ANZAC DAY 25 tháng 4: tưởng niệm những người đã hy sinh cho nước Úc

24 Tháng Tư, 2020 | Tin nước Úc
Tác giả Nguyễn Hồng-Anh trước bia đá ANZAC COVE nơi binh sĩ Úc đổ bộ vào ngày 25.4.1915. Hình: TVTS

MELBOURNE – Mỗi năm cứ đến ngày 25 tháng 4, người dân Úc tưởng nhớ những người đã hy sinh cho đất nước, bảo vệ nước Úc và tự do dân chủ trên khắp thế giới qua nhiều cuộc chiến, từ Đệ nhất Thế chiến đến nay.

Năm nay là năm thứ 105  để tưởng nhớ binh sĩ Úc đã đổ bộ lên bán đảo Gallipoli ở Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 25.4.1915 tại nơi mà ngày nay chúng ta gọi là Anzac Cove.

Khác với những năm trước có những buổi tưởng niệm lúc hừng đông, những cuộc diễn hành, năm nay do đại dịch Vũ Hán nên việc tưởng niệm bị giới hạn do áp dụng lệnh khoảng cách xã hội.

Đài ABC sẽ truyền hình trực tiếp buổi lễ trước khi mặt trời mọc tại Đài Chiến sĩ Trận vong Australian War Memorial. Người dân Úc có thể thức dậy sớm để xem.

Và vào lúc 11.30 sáng Thứ Bảy 25.4.2020 sẽ có một phút mặc niệm để tưởng nhớ cuộc đổ bộ đầu tiên của quân đội Úc tại Gallipoli cách đây đúng 105 năm.

Anzac là ngày linh thiêng bậc nhất của người Úc và nước Úc, là ngày làm nên hằng tính của người Úc, xả thân vì quê hương đất nước, bảo vệ người dân, dù phải hy sinh tính mạng.

Nhân dịp này, TiVi Tuần-san đăng trích đoạn bút ký du lịch Thổ Nhĩ Kỳ và hành hương Gallipoli của Chủ bút TVTS Nguyễn Hồng-Anh vào năm ngoái.

Đi thăm nơi hình thành ANZAC: GALLIPOLI ở Thổ Nhĩ Kỳ 

Đường tới Gallipoli

Sau khi đón khách ở các khách sạn nằm hai bên Vịnh Sừng Vàng (Golden Horn), lên đồi xuống dốc ở những con đường nhỏ hẹp, chiếc xe bus cỡ trung chở khoảng 30 người ra khỏi thành phố, chạy trên xa lộ có hai lane. Từ đây xe chạy về hướng tây nam, dọc eo  Biển Marmara tới Eo biển Dardanelles, tới tỉnh Canakkale nơi có thành phố  Gallipoli, là vùng đất thuộc Âu Châu của Thổ Nhĩ Kỳ. Có thể nói, cùng với Biển Đen (Black Sea), Biển Marmara tách Thổ  Nhĩ Kỳ làm hai phần mà phần thuộc Á Châu có diện tích lớn hơn.

Con đường dài hơn 300 cây số có nhieu đoạn xa lộ khác nhau, có nơi có 3 lane, có đóng lệ phí sử dụng. Xe bus chạy với tốc độ trung bình 100 hay 80 cây số giờ.

Anzac Commemorative Site. Hình: TVTS

Xe chạy khá nhiều tiếng, đến một nghĩa trang lớn nằm bên tay phải, tài xế bảo chúng tôi có được 10 phút để xem. Nhưng tôi thấy không giống nghĩa trang của tử sĩ Anzac mà tôi thấy trên báo chí. Vì tài xế nói tiếng Anh rất ít nên không thể hỏi thêm, chúng tôi cứ vào xem. Ở cổng thấy tượng điêu khắc không giống binh sĩ Úc nên tôi biết rằng đây là nghĩa trang của tử sĩ Thổ. Ở cổng có bảng song ngữ Anh-Thổ nhờ đó mới biết đây là Akbas Martyrs’ Memorial, vườn/đài tưởng niệm các vị tử đạo, chết như tử đạo tại bệnh viện Akbas do bị thương ngoài mặt trận, hay do những bệnh không chữa trị được trong trận chiến ở Dardanelles.

Cảnh đẹp nên nhà tôi cứ đi vòng vòng chụp hình. Tôi chỉ đứng ngắm khu vực mặt tiền, xem tên của vài tử sĩ ghi trên bia đá, suy nghĩ về chiến tranh, về ý nghĩa của danh từ tử đạo của các tôn giáo, rồi trở về xe.

Sau khoảng 4 tiếng ngồi trên xe, chúng tôi tới Gallipoli và được nghỉ ngơi ăn trưa trong vòng 45 phút tại một thành phố cảng có tên Aceabat. Cảnh cua Eo biển Dardanelles tĩnh mịch, rất đẹp. Tại đây chúng tôi được công ty du lịch có trụ sở ở đây điểm danh, dẫn vào nhà hàng ăn trưa và sau đó chuẩn bị lên đường với một người hướng dẫn du lịch.

Một số người trong chuyến xe bus được hướng dẫn tới bến tàu để đi qua thành phố Troy nơi có Con ngựa Thành Troy. Một số khác từ Troy (tour hai ngày một đêm) trở về nhập với chúng tôi để đi thăm khu di tích lịch sử trận chiến Gallipoli.

Du khách xem những bức hình phóng lớn và chú thích về cảnh của trận chiến, các thương binh… Hình: TVTS

Chúng tôi gồm đa số người Úc, hai Úc gốc Việt, cô Úc gốc Tàu với người bạn trai gốc Trung Đông, một phụ nữ gốc Ấn, hai vợ chồng gốc Ý ở Melbourne, hai phụ nữ Úc ở Gold Coast… cùng lên đường trong chiếc xe bus mà chúng tôi đã đi từ Istanbul.

Sở dĩ tôi nói về nguồn gốc sắc tộc bởi anh hướng dẫn viên trẻ tóc dài trông rất hippy hỏi nguồn gốc của du khách. Dĩ nhiên người Úc và Tân Tây Lan họ có lý do để đi thật xa thăm viếng Gallipoli như là cháu chắt của tử sĩ. Chúng tôi gốc Việt cũng có lý do. Nhưng không hiểu bà gốc Ấn (nhập bọn với chúng tôi từ chuyến đi Troy trở về) có lý do gì?  Trong các dịp đi tour trong một ngày, tôi nhận thấy du khách người Úc thường to ra vui vẻ và thân thiện hàng đầu so với các sắc dân khác.

Xem 7 di tích trên núi

Hướng dẫn viên du lịch  cho chúng tôi biết khi lên núi, chúng tôi sẽ được hướng dẫn đi xem 7 nơi mang di tích của những trận chiến và đài kỷ niệm của binh sĩ tử trận. Xe chạy qua khu vực bên kia đồi (núi) mà tôi nghĩ đó là Biển Aegean, Maditerranean và Thracian, dừng lại ở một bãi biển. Tại đây anh mở tấm bản đồ lớn bằng nửa cái bàn ăn, và bắt đầu diễn thuyết, nói về trận chiến, sự lãnh đạo tồi của Anh trong đó có ông Winston Churchill trong vai trò cố vấn của Bộ Hải quân và quyết định sai lầm của họ đã dẫn đến sự bại trận của quân đổ bộ Úc-Tân Tây Lan trong chien dịch Gallipoli.

Tôi muốn đi viếng nghĩa trang hơn là nghe sự bình luận thắng bại quá dài dòng của một hướng dẫn viên người Thổ nên lặng lẽ ra ngoài bờ biển ngắm cảnh và  đợi dẫn đi xem các nghĩa trang và di tích lịch sử của trận chiến đẫm máu mà từ đó đã hình thành một trong những đặc tính, hằng tính của người Úc, độc lập với người Anh.

Chúng tôi ra xe, tiếp tục đến Anzac Cove, một địa điểm linh thiêng của người Úc vì chính ở vịnh Anzac Cove này, lính Úc và Tân Tây Lan đổ bộ và bị lính Thổ Nhĩ Kỳ từ trên đồi cao bắn xuống. Làm sao mà không từ chết tới bị thương khi từ dưới bờ biển trèo lên dốc và vách đá cheo leo với hỏa lực từ trên bắn xuống?

Không can giải thích, nhìn cảnh này là ai cũng thấy rằng đổ bộ ở đây là một sai lầm của người Anh. Chiến dịch Gallipoli bắt đầu từ ngày 25.4.1915 kéo dài trong 4 tháng làm binh sĩ cả hai bên tổn thất nặng nề.

Bức điêu khắc một binh sĩ bế một thương binh, trước khi vào khu Lone Pine. Hình: TVTS

Mustapha Kemal Ataturk (sau này là tổng thống đầu tiên của Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ) lúc đó chỉ huy một sư đoàn từ trên đồi cao ngăn chận quân Úc và Tân Tây Lan đổ bộ lên bờ. Họ chiến đấu ở các giao thông hào, núp dưới hầm cách nhau chừng chuc mét hay có lúc đánh cận chiến, xáp lá cà và như người ta nói, nhờ Ataturk mà quân Anzac thất bại trong chiến dịch Gallipoli.

Chúng tôi cũng xem tấm bia rất lớn mà Ataturk cho khắc vào năm 1934 (khi đang làm tổng thống) nói với các binh sĩ địch mà ông gọi là các anh hùng, với các bà mẹ có con đang nằm trong lòng đất của nước ông, rằng sau khi họ chết trên đất này “họ cũng trở thành con cái của chúng tôi”. Thật là một cử chỉ và những lơi nói tuyệt vời của vị tổng thống lập nên nền Cộng hòa Thổ.

Trong lúc anh hướng dẫn viên du lịch nói thao thao bất tuyệt cho các du khách thì vợ chồng chúng tôi tách ra, đi xem thắng cảnh hay những di tích. Biển nhìn trên doc cao thì quá đẹp nhưng hãy tưởng tượng trận chiến cách đây trên 100 năm kinh hoàng biết bao, nhất là khi xem những bức hình được phóng lớn gắn trên tường tại một số di tích.

Chúng tôi cũng đi xem những giao thông hào của binh sĩ Anzac nằm hàng ngang đối diện với hầm của lính Thổ (Đế quốc Ottoman lúc đó), cách nhau chừng 10 mét bởi con đường trải nhựa cho xe hơi chạy.

Lone Pine Australian Memorial là nơi người Úc làm lễ tưởng niệm hừng đông mỗi ngày Anzac Day hàng năm. Hình: TVTS

Rồi chúng tôi được hướng dẫn đi xem Anzac Commemorative ở khu đất xuôi sát biển có bia đá ghi tên tử sĩ Úc. Bờ biển hình vòng cung nước xanh trông rất đẹp làm tôi nhớ bãi Ô Quắn ở Vũng Tàu, bãi biển Nha Trang. Có những tấm bảng song ngữ yêu cầu không được tổ chức pinic vui chơi ở những khu vực tưởng niệm này.

Đất ở khu vực tưởng niệm này thoai thoải rộng chừng một trăm mét, nếu đổ bộ ở chỗ này, theo tôi nghĩ, sẽ bớt thương vong và tử vong, nhưng đó là  chuyện của lịch sử. Một bức tường xi măng lớn và dài ngăn đất chuồi (retaining wall) với nhiều hình ảnh sống động và ghi chú về chiến dịch Gallipoli 1915.

Chúng tôi lại lên xe đi tiếp đến khu vực có bức điêu khắc một người lính bồng một người lính bị thương có tên The Respect to Mehmetik Monument tại Pine Ridge viết bằng tiếng Thổ nên tôi không hiểu ý nghĩa đích thực của bức tượng này, có phải lính thổ bế một lính Úc bị thương không (tôi không có dịp hỏi anh hướng dẫn vì anh hầu như luôn luôn nói vơi du khách như đọc bài. Hướng dẫn viên du lịch nào mà chẳng thế?).

Ngay sau đó chúng tôi bước sang Lone Pine Australian Memorial là nơi mà hàng năm nước Úc tổ chức lễ hừng đông sáng sớm ngày 25 tháng 4 dịp lễ Anzac Day. Có thể gọi nghĩa trang nhưng đúng hơn là khu tưởng niệm bởi với bia đá (như ngôi mộ nhỏ) ghi tên tuổi và những lời cầu nguyện hay tình yêu mà thân nhân dành cho những người chết trong chiến dịch Gallipoli. Chúng tôi không đứng nghe hướng dẫn viên du lịch giải thích mà đi quanh khu vực này quan sát, nhìn tên một số tử sĩ và thấy có nhiều người tuổi dưới 20. Tôi đã thấy Đài Tưởng Niệm này hàng năm trên truyền hình và nay được may mắn đến tận nơi thăm viếng. Và cũng nhờ nhìn cây thông duy nhất ở khu tưởng niệm này tôi mới hiểu hai chữ Lone Pine! Cũng từ đây, nhìn qua bên kia núi cao, chúng tôi thấy một cái đài cao với lá cờ Thổ.

Những chiến hào kiên cố của binh sĩ Thổ. Hình: TVTS

Chúng tôi quanh quẩn ở đây rất lau  cho đến khi bị gọi lên xe để tiếp tục đi chỗ khác: nghĩa trang Johnston’s Jolly Cemetery (lấy tên của vị chuẩn tướng chỉ huy Sư đoàn Pháo binh Úc ở Gallipoli), sau đó được đài tưởng niệm của trung đoàn bộ binh 57th Infarntry Regiment đã chiến đấu rất anh dũng mặc dầu bị thiệt hại rất nặng nề. Từ tháp cao tiếng cầu nguyện vang vọng cả khu vực.

Địa điểm cuối cùng mà chúng tôi thăm viếng là Chunuk Bair New Zealand Memorial. Đây là nơi mà quân Tân Tây Lan và Anh Quốc vào giữa đêm tối  bất thình lình từ dưới bãi biển trèo lên đỉnh đồi cao này tấn công quân Thổ vào tối 6.8.1915 và chiếm đóng trong 2 đêm sau khi bị quân Thổ phản công giành lại. Vợ chồng chúng tôi lại đi vòng vòng xem những giao thông hào sâu chừng một mét, lúc này hai bên thành hố được củng cố bằng những lớp cây để duy trì những di tích lịch sử của một trận chiến đẫm máu trong Đệ nhất Thế chiến.

Tuy là khu vực tưởng niệm của Tân Tây Lan, nhưng tôi  thấy có nhiều cờ Thổ Nhĩ Kỳ, những đám học sinh ngồi dưới cờ nghe thầy giảng, có lẽ về trận Gallipoli như là một phần trong môn sử của họ.

Nhìn cách nói của anh hướng dẫn viên du lịch đến cảnh cờ xí và người Thổ trong khu tưởng niệm này, tôi thấy người Thổ tỏ ra rất hãnh diện về họ.

Đài tưởng niệm binh sĩ Tân Tây Lan Chunuk Bair New Zealand Memorial. Hình: TVTS

Đến gần 5 giờ chiều, xe bus đưa chúng tôi xuống núi, trở lại thành phố cảng Eceabat. Anh hướng dẫn viên người  Gallipoli chào từ biệt, không nói gì tiền típ dù anh phải nói hàng giờ, chỉ xin mọi người hãy lên mạng nhận xét tốt cho công ty du lịch của anh (nhưng chê cũng không sao) bởi anh nói người Gallipoli rất cần du khách mà trong mấy năm qua nhiều văn phòng phải đóng cửa, nhân viên du lịch bị thất nghiệp. Dịch vụ du lịch mới được phục vụ phần nào hồi gần đây  và anh mong được các du khách ủng hộ bằng cách giới thiệu. Anh nhắc lại với du khách, tên công ty của anh là Crowded House Tours, thuộc Association of Turkish Travel Agencies.

Vẫn chiếc xe bus cũ nhưng tài xế mới. Giữa đường, xe dừng cho chúng tôi ăn tối tự túc và sau đó về đến thành phố Istanbul khoảng gần 11 giờ đêm. Mọi người đều được xe đưa tận khách sạn, riêng khách sạn chúng tôi nằm trên đường Astiklal, tài xế nói không lái xe vào được, chịu khó đi bộ.

Xe đậu ở quảng trường Taksim Square, chúng tôi có dịp ngắm quảng trường này về đêm và lần đầu tiên đi bộ từ đoạn đường này về khách sạn.

Chen chúc giữa rừng người trên con đường nổi tiếng nhất Istanbul, chúng tôi không thấy mệt. Đó là ngày thứ ba ở Istanbul. Chúng tôi còn hơn 2 ngày nữa để nghỉ ngơi, thư giãn, thăm viếng, mua sắm trước khi bay sang đảo quốc Cyprus.

Mời bạn đọc theo dõi mục bút ký du lịch trong kỳ tới.

Nguyễn Hồng-Anh
Melbourne 2.11.2019