Từ Đài Loan tới Nam Hàn – Kỳ 4

03 Tháng Sáu, 2009 | Đài Loan & Nam Hàn
Đài Bắc chụp từ tháp Taipei 101: xa xa là sông Đạm Thủy và dãy núi bọc quanh thành phố

Nguyễn Hồng-Anh

***

Từ Hán Thành qua Đài Bắc mất khoảng hai tiếng rưỡi bay.  Chúng tôi tới phi trường quốc tế CKS (Chiang Kai-shek, tức Tưởng Giới Thạch)  của Đài Loan vào khoảng 1 giờ rưỡi trưa. Mất khoảng 30 phút làm thủ tục di trú và một tiếng đi xe (van) là chúng tôi tới khách sạn Holiday Inn.

Nhờ nghỉ qua đêm ở Nam Hàn, chúng tôi tới Đài Loan mà cảm thấy như  bay từ thành phố Melbourne lên Brisbane: rất thoải mái. Vì thế sau khi vừa cất vali vào phòng trọ, chúng tôi xuống phòng tiếp tân khách sạn, xin cái bản đồ thành phố Đài Bắc và hỏi đường tới  tháp Taipei 101.

Ngày đầu tiên: tham quan tòa nhà cao nhất thế giới

Khách sạn có xe shuttle bus đưa đón miễn phí nhưng vì hụt một chuyến nên chúng tôi ra trạm xe bus trước mặt khách sạn để tập làm quen với việc di chuyển bằng phương tiện công cộng. Đi xe bus số 912, tiền vé $15 Taiwan Dollars (khoảng 70 xu Úc). Khách sạn cách cao ốc Taipei 101 khoảng 5, 6 cây số đường chim bay, đi xe mất khoảng 10 phút.

Dừng chân ở Đài Loan 4 ngày trong đó có hẹn với ông anh họ sẽ đi thăm thú quận Đào Viên một ngày (nhưng sau đó mất gần hai ngày),  chúng tôi phải tận dụng thời gian để có thể thăm viếng một số danh lam thắng cảnh của thủ đô Đài Bắc.

Không có người hướng dẫn, chẳng ghi danh đi tour với các đại lý du lịch ở thành phố hay với khách sạn, chúng tôi tự kiếm đường, mò mẫm và lúc nào cũng  trong tư thế…  “ngày đi không đủ tranh thủ đi về đêm”.

Xe chạy qua hầm núi ngăn cách khu Shankeng Shiang của khách sạn  thuộc Quận Đài Bắc (Taipei County) và Thành phố Đài Bắc (Taipei City) và khi ra khỏi hầm là bạn đã vào thành phố.

Chừng vài phút sau, bạn có thể thấy tòa nhà chọc trời đã nhìn thấy đâu đó trên báo chí đang lừng lững trước mặt. Bạn có thể nhảy xuống một trạm gần đó hoặc muốn chắc ăn, cứ hỏi bừa bác tài xế hay bất cứ hành khách nào trong xe. Bảo đảm người ta sẽ hiểu ý bạn khi bạn chỉ vào tháp 101 Tower và cửa xe.

Người Đài Bắc bình thường không biết nhiều tiếng Anh hoặc chẳng biết gì cả. Vì thế  phải dùng ngôn ngữ bằng tay. Thử tưởng tượng bạn là người ngoại quốc đến Quận Tân Bình ở Sài Gòn và hỏi người trên đường chỉ cách làm thế nào để tới Nhà Thờ Đức Bà.

Chuyến đi xe bus đầu tiên của chúng tôi diễn ra rất tốt đẹp, chỉ khi trở về chúng tôi bơ vơ một mình giữa rừng lúc đã quá 11 giờ đêm, mà chúng tôi sẽ kể sau.

Tôi bị chứng sợ cao khi mới bắt đầu lên ở chỗ cao, khi máy bay mới cất cánh nhưng lại thích ở nơi cao (lầu cao nhất khách sạn) và đến thành phố nào thì phải tham quan tòa nhà hay tháp cao nhất của thành phố đó. Nên bạn đọc sẽ không lấy làm lạ vì vừa đặt chân xuống Đài Loan là chúng tôi đi ngay tới tháp Taipei 101.

Không bao lâu nữa, có thể vào cuối năm nay, thành phố Dubai của tiểu vương quốc dầu hỏa United Arab Emirates (UAE) sẽ là nơi có tòa nhà cao nhất thế giới khi tháp Burj Dubai được hoàn tất. Tháp đã được khởi công vào năm 2004 ngay khi tháp Taipei 101 được chính thức công nhận là tòa nhà cao nhất thế giới với chiều cao 508 mét.

Tháp Burj Dubai với 162 tầng và cao 818 mét, sẽ là tòa nhà cao nhất thế giới trong một thời gian dài vì không có nước nào (khùng và ngông) để tính chuyện phá kỷ lục, ngoại trừ công ty xây cất Nakheel đang dự trù trong 10 năm nữa sẽ xây xong một cái tháp cao 1,000 mét trên 200 tầng cũng tại thành phố Dubai để đánh bại tháp Burj Dubai. Lúc đó trên trái đất này vĩnh viễn không còn ai nghĩ tới việc xây một cái tháp khác cao hơn nữa?

Đó là chuyện của tương lai. Nhưng hôm nay người viết mời bạn cùng đi tham quan cái tháp hiện vẫn được xem cao nhất thế giới: Taipei 101 như  được biết trên thế giới,  hay 101 Tower danh xưng được gọi tại Đài Loan. Vé vào cửa để lên lầu vọng cảnh : $400 Đài kim (khoảng $19 Úc kim).

Được gọi là  Taipei 101 hay 101 Tower bởi vì đây là tòa nhà có 101 tầng (101 tầng nổi trên mặt đất và 5 tầng hầm) và nằm ở mã số bưu điện 101 thuộc quận Xinyi, thành phố Taipei.

Taipei 101 là một kiến trúc tân thời nhưng đượm nét Á Châu được vẽ kiểu bởi kiến trúc sư người Hoa C.Y. Lee. Xây từ năm 1999 và hoàn tất năm 2004, đây là tòa nhà cao nhất thế giới cho đến ngày chúng tôi đến tham quan.

Chiều cao chính thức được ghi tại lầu vọng cảnh Taipei 101 là 508m nhưng có những tài liệu khác ghi là 509.2m. Đây là cái tháp đầu tiên vượt quá chiều cao nửa cây số!

Kiến trúc được xem là cái mốc (landmark) của Đài Bắc, đạt 3 danh hiệu số 1 thế giới vào năm 2004:

– Cao ốc cao nhất với 508m

– Mái nhà cao nhất với 448m

– Nơi có thể ở được cao nhất với 438m.

Tháp có hai thang máy với tốc độ nhanh nhất thế giới: 16.83m/giây.

Một trong những nét đặc biệt khác của tháp này là ở trên tháp có đặt một cái  a-mọt-tít-xơ (tuned mass damper, con lắc, bộ phận giảm xốc, chống rung) lớn nhất thế giới có đường kính 5.5m và nặng 660 tấn. Cái khối sắt màu vàng trông như quả lắc là cái wind damper duy nhất để lộ ra ngoài để du khách có thể đi chung quanh mà ngắm.

Super Big Wind Damper trên tháp Taipei 101

Tháp Taipei có đồng hồ đếm ngược (countdown clock) lớn nhất thế giới được dùng vào dịp đón giao thừa, là nơi đốt pháo bông đẹp tuyệt vời nhờ hình dáng thân tháp giống như các chậu hoa chồng lên nhau hay như  thân tre, tùy sự tưởng tượng của bạn.

Taipei 101 còn được xem như là một đồng hồ mặt trời (sundial) cao nhất thế giới.

Nói về chiều cao, theo các dữ kiện được trình bày trên lầu vọng cảnh Taipei 101 mà tôi thấy và ghi lại sau đây thì  ngoài tháp Taipei 101, các tòa nhà cao nhất trong TOP 10 gồm:

2 – Shanghai World Financial Center, ở Thượng Hải, Trung Hoa. 101 tầng, cao 492m, xây xong năm 2008.

3 – Petronas Twin Towers ở Kuala Lumpur, Mã Lai.  88 tầng, cao 452m, xây xong năm 1998.

4 – Sears Tower ở Chicago, Hoa Kỳ. 110 tầng, cao 442m, xây xong năm 1974.

5 – Jin Mao Building ở Thượng Hải, Trung Hoa. 88 tầng, cao 421m, xây xong năm 1999.

6 – Two International Finance Centre (Two IFC) ở Hồng Kông. 88 tầng, cao 415m, xây xong năm 2003.

7 – CITIC Plaza ở Quảng Châu, Trung Hoa. 80 tầng, cao 391m, xây xong năm 1997.

8 – Shun Hing Square ở Thẩm Quyến, Trung Hoa. 68 tầng, cao 384m, xây xong năm 1996.

9 – Empire State Building ở Nữu Ước, Hoa Kỳ. 102 tầng, cao 381m, xây xong năm 1931.

10 – Central Plaza ở Hồng Kông. 78 tầng, cao 374m, xây xong năm 1992.

Cũng nên biết rằng tòa nhà cao nhất ở Úc và nam bán cầu là Eureka Tower ở Melbourne có 91 tầng, cao 300m xây xong năm 2006 được xem là tòa nhà dành cho cư dân ở (residential) cao nhất thế giới.

Tuy nhiên sau đó tòa nhà Q1 ở Gold Coast được phong (và tự phong) là tòa nhà cư dân cao nhất thế giới dù chỉ có 78 tầng, mái cao 275 mét, nhưng nhờ có gắn cột ăng-ten nên cao đến 323m. Chủ nhân của Eureka Tower dự tính sẽ gắn thêm cái tháp viễn thông 50m để qua mặt Q1, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện.

Chuyện dành nhau cái danh hiệu cao thấp thường gây nhiều tranh cãi, vì có người tính chiều cao theo tầng lầu trú ngụ, căn cứ vào mái nhà hay tính luôn chiều cao ngọn tháp (spire).

* * *

Tháp Taipei 101 được xây với kỹ thuật hiện đại để có thể chịu đựng bão tố và động đất thường xảy ra ở Đài Bắc. Anh họ của tôi ở Đài Bắc cho hay khi đang xây tháp, có xảy ra một trận động đất làm cần cẩu rơi xuống đất khiến một người thiệt mạng. Thế cũng là may mắn lắm đấy.

Taipei 101 được thiết kế dựa theo phong thủy, từ vị trí giữa trung tâm của thành phố cho đến việc chọn màu, số tầng (101 mang ý nghĩa toán học, thời gian…). Trong phức hợp này có  nhiều biểu tượng mang số 8, con số được người Hoa xem là may mắn.

Những dấu hiệu Ruyi (như ý) trước cửa vào tháp hay ở những nơi khác trong cao ốc đều có chiều cao 8 mét. Thân tháp giống hình thân cây tre mà khoảng cách giữa các đốt tre là 8 tầng lầu. Tất cả kiến trúc là sự hài hòa giữa trời và đất  dựa tối đa vào phong thủy.

Mặt tiền tháp Taipei 101 với những dấu hiệu Ruyi (như ý) ở giữa và trên góc phải bức hình

Lầu vọng cảnh ở tầng 89. Có máy audio bằng một số ngôn ngữ như Pháp, Anh, Tây Ban Nha, Đức, Trung Hoa để giới thiệu khách về những khu vực thành phố nằm dưới chân khi khách đi chung quanh tháp quan sát.

Có nơi chụp hình kỷ niệm với kỹ thuật digital tạo những bức hình khách và bạn bè người thân đang trèo hay bay quanh cái tháp cao nhất thế giới này. Muốn ra bên ngoài xem để thở không khí cách mặt đất trên 400m, bạn đi bộ lên tầng 91. Trở về để lấy thang máy đi xuống, bạn sẽ đi qua tầng lầu bán đồ lưu niệm, triển lãm những sản phẩm tiểu công nghệ độc đáo của Đài Loan và Trung Hoa.

Người viết đã có dịp đứng trên tháp Taipei 101 quan sát cả tiếng đồng hồ thành phố dưới chân;  đi xe trên một số đại lộ, xa lộ ngoại biên thành phố quan sát cái tháp nổi trội giữa thành phố.  Lại còn đứng trước mặt tiền Dinh Tổng Thống, nhìn đại lộ chạy ngút ngàn giữa lòng thành phố và khuất cuối đường chân trời nơi có tháp Taipei 101 trấn giữ, cách Dinh Tổng Thống chừng 5 cây số đường chim bay.

Taipei 101 là một phức hợp lớn, chiếm cả một khu phố (block). Những tầng dưới dành cho các cửa hàng bách hóa, các tiệm ăn;  các lầu cao là các văn phòng công ty. Về đêm, sinh hoạt ở tầng trệt, các hành lang, các mall, đường đi dạo rực ánh đèn màu như ngày hội, lễ giáng sinh với những quán cà phê, quán nhạc, trò chơi, biểu diễn lộ thiên thật vui nhộn.

Ở  Đài Bắc chỉ 4 đêm nhưng nhờ lên tháp Taipei 101 để quan sát, tôi có một ý niệm về thành phố này, nhờ đó mà có thể dành ưu tiên cho những nơi nào cần đi xem.

Lạc giữa rừng khuya

Nhìn vào bản đồ thành phố Đài Bắc, và tính theo quãng đường xe điện (ở Đài Bắc gọi xe điện là MRT) bạn có thể thấy rằng thành phố có chiều dọc dài chừng 20 cây số và chiều ngang chừng 15 cây số. Nhưng trung tâm thành phố (downtown hay CBD)  thì có thể nói rằng mỗi bề dài chừng 6, 7 cây số.

Trong thành phố có 2 đường xe điện chính.

– Bắc-Nam: từ Danshui xuống Xindian. Tại đây, có đường metro ngắn nối vào, đi từ Guting (đại học Taiwan Normal University) xuống trạm Nanshijiao (Xingnan Night Market)

– Đông sang Tây: từ Nangang qua Yongning. Tại đây có một đường xe điện cắt ngang, đi từ nam lên bắc, tức từ sở thú Taipei Zoo nối vào đường xe điện đông tây ở trạm Zhongxiao Fuxing, rồi chạy lên phía bắc ngừng ở trạm Zhongshan Junior High School. Khách sạn Holiday Inn chúng tôi trú ngụ cách Sở thú Taipei hơn 1 cây số.

Chúng tôi chỉ lên phố ba lần và cả ba lần đều dùng xe bus vì không muốn mất thì giờ đi xe bus tới trạm xe điện Taipei Zoo để lấy xe điện lên phố. Trừ phi từ phố mà muốn đi sở thú, dùng xe metro là tiện nhất.

Có thể nói đường xe điện từ đông sang tây nằm trên những khu phố chính của Đài Loan.  Gần tháp Taipei 101 ở phía bắc là trạm xe điện Taipei City Hall (Trạm xe lửa Thành phố Taipei). Từ đây đi lần qua phía tây, bạn sẽ gặp các trạm xe điện S.Y.S. Memorial Hall (tức Đài tưởng niệm Tôn Dật Tiên), trạm Zhongxiao Dunhua, Zhongxiao Fuxing, Zhongxiao Xinsheng, Shandao Temple,  và trạm Taipei Main Station (trạm xe lửa/xe điện trung ương Đài Bắc).

Đi thêm một trạm xe nữa về phía nam, bạn sẽ gặp trạm Ximen một khu phố sầm uất gần Dinh Tổng Thống. Thêm một trạm nữa bạn sẽ đến trạm Longshan Temple là nơi có đền Longshan, một đền mà khách tứ phương tới khấn vái, xin xâm tấp nập cả trong ngày thường như  Lăng Ông (Lê Văn Duyệt) ở Gia Định.

Từ trạm Ximen hoặc trạm Longshen Temple, bạn có thể đi bộ gần một cây số là ra bờ sông Đạm Thủy (Danshui River) của thành phố.

Nếu bạn mướn khách sạn trên khoảng đường từ trạm xe điện Taipei City Hall tới Taipei Main Station, bạn đang ở ngay giữa lòng thành phố đấy.

Tên đường trong thành phố Đài Bắc dĩ nhiên là tên bằng tiếng Tàu, được viết bằng chữ  La-tinh như tên các trạm xe điện vừa nói. Nhưng bên cạnh tên tiếng Tàu, các con đường còn được đặt tên với những con số giống như đường sá ở New York, Hoa Kỳ.

Những con đường nằm dọc được gọi là Avenue như 4th Avenue, 5th Avenue và những con đường nằm ngang được gọi là Boulevard  như 2nd Blvd, 3rd Blvd… Thú thật với bạn, ở trong thành phố Taipei này chưa tới hai ba ngày, tôi chưa nắm vững đường xá cho lắm.

Thế mà ngày đầu tiên, sau khi tham quan tháp Taipei 101, ăn tối trong khu vực này và làm một lon bia, chúng tôi đón xe bus 912 để trở về khách sạn.

Một khu vực ăn uống trên các tầng lầu của Taipei 101

Trước trạm gần Tháp Taipei 101, các xe bus liên tục ghé vào  nhưng đợi xe bus số 912 cũng phải trên nửa tiếng. Chúng tôi không dùng xe taxi mặc dù nghe nói chỉ tốn khoảng từ  $200 đến $250 Đài kim  để về khách sạn.  Vì  ngoài chuyện tiết kiệm, dùng phương tiện công cộng sẽ giúp cho chúng tôi hiểu biết nơi chúng tôi tham quan hơn, nhất là sẽ gặp những cảnh bất ngờ khi tìm đường.

Khi lên xe bus, thấy không còn chỗ trống nên chúng tôi ngồi ở ghế sau cùng. Vì ngồi trên ghế cao và cuối xe nên hơi khó trong việc nhận diện đường xá. Chúng tôi nhớ rằng khi xe chạy qua khỏi đường hầm thì sẽ đến vùng của khách sạn. Nhưng do ngồi chỗ khuất và trời ban tối, lại là ngày đầu tiên ở Đài Bắc nên xe qua hầm hồi nào mà chúng tôi không biết.

Hồi chiều, từ khách sạn lên phố chỉ mất 10 phút. Nay đã hơn 10 phút rồi mà chúng tôi vẫn chưa thấy xe vào hầm hay ra khỏi hầm! Xe chạy rồi xe dừng. Thấy hành khách đã thưa dần, chúng tôi kiến chỗ thấp để ngồi, rồi tới gần ông tài xế để quan sát.

Xe chạy đã hơn nửa tiếng,  càng về lâu đường càng vắng, như  đang chạy sâu vào trong rừng. Hai bên không còn ánh đèn đường nữa. Trên xe chỉ còn hai vợ chồng chúng tôi.

Đến một chỗ khá hẻo lánh  mà chúng tôi nghĩ là trạm cuối, tài xế dừng xe bảo chúng tôi xuống. Ông ta nói tiếng Tàu,  tôi vừa nói tiếng Anh vừa làm dấu hiệu, giải thích chúng tôi muốn ngồi trên đợi xe chạy ngược lại chỗ cũ. Nhưng bác tài bảo chúng tôi bỏ tiền vào thùng đựng tiền và yêu cầu chúng tôi xuống xe. Bác không cho tôi giải thích hay hỏi han gì thêm vì ngôn ngữ bất đồng. Rồi bác tài lái xe chạy mất hút trong đêm tối.

Tôi từng đi du lịch nhiều nơi nhưng chưa bao giờ bối rối và hơi lo như lần này vì trời đã khuya. Làm sao trở về khách sạn đây khi những người chung quanh đây không nói tiếng Anh?

Có vài chiếc xe đậu trên đường trong đó có chiếc xe taxi nhưng chẳng có người. Thấy có một tiệm tạp hóa còn để đèn (trông có vẻ giống 7-Eleven) có cặp thanh niên nam nữ trẻ đang đứng bán hay sắp đóng cửa vì tiệm không có khách, chúng tôi chạy vào hỏi và cho họ biết chúng tôi là du khách lạc đường. Tôi lấy địa chỉ và tên khách sạn cho họ xem, nhờ họ kêu taxi giúp.

May thay hai người này nói được chút tiếng Anh. Đại khái chúng tôi hiểu rằng cứ ra trạm xe đợi xe bus số  660  vì xe 912 không còn chạy lúc này nữa.

Chúng tôi không biết xe 660 có chạy tới khách sạn Holiday Inn không nhưng đi đâu cũng được, miễn ra khỏi khu vực hoang vắng như  trong rừng sâu không đèn điện này.

Chừng vài phút sau xe bus 660 sà tới, chúng tôi nhảy lên xe, cầm tờ giấy có hình và tên khách sạn nói với bác tài xế chúng tôi muốn tới đó nhưng bác tài lắc đầu vì không hiểu. Một bà hành khách ngồi cạnh nói gì đó với bác tài rồi bảo tôi đưa tờ giấy cho bà. Bà đọc tên khách sạn bằng tiếng Anh rồi chỉ vào người bà, tôi hiểu đại ý bà cũng sẽ tới khu vực đó. Và quả đúng như vậy.

Chúng tôi bị một phen hú vía vì tai nạn đi lộn đường trong ngày đầu tiên ở xứ lạ. Những ngày sau, khi đi chơi về đêm bằng phương tiện công cộng, chúng tôi không còn dám đi xa thành phố và thận trọng trong việc quan sát đường sá hai bên, bởi vì khách sạn Holiday Inn nằm ở ngoại ô, thuộc khu rừng núi, ban ngày rất đẹp nhưng ban đêm thật khó tìm đường (còn tiếp).