Nửa ngày ở thủ đô Nicosia, nơi có đường biên giới chia cắt Cyprus như VN trước 75 (kỳ 11)

07 Tháng Một, 2020 | Thổ Nhĩ Kỳ & Cyprus
Đi thăm nhà thờ mộ Thánh Lazarus, mua sắm ít đồ, về khách sạn nghỉ ngơi uống nước, chúng tơi đang nghĩ sẽ làm gì với nửa ngày cịn lại. Hình: TVTS

Bút ký du lịch của Nguyễn Hồng-Anh

***

Kỳ 11

Không biết bạn đọc thì sao, chứ với tôi mặc dù thích đọc lịch sử và địa lý thế giới nhưng quả thật cái tên Nicosia khá xa lạ đối với tôi và tôi chỉ biết khi phải tìm xem thủ đô của Cyprus nằm ở đâu để có thể định vị những nơi mình muốn đến. Và đối với một nước xa lạ mà mình chẳng quen tên thành phố nào, hầu như thủ đô là nơi thích hợp cho một du khách đến đất nước đó lần đầu tiên.

Trong ngày đầu tiên đến thành phố Larnaca, trong khi đổi tiền trong một cửa tiệm tư nhân, ông chủ hỏi tôi tư đâu đến, tôi trả lời là người Việt Nam nhưng đến từ Úc vì tôi đã định cư ở Melbourne gần 40 năm. Ông ta có vẻ thích thú khi nghe hai chữ Việt Nam vì nó gắn liền với Vietnam War. Người đàn ông xem ra lớn hơn tôi dăm tuổi nói ông biết chiến tranh Việt Nam. Tôi nói tôi cũng biết xung đột giữa Cyprus với Thổ Nhĩ Kỳ, sự phân chia đất  nước này và tôi thích ông tổng giám mục Makarios, tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Cyprus.

Như bắt đúng tần số, người đàn ông làm nghề đổi tiền này liên tu bất tận nói về Tổng thống Makarios, người hùng của ông, một người mà ông cho là một người Cyprus vĩ đại, bị nhóm quân nhân lật đổ nên Cyprus mới bị chia cắt như ngày nay, làm cho ông phải sống lưu đày trong chính đất nước của ông, bởi vì trước năm 1974 ông sống ở miền bắc, nhưng khi Thổ Nhĩ Kỳ xâm lăng và chiếm miền bắc, ông phải đến sống ở miền nam hiện nay. Ông nói còn một số bạn bè của ông ở lại miền bắc nhưng gần đây, họ được phép qua lại thăm nhau ở bên kia biên giới.

Biết ông là một người Cyprus  Hy Lạp, tôi hỏi ông nghĩ gì về chế độ Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Recep Erdogan hiện nay, ông nói Thổ Nhĩ Kỳ có mộng bành trướng và ông tổng thống Erdogan theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Tôi hỏi ông từ đây lên thủ đô Nicosia có xa không, ông nói gần và nước Cyprus nhỏ xíu, nên chỉ mất hai ngày là đã đi hết.

Vũ Hà đợi ở trạm xe bus đối diện với khách sạn Sun Hall Hotel, chờ chuyến đi Nicosia tiếp theo. Hình: TVTS

Người chủ tiệm đổi tiền có vẻ nhàn hạ, làm việc rất tà tà như làm cho vui trong tuổi hưu. Đổi chỉ trăm đô la, nhưng chúng tôi nói chuyện khá lâu cho đến khi có khách tới đổi tiền thì tôi cám ơn và cáo lui.

Tưởng cũng nên nói đôi chút về nhân vật Makarios và nước Cyrpus.

Mikhail Khristodolou Mouskos sinh ra ở trong một gia đình người Cyprus gốc Hy Lạp. Khi trở thành phó tế của Chính Thống giáo ông lấy tên Makarios (có nghĩa được chúc phúc). Sau khi trở thành linh mục, ông được chọn làm giám mục năm 1948, Khi vị giáo chủ Makarios II qua đời năm 1950, ông được 400,000 người Cyprus gốc Hy Lạp bầu làm tổng giám mục và trở thành Tổng Giám mục Makarios III.

Ông là người từ nhỏ muốn Cyprus trở về với Hy Lạp vì ông cho rằng Hy Lạp đã làm chủ hòn đảo này từ xưa, nhưng rồi bị các nước xâm chiếm như Đế quốc La Mã, Đế quốc Byzantine, Đế quốc Pháp, Đế quốc Ottoman (Ottoman coi các tổng giám mục Chính Thống giáo như các nhà lãnh đạo, nguyên thủ của tín đồ Chính Thống) và cuối cùng là Đế quốc Anh.

Nhưng trên hòn đảo này còn có người gốc Thổ Nhĩ Kỳ dù họ là thiểu số (khoảng 20% thời Anh chiếm đóng) nên Anh không muốn Cyprus trở thành một phần của nước Hy Lạp. Cuối cùng, sau  thỏa hiệp giữa Anh, Thổ, Hy Lạp ông Makarios được bầu làm tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Cyprus vào năm 1959 với hiến pháp phó tổng thống phải là người gốc Thổ.

Quảng trường Liberty (Eleftheria Square) đang xây cất nằm giữa khu phố cổ (Ledra Street)  và khu phố mới;  tàn cây lớn với cao ốc bên phải là lối vào Ledra Street. Hình: TVTS

Là một người du  học ở Hy Lạp, phò Hy Lạp với chủ trương Cyprus phải trở về với đất mẹ, cuối cùng ông từ bỏ chủ trương này vì thấy khó thực hiện. Những vụ ám sát hụt và truất phế ông khỏi chức vụ tổng giám mục bởi các giám mục thất bại. Do đó, nhóm tướng lãnh cực đoan cánh hữu đã làm cuộc đảo chánh vào năm 1974, đưa người chủ trương tái hợp với Hy Lạp làm tổng thống. Vài ngày sau, Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân sang chiếm đến 40% phần đất miền bắc của Cyprus và lập nên nước Cộng hòa Thổ Bắc Cyprus, nhưng chỉ được Thổ Nhĩ Kỳ là nước duy nhất công nhận. Thế giới và Liên Hiệp Quốc vẫn coi phần đất miền bắc là của Cộng hòa Cyprus bị lực lượng vũ trang Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng.

Liên Hiệp Quốc đã cử lực lượng duy trì hòa bình để kiểm soát vùng phi quân sự chia cắt hai nước từ đó đến nay. Đường biên giới chia hai nước thù nghịch có đoạn chạy qua thủ đô Nicosia. Giáo chủ kiem chính khách Makarios qua đời năm 1977 lúc 63 tuổi giữa lúc giấc mơ đoàn tụ với Hy Lạp hay toàn vẹn lãnh thổ đã không còn nữa.

Cũng vì cái tên Makarios và hình ảnh ông giáo chủ tối cao của Chính Thống giáo ở Cyprus đi đây đó với tư cách là một tổng thống mà tôi thấy hồi còn thanh niên, đã khiến tôi du lịch Cyprus.

Đường lên Nicosia. Đến biên giới mà không biết!

Trước khi lên thủ đô, tôi nhắm vài nơi sẽ đi thăm nếu hoàn cảnh cho phép. Tôi hỏi nhân viên khách sạn Nicosia có lớn hơn Larnaca không thì được trả lời dĩ nhiên lớn hơn, vì đấy là thủ đô.

Vợ chồng tác giả bút ký đứng giữa một  ngã tư trong khu phố cổ Ledra Street. Hình: TVTS

Để tránh hỏi nhiều làm phiền người khác, tôi lên mạng và dự tính chọn một vài nơi sẽ đi. Nhưng thấy một vài di tích được cho là đáng xem nằm cách trung tâm thành phố từ 11 đến 45 cây số, nên tôi chỉ giữ ý định xem phố cổ Ledra và Viện bảo tàng Leventis vì tôi cả không có được một bản đồ của thành phố để biết mình đang đứng ở đâu khi tới Nicosia. Tôi nói với nhà tôi, lên đó sẽ đi vòng vòng trong chu vi 1 cây số là tối đa để có thể trở lại bến xe bus. Kẹt quá thì gọi xe taxi trở về Larnaca.

Larnaca cách Nicosia khoảng 55 cây số. Tôi dự trù đi bằng xe bus để tiết kiệm tiền như nhân viên khách sạn gợi ý, hơn nữa cũng vì thích thưởng thức không khí và sinh hoạt đi lại bằng phương tiện công cộng của người địa phương. Trở về nếu trễ hay hết chuyến xe bus, sẽ gọi taxi.

Chúng tôi ra ngoài đường trước mặt Sun Hall Hotel đi bộ đến trạm xe bus cách khách sạn chưa tới trăm mét. Ở đây có nhiều tuyến đi khác nhau, chúng tôi chỉ đợi chuyến nào có bảng hiện chữ Nicosia là nhảy lên. Tùy ngày và tùy thời gian, khoảng nửa tiếng đến một tiếng có một chuyến.

Vé khứ hồi 7 Euro/ người (khoảng 11.4 Úc kim) trong khi một chuyến taxi giá chính thức tại các bến xe taxi là 45 Euro (khoảng 73 Úc kim) nhưng trong khi đi taxi mất khoảng 45 phút, đi xe bus phải mất một tiếng trở lên vì xe ngừng ở nhiều trạm.

Vũ Hà trước cột cĩ các biển chỉ đường trong khu phố cổ Ledra. Hình: TVTS

Larnaca nằm ở vùng ven biển, đi Nicosia nằm giữa trung tâm của hòn đảo Cyprus, xe chạy qua vùng cao nguyên có nhiều đồi ít cây cối, ngoại trừ cây được trồng dọc hai bên xa lộ. Thỉnh thoảng cũng thấy những thị trấn dọc đường nhưng như bạn đọc có thể  đã biết, dân số của Cộng hòa Cyprus chỉ khoảng 1.17 triệu người. Larnaca là thành phố đông dân thứ ba chỉ có 72 ngàn người, thành phố Limassol lớn thứ nhì có 154 ngàn người và thủ đô Nicosia nơi dân số cao nhất cũng chỉ khoảng 200 ngàn dân (Dân số của cả Cộng hòa Thổ Bắc Cyprus chỉ 320 ngàn người).

Từ Larnaca đi lên Nicosia mất 75 phút. Xe bus ngừng ở trạm xe trung ương. Bây giờ là 2 giờ chiều, chúng tôi xem bảng giờ xe chạy về Larnaca. Từ  4 giờ đến 6 giờ chiều, nửa tiếng có một chuyến. Sau đó còn hai chuyến lúc 7.30 và 9 giờ tối. Đã du lịch ở đảo mà không tắm là có một sự thiếu sót  nên chúng tôi dự tính sẽ đi thăm phố xá trong vòng 4 tiếng là tối đa để còn kịp về tắm biển hay hồ bơi trong khách sạn.

Dừng 4 tiếng tại một địa điểm là hơi “bị” lâu đối với một chuyến đi tour trong ngày của các công ty lữ hành.  Đã không có mobile phone lại không có cả bản đồ cầm tay, chúng tôi cứ đoán mò tìm đường mà đi tới trung tâm phố hay lên phố cổ Ledra. Chỉ chừng đó thời gian e rằng mò đường là hết giờ, dù ở đây đường sá mang biển bằng hai thứ tiếng Hy Lạp và Anh. Tôi thấy bên tay trái chỗ xe bus đậu là tòa thị chính (municipality town hall) của Nicosa nằm từ xa, khoảng chừng một cây số nhưng phải băng qua xa lộ và khoảng đất trống.

Hỏi vài người đi đường hướng ra city centre, chúng tôi băng qua ngã tư phía trước mặt, gặp ngay một biệt thự cổ màu vàng trước sân cây cối um tùm với bức tường thấp có hai ông lính đội mũ bê-rê màu đen đứng cầm súng  tay đặt sẵn gần chỗ bóp cò, mặt lạnh như tiền.

Hai khách bộ hành đi qua trước cửa vào Viện bảo tàng Leventis. Hình: TVTS

Du lịch mấy chục nước, từng đi (vì phải) băng ngang qua các cơ sở hành chánh, ngoại giao, chính trị nhưng tôi chưa bao giờ thấy mấy ông lính gác trông dữ như vậy. Tôi bảo nhà tôi đi qua chỉ liếc mắt chớ đứng lại nhìn, vì lề đường này quá sát với cổng tòa nhà.

Tôi biết đất nước này đang bị chia đôi, thành phố Nicosia ở gần biên giới, trong 45 năm chia cắt có những xung đột nhưng không có chiến tranh đẫm máu như Việt Nam lại cũng không phải là nơi có những vụ khủng bố như ở các nước trong vùng. Sau đó tôi lên mạng tìm nhưng đến nay vẫn không biết đó là cơ quan gì, nhưng biết một điều dù quá trễ: nơi chúng tôi đến thăm chính là biên giới giữa hai miền thù địch, là một thành phố bị chia đôi như thành phố Bá Linh. Cyprus là một  đất nước bị qua phân mới nhất sau Đức, Đại Hàn và Việt Nam.

Qua việc hỏi đường một khách bộ hành thứ hai, chúng tôi đã đến nơi chúng tôi muốn đến. Sau khi đi bộ vài trăm mét qua vài khu phố được xem là trung tâm thành phố, chúng tôi gặp  một quảng trường rất lớn xây bắc ngang xa lộ, phần giữa tương đối gần xong nhưng hai bên đang còn trong giai đoạn thi công. Quảng trường này có tên Eleftheria Square (tiếng Anh, Liberty Square).

Cuối quảng trường, sau một tàn cây to cạnh ngân hàng Cyprus Bank là những con đường nhỏ chỉ dành cho người đi bộ. Nhìn nhà cửa, phố xá, quán ăn, tôi biết đây là Phố cổ Nicosa (Old Town Nicosa) hay Phố cổ Ledra và con đường nổi tiếng Ledra  Street nằm đâu đó trong những con đường đi bộ tính từ gốc cây sau (hay trước) Quảng trường Liberty.

Cây lớn giữa quảng trường Liberty và khu phố cổ Ledra Street

Chúng tôi đi bộ vào con đường đẹp nhất, có vẻ “cổ” nhất với những mái che bằng vải màu mè hình tam giác treo trên cao ngang tầm mái lầu hai, có thể vừa là trang trí vừa che nắng. Dọc con đường này có các tiệm ăn như McDonalds, quán ăn uống của người địa phương hay sắc dân khác tràn ra vỉa hè, cửa hàng thời trang, giày dép, nữ trang, gia dụng.  Đi xa hơn ở những đoạn hẻo lánh có những tiệm $2Eu shop.

Tôi nói với nhà toi con đường có vải che hoa hòe này đích thị là Ledra Street. Mình đã tới đúng chỗ, bây giờ kiếm chỗ ăn uống, xem vài tiệm bán hàng coi có gì đáng mua, chụp vài bức hình kỷ niệm. Nếu còn giờ thì tiếp tục đi quanh quẩn ở khu vực này.

Vì có những con đường nằm song song với Ledra Street và những con đường cắt ngang, tôi e rằng không có thì giờ để thuê taxi đi xem tòa nhà quốc hội hay tòa thị chính…

Đến gần 4 giờ chiều, chúng tôi đi qua một góc đường, thấy có những mũi tên song ngữ chỉ đường như tourist information, postal museum, Cyprus classic – motorcycle museum, toilet và Leventis Municipal Museum.  Thấy tên viện bảo tàng này, tôi nhớ lại đã chọn cái tên này trước khi rời thành phố Larnaca, nay tình cờ thấy thì phải vào xem.

Chỉ mất khoảng 20 bước chúng tôi thấy tòa nhà rất cũ ba tầng màu vàng nằm trên con đường rất nhỏ cạnh các tiệm bán hàng tạp nhạp. Thế là có cơ hội xem, nhưng khi nhìn ngày giờ mở cửa mới biết họ đóng cửa lúc 4 giờ chiều. Chúng tôi chẳng còn dịp xem những di tích lịch sử của một hòn đảo có người ở hàng ngàn năm trước và được di dân Hy Lạp tới định cư trước công nguyên.

Vũ Hà ở một gĩc đường trong khu phố mới của Nicosia. Hình: TVTS

Đang đứng trước bảo tàng viện Leventis chụp bức hình gỡ gạc, một phụ nữ trẻ tuổi đi qua nhìn chúng tôi cười. Tôi nói chụp hình để làm kỷ niệm vì đã đóng cửa. Phụ nữ bảo ngày mai trở lại. Tôi nói chiều nay tôi trở lại Larnaca, không còn cơ hội. Phụ nữ tươi cười khoe với chúng tôi ông chú/bác (my grand uncle) là người lập ra cái viện bảo tàng này đó. Tôi nói thật là đáng tiếc. Và còn đáng tiếc hơn nữa là sau khi đi vòng vòng nhiều con đường trong khu vực này, thấy có nhiều nơi nhà đóng cửa, đường vắng tanh, tôi đã không nghĩ ra rằng  chúng tôi đã tiến gần biên giới dài 180 cây số chia cắt hai miền nam bắc đảo Cyprus.

Nếu chúng tôi đi thẳng đường Ledra chừng trăm mét về hướng bắc chúng tôi có thể đứng nhìn lính gác biên giới, nơi người ta có thể qua bên kia phần đất do Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng từ năm 1974 nếu có visa.

Tôi đã từng đứng sát dưới chân cầu Hiền Lương phía nam sông Bến Hải khoảng đầu thập niên 1960 để nhìn xem mấy ông lính Việt Cộng gác giữa cầu mặt mày ra sao. Lần đầu tiên thấy Việt Cộng bằng da bằng thịt, quả là “ấn tượng”. Lại nghe các loa phóng thanh của Bắc Việt tuyên truyền ồn ào hướng về phía Miền Nam thì đúng như những gì người Miền Nam nói về Việt Cộng. Thấy thuyền chèo thong thả chạy dọc bờ sông bên kia và tiếng chuông nhà thờ đổ, tôi hỏi mấy anh lính gác VNCH có phải là tiếng chuông thật không, họ trả lời cộng sản làm gì có tự do tôn giáo, tiếng chuông đánh lên để chỉ tuyên truyền thôi; còn chiếc đò bên kia sông là của bọn do thám giả vờ thường dân. Tôi không nghĩ là mấy anh lính VNCH tuyên truyền. Tôi tin họ.

Trong một chuyến du lịch Đức vào năm 2015, vợ chồng chúng tôi cũng đã tới thăm cổng Brandenburg từng chia cắt đông và tây Bá Linh.

Năm 2011, chúng tôi du lịch Nam Hàn nhưng đã không có hứng thú đi thăm vùng phi quân sự ở Bàn Môn Điếm dù địa điểm này không xa trung tâm thành phố Seoul bao nhiêu.

Bến đợi xe bus ở Nicosia chạy về Larnaca. Xa xa cuối hình là  tịa thị chính Nicosia. Hình: TVTS

Và vừa qua, trong chuyến đi thăm thủ đô Nicosia, tôi đã không ngờ mình đã tới tận vùng phi quân sự của hai nước Cyprus. Mà không biết!

Thế mới biết người du lịch và viết bút ký đường xa trong 30 năm đôi khi cũng không nhạy bén. Có lẽ vì chuyến đi này đã không định trước do nổi hứng đi trong vài tiếng đồng hồ.

Trở về, xe bus chạy mất đến 90 phút nên chúng tôi không còn dịp tắm biển hay hồ bơi. Thấy khách sạn quá tử tế với mình, chúng tôi thử ăn một buổi tối tại khách sạn xem sao (phòng ăn trưa và tối khác phòng ăn sáng, và có những bàn đặt ở khu vực đường đi). Chung tôi gọi một đĩa thịt beefsteak và một đĩa thịt heo địa phương nướng xem sao. Thịt quá nhiều, nhưng ăn được vài miếng đầu, sau đó cảm thấy thịt bò cũng như thịt heo của Cyprus không ngon như mong đợi. Chỉ ăn được nửa đĩa là phải bỏ dao nĩa xuống.

Người chạy bàn rất lịch sự, ân cần hỏi han khi ăn nên tôi tới tận quầy để trả tiền, tránh cho ông thấy đồ ăn thừa. Hỏi tôi có ngon không, tôi ráng cười nói OK.

Tôi lại nói với nhà tôi, mình cần giữ chủ trương ăn nơi có đồ ăn ngon chứ không nên ăn để làm vui chủ nhà hàng, và dù có ăn ủng hộ thì cũng cần món ăn phải trung bình trở lên. Nói là một chuyện, nhưng nhiều lúc làm, lại là chuyện khác.

Nguyễn Hồng-Anh
Melbourne 28.12.2019

 

(Trích từ báo giấy TVTS số 1762 phát hành ngày 1.1.2020)