12 dự án thua lỗ nghìn tỷ của ngành Công thương: nếu không thể phục hồi thì kiên quyết giải thể

03 Tháng Tư, 2020 | Tin Việt Nam
Hình minh họa. Nhà máy sản xuất phân bón DAP 2 – Lào Cai. Photo courtesy: daplaocai.com.vn

Trong danh sách 12 dự án kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương, nếu dự án nào không thể phục hồi thì kiên quyết giải thể, phá sản, không nói chung chung là đang tốt hơn nhưng thực tế vẫn đang lỗ, có khi còn lỗ nặng, càng xử lý, càng mất vốn.

Báo trong nước loan tin ngày 3/4 trích phát biểu của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trong phiên họp thứ 9 của Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành Công Thương diễn ra cùng ngày.

Cụ thể, ông Trương Hòa Bình khẳng định Nhà nước không phải tiếp tục gánh nợ treo lơ lửng từ các dự án. Do đó cần đánh giá kỹ dự án nào phát triển được thì đưa ra khỏi danh sách 12 dự án yếu kém. Còn dự án nào cần liên doanh, bán đứt hoặc cho thuê tài sản thì tìm kiếm, kêu gọi các đối tác hợp tác, vận hành dự án. Đối với những dự án thua lỗ, nếu có thể thì cho giải thể, phá sản, không để kéo dài đeo đẳng.

Danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ gồm Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1-Hải Phòng; Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2-Lào Cai; Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình; Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc; Công ty TNHHMTV Công nghiệp tàu thủy Dung Quất; Dự án nhà máy thép Việt-Trung; Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ; Dự án nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học (NLSH) Quảng Ngãi; Dự án sản xuất NLSH Bình Phước; Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam; Dự án nhà máy sản xuất NLSH Phú Thọ; Dự án mở rộng sản xuất giai đoạn 2-Công ty Gang thép Thái Nguyên.

Trong đó, hiện chỉ có 2 dự án có lãi là DAP-1 Hải Phòng và Thép Việt-Trung; 4 dự án đang khắc phục khó khăn, giảm lỗ là Đạm Hà Bắc, Đạm Ninh Bình, DAP-2 Lào Cai và Công nghiệp tàu thủy Dung Quất.

Ngoài ra, trong 3 dự án bị dừng sản xuất kinh doanh, hiện Dự án nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đã vận hành lại. Hai dự án đủ điều kiện vận hành nhưng do điều kiện thị trường khó khăn nên chưa thể khởi động là nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Quảng Ngãi và Bình Phước.

Để cố gắng giảm thiểu thiệt hại tối đa cho nhà nước trong quá trình xử lý thoái vốn nhà nước tại các dự án nêu trên, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đề nghị Bộ Tài chính chỉ đạo và tạo điều kiện để Công ty Trách nhiệm hữu hạn Mua bán nợ Việt Nam tham gia tái cơ cấu các dự án, doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.

Được biết, đây đều là các doanh nghiệp có ảnh hưởng đến nền kinh tế, đóng góp quan trọng vào cung cầu, ngân sách nhà nước.