Quốc Sủng thì bớt vui. Nếu uống nhiều quá thì anh từ từ gục đầu xuống bàn, rất êm ái,  không gây phiền hà cho ai.

Anh đã không còn uống rượu với chúng tôi, thưởng thức những chai rượu vang trắng ngon của Nguyễn Hồng-Anh cất trữ, từ ngày anh bị đột quỵ. Anh thích rượu trắng hơn rượu đỏ.

“Đường về quê”

Và từ nay không còn nghe Bùi Quốc Sủng ngâm bài Hồ Trường mỗi khi uống rượu:

Hồ Trường! Hồ Trường ta biết rót về đâu?

Rót về đông phương, nước biển Đông chảy sinh cuồng loạn

Rót về tây phương,  mưa phương Tây từng trận chứa chan

Rót về bắc phương, ngọn Bắc phong vi vút, cát chạy đá  giương

Rót về nam phương, trời Nam mù mịt, có người quá chén, như điên như cuồng

Nào ai tỉnh, nào ai say, lòng ta ta biết, chí ta ta hay

Nam nhi sự nghiệp ư hồ thỉ, hà tất cùng sầu đối cỏ cây”

Và từ nay không còn nghe Bùi Quốc Sủng hát “Đường về quê” của Nguyễn Hồng Anh, in trên bìa sau báo Gươm Thiêng  năm 1982.

Vợ tôi có lẽ là người thích nhạc của tôi nhất nhưng Bùi Quốc Sủng là người hát nhạc của tôi nhiều nhất, trong những bữa tiệc, khi rượu vào.

Cách đây gần chục năm, khi tôi chưa hát hò trở lại nên quên lời ca, Bùi Quốc Sủng bảo tôi hát, tôi nói không nhớ, thế là anh hát qua nhịp điệu của rượu:

Đường về quê đường quá xa xôi

Tình quê hương ngày tháng chưa vơi

Rồi tỉnh giấc tai nghe tiếng lạ

Âm ba vỡ bờ ngày tháng bơ vơ.

Đường về quê tìm dấu chân xưa

Tuổi mộng mơ giờ quá bơ phờ

Rồi tỉnh giấc tóc mai hóa bạc

Nghe như lạc loài chim đành lìa xa.

Đường về xứ mình cỏ hoa bối rối…”

* * *

Bùi Quốc Sủng không chỉ là bạn của tôi, của một nhóm người, mà của mọi người anh quen biết bởi bản tính tốt và lành của anh.

Có ai nhớ nơi  Bùi Quốc Sủng từng sống ở Melbourne từ năm 1981? Gipps St (Abbotsford), Murphy St, Somerset St, Lincoln St (Richmomd) và cuối cùng là Outhwaite St (Heidelberg West) nơi anh ở cuối cùng trước khi bị đột quỵ? Bao nhiêu chuyện đời thường đã xảy ra ở những nơi đó giữa anh và bạn bè?

Anh nói chỉ trở lại Việt Nam khi chế độ cộng sản không còn nữa.

Trong 40 năm qua anh đã không một lần về quê bởi con đường vẫn còn bị bít,  bị chận… Nhưng bây giờ anh đã trở về quê nơi anh tin là quê thật của anh, quê hương đời đời…

Chúc linh hồn Giuse bình an trong chuyến đi xa, quá xa này.

Vĩnh biệt Bùi Quốc Sủng!

Nguyễn Hồng-Anh

Melbourne 29.12.2019

—————————————————————————————————————————————————————–

CÁO PHÓ

 

Gia đình chúng tôi trân trọng kính báo đến quý thân bằng quyến thuộc, bạn hữu xa gần:

Chồng, cha, ông ngoại của chúng tôi là:

Ông Giuse BÙI QUỐC SỦNG

Sinh ngày 15/6/1942 tại Hà Nam, Bắc Phần, Việt Nam

Đã được Chúa gọi về lúc 8 giờ 25 tối Thứ Bảy, 28/12/2019, tại Melbourne. Hưởng thọ 77 tuổi.

 

CHƯƠNG TRÌNH TANG LỄ:

 

* Thứ Năm, 2/1/2020: tại Thánh đường giáo xứ Holy Name, 28 Robb St, Reservoir, VIC 3073:

– 5 giờ chiều: Đọc kinh cầu nguyện

– 6 giờ chiều: Thánh lễ phát tang

– 7 giờ đến 8 giờ tối: Thăm viếng

 

* Thứ Sáu, 3/1/2020:

– 10 giờ 30 sáng: Đọc kinh cầu nguyện

– 11 giờ sáng: Thánh lễ an táng

 

Sau Thánh lễ, linh cữu sẽ được đưa đến Nghĩa trang Fawkner, 1187 Sydney Rd, Fawkner VIC 3060, để làm lễ hỏa táng tại Joy Chapel.

 

TANG GIA ĐỒNG KÍNH BÁO:

 

– Bà quả phụ BÙI QUỐC SỦNG, nhũ danh Maria Trần Tú Trong

– Trưởng nam: Giuse BÙI QUỐC ÂN

– Trưởng nữ: Catherine BÙI THỊ BÌNH AN và các con

– Thứ nữ: Thérèse BÙI QUẾ ANH, chồng và con

– Thứ nam: Peter BÙI QUỐC ẤN

 

Xin hiệp dâng lời cầu nguyện cho Linh hồn GIUSE thay cho vòng hoa và phúng điếu.