Đối phó với corona vi-rút mới: nên cẩn trọng, tránh hoảng sợ

12 Tháng Hai, 2020 | Bình Luận
Một bác sĩ đeo các thiết bị bảo hộ trước khi vào phòng cách ly tại bệnh viện ở Vũ Hán, Trung Quốc (ảnh tư liệu ngày 30/1/2020). Photo courtesy: Reuters

Trong những ngày qua, có lẽ hàng triệu người trên thế giới đã ở trong tình trạng bồn chồn lo lắng, cập nhật từng giờ, từng ngày diễn biến về sự lây lan chủng vi-rút corona mới. Điều mọi người e sợ đó là nó có thể trở thành đại dịch như đợt SARS hồi năm 2002-2003, cướp đi sinh mạng của gần 800 người trên 17 quốc gia. Giờ đây, sau gần 20 năm chúng ta lại đối mặt với một loại vi-rút lan nhanh và có thể dẫn đến chết người khác, coronavirus mới (gọi tắt là 2019-nCov), cũng xuất phát từ Trung Quốc.

Tính đến thời điểm ngày Chủ nhật 26/1, chủng vi-rút này đã giết chết 56 người bệnh tại TQ, trong khi 300 người khác đang ở trong tình trạng nguy hiểm. Điểm bùng phát ban đầu là thành phố Vũ Hán thuộc tỉnh Hồ Bắc, và cho đến bây giờ nó đã lan ra tới không chỉ các tỉnh thành khác của TQ mà còn tới hàng chục các quốc gia khác. Nước Úc cũng đã xác nhận 4 trường hợp nhiễm loại vi-rút mới này, mặc dù các nhà chức trách cho rằng con số này có thể sẽ tăng lên, do thời gian ủ bệnh kéo dài trong khoảng hai tuần lễ.

Ngay lúc này đây, chúng ta chưa có một loại thuốc kháng sinh đặc trị cho chủng coronavirus mới này, mà chỉ biết chờ đợi diễn biến và theo dõi từng bước đi của nó, để biết những địa điểm cần tránh lui tới. Một điều có thể nói là “lạ” từ phía chính quyền Trung Cộng trong lần dịch bệnh này, đó là công nhận mối đe dọa của căn bệnh dịch ngay từ đầu, thay vì tìm cách lẩn tránh tìm cách giảm nhẹ mức nghiêm trọng như hồi đại dịch SARS. Chủ tịch Tập Cận Bình đã gọi tình hình hiện tại là “vô cùng nguy kịch” và cảnh báo tốc độ lây lan “tăng cao”.

Dường như phía TQ đang dồn toàn lực để cố gắng kiềm chế dịch bệnh. Cả thành phố Vũ Hán bị phong tỏa, khiến khoảng 11 triệu người mắc kẹt không biết đến bao giờ. Chính phủ TQ cũng đã điều động thêm hơn 400 bác sỹ quân y để phục vụ việc điều trị bệnh nhân tại đây. Họ cũng bắt đầu thực hiện xây dựng một bệnh viện đặc biệt để hỗ trợ việc chữa trị cho bệnh nhân nhiem bệnh, với thời gian dự kiến hoàn thành chỉ trong vòng 10 ngày. Hy vọng các biện pháp của giới chức nước này đã không đến quá muộn, và có thể thực sự tạo ra sự thay đổi.

Còn đối với chúng ta, có lẽ nên thật cẩn trọng nhiều hơn là hoảng sợ. Cho đến nay, những trường hợp người tử vong phần lớn là đến từ những người vốn đã mắc những bệnh mãn tính, những người có sức khỏe yếu là những đối tượng dễ bị nhiễm bệnh – cũng tương tự như đối với bệnh cúm. Bệnh cúm thông thường được cho là nguyên nhân dẫn đến cái chết của 400 nghìn người mỗi năm, với tỷ lệ tử vong dưới 1%. Tuy nhiên, bệnh do coronavirus mới này gây ra khác ở chỗ là chưa có vắc-xin phòng bệnh, và rõ ràng là chúng ta cũng chưa nắm rõ khả năng lây lan của nó.

Hiện chúng ta cũng chưa thực sự biết chắc về độ nguy hiểm của loại vi-rút corona mới này, bởi vì nó có thể chỉ gây ra mức độ ảnh hưởng nhẹ đối với một số người nhưng lại làm một số người khác lâm bệnh trầm trọng. Các chuyên gia y tế cho rằng cần thêm số liệu để xác định được mức nguy hiểm và khả năng lây nhiễm từ người sang người của loại coronavirus năm 2019 này.

Trong khi chờ đợi các kết luận cụ thể cuối cùng từ các đội ngũ y tế, người dân được khuyến cáo vẫn nên áp dụng những phương cách đơn giản nhất để bảo vệ bản thân. Đó là thường xuyên rửa tay bằng xà bông, khi đến nơi đông người thì che miệng và mũi để phòng tránh việc bị lây nhiễm qua các giọt chứa vi-rút. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), điều quan trọng nhất trong việc giảm thiểu tối đa một bệnh dịch đó là,  xác định ca nghi ngờ nhiễm bệnh nhanh chóng, chẩn đoán nguyên nhân chính xác, định vị các đối tượng và triển khai các phương cách kiểm soát hợp lý.

Chúng ta có thể tin tưởng hệ thống y tế của Úc có đầy đủ cơ sở vật chất và thực hiện nghiêm ngặt các bước trong bối cảnh dịch bệnh xẩy ra. Điều khiến người dân lo lắng đó là một mật độ di chuyển hàng không dày đặc giữa Úc và Trung Quốc. Như vậy, việc theo dõi chặt chẽ những người bay tới Úc, kiểm soát biên giới, để phát hiện ra những nguồn có khả năng lây nhiễm bệnh là vô cùng quan trọng lúc này.

(Trích từ báo in TVTS số 1766 phát hành ngày 29.1.2020)